Với mỗi người con Hà thành, đặc biệt là thế hệ 7x, 8x, chỉ cần nhắc đến món ăn quen thuộc, dân dã, ai cũng sẽ nghĩ ngay tới canh bún. Quả thực là vậy, ở nơi đây có nhiều hàng quán bán canh bún cua Hà Nội đã hàng chục năm trời.
Canh bún cua hay còn được gọi là canh bún, chẳng phải cái tên xa lạ với những người dân Thủ đô. Bởi món này đã có từ rất nhiều năm trước, từ thời bao cấp, khi mà đời sống của người dân vẫn còn nhiều thiếu thốn.
Không phải những cái tên quen thuộc như bún chả, bún thang, bún riêu mà là canh bún cua, một món ăn "vừa quen vừa lạ" với nhiều người, quen với những người thế hệ 7x, 8x và lạ với nhiều bạn trẻ ngày nay.
Trước đây, canh bún cua Hà Nội được bày bán khá nhiều khắp ngõ ngách thành phố. Đó chỉ đơn giản là hàng bán dong với những đôi quang gánh, nồi bún, nồi nước dùng, đơn giản và thuần túy.
Thế nhưng, qua năm tháng, cánh bún không còn phổ biến như trước, thậm chí nhiều người còn đồng nhất món này với bún riêu bởi có sự tương đồng khi đều là bún ăn cùng với nước dùng riêu cua.
Thực chất, canh bún cua với bún riêu dù có nét tương đồng nhưng lại có sự biến tấu đôi chút, tạo nên hương vị và cách thưởng thức khác biệt. Sợi bún của canh bún cua Hà Nội là sợi bún to, gần bằng bún bò Huế. Bún tươi thông thường được ngâm trong nước sôi thật kỹ để bún nở to ra hết cỡ, trơn mềm nhưng tuyệt nhiên không bị nát hay đứt gãy. Phần bún này sẽ được giữ ấm ở trong nồi để khi thực khách gọi chỉ cần lấy ra rồi chan nước dùng là xong.
Nước dùng canh bún Hà Nội cũng có điểm khác biệt so với nước dùng bún riêu, vị đậm đà hơn. Nước canh bún không dùng giấm bỗng mà sẽ tạo vị chua nhẹ bằng cà chua bổ múi cau. Vị ngọt tự nhiên từ nước cua đồng, thêm vị mắm từ mắm nguyên chất và chút gia vị khác để tăng thêm hương vị.
Canh bún Hà Nội chỉ được chan lưng bát nước dùng, không sóng sánh đầy ngập bún như phở hay bún riêu. Nhiều thực khách còn ví món canh bún cua Hà Nội này gần giống món ăn trộn chứ không hẳn là một món nước.
Nồi nước canh bún quyết định quan trọng đến độ ngon của món ăn này. Nước được nấu từ xương lợn, thêm cua đồng nên vị ngọt thanh tự nhiên, trong trẻo nhìn thôi đã kích thích vị giác. Trước đây, người ta còn phải giã cua bằng cối đá nhưng ngày nay khi máy móc phát triển, máy xay sẽ giúp hàng quán tiết kiệm được thời gian và sức lực hơn nhiều.
Canh bún cua sử dụng các loại rau theo mùa, nhờ đó, những hương vị cũng khác nhau. Chẳng hạn như mùa hè có rau rút, rau muốn, đến mùa đông chủ quán lại dùng rau cải và rau cần. Các loại rau giúp món canh bún cua Hà Nội ăn đầy miệng, thanh mát và đỡ ngấy hơn.
Ngoài ra, món canh bún còn có nhiều topping đi kèm, được biến tấu theo thời gian như tóp mỡ, hành phi. Tóp mỡ được chiên vàng ruộm, thơm nức mũi, sau khi chan nước vào vẫn giữ nguyên được vị giòn, nhai vô cùng thích miệng. Phần hành phi thơm, là thứ kích thích vị giác tuyệt đỉnh cho mọi thực khách.
Một bán canh bún đầy đủ sẽ gồm có bún, giò, thịt, gạch cua, tóp mỡ, chả cá sau đó rắc hành phi lên trên. Thực khách khi ăn có thể thêm rau tùy thích, thêm ớt chưng, chanh hay giấm để làm hương vị thêm vừa miệng hơn.
Không như những món khác, canh bún cua Hà Nội thực sự làm hài lòng, phù hợp với mọi đối tượng thực khách, từ giá trẻ tới giá trai... Món ăn thanh, mát, một tô vừa đủ cho bữa xế đói bụng. Đặc biệt, giá canh bún còn cực kỳ phải chăng, chỉ từ 20.000 - 25.000 đồng một tô nên bạn không cần lo cháy túi đâu nhé.
>>Xem thêm: Trọn bộ cẩm nang du lịch Hà Nội
Du lịch Hà Nội bạn có thể thưởng thức vị ngon của canh bún cua để gợi nhớ về hương vị xa xưa, chuẩn đất Bắc. Gợi ý quán canh bún cua ngon ở Hà Nội:
Địa chỉ: Số 1, Phố Thanh Hà, Phường Đồng Xuân, Quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội
Một trong những quán canh bún cua lâu đời nhất ở Hà thành chắc chắn phải kể tới quá canh bún Thanh Hà của bà Tô Thị Tâm năm nay đã ngoài 65 tuổi. Quán bán từ 14h – 18h chủ yếu để phục vụ các khách quen, những người phố cổ đã nghiện món này.
Canh bún cua Hà Nội ở đây có giá 30.000 đồng/bát. Bạn có thể gọi thêm giò chỉ với giá 5.000 đồng. Vào một buổi chiều đói bụng, canh bún sẽ trở thành món ăn lót dạ vừa ngon vừa rẻ cho bạn.
Canh bún Thanh Hà rất đầy đặn, vị nước dùng thì chào ôi, thơm nức và ngọt mát. Hành phi và tóp mỡ thì béo ngậy nhưng ăn lạ không hề ngán. Rau thêm vào suất bún lại giòn giòn, mát mát khiến thực khách phải tấm tắc khen ngon không ngừng.
Địa chỉ: Vỉa hè nhà số 7, phố Hòe Nhai, Quận Ba Đình, TP Hà Nội
Một địa chỉ quán canh bún cua ngon ở Hà Nội khác phải kể đến là canh bún trên phố Hòe Nhai của bà Trần Bích Ngọc. Suốt 30 năm, quán bà Ngọc chỉ bán duy nhất loại bún truyền thống này. Nằm giữa trung tâm Thủ đô, quán canh bún này đã gắn bó với tuổi thơ của nhiều người.
Bao năm qua, quầy hàng bún của bà Ngọc vẫn đơn giản, vỏn vẹn một nồi nước dùng gạch cua lúc nào cũng ấm nóng trên bếp, một nồi ủ bún, kèm rổ rau luộc, hành khô, ớt chưng... đặt trên một chiếc bàn nhỏ. Chỗ ngồi của thực khách chỉ là chiếc bàn, ghế nhựa ở vỉa hè diện tích khoảng 5m2. Dù khá chật chội nhưng dường như chẳng ai phàn nàn bởi hương vị thơm ngon của canh bún cua Hà Nội do chính tay bà làm khiến nhiều người phải yêu mến.
Theo kinh nghiệm du lịch Hà Nội, quán canh bún bà Ngọc chỉ mở cửa từ trưa cho tới đầu giờ chiều. Do đó, nếu muốn trải nghiệm, bạn nên sắp xếp thời gian hợp lý nhé.
Địa chỉ: Số 69, Phố Yên Phụ nhỏ, Phường Yên Phụ, Quận Tây Hồ, TP Hà Nội
Canh bún cua cô Ngà gần Hồ Tây cũng là một địa chỉ quen thuộc với các tín đồ sành ăn. Một buổi chiều nhẹ nhàng, sau khi dạo quanh phố xá, ngắm cảnh sắc Hồ Tây mộng mơ, tạt qua Yên Phụ nhỏ và thưởng thức canh bún lót dạ thì còn gì bằng.
Canh bún ở đây được đựng trong một chiếc bát nhỏ nhỏ nhưng khi ăn thì lại cực no bụng đấy. Nước dùng đậm đà, có cà chua vừa tạo hình thức bắt mắt vừa tạo vị chua nhẹ kích thích. Một suất ở đây còn có thêm giò tai và giò bò nhưng điểm nhấn vẫn là hành phi cùng tóp mỡ siêu ngon. Canh bún cua Hà Nội tại quán cô Ngà chắc chắn sẽ chinh phục được cả những vị khách khó tính nhất.
>>Xem thêm: Sứa đỏ Hà Nội - món ăn đầu mùa cực được yêu thích khi chớm hè
Địa chỉ: Số 35, Phố Tràng Tiền, Quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội
Kem Tràng Tiền đã tồn tại hơn 60 năm, là một món ăn mùa hè không thể không thử khi vi vu Hà Nội. Quán nằm ngay gần Hồ Gươm nên rất thuận tiện cho du khách. Trước đây, kem Tràng Tiền chỉ có vị vani truyền thống nhưng ngày nay, quán phát triển thêm nhiều hương vị mới như cacao, khoai môn... vừa đẹp về hình thức, vừa có hương vị mới mẻ, ngon miệng.
Điểm đặc biệt của kem Tràng Tiền là vị ngọt vừa phải, tự nhiên, không bị ngọt sắc, thích hợp với cả những vị khách không hảo ngọt. Dù hiện nay, các cơ sở bày bán kem Tràng Tiền có mặt ở khắp ngõ ngách, phố phường Hà Nội nhưng người ta vẫn thường lui tới địa chỉ gốc trên phố để thưởng thức món kem danh bất hư truyền này.
Nếu như bánh đúc nóng được ưa chuộng vào những ngày đông thì, bánh đúc nộm lại rất được yêu thích khi mùa hạ nắng nóng đến. Cùng như cánh bún cua Hà Nội, được thưởng thức một bát bánh đúc nộm vào buổi chiều ngày hè oi ả thì còn gì bằng.
Thành phần chính của món nộm bánh đúc là bột gạo, nấu đặc quánh lại cho đến khi có màu trắng đục và sền sệt là được. Cái hồn của món này chính là nước dùng, chan ngập bánh mỗi khi có khách gọi món. Nước dùng được làm từ nước cốt lạc đảm bảo vị béo béo ngậy ngậy, hấp dẫn. Có thể nói, nước dùng có ngon thì món này mới ngon.
Bạn có thể ghé quán bánh đúc nộm Phố Hàng Bè, quán bánh đúc số 45, Phố Châu Long hay quán bánh đúc nộm số 101c Ngõ Xã Đàn 2... để thưởng thức món ăn ngon này.
Trên đây là thông tin về món canh bún cua Hà Nội cho bạn và gia đình tham khảo. Theo dõi Du lịch Việt Nam để cập nhật thêm nhiều điểm đến mới cùng kinh nghiệm vi vu hữu ích trong chuyến đi sắp tới của mình nhé.
Yến Yến