Mùa rươi Tứ Kỳ Hải Dương vẫn luôn là một trong những đợt mà những tín đồ sành ăn trông ngóng. Bởi những con rươi tươi rói này sẽ được chế biến thành rất nhiều món ăn ngon, kích thích vị giác ngay khi thử miếng đầu tiên.
Mùa rươi Tứ Kỳ khi nào hay mùa thu hoạch rươi Hải Dương vào thời gian nào? Đây chắc hẳn là thắc mắc của nhiều người khi tìm hiểu về đặc sản rươi Tứ Kỳ. Mùa rươi dường như đã đi cả vào ca dao dân gian: “Bao giờ cho đến tháng mười/Bát cơm thì trắng, bát rươi thì đầy”.
Có thể thấy, mùa rươi tại đây được thu hoạch 3 lần mỗi năm, vào tháng 9, tháng 10 và tháng 11 theo lịch âm. Trong đó, rươi tháng 10 âm lịch được đánh giá là ngon hơn cả. Sang đến tháng 12 sẽ hết chính vụ.
Như vậy, mùa rươi Tứ Kỳ khi nào? Mùa rươi sẽ vào khoảng cuối thu, đầu đông. Sau khi đã biết chính xác mùa rươi Tứ Kỳ Hải Dương, còn chần chờ gì nữa mà không lên lịch ngay tới đây để tìm hiểu về loài rươi cũng như thưởng thức các món ngon làm từ rươi thôi nào.
Rươi là một loài vật thân mềm, thường sống ở vùng nước lợ, nước ngọt, những nơi có thủy triều lên xuống. Rươi được xem là đặc sản trời ban và chỉ có mặt tại một số tỉnh miền Bắc như Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định… Trong đó, rươi Tứ Kỳ vẫn “khét tiếng” từ nhiều năm nay.
Dù là món quà của thiên nhiên nhưng để rươi phát triển và bội thu thì lại cần môi trường sống cực kỳ sạch, chăm sóc rất cầu kỳ bởi chúng vô cùng nhạy cảm với hóa chất. Nước không nhiễm chất độc, không nhiễm thuốc diệt cỏ, trừ sâu... thì rươi mới sống được.
Đặc biệt, khâu làm đất đòi hỏi sự công phu khi phải cày bừa thật kỹ, cải tạo thêm bằng phân chuồng ủ mục càng tốt. Nhiều gia đình nuôi rươi Tứ Kỳ có rắc thêm đậu tương, ngô để đất được tơi xốp hơn, tăng độ phì cho đất, đón rươi đến sinh sôi.
Mùa rươi Tứ Kỳ Hải Dương là lúc cả huyện vui nhất. Ra đường cứ gặp nhà nào đang thu hoạch rươi, cần giúp sức thì ai nấy cũng sẵn sàng. Tại Tứ Kỳ, xã An Thanh có tới 280 ha diện tích nuôi rươi. Cả xã có gần 400 hộ làm rươi, lớn nhất huyện.
Đây là vùng đất ngoài đê ven sông Luộc và sông Thái Bình, hàng năm được phù sa bồi đắp nên đất đai màu mỡ, nhiều dinh dưỡng tốt cho cây trồng. Trên hết, độ mặn của nước khoảng 0,3% - 0,5%, vô cùng hợp lý cho sự phát triển của rươi, cáy.
Nước của sông Thái Bình lên - xuống, ra – vào thường xuyên, đêu đặn giúp vùng đất sạch, không có mầm mống sâu bệnh. Sản lượng rươi của xã An Thanh cũng lớn nhất huyện Tứ Kỳ với khoảng 120 tấn. So với làn nông, làm ruộng thì nuôi rươi giúp người dân tăng 2,3 lần thu nhập.
Công đoạn thu hoạch rươi cũng cần hết sức cẩn thận, vật dụng đựng rươi phải sạch, không được dính mặn. Khác hoàn toàn với đổ cá, rươi rất dễ vỡ nên người ta phải vận chuyển nhẹ nhàng hơn. Bình thường, các bãi rươi vắng vẻ nhưng cứ đến mùa rươi Tứ Kỳ Hải Dương lại vui như trẩy hội, xe tải từ các địa phương khác cũng ùn ùn kéo nhau về đây mua rươi, bà con chẳng bao giờ lo ế.
Rươi sau khi vớt lên được rửa qua nước để bớt nhớt, sau đó nhúng lại vào nước lạnh. Cách này giúp rươi được tươi lâu, khỏe lâu hơn. Sau đó, người ta cho rươi vào thùng xốp, đổ thêm nước đá lạnh để vận chuyển. Rươi mua tại bãi có giá từ 220.000 - 300.000 đồng/kg tùy vào kích cỡ.
Nhiều người lớn tuổi ở địa phương kể lại, thời trẻ khi mùa rươi đến nhiều vô kể, ăn không hết. Rươi còn thừa sẽ được mang đi làm mắm sau đó gánh đi Hải Phòng bán. Từ đó rươi Tứ Kỳ nổi tiếng gần xa. Điều này bạn có thể bắt gặp khi ghé thăm các nhà hàng chuyên bán rươi, sẽ thấy hàng dài ô tô biển tỉnh khác.
Đến tận nơi, nhìn bà con cần mẫn làm việc, thu hoạch rươi, bạn sẽ càng cảm thấy may mắn hơn khi được biết đến và thưởng thức sản vật quý giá này từ thiên nhiên, cùng với đó là cả sự tận tụy, sự yêu mến, tinh thần trách nhiệm của người nông dân.
