Không chỉ có ruộng bậc thang Mù Cang Chải, Nghĩa Lộ hay Suối Giàng... Lùng Cúng Yên Bái cũng là điểm đến gây thương nhớ với khách du lịch, đặc biệt là những ai thích khám phá cái mới và vận động.
Lùng Cúng ở đâu? Núi Lùng Cúng thuộc xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. Với độ cao 2.913m so với mực nước biển, ngọn núi này nằm trong Top 15 đỉnh núi cao nhất nước ta.
Cung đường chinh phục Lùng Cúng được nhiều người yêu thích bởi cảnh quan thiên nhiên đa dạng, độ khó vừa phải, thích hợp cho chuyến đi hai ngày. Ngoài ra, đỉnh Lùng Cúng còn là nơi săn mây lý tưởng của Yên Bái nói riêng, vùng núi Tây Bắc nói chung. Từ trên đỉnh núi, du khách có thể ngắm trọn vẹn 360 độ cảnh quan thiên nhiên mà không bị che chắn.
Sau câu hỏi thắc mắc Lùng Cúng ở đâu, chắc hẳn bạn sẽ tò mò về thời điểm lý tưởng để leo núi Lùng Cúng. Có thể nói, khí hậu ở Yên Bái mang đặc trưng của miền Bắc, đôi phần phần khắc nghiệt hơn với mùa đông lạnh giá, có thể xuất hiện băng tuyết.
Khách du lịch Yên Bái có thể leo Lùng Cúng bất kể thời điểm nào trong năm, tránh những ngày trời mưa bởi dễ trơn trượt ảnh hưởng tới sự an toàn của chuyến đi. Từ tháng 1-tháng 3, các loài hoa Tây Bắc khoe sắc rực rỡ, nào là hoa mận, hoa đào... thời tiết cũng ấm áp, không quá lạnh, rất thích hợp để trekking.
Nếu du khách thích săn mây, từ tháng 3-tháng 4 là thời gian lý tưởng để chinh phục Lùng Cúng Yên Bái. Được mệnh danh là thiên đường mây của Tây Bắc, biển mây trắng xóa ở đây khiến bạn không khỏi choáng ngợp.
Mùa hè từ tháng 5- tháng 8, Yên Bái bước vào mùa nước đổ. Các thửa ruộng bậc thang lóng lánh nước để chuẩn bị cho mùa vụ mới chẳng khác nào những chiếc gương soi khổng lồ, phản chiếu ánh nắng mặt trời. Thiên nhiên lúc này tươi đẹp và tràn đầy sức sống.
Từ tháng 9 – tháng 10, Yên Bái bước vào mùa lúa chín vàng ươm. Đây cũng là thời điểm được nhiều tín đồ leo núi chọn để chinh phục núi Lùng Cúng Yên Bái. Thời tiết lúc này cũng mát mẻ, không còn nắng gắt của mùa hè, giúp bạn có hành trình leo núi thoải mái.
Vào mùa đông, thời tiết tại đây lạnh, đồ đạc mang theo hành trình leo núi có thể cồng kềnh hơn, nhưng lại thôi thúc nhiều bạn trẻ thích làm mới bản thân.
>>Xem thêm: Lịch trình siêu chi tiết du lịch Mù Cang Chải 3 ngày 2 đêm cho các bạn trẻ
Theo kinh nghiệm đi Yên Bái, để tới được Lùng Cúng, trước hết bạn cần di chuyển tới thị trấn Mù Cang Chải hoặc Tú Lệ. Do cung đường dài, quanh co trên núi nên tốt nhất hãy đi xe khách. Nếu chọn tự lái xe, hãy đảm bảo có tay lái vững chắc và quen địa hình đồi núi.
Từ Hà Nội, đi xe khách giường nằm tối hôm trước đến nơi vào sáng sớm hôm sau là phương án được nhiều du khách lựa chọn nhất. Bạn có thể đón xe tại bến xe Mỹ Đình, tham khảo nhà xe Hải Vân, Khánh Thủy... Sau khi tới nơi, khách du lịch nghỉ ngơi, ăn sáng và chuẩn bị hành trình trekking núi Lùng Cúng Yên Bái.
Du khách có thể chọn xuất phát từ ba hướng là bản Lùng Cúng, bản Tu San hoặc bản Thào Chua Chải để lên đỉnh Lùng Cúng Yên Bái. Thông thường, nhiều nhà leo núi chọn điểm xuất phát là bản Tu San, chặng đường đi về qua bản Thào Chua Chải và thung lũng Tà Cua Y. Đây là cung đường đẹp và dễ đi hơn.
Để tới được bản Tu San, du khách cũng phải đi xe ôm và chỉ người dân bản địa với chiếc xe chuyên dụng tự chế mới có thể đưa bạn đi qua đoạn đường dài 17 cây số gồ ghề, nhiều ổ gà, khó nhằn như vậy. Quãng đường không dài nhưng việc di chuyển mất tầm 1 tiếng đồng hồ.
Ngoài ra, xuất phát từ bản Lùng Cúng cũng được nhiều các bạn trẻ lựa chọn bởi cung đường này sở hữu nhiều khung cảnh đẹp hút mắt. Tuy nhiên, đường vào bản khó đi và xa hơn. Theo kinh nghiệm trekking Lùng Cúng, du khách cố gắng xuất phát vào buổi sáng hoặc trưa để kịp thời gian lên điểm nghỉ ngơi trước khi trời tối.
Quãng đường leo Lùng Cúng không dài, nhưng tương đối gian nan bởi có một số đoạn dốc liên tục. Các bạn trẻ có thể chinh phục được đỉnh núi trong ngày nhưng để cảm nhận được hết vẻ đẹp thiên nhiên Tây Bắc, tốt nhất bạn nên dành thời gian 2 ngày 1 đêm, ngủ nghỉ lại trên núi.
Trên hành trình trekking ngọn núi này, du khách sẽ được chiêm ngưỡng cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp, cảm thán trước sự đa dạng của tạo hóa. Theo cung đường từ bản Tu Sản, bạn băng qua rừng dẻ, rừng sồi với những tán cây cổ thụ cao vút, vững chãi đã tồn tại không biết bao nhiêu năm tháng.
Càng lên cao, khí hậu càng mát mẻ, trong lành, rừng già đưa bóng mát khiến các nhà leo núi như quên đi mệt mỏi của chặng đường dài. Theo kinh nghiệm trekking Lùng Cúng, đi qua con thác Hấu Chua La hùng vĩ, len lỏi qua rừng rậm để rồi tung bọt trắng xóa, mát lành, bạn đừng quên check in tại đây nhé.
Một điểm ấn tượng trong chặng đường leo Lùng Cúng Yên Bái chính là sự hoang sơ, bình yên, khó thể nào tìm thấy ở chốn thị thành. Trong khung cảnh tràn ngập cây xanh, tràn ngập sắc đỏ, sắc vàng của hoa lá, tiếng chim muông hót ríu rít.... tâm hồn ta được thư thái lạ thường.
Với địa hình đa dạng, có cả rừng rậm, đồi cỏ, rừng trúc.... chẳng phải ngẫu nhiên mà Lùng Cúng trở thành điểm leo núi lý tưởng cho những ai đang muốn làm mới bản thân, đang muốn về với thiên.
Trên núi Lùng Cúng có hai lán để ngủ nghỉ, chứa được khoảng 80 người, cách đỉnh khoảng 1 tiếng leo nữa. Tại lán có đầy đủ chăn đệm, nhà vệ sinh, chỗ nấu ăn...
Bạn có thể lựa chọn ngủ qua đêm tại đây hoặc leo tiếp và cắm trại ở khu vực đất trống cách đỉnh núi tầm 20 phút leo. Tuy nhiên, nếu không phải là một nhà leo núi dày dặn kinh nghiệm thì tốt nhất bạn nên nghỉ tại lán bởi khu đất trống gió khá to, đêm lạnh, cần trang bị vật dụng đầy đủ.
