Ở Hải Dương có khá nhiều lễ hội theo mùa, trong đó không thể bỏ qua Lễ hội mùa thu Côn Sơn Kiếp Bạc. Lễ hội này là nét đẹp văn hóa bấy lâu nay của người dân địa phương nói riêng và cả nước nói chung.
Lễ hội mùa thu Côn Sơn Kiếp Bạc vào ngày nào hay khi nào diễn ra Lễ hội mùa thu Côn Sơn Kiếp Bạc là điều mà nhiều người thắc mắc khi đang lên kế hoạch cho chuyến đi của mình. Cụ thể, lễ hội này thường diễn ra vào mùa thu hàng năm, khoảng tháng 8 âm lịch.
Năm 2024, Lễ hội diễn ra từ ngày 12/9 - 22/9 (ngày 10 – 20/8 âm lịch). Điểm nhấn của lễ hội sẽ tập trung vào ngày 18/9 (tức ngày 16 tháng 8 âm lịch). Dự kiến, Ban tổ chức còn mời các đoàn đại biểu từ tỉnh Viêng Chăn (Lào), TP Suwon (Hàn Quốc) cùng lãnh đạo một số tỉnh, thành phố tới tham dự lễ hội.
Như vậy, sau khi biết Lễ hội mùa thu Côn Sơn Kiếp Bạc vào ngày nào, còn chần chờ gì nữa mà không lập team tới đây khám phá thôi nào. Chắc chắn Lễ hội mùa thu Côn Sơn Kiếp Bạc không khiến bạn phải thất vọng đâu nhé.
Lễ hội mùa thu được tổ chức ngay tại Côn Sơn Kiếp Bạc, trong đó, chủ yếu diễn ra tại khu di tích Kiếp Bạc. Đây là khu di tích quốc gia đặc biệt, thuộc địa bàn TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Di tích Côn Sơn Kiếp Bạc là nơi gắn liền với sự nghiệp của vị anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi và Trần Hưng Đạo cùng nhiều danh nhân văn hoá khác như Trần Nguyên Đán, Huyền Quang, Pháp Loa… Điểm nhấn khu di tích này là đền Kiếp Bạc và chùa Côn Sơn.
Côn Sơn Kiếp Bạc là điểm đến không thể bỏ qua cho khách du lịch Hải Dương. Nơi đây cũng là địa điểm tổ chức Lễ hội mùa xuân Côn Sơn Kiếp Bạc thu hút hàng nghìn du khách thập phương tham dự.
Cách trung tâm TP Hà Nội chỉ hơn 70km, bạn có thể tới tham dự Lễ hội mùa thu Côn Sơn Kiếp Bạc một cách thuận tiện và nhanh chóng. Với khoảng cách này, du khách còn có thể đi đi về về trong ngày nếu không muốn ở lại qua đêm nữa đấy.
Từ Hà Nội, khách du lịch đi cao tốc Hà Nội – Bắc Giang rồi vào Quốc lộ 17, Quốc lộ 18 rồi rẽ trái vào Quốc lộ 37 là tới. Đường đi đẹp, không có gì đáng quan ngại. Bạn chỉ cần chú ý biển báo tốc độ là được.
Từ Hải Phòng, Quảng Ninh hay Bắc Giang, việc di chuyển tới Khu di tích Côn Sơn Kiếp Bạc cũng cực dễ dàng. Tùy theo vị trí xuất phát mà bạn lựa chọn cung đường đi hợp lý và hoàn toàn có thể sử dụng google maps để tra cứu.
>>Xem thêm: ‘Nằm lòng’ kinh nghiệm du lịch Hải Dương: Trải nghiệm ‘đổi gió’ thú vị cho hành trình vi vu xứ Bắc
Lễ hội mùa thu Côn Sơn Kiếp Bạc được tổ chức đều đặn hàng năm vào đúng dịp mùa thu. Năm 2024, lễ hội tổ chức từ ngày 12/9 - 22/9 tại khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc với nhiều nghi lễ truyền thống và hoạt động đặc sắc. Như vậy, sự kiện diễn ra quanh dịp lễ Trung thu nên đây cũng là sẽ điểm vui chơi của nhiều người.
Theo thông tin từ ban tổ chức, Lễ hội mùa thu Côn Sơn Kiếp Bạc 2024 tập trung nhiều hoạt động nhất vào ngày 18/9, ngay sau Rằm Thung thu 1 ngày. Tại khu di tích Côn Sơn diễn ra Lễ rước bộ, Lễ tưởng niệm 582 năm ngày mất của Nguyễn Trãi. Sự kiện cũng sẽ có Lễ tế tại đền thờ Nguyễn Trãi, đền thờ Trần Nguyên Đán cùng các hoạt động văn hóa, thể thao.
Trong ngày 18/9, các nghi thức, hoạt động đầy hứa hẹn sẽ diễn ra là Khai mạc Tuần văn hóa du lịch và xúc tiến thương mại; trao giải vòng chung kết Cuộc thi hướng dẫn viên du lịch tỉnh Hải Dương; Lễ tưởng niệm 724 năm ngày viên tịch của của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn và Lễ khai hội mùa Thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2024.
