Banner Movi
Banner Chuyến Bay Hồi Hương
Hưng Yên

Nhộn nhịp làng nghề làm đồ chơi trung thu ở Hưng Yên

Thứ sáu, 06/09/2019, 10:17 GMT+7

Hàng năm, làng nghề làm đồ chơi trung thu ở Hưng Yên lại nhộn nhịp đón Trung Thu sớm với rất nhiều mặt hàng đa dạng cung cấp cho thị trường.

test

Làng Hảo, Xã Liêu Xá, Huyện Yên Mỹ, Tỉnh Hưng Yên từ lâu đã được biết đến với nghề làm đồ chơi Trung thu truyền thống. Mỗi dịp Trung thu về, cả thôn lại nhộn nhịp, rôm rả trong tiếng mài, đúc đẽo, tiếng thử trống từ đầu đến cuối thôn. Từ Hà Nội, xuôi theo Quốc lộ 5 đến Thị trấn Phố Nối, bạn đã tới thôn Hảo. Cổng thôn nằm trên mặt đường quốc lộ 39A, ngay mặt đường giữa chợ cóc nhỏ. Đi sâu vào thôn sẽ gặp nhiều hộ gia đình phơi những chiếc thân trống màu đỏ sặc sỡ hoặc nhưng chiếc mặt nạ đa hình dạng ngay ngoài đường, ngoài sân.

làng nghề làm đồ chơi trung thu Các sản phẩm ở làng Hảo

Nghề làm đồ chơi trung thu truyền thống của làng có từ rất lâu vào khoảng những năm cuối 80, đầu 90 của thế kỉ trước. Trước kia làng tập trung chủ yếu làm trống, nay làng còn phát triển làm các loại đồ chơi như: đèn ông sao, đèn kéo quân, mặt nạ,... kiểu dáng gần gũi mang đậm bản sắc dân tộc. Những món đồ chơi này đều được làm thủ công từ những nguyên liệu có nguồn gốc từ thiên nhiên, cây cối như: tre, nứa, giấy, bìa cát-tông,...

làng nghề làm đồ chơi trung thu Những món đồ chơi này đều được làm thủ công

Ở đây không có sự rực rỡ màu mè trên phố Hàng Mã, không có những món đồ chơi, súng nhựa, mặt nạ 'siêu nhân', những bộ cánh hóa trang cầu kỳ… mà chỉ có tiếng trống nhẹ nhàng nhưng vui tươi, những chiếc mặt nạ bồi giấy hình trâu, ngựa, chú tễu… Đi quanh khắp làng, đâu đâu cũng thấy không khí tấp nập sản xuất của các hộ gia đình để phục vụ cho Tết Trung thu.

làng nghề làm đồ chơi trung thu Những gia đình trong làng Hảo tấp nập sản xuất

Việc sản xuất món đồ chơi như chiếc trống, đèn ông sao không hề đơn giản, cần có những người tỉ mỉ, chất liệu từ thiên nhiên và mọi thứ đều được làm thủ công. Làng Hảo có khoảng 150 người làm nghề, cứ mỗi dịp Trung thu mỗi hộ có thể sản xuất khoảng 50.000 sản phẩm các loại khác nhau.

làng nghề làm đồ chơi trung thu Cần vô cùng tỉ mỉ khi làm ra các sản phẩm

Chẳng biết tự bao giờ, nghề bưng trống, thuộc da đã trở thành nghề truyền thống của người dân thôn Hảo. Để làm nên một chiếc trống trung thu, người làng Hảo phải nhập da trâu bò từ các địa phương khác về. Tang trống được làm bằng gỗ mỡ chuyển từ rừng xuống, cũng có khi làm bằng gỗ bồ đề vì loại gỗ đó xốp hơn, dễ làm hơn. Theo đó, da khi mua về, người thợ sẽ xẻ từng tảng làm 3 - 4 mảnh sao cho thật đều rồi ngâm trong nước vôi để tẩy màu. Ngâm khoảng 5 - 7 ngày thì vớt ra. Trong thời gian đó, cứ cách 1 - 2 ngày thì người ta phải trở mặt da để nước vôi ngấm đều, nếu không da sẽ bị loang ố, không đẹp. Người thợ sẽ phải căn chỉnh thời gian cẩn thận, nếu vớt da ra non quá màu sẽ không đều. Ngược lại, ngâm da “chín” quá thì sẽ thối, hỏng. Khi da đã đạt đủ độ, người thợ sẽ vớt ra, phơi khô.