Buổi trưa sau khi tới lán nghỉ, du khách có thể cất đồ và leo lên đỉnh núi đón hoàng hôn. Đỉnh núi Lùng Cúng rất thoáng đãng, là nơi chiêm ngưỡng chiều tà trên cả tuyệt vời cho bạn. Những tia nắng đỏ rực rỡ bao trùm lấy toàn bộ không gian nơi đây khiến khung cảnh trở nên lãng mạn lạ thường.
Phía dưới là biển mây, xa xa là những ngọn núi trập trùng, phảng phất ánh hoàng hôn. Quả thực khoảng khắc này sẽ khiến bạn nhớ mãi không quên.
Tới Lùng Cúng Yên Bái, du khách chắc chắn không thể bỏ qua việc săn mây. Ngày thứ 2, để kịp đón bình minh và săn mây, hãy cố gắng dậy sớm từ 4 giờ sáng. Lúc này, trời còn tối, bạn chú ý mang theo đèn. Sau khoảng hơn 1 tiếng, khách du lịch sẽ tới được đỉnh Lùng Cúng.
Từ lán nghỉ lên tới đỉnh núi, cảnh quan thay đổi rất thú vị, từ rừng trúc nhỏ tới rừng già rồi nhường chỗ cho đồi cỏ xanh, hoa trắng khiến ai nấy cũng bị hớp hồn. Lên tới đỉnh cũng là lúc mặt trời ló rạng, chiếu những tia nắng đầu tiên của một ngày xuống thung lũng.
Cảm xúc như vỡ òa bởi biển mây bồng bềnh trước mắt. Mặt trời đỏ ửng nhô lên, đổ ánh nắng vàng óng ả xuống đại dương mây. Quả thực Lùng Cúng là điểm săn mây tuyệt đẹp của vùng Tây Bắc. Khoảnh khắc bình minh lên trên biển mây bềnh bồng chẳng khác nào một thước phim của thiên nhiên, chứa đựng muôn vàn cảm xúc cho người xem.
Nếu bạn trekking vào ngày đẹp trời còn có thể nhìn thấy cả thung lũng Lùng Cúng, các xã của huyện Văn Bàn (Lào Cai), xã Chế Cu Nha (Mù Cang Chải)… nữa đấy. Hãy thử nhắm mắt lại một chút, hít hà một hơi thật sâu rồi thả lỏng người, thở ra từ từ, mọi muộn phiền của cuộc sống cũng theo đó mà cuốn bay theo gió.
Sau khi trời sáng hẳn, du khách tiếp tục hành trình xuống núi. Tổng chiều dài từ bản Tu San lên đỉnh Lùng Cúng và về qua thung lũng Tà Cùa Y dài chỉ tầm 20 km, không quá dài, phù hợp với cả những người mới leo núi.
Dưới đây là một số lưu ý khi trekking Lùng Cúng Yên Bái giúp bạn có chuyến đi an toàn và trọn vẹn nhất.
+ Giày trekking: Du khách nên chọn những đôi giày có ma sát tốt, chống trơn trượt, thấm nước, có miếng lót đệm đỡ đau chân khi phải đi đường xa.
+ Quần áo: Bạn chọn trang phục thấm hút mồ hôi, nên mang theo đồ giữ ấm dù đi vào mùa hè bởi trên núi cao, thời tiết sẽ vẫn lạnh vào buổi đêm.
+ Các đồ dùng khác: Bạn mang theo nước, bôi thuốc chống côn trùng, muỗi, đồ ăn nhẹ như socola, bánh mì lát...
+ Du khách không xả rác bừa bãi, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên
+ Chú ý thời tiết trước khi khởi hành, không leo núi vào những ngày trời mưa bởi rất nguy hiểm
Lùng Cúng – nơi cảnh đẹp thiên nhiên làm say lòng du khách. Trên đây là kinh nghiệm khám phá Lùng Cúng Yên Bái cho các bạn trẻ. Theo dõi Du lịch Việt Nam để cập nhật thêm nhiều điểm đến mới cùng kinh nghiệm vi vu hữu ích cho chuyến đi tiếp theo của mình nhé.
Yến Yến
Theo Báo Thể Thao Việt Nam