Banner Chuyến Bay Hồi Hương
Banner Movi
Sóc Trăng

Bánh pía đặc sản Sóc Trăng, khúc biến tấu ngọt ngào từ sầu riêng

Thứ hai, 16/12/2019, 09:55 GMT+7
Có dịp về miền Tây du lịch, bạn sẽ bắt gặp ven đường Quốc lộ 1A bán rất nhiều bánh pía – món đặc sản nổi tiếng của người dân Sóc Trăng. 
test

Nguồn gốc của bánh pía 

Tương truyền, bánh pía đã có mặt ở Sóc Trăng từ thế kỷ 17, do người dân Triều Châu (Trung Quốc) di cư và mang sang Việt Nam. Tuy nhiên, trong quá trình hòa hợp với ẩm thực người Việt, món bánh này đã dần dần có sự thay đổi đôi chút về nguyên liệu, công thức chế biến.

Rồi chẳng biết tự khi nào, món ăn này đã được biến tấu để phù hợp hơn với khẩu vị người Nam Bộ, trở thành đặc sản miền Tây nói chung và đặc sản trứ danh của vùng đất Sóc Trăng nói riêng.
 

bánh pía
Bánh pía Sóc Trăng là món ăn có lịch sử 400 năm của người miền Tây. Ảnh: _thefoodcouple_

Những làng nghề làm bánh pía ở Sóc Trăng được hình thành từ rất sớm, nổi tiếng nhất là vùng Vũng Thơm. Dần dần, món bánh hảo hạng này có mặt ở nhiều nơi hơn, mở rộng diện tích sản xuất, trở thành thức quà vặt nổi tiếng mà người địa phương cũng mê, du khách phương xa cũng thích. 
 

bánh pía
Loại bánh này còn có tên gọi "bánh trung thu của miền Tây". Ảnh: banhpiatrulyvietnam

Với người dân Đồng bằng sông Cửu Long, loại bánh này được ưu ái gọi là “bánh trung thu của người Miền Tây” vì hình dáng chiếc bánh tròn, nhân bánh lại có phần giống với món trung thu truyền thống. Tuy nhiên, về cách chế biến cũng như các loại nguyên liệu, món bánh pía Sóc Trăng có nhiều điểm khác biệt. 


Vị ngon khó cưỡng của bánh pía Miền Tây

Không phải ngẫu nhiên mà loại bánh này trở thành đặc sản miền Tây và được bày bán rất nhiều ở các trạm dừng chân hay dọc hai bên đường quốc lộ 1A. Bánh có vị ngọt béo đặc trưng của ẩm thực Nam Bộ, có sự tinh tế cầu kỳ mang hơi hướng ẩm thực Trung Hoa. Tất cả hòa quyện vào nhau, tạo nên một món ăn vừa dân dã, vừa sang trọng. 
Trước kia, bánh pía được chế biến từ đậu xanh, củ cải muối và mỡ heo. Tuy nhiên này nay, hầu hết các loại bánh pía đều là bánh nhân ngọt và có thêm trứng muối bên trong. Và một chiếc bánh cơ bản thường gồm 3 lớp: vỏ bánh, nhân và trong cùng là trứng muối. 
 

bánh pía
Loại bánh này có nhân được làm từ đậu xanh, khoai môn, sầu riêng và trứng muối. Ảnh: tamanfood.vn

Với người quen ăn ngọt, bánh pía Sóc Trăng là “món ruột” nhờ vị béo ngọt của nước cốt dừa, đậu xanh, sầu riêng cùng chút bùi bùi của nhân trứng muối. Còn với du khách ở các vùng khác không thích ăn ngọt, bánh pía là món ăn khá đậm đà, khi ăn cần kết hợp với ly trà nóng để trung hòa hương vị và đỡ bị ngán. 
 

bánh pía
Lớp vỏ bánh được làm từ bột mì, gồm nhiều lớp mỏng xếp chồng lên nhau. Ảnh: topvietnam.info

Với người dân Sóc Trăng, chiếc bánh đạt chuẩn phải có lớp vỏ bên ngoài mềm, không bị nát. Và phần vỏ này thường là 3 – 4 lớp mỏng chồng lên nhau, có thể dùng tay để gỡ từng lớp vỏ ra. Phần nhân bánh thường được làm từ các nguyên liệu như sầu riêng, khoai môn, đậu xanh,… nhưng phải đảm bảo nhân mềm vừa, không bị khô hoặc cứng. Phần trứng muối có độ mặn vừa phải, không được quá mặn vì sẽ lấn át vị ngọt của món ăn. 
 

bánh pía
Cách làm bánh không quá khó nhưng đòi hỏi sự công phu, tỉ mỉ. Ảnh: banhpiatrulyvietnam