Đến với mùa rươi Tứ Kỳ Hải Dương là cơ hội để du khách sống trong thiên nhiên, được hít thở không khí trong lành, khoáng đạt, ngắm nhìn không gian tươi đẹp, thật hiếm có như chốn thành thị xô bồ. Người dân Tứ Kỳ mộc mạc, chân thành, bạn có thể thoải mái trò chuyện với họ để tìm hiểu về loài rươi.
Cứ vào dịp đầu đông, người Hải Dương như chẳng hẹn mà gặp, rủ nhau ra chợ mua rươi, rôm rả cả một con chợ. Dù đắt mấy thì cũng phải mua cho bằng được vì mùa rươi chỉ kéo dài đến tháng 12. Nhiều gia đình còn mua vài chục cân để đem biếu và dự trữ trong tủ lạnh ăn dần.
>>Xem thêm: Du lịch Hải Dương 1 ngày cùng những điểm đến hấp dẫn bất ngờ
Món ngon nhất với đặc sản mùa rươi Tứ Kỳ Hải Dương chắc chắn phải kể đến chả rươi. Có thể, khi nhìn những con rươi còn sống nhiều người sẽ thấy hơi sợ nhưng qua bàn tay chế biến khéo léo lại biến thành một món ăn thơm ngon nức tiếng. Những con rươi ngoe nguẩy, tanh tanh mùi bùn đất, được “hóa thiên nga” thành món chả rươi béo ngậy.
Chả rươi Tứ Kỳ đảm bảo chinh phục được cả những vị khách sành ăn khó tính nhất. Cách rán chả rươi ở đây rất khác với nhiều địa phương khác. Để rươi ngon, người ta sẽ hấp rươi bằng nồi hấp xôi lót thêm lá chuối trong tầm 15 phút. Khi rươi chín, người đầu bếp cho vào chảo mỡ đang nóng già, rán với nhỏ lửa, đợi khi miếng chả chuyển sang màu vàng cánh gián đều hai mặt thì vớt ra.
Chả rươi Tứ Kỳ ngon nhất là khi ăn nóng hổi, chấm thêm nước chấm pha theo công thức riêng và có thể ăn kèm bún hay cơm đều được. Miếng chả rươi chín vàng ruộm bên ngoài, giòn tan trong miệng hòa quyện thêm hương vị của nước chấm, tạo nên một thứ đặc sản tuyệt vời của vùng đất Hải Dương. Người ta ăn chả rươi với rau thơm để đỡ ngấy. Chả rươi có thể dùng đãi khách, ai nấy cũng mê.
Một trong những món siêu ngon thường xuất hiện khi đến mùa rươi Tứ Kỳ Hải Dương nữa là nem rươi. Cách làm nem rươi cũng tương tự như nem thịt bình thường nhưng hương vị mang đến lại mớ mẻ vô cùng.
Người ta thường chấm nem rươi với nước mắm chua ngọt, thêm chút ớt nếu thích ăn cay. Nem rươi ăn với cơm hay bún đều ngon. Vào một ngày đầu đông se lạnh, được quầy quần bên đĩa nem rươi thơm lừng, thưởng thức cùng người thân, trò chuyện về một mùa rươi Tứ Kỳ Hải Dương thì còn gì ấm áp bằng.
Các món ngon với rươi thì nhiều vô kể nhưng người ta sẽ không thể quên hương vị của món rươi kho niêu đất danh bất hư truyền. Thú vị ở chỗ, để ra được thành phẩm một niêu rươi kho ngon chuẩn vị cần phải chờ tới 5 - 6 tiếng đồng hồ. Quá trình chế biến trước đó cũng cầu kỳ, đòi hỏi sự khéo léo từ người thợ.
Để làm được rươi kho niêu, bạn cần chọn những con rươi mập, to, màu đỏ, kèm theo các nguyên liệu là gừng, hành tươi, thịt lợn, rau răm, măng... Đầu bếp đem trút hết vào niêu đất, thịt lợn thái mỏng đặt lên trên, đun trên lửa nhỏ. Rươi đem đi rửa sạch, chần qua với nước nóng 3 - 4 lần rồi thái nhỏ trộn cùng các gia vị, đổ vào niêu đang đun.
Muốn niêu rươi chín đều, nhiệt tỏa đều các bên, người thợ sẽ phủ một lớp trấu lên mặt niêu. Khi nước trong niêu cạn hết cũng là lúc thành phẩm. Chỉ cần mở nắp ra, hương thơm ngào ngạt của rươi của thịt đã khiến thực khách phải thòm thèm. Rươi và thịt đều đậm đà, tròn vị, ăn kèm cơm nóng thì ngon khó cưỡng.
Ngoài các món kể trên, rươi còn được chế biến thành canh rươi nấu măng khế, thịt ba chỉ chấm mắm rươi, rươi xào củ niễng, lẩu rươi, rươi nấu cải... Món nào món nấy cũng ngon, không hề mất đi vị ban đầu của rươi.
Không chỉ cớ bánh đậu xanh, bánh gai, mùa rươi Tứ Kỳ Hải Dương cũng là một mùa vụ thu hút du khách ghé thăm vùng đất bình yên này. Theo dõi Du lịch Việt Nam để cập nhật thêm nhiều điểm đến mới cùng kinh nghiệm vi vu hữu ích trong chuyến đi sắp tới của mình nhé.
Yến Yến