làng nghề làm đồ chơi trung thu Những chiếc trống được gia công vô cùng công phu

Hay đối với một chiếc đèn ông sao, các nghệ nhân thôn Hảo phải vất vả trải qua nhiều công đoạn rất công phu, kỹ lưỡng từ việc chọn nứa cho đến việc cắt dán. Họ dùng nan làm đèn ông sao từ loại nứa bánh tẻ được trẻ thành nhiều đoạn và ngâm trong nước vôi trong để chống mối mọt, có thể để vài năm không hỏng, nứa phải có đốt dài mới tạo được độ dẻo để uốn khung đèn. Sau khi ngâm xong, nứa được đem phơi nắng và chẻ thành nan, nan chẻ ra sẽ được phân loại phần làm nan và phần làm cờ.... Cuối cùng là công đoạn ghép và dán giấy màu cho chiếc đèn.

làng nghề làm đồ chơi trung thu Những chiếc đèn ông sao với màu sắc vô cùng bắt mắt

Đáp ứng nhu cầu của thị trường, khoảng 10 năm trở lại đây, nghề làm mặt nạ, đầu sư tử bằng giấy bồi xuất hiện ở thôn Hảo. Trước kia, người làng chủ yếu làm mặt nạ chú Tễu. Nhưng những năm gần đây, mẫu mã đã đa dạng hơn. Những chiếc mặt xanh đỏ vẽ hình những con vật ngộ nghĩnh, rồi đến Chí Phèo, Thị Nở, Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, đầu sư tử các kích cỡ… dẫu rằng không phải nghề truyền thống của cha ông nhưng được người dân thôn Hảo làm đầy sự sáng tạo, và đặc biệt đó là những thứ đồ chơi được làm hoàn toàn thủ công từ đôi bàn tay khéo léo của con người. Đầu sư tử cũng được làm kỳ công hơn, bên cạnh việc chú ý đường nét, màu sắc còn phải chú ý đến phụ kiện như gắn thêm lông hóa học màu trắng để làm bờm. Nhờ thế mà sản phẩm bán ra vẫn được ưa chuộng.

làng nghề làm đồ chơi trung thu Những chiếc mặt xanh đỏ vẽ hình những con vật ngộ nghĩnh

Mỗi sản phẩm được làm ra ở làng Hảo là sự kết tinh mồ hôi, công sức, tinh thần hăng say lao động, lòng nhiệt huyết của những người dân nơi đây. Những món đồ chơi dân gian làng Hảo đang được tỏa đi khắp mọi miền của đất nước đáp ứng nhu cầu thị trường và tạo vị thế trong các hoạt động văn hóa dân gian của dân tộc.

Thời thế có thể đổi thay và du nhập những điều mới lạ, nhưng họ - những người nghệ nhân của làng nghề làm đồ chơi trung thu ở Hưng Yên vẫn mải miết giữ hồn Trung Thu xưa vẹn nguyên một tấm lòng. Nhờ họ, chúng ta luôn có bên mình không chỉ một, mà nhiều ánh trăng của tuổi thơ suốt năm tháng cuộc đời. Dù biết rằng mọi thứ có thể thay đổi, mong sao những ánh trăng ấy vẫn luôn sáng và lấp lánh.

>> Xem thêm: Tour du lịch Miền Bắc

 

Hồng Ánh - dulichvietnam.com.vn

Theo Báo Thể Thao Việt Nam
quảng cáo
close
icom
Bình luận
Ý kiến bạn đọc