Làng nghề chạm bạc Hà Giang chuyên tạo nên các sản phẩm bạc thủ công, trở thành niềm tự hào cũng như nét văn hóa đặc trưng của người dân tộc Nùng. Cùng theo chân Du lịch Việt Nam khám phá nơi này nhé.
Ở Hà Giang có làng nghề chạm bạc nổi tiếng ở huyện Hoàng Su Phì. Bạc cùng các trang sức từ bạc đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần cũng như văn hóa của người Nùng ở đây. Họ quan niệm rằng, bạc là vật liệu thiêng xua đuổi được gió độc, tà ma, đồng thời, nếu không đeo bạc, người Nùng sẽ không biết nguồn cội hay tổ tiên.
Với tất cả giá trị văn hóa và lịch sử, khoa học, nghề chạm bạc của người Nùng tại xã Pờ Ly Ngài và xã Nàng Ðôn huyện Hoàng Su Phì đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia từ năm 2019.
Như vậy, muốn ghé thăm Làng nghề chạm bạc Hà Giang, bạn có thể tới hai xã này để tìm hiểu và khám phá. Chắc chắn, qua chuyến đi du khách sẽ biết được thêm nhiều nét văn hóa độc đáo của bà con người Nùng nơi địa đầu Tổ quốc.
Hoàng Su Phì cách trung tâm TP Hà Nội hơn 300km, thời gian di chuyển sẽ khá lâu, tầm 6 tiếng đồng hồ. Đường đi lên đây tương đối xa và có nhiều đoạn khó đi do đường đèo quanh co, ngoằn ngoèo. Do đó, nếu di chuyển bằng xe riêng, bạn cần có tay lái vững.
Từ Hà Nội, du khách đi theo cao tốc Nội Bài – Lào Cai rồi vào cao tốc Bắc – Nam phía Tây => Quốc lộ 37 rồi Quốc lộ 2 cứ đi là sẽ tới được địa phận Hoàng Su Phì. Từ trung tâm thị trấn Vinh Quang của Hoàng Su Phì, bạn có thể di chuyển tới xã Pờ Ly Ngài, hay xã Nàng Đôn để thăm Làng nghề chạm bạc Hà Giang cũng nhanh hơn vì chỉ tầm hơn 20km.
Dọc quãng đường đi, khách du lịch sẽ được ngắm nhìn cảnh thiên nhiên ngoạn mục, một bên là núi cao sừng sững, một bên là vực sâu thăm thẳm, kích thích các tay lái và phượt thủ.
Từ TP Hà Giang, di chuyển tới Hoàng Su Phì tầm 100km, mất tầm 2,5 – 3 giờ. Bạn đi theo Quốc lộ 2 tới ngã ba Tân Quang thì rẽ phải vào ĐT177 đi qua đèo Cổng Trời, bản Luốc là tới được trung tâm huyện Hoàng Su Phì.
Nếu đi xe khách, bạn có thể tham khảo các nhà xe uy tín như Express Hà Giang, Quang Nghị, Cầu Mè, Quang Tuyến,… Đa phần các xe đều chạy đêm, dạng giường nằm và tùy xe sẽ có giá khác nhau, từ 200.000 – 350.000 đồng/người.
>>Xem thêm: Thác Khau Làn Hà Giang - con thác đẹp mà ít người biết
Cách trung tâm huyện Hoàng Su Phì tầm 25- 30 cây số, hai xã Pờ Ly Ngài và Nàng Đôn là nơi để bạn tìm hiểu về Làng nghề chạm bạc Hà Giang. Nơi đây có tới 90% dân số là dân tộc Nùng. Bà con có rất nhiều làng nghề truyền thống như dệt may, đúc lưỡi cày, rèn dao và không thể bỏ qua chạm bạc.
Theo quan niệm của người Nùng, bạc là biểu tượng cho sự may mắn, sự bình an trong cuộc sống và cũng là thứ trang sức không thể thiếu của người phụ nữ. Bởi vậy từ bao đời nay, nghề chạm bạc đã tồn tại lâu đời trên mảnh đất Hà Giang, trở thành niềm tự hào của người dân tộc Nùng ở xã Nàng Đôn, Pờ Ly Ngài nói riêng và trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì nói chung.
Làng nghề chạm bạc ở Hoàng Su Phì có lẽ bắt nguồn từ quan niệm, nhà giàu chẳng phải là có nhiều ruộng vườn hay trâu bò…mà là có nhiều bạc. Theo truyền thuyết của người Nùng rằng, trước đây, huyện Hoàng Su Phì giàu mạnh, người dân no đủ, hạnh phúc. Một hôm, vua Hán sai quân xâm chiếm, cướp bóc của cải của người Nùng. Các thanh niên trai tráng lúc bấy giờ tập hợp lại để bảo vệ đất đai. Quân giặc nghĩ ra mưu kế nham hiểm bằng cách bắt phụ nữ lấy kim bạc cắm vào đầu, đeo cối đá vòa lưng, lấy dây xích sắt buộc cổ... rồi làm việc nặng nhọc để hành hạ nhằm khiến đàn ông phải nản lòng đánh giặc để trