Trạm Tấu Yên Bái có lẽ không phải cái tên xa lạ trên bản đồ du lịch xứ Tây Bắc. Tuy nhiên, một điểm đặc biệt là nơi đây vẫn giữ được vẻ bình dị, hoang sơ vốn có. Cùng theo chân Du lịch Việt Nam khám phá huyện sơn cước đầy thú vị này nào.
>>Xem thêm: ‘Bỏ túi’ cẩm nang du lịch Yên Bái dành cho team mê khám phá Tây Bắc
Trạm Tấu là một huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái với thời tiết mát mẻ quanh năm. Tại Trạm Tấu có hai đỉnh núi cao nhất là đỉnh Tà Chì Nhù cao 2.979m và Tà Xùa cao 2.875m so với mực nước biển. Huyện này cách trung tâm TP Yên Bái hơn 110km và cách Hà Nội 232km.
Theo kinh nghiệm đi Yên Bái, do địa hình Trạm Tấu mang đặc trưng của vùng núi nên khá khúc khuỷu, quanh co với nhiều khúc cua. Do đó, việc di chuyển lên Trạm Tấu sẽ tốn khá nhiều thời gian, thích hợp cho chuyến đi 3 ngày 2 đêm.
Tuy nhiên, đường đã được trải bê tông nên việc đi lại tương đối thuận lợi và đặc biệt dù quãng đường xa nhưng cảnh sắc thiên nhiên nơi đây không khiến các du khách chùn bước.
Nếu xuất phát từ TP Yên Bái, với 117km bạn sẽ mất hơn 3 tiếng di chuyển. Khách du lịch cứ đi theo tuyến đường Hợp Minh – Vần, Hợp Minh – Mỵ đến ngã ba thì rẽ trái vào Quốc lộ 37 rồi đi tiếp Quốc lộ 32 đến ngã ba thị xã Nghĩa Lộ bạn đi theo đường DT174 là tới. Du khách có thể đi theo google maps hoặc hỏi đường người dân đều được.
Còn khởi hành từ Hà Nội, khách du lịch Trạm Tấu Yên Bái nên chọn xe khách bởi quãng đường xa, nếu không vững tay lái sẽ khá nguy hiểm và tốn sức. Bạn có thể chọn đi xe đêm từ đêm hôm trước, đến Trạm Tấu vào sáng sớm hôm sau.
Các xe khách đi Trạm Tấu gợi ý cho bạn như xe Thảo Nguyên, xe Dũng Thảo, xe Mười Hoa, xe Hà Phượng... Giá vé dao động từ 120.000 đồng/người tùy loại xe. Nếu thích phượt, bạn có thể đi xe tới TP Yên Bái sau đó nghỉ ngơi và xuất phát từ đây, quãng đường sẽ được rút ngắn đi đáng kể.
Với các vị khách ở xa như miền Trung hay miền Nam, cách nhanh nhất vẫn là di chuyển máy bay. Tuy nhiên, do Yên Bái chưa có sân bay nên bạn chọn hạ cánh tại sân bay Nội Bài (Hà Nội) sau đó bắt đầu hành trình theo gợi ý như trên để tới Trạm Tấu.
Nhắc tới du lịch Yên Bái, người ta sẽ nghĩ ngay tới Mù Cang Chải tươi đẹp. Tuy nhiên, tỉnh miền núi này không chỉ có vậy, Trạm Tấu cũng là một điểm đến với rất nhiều trải nghiệm hấp dẫn dưới đây.
Địa chỉ: Khu 5, Thị trấn Trạm Tấu, Huyện Trạm Tấu
Trạm Tấu Yên Bái có suối khoáng nóng 100% tự nhiên, dồi dào, được mệnh danh là Bali thu nhỏ của vùng núi Tây Bắc. Tới suối khoáng nóng Trạm Tấu, bạn không chỉ được tận hưởng thời gian nghỉ dưỡng tuyệt vời bên người thân mà còn được chiêm ngưỡng cảnh thiên nhiên tuyệt vời của miền sơn cước.
Nước khoáng nóng ở Trạm Tấu lúc nào cũng được duy trì ở nhiệt độ 43-45 độ C, vừa đủ để du khách ngâm mình, xóa tan mệt mỏi. Nguồn khoáng nóng sạch sẽ, dồi dào từ lòng đất, mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe, đặc biệt những ai mắc các bệnh về xương khớp, huyết áp, tim mạch, muốn phục hồi sức khỏe...
Suối khoáng nóng Trạm Tấu có bể tắm lộ thiên ngoài trời, bao quanh bởi núi đồi xanh mướt cùng ruộng bậc thang hùng vĩ. Cảm giác vừa được ngâm mình trong làn nước trong lành, vừa được ngắm nhìn cảnh sắc thiên nhiên xung quanh thì còn gì bằng.
Không chỉ phục vụ các du khách vui chơi trong ngày, tại khu du lịch khoáng nóng này còn có dịch vụ lưu trú qua đêm với chi phí từ 400.000 – 700.000 đồng/phòng, nhà sàn tập thể giá rẻ hơn là 200.000 đồng/người.
Tại suối khoáng nóng Trạm Tấu còn có khu nhà hàng, phục vụ ăn uống với các món đặc sản vùng núi cho bạn chuyến nghỉ dưỡng trọn vẹn từ A-Z. Với những nhóm khách có cả người cao tuổi thì khu du lịch này chính là điểm đến không thể tuyệt vời hơn đấy.
Bản Cu Vai là một bản làng nhỏ thuộc xã Xà Hồ, cách trung tâm huyện Trạm Tấu Yên Bái chỉ 18km. Nằm trên đỉnh núi, quanh năm mây mù bao phủ, bản Cu Vai như nơi tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài.
Đường lên bản Cu Vai rất hiểm trở, có những đoạn đường mòn nhỏ sỏi đá nằm ngổn ngang, gồ ghề và những con dốc ngoằn ngoèo uốn lượn quanh sườn núi. Nhìn từ dưới lên, không ngoa khi nói cung đường lên Cu Vai như một con trăn khổng lồ nằm hiên ngang giữa núi đồi.
Sau chặng đường gian truân ấy, phần thưởng cho các lữ khách phương xa chính là khung cảnh đẹp như tranh vẽ với mây trắng bồng bềnh ôm lấy bản làng nhỏ nhắn, thấp thoáng phía dưới là con đường mòn ngoằn ngoèo, các thửa ruộng bậc thang tầng tầng lớp lớp, lác đác người nông dân đang cày cấy... Thiên nhiên bản Cu Vai thật hùng vĩ mà chẳng kém phần nên thơ, mê hoặc lòng người.
Cu Vai trong tiếng Thái có nghĩa là mây vắt ngang trời, là địa điểm săn mây siêu lý tưởng cho khách du lịch Yên Bái. Nhìn từ trên bản, biển mây cuồn cuộn trắng xóa khiến bạn như đang lơ lửng giữa bầu trời, cảm giác chỉ cần đưa tay lên là có thể vén mây mang về.
Cuộc sống hàng ngày của bà con bản Cu Vai trôi qua quá đỗi bình yên, như không còn bon chen muộn phiền. Tại bản, nhà chủ yếu được xây dựng theo phong cách người Mông, nhỏ nhắn, san sát nhau. Trước mỗi nhà là gốc đào rừng, vào mỗi mùa xuân lại cho hoa sắc hồng rực rỡ.
Dạo bố trên con đường đất của bản làng, lắng nghe tiếng trẻ con chơi đùa vô tư hồn nhiên, ngắm những khóm hoa và âm thanh núi rừng, tâm hồn bỗng bình yên đến lạ. Có thể nói, đến với Cu Vai, là đến với một vẻ đẹp chân thật và bình dị nhất.
Ai đam mê khám phá, trekking Tây Bắc mà chẳng từng nghe danh núi Tà Chì Nhù Trạm Tấu. Đây là ngọn núi cao 2979m so với mực nước biển, được ví như nóc nhà Yên Bái và thuộc Top 7 những ngọn núi cao nhất nước ta.
Chỉ nghe đến đây thôi cũng đủ thôi thúc bước chân của bạn rồi đúng không nào? Quả thực như vậy, đến với Trạm Tấu Yên Bái mà bỏ qua việc chinh phục Tà Chì Nhu thì thiếu sót làm sao.
Để trekking Tà Chì Nhù Trạm Tấu, chỉ có đúng một con đường mòn duy nhất. Nếu lần đầu leo núi, tốt nhất, bạn nên thuê người hướng dẫn để đảm bảo an toàn. Về cơ bản, Tà Chì Nhù không khó để chinh phục với tổng quãng đường tầm 18km cả đi lẫn về.
Dù không có vực hiểm hay vách núi cheo leo nhưng con đường mòn leo núi lại khá dốc nên cũng gây trở ngại không ít cho các nhà leo núi. Một kinh nghiệm “xương máu” là bạn không nên leo núi khi trời mưa bởi rất dễ trơn trượt, nguy hiểm. Càng lên cao, du khách sẽ dễ nhận thấy khung cảnh và thời tiết thay đổi liên tục. Bạn sẽ băng qua rừng già nguyên sinh, qua suối, qua rừng trúc, đồng cỏ, rừng tán thấp... lúc thì lại là khoảng đồi trơ trọi, khoáng đạt.
Tại bãi đất trống cao 2400m so với mực nước biển là lán trại cho các trekker nghỉ ngơi sau 3-4 tiếng leo núi mệt nhoài. Lán trại bằng gỗ với sức chứa 100 người, có bếp nướng, nhà vệ sinh, nước sinh hoạt... đầy đủ với chi phí 100.000 đồng/người/đêm.
Từ lán trại lên tới đỉnh Tà Chì Nhù Trạm Tấu chỉ còn khoảng 2,5km nữa. Đây được đánh giá là quãng đường đẹp nhất trong suốt hành trình bởi có sắc tím biếc của hoa Đại Tử Đương Dược, có không gian rộng rãi để bạn ngắm hoàng hôn, bình minh.
Rất nhiều người chọn ở lại lán qua đêm và sáng sớm hôm sau lên đỉnh núi đón bình minh. Khoảnh khắc mặt trời chiếu những tia nắng đầu tiên xuống không gian mênh mông, trùng điệp đâu đâu cũng là núi non đẹp khó diễn tả thành lời. Đứng trên đỉnh núi, dang rộng đôi tay, nghe gió luồn qua mang tai, cảm giác mình thật nhỏ bé giữa mẹ thiên nhiên.
>>Xem thêm: Bạn muốn làm mới bản thân? Hãy tới Lùng Cúng Yên Bái
Không chỉ có bản Cu Vai, bản Mù cũng là một điểm đến đầy bình dị của Trạm Tấu Yên Bái. Tuy nhiên, đường lên bản này vẫn còn rất khó khăn, chưa được nhiều người biết đến. Bản Mù là nơi sinh sống chủ yếu của người Mông, với những mái nhà thưa thớt, cũ kỹ.
Sở dĩ, bản làng nhỏ bé này có là bản Mù cũng bởi địa thế nằm trên núi cao, ngày mây mù còn nhiều hơn ngày nắng vàng. Người dân ở bản vẫn chủ yếu sống bằng nghề làm nông, quanh năm bên nương bên rẫy. Nếu có dịp tới bản Mù vào thời điểm lúa chín, khắp ruộng bậc thang được phủ lên một tấm áo mới vàng ruộm óng ả, rực rỡ như thiếu nữ tuổi xuân sắc.
Mùa nước đổ ở bản Mù lại là lúc bà con H’Mông kéo nước về ruộng để chuẩn bị mùa cấy mới. Khắp ruộng bậc thang sóng sánh nước như một chiếc gương soi khổng lồ. Tới với bản Mù, không phải để tận hưởng dịch vụ đẳng cấp, mà là cơ hội để khách du lịch trải nghiệm những điều dân dã, chân chất nhất.
Háng Tề Chơ vốn là tên một bản hẻo lánh của người Mông nằm tại xã Làng Nhì, huyện Trạm Tấu. Điều thú vị hơn tên bản cũng chính là tên thác, một con thác còn nhiều huyền bí và xa lạ với du khách.
Vùng Tây Bắc nước ta có rất nhiều thác đẹp nổi tiếng, nào là thác Bản Giốc ở Cao Bằng, thác Nàng Tiên ở Sơn La... Thác Háng Tề Chơ cũng kỳ vĩ, cũng mộng mơ nhưng còn rất hoang sơ, kích thích những đôi chân mê cái mới, mê cái đẹp, đặc biệt là các phượt thủ.
Thác nằm sâu trong rừng với độ cao 1.800m so với mực nước biển, nước thác lúc nào cũng trong vắt, mát lành. Đây là ngọn núi hoang sơ bậc nhất vùng núi phía Bắc nước ta. Đường đến Háng Tề Chơ còn khó, có nhiều đoạn đường bé xíu chỉ đủ bánh xe máy đi qua, có những đoạn một bên là vách núi, một bên là ruộng bậc thang hay vực thẳm hun hút.
Đường lên bản Háng Tề Chơ khó khăn chừng nào thì cảnh đẹp của thiên nhiên như trái ngọt cho du khách từng đấy. Càng lên cao, cảnh vật hoang sơ, những thửa ruộng bậc thang càng hiện ra rõ nét. Tới bản, bạn gửi xe và đi bộ xuống thác. Tốt nhất, du khách nên chọn giày thể thao có ma sát và mang theo đồ đạc đơn giản để tránh trơn trượt hay lỉnh kỉnh. Dù quãng đường không xa, bạn có thể thấy thác ngay trước mắt nhưng phải đi bộ tầm 1 giờ đồng hồ mới tới nơi.
Giữa núi rừng miền sơn cước của huyện Trạm Tấu Yên Bái, ngọn thác trắng xóa đổ từ trên vách núi cao xuống tạo thành một hồ nước trong vắt lộ thiên. Đứng từ trên cao nhìn xuống, thác Háng Tề Chờ chảy hiền hòa với xung quanh là rừng cây, núi cao trập trùng. Chỉ khi xuống dưới chân thác, bạn mới cảm nhận được sự hùng vĩ, cao lớn của ngọn thác này.
Tiếng thác nước đổ xuống róc rách như tiếng nhạc giữa núi rừng. Tới đây, bạn đừng quên ngâm chân dưới dòng nước mát lành, cảm giác muộn phiền cũng theo đó mà cuốn trôi.
Vùng đất Tây Bắc quyến rũ du khách cũng bởi những thửa ruộng bậc thang độc đáo có từ hàng trăm năm nay, mỗi thời điểm lại mang một vẻ đẹp khác nhau. Ở Trạm Tấu cũng vậy, bà con nông dân canh tác trên những thửa ruộng bậc thang, tạo thành một bức tranh thiên nhiên hòa hợp giữa thiên nhiên và con người.
Nhìn từ xa xa, bóng dáng bà con trong trang phục dân tộc đang cấy cày, tiếng cười tiếng nói rôm rả, ai nấy cũng mong một mùa vụ bội thụ, giúp cuộc sống ấm no, đủ đầy hơn. Phía trên, mây vờn nhè nhẹ, bầu trời trong xanh, chiếu nắng vàng phủ khắp nương đồi. Dù công việc có vất vả nhưng chẳng ai than vản nửa lời. Du lịch Trạm Tấu là cơ hội để bạn tìm hiểu về ruộng bậc thang, công việc canh tác cũng như cuộc sống của người dân địa phương.
Tà Xùa là một xã thuộc huyện Bắc Yên, địa phận tỉnh Sơn La, giáp ranh với huyện Trạm Tấu của Yên Bái. Do đó, khách du lịch có thể nhân chuyến đi của mình để trekking và săn mây trên đỉnh Tà Xùa.
Đỉnh Tà Xùa cao 2.865m so với mực nước biển, có khí hậu mát mẻ quanh năm, mây mù cuồn cuộn như một chốn thiên đường. Từ Trạm Tấu đi Tà Xùa bạn sẽ được đi qua sống lưng khủng long dài 3km hùng vỹ, check in đẹp mê ly.
Tà Xùa nổi lên trên bản đồ du lịch Tây Bắc là thiên đường săn mây, đặc biệt vào mùa xuân độ ẩm cao thích hợp để săn mây hơn là mùa hè. Mây lên không cố định thời gian, có khi sáng sớm, lúc lại tận chiều muộn, lúc lại xuất hiện vào giữa trưa. Nhìn chung, săn mây Tà Xùa cần cả sự may mắn.
Không chỉ săn mây, Tà Xùa còn là nơi cực lý tưởng để đón hoàng hôn trên Đỉnh Gió. Giữa núi rừng rộng lớn, biển mây mông mênh như không có điểm dừng, không gian Tà Xùa bỗng đỏ rực rồi dần chìm vào trong bóng tối. Một ngày đã khép lại. Giây phút đón hoàng hôn, khách du lịch đừng quên lấy điện thoại và ghi lại những khoảnh khắc tuyệt đẹp này nhé.
Không chỉ là nơi chiêm ngưỡng bức tranh thiên nhiên, Trạm Tấu Yên Bái còn chiêu đãi bạn vô số món ăn ngon, mang phong cách núi rừng Tây Bắc. Tới huyện miền núi này, du khách không thể bỏ qua những món ngon dưới đây.
+ Thịt lợn đen: Lợn đen là đặc sản của Trạm Tấu, giống lợn màu đen, chân nhỏ, mõm dài, tai nhỏ. Lợn đen sinh trưởng chậm, vóc dáng nhỏ nhưng bù lại thịt thơm ngon đặc biệt, ít mỡ, không bị ngấy như những giống lợn bình thường khác. Thịt lợn đen được chế biến thành nhiều món hấp dẫn như nướng cả con, hấp, xào, rang cháy cạnh...
+ Gà đen: Được nuôi chăn thả tự nhiên với thức ăn chính là ngô, thóc, chuối băm... nên gà đen chắc thịt, chân có 4 ngón và đen 100%. Gà đen có thể làm gà nướng, gà hấp thảo dược... tạo nên những món ăn độc đáo, hương vị khó quên.
+ Măng ớt: Măng ớt Trạm Tấu được chế biến từ cây măng trúc gai, kích thước chỉ nhỏ bằng ngón tay và đặc ruột. Mắng được ngâm trong ớt trắng hồng nhìn thôi đã kích thích vị giác. Mắng ớt có thể dùng làm gia vị cho bữa cơm, kho cá, ăn cùng mì tôm... đều ngon.
+ Xôi ngũ sắc: Ở Trạm Tấu nói riêng, Yên Bái nói chung có đặc sản xôi ngũ sắc dẻo thơm với 5 màu xanh, vàng, tím, trắng và đỏ. Xôi được nấu bằng gạo nếp 87 nức tiếng nên đặc biệt thơm lừng và rất dẻo. Chỉ cần ăn một lần là thực khách sẽ nhớ mãi.
Nhìn chung, khách du lịch Trạm Tấu có thể ghé thăm nơi này bất kể thời điểm nào trong năm. Dù là mùa xuân tới mùa đông, Trạm Tấu lại chinh phục bạn bởi những vẻ đẹp khác nhau.
Mùa xuân, Trạm Tấu có thời tiết dễ chịu, không quá lạnh, hoa quả nở rực trời, tạo nên không gian đẹp như cổ tích. Đến mùa hạ, Trạm Tấu Yên Bái lại là nơi tránh nóng tuyệt vời bởi khí hậu lúc nào cũng mát mẻ.
Sang mùa thu, ruộng bậc thang ở đây vào vụ lúa chín, cũng là thời điểm hút khách du lịch nhất. Mùa đông, Trạm Tấu sẽ lạnh hơn các vùng khác, thời tiết rét, thậm chí có cả tuyến rơi, cho bạn những trải nghiệm mới mẻ. Như vậy, tùy nhu cầu và sở thích, bạn thu xếp du lịch Trạm Tấu để tận hưởng vẻ đẹp bình dị của núi rừng Tây Bắc.
Ghé thăm Trạm Tấu, khách thăm quan có thể chọn ở homestay, vừa thân thiện với thiên nhiên vừa có giá cả phải chăng. Một số homestay gợi ý cho bạn như Zoni Home, Homestay Cầu Treo, Homestay Đồi Chè, Xòe Homestay... Khu suối khoáng nóng Trạm Tấu cũng phục vụ lưu trú qua đêm.
Nếu đi vào thời gian cao điểm từ tháng 6 – tháng 10, du khách nên gọi điện trước cho các homestay để đặt phòng, tránh trường hợp hết phòng như ý.
Trên đây là trọn bộ kinh nghiệm đi Trạm Tấu Yên Bái cho bạn gia đình. Theo dõi Du lịch Việt Nam để cập nhật thêm nhiều điểm đến mới cùng kinh nghiệm vi vu hữu ích cho chuyến đi sắp tới của mình nhé.
Yến Yến
Theo Báo Thể Thao Việt Nam