Đáng chú ý, tại Lễ hội mùa thu Côn Sơn Kiếp Bạc 2024, ngay sau lễ tưởng niệm sẽ là Lễ khai ấn, ban ấn đền Kiếp Bạc. Như mọi năm, lễ khai ấn được tổ chức vào đêm khuya thì năm nay sẽ diễn ra sớm hơn cùng chương trình nghệ thuật sẽ sử dụng công nghệ hiện đại, đầy mới mẻ. Chương trình giúp tăng cường quảng bá giá trị di sản văn hóa nổi bật toàn cầu của khu di tích. Được biết, tỉnh Hải Dương cùng với Quảng Ninh, Bắc Giang trình hồ sơ tới UNESCO đề cử Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc trở thành di sản thế giới. Như vậy, Lễ hội mùa thu Côn Sơn Kiếp Bạc đầy hoành tráng và quy mô, với nhiều hoạt động đặc sắc.
Ngày 19/9/2024, Diễn xướng Hội quân trên sông Lục Đầu; Khai mạc Liên hoan Diễn xướng hầu Thánh; Trình diễn nghệ thuật múa Rối nước; Các hoạt động Tuần Văn hóa Du lịch và Xúc tiến Thương mại diễn ra.
Ngày 20/9/2024 là chương trình nghệ thuật múa rối nước; Lễ Cầu an và Hội hoa đăng; Các hoạt động Tuần Văn hóa Du lịch và Xúc tiến Thương mại, Liên hoan Diễn xướng hầu Thánh.
Ngày 21/9/2024 sẽ diễn ra Lễ Bế mạc Liên hoan Diễn xướng hầu Thánh; Các hoạt động Tuần Văn hóa Du lịch và Xúc tiến Thương mại.
Ngày 22/9/2024, Lễ rước bộ, Lễ tế, Lễ giỗ Đức Thánh Trần; Bế mạc Tuần Văn hóa Du lịch và Xúc tiến Thương mại được tổ chức.
Năm nay là lần đầu tiên sự kiện tổ chức trưng bày cổ vật vào sáng 19/9, trước khi diễn ra chương trình diễn xướng hội quân trên sông Lục Đầu. Khoảng 10 gian trưng bày cổ vật, mua bán, thẩm định cổ vật; có cả những hiện vật thời Trần kích thước lớn và giá trị cao.
Song song với các nghi thức truyền thống như Liên hoan hầu Thánh, hội hoa đăng, các lễ rước, lễ tế, lễ cầu an, lễ hội quân, bắn pháo bông, thì còn có nhiều trò chơi dân gian, múa rối nước cũng như nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ khác.
Tham gia Lễ hội mùa thu Côn Sơn Kiếp Bạc còn là cơ hội để bạn thưởng thức các đặc sản của vùng đất Hải Dương bình yên. Đó là bánh cuốn, bánh đa cá rô đồng, chả rươi, bánh gai, bánh đậu xanh, bánh chưng, bánh giày, giò lụa... Chuyến vi vu này phù hợp với cả những người đang muốn du lịch tiết kiệm nữa đấy. Sau chuyến đi, du khách đừng quên mua những đặc sản về làm quà cho người thân ở nhà nhé.
>>Xem thêm: Du lịch Hải Dương 1 ngày cùng những điểm đến hấp dẫn bất ngờ
Cánh đồng rễ Chí Linh nằm ngay phía dưới chân núi Côn Sơn, rộng 15ha, từ lâu đã trở thành điểm check in hấp dẫn cho du khách. Cây rễ còn gọi là cây thanh hao, gắn liền với truyền thuyết “Ông trồng thông, bà trồng rễ” của Chí Linh.
Trải qua nhiều năm trời, nhờ bàn tay chăm sóc của người dân địa phương mà cánh đồng rễ Chí Linh ngày càng xanh tốt và rộng lớn. Một vài năm trở lại đây, ngoài thu nhập từ bán cây rễ, nhiều hộ dân làm du lịch, quy hoạch vùng rễ để cho khách vào thăm quan, phí là 40.000 đồng/lượt. Mức phí này được dùng chủ yếu vào việc cải tạo, chăm sóc rễ.
Trong đó, thời điểm chụp ảnh lý tưởng nhất với cánh đồng rễ Chí Linh là tầm tháng 9, tháng 10 bởi lúc này, cây rễ xanh mướt, điểm xuyến hoa trắng xóa, cộng thêm thời tiết trong lành, mát mẻ, dễ chịu. Sau khi tham gia Lễ hội mùa thu Côn Sơn Kiếp Bạc được tới đây sống ảo thì còn gì bằng.
Chỉ cách Côn Sơn Kiếp Bạc tầm 17km, thật đáng tiếc khi bạn bỏ qua thăm quan ngôi chùa cổ nổi tiếng Thanh Mai này. Chùa được xây dựng vào thế kỷ XIV, trên sườn núi Thanh Mai, là nơi gắn liền với cuộc đời của Thiền sư Pháp Loa.
Chùa Thanh Mai có vị trí đẹp, trên núi cao, phía sau là rừng lá phong đỏ rộng lớn rất bình yên và huyền bí. Mỗi lần tiếng chuông chùa vang lên, vang xa khắp nơi như nhắc nhở con người hướng về những điều hay lẽ phải. Trải qua chiến tranh và thời gian, chùa Thanh Mai còn lưu giữ được bia “Viễn thông Thanh Mai tự” ghi chép thân thế và công ích của Thiền sư Pháp Loa, ngoài ra có một số bia ghi lại việc trùng tu tôn tạo chùa từ các đời Vĩnh Thịnh và Chính Hoà.
Trên đây là thông tin về Lễ hội mùa thu Côn Sơn Kiếp Bạc cho bạn và gia đình tham khảo. Theo dõi Du lịch Việt Nam để cập nhật thêm nhiều điểm đến mới cùng kinh nghiệm vi vu hữu ích trong chuyến đi sắp tới của mình nhé.
Yến Yến