Nhờ những tiêu chuẩn khắt khe này mà món bánh pía có hương vị đặc trưng, khó bị lẫn lộn với nhiều loại bánh khác. Cắn một miếng bánh, bạn sẽ thấy bột mì mềm và tan dần trong miệng. Sau đó là vị ngọt của đậu xanh, sầu riêng rồi đến vị béo của lòng đỏ trứng muối. Vì đây là một món ngọt nên khi ăn, bạn có thể sẽ cần uống thêm một tách trà gừng để đỡ cảm giác ngán. Ngoài ra, bánh pía cũng là thức ăn vặt nên mỗi người chỉ cần ăn 1 – 2 miếng là đã thấy ngon và cảm nhận trọn vẹn hương vị của bánh. 
 


Cách chế biến bánh pía

Để cho ra đời một chiếc bánh ngon, người ta phải chuẩn bị rất tỉ mỉ các nguyên liệu cũng như thực hiện qua nhiều công đoạn khác nhau. Vỏ bánh gồm hai nguyên liệu chính là bột mì và đường cát trắng trộn đều. Sau đó, thợ làm bánh sẽ cán mỏng để cho lớp bột xếp chồng lên, tạo nhiều lớp.
 

bánh pía
Bánh pía Tân Huê Viên là một trong những thương hiệu nổi tiếng ở Sóc Trăng. Ảnh: voso.vn


Nhân bánh pía thường làm từ khoai môn, đậu xanh, trứng muối và thêm ít mỡ heo để tạo độ béo. Đậu xanh và khoai môn sau khi rửa sạch được mang đi hấp chín rồi tiếp tục tán nhuyễn để xào cùng đường và sầu riêng. Tỷ lệ các nguyên liệu do người thợ quyết định để bánh chín có hương vị thơm ngon nhất.

Ở giai đoạn này, người ta có thể cho thêm một ít mỡ heo để nhân bánh được béo hơn. Phần nhân bánh sau khi xào chín và để nguội sẽ được mang bọc xung quanh lòng đỏ trứng muối. 
 

bánh pía
Bánh pía khi nướng chính có màu vàng và được in thêm họa tiết độc đáo trên mặt. Ảnh: anvat.ngonlamco

Bước cuối cùng là cho nhân bánh lên lớp bột mì để cán và cuộn lại nhiều lớp trước khi cho vào lò nướng. Một chiếc bánh pía Sóc Trăng ngon khi chín sẽ có lớp vỏ màu vàng nhạt, hương thơm lừng mùi sầu riêng hấp dẫn. 


Những thương hiệu bánh pía nức tiếng Sóc Trăng 

Với lịch sử hình thành và phát triển gần 400 năm, món bánh pía đặc sản miền Tây ngày càng có nhiều thương hiệu, làng nghề ra đời. Nổi tiếng nhất là những thương hiệu như Tân Huê Viên, Tân Hưng, Công Lập Thành, Thiên Sa,… Đây đều là những thương hiệu lớn, có nhà máy chế biến, có cơ sở trưng bày và phân phối bánh rộng khắp miền Tây và TP.HCM. 
 

bánh píaBánh pía thơm ngon được du khách gần xa yêu thích, chọn mua về làm quà khi du lịch miền Tây. Ảnh: yu.xiang97
 
Mỗi thương hiệu bánh sẽ có những đặc trưng riêng cùng nhiều loại bánh khác nhau. Ngoài loại bánh nhân khoai môn, đậu xanh, sầu riêng và trứng muối truyền thống, bánh pía Sóc Trăng hiện nay được biến tấu thành nhiều loại khác nhau như bánh chay, bánh ít đường cho bạn lựa chọn. 

Giá cả và trọng lượng các loại bánh pía Sóc Trăng cũng vô cùng đa dạng, dao động từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng/bịch bánh. Bạn có thể tìm mua bánh của các thương hiệu bánh tại cơ sở sản xuất ở Sóc Trăng. Ngoài ra, để thuận tiện hơn, bạn cũng có thể mua ở các cửa hàng quà bánh lưu niệm dọc đường quốc lộ 1A. 
 
bánh píaCó dịp về miền Tây, bạn đừng quên thưởng thức món bánh pía nổi tiếng. Ảnh: linheun

Du lịch miền Tây đừng bỏ lỡ cơ hội thưởng thức những món đặc sản thơm ngon và có thể mua về làm quà và thưởng thức. Trong đó, món bánh pía với lịch sử hàng trăm năm chính là món ăn ngon, thấm đượm hương vị đặc trưng của người dân miệt đồng bằng sông nước. 
 

Ngọc Anh (tổng hợp) - dulichvietnam.com.vn

Theo Báo Thể Thao Việt Nam
quảng cáo
close
icom
Bình luận
Ý kiến bạn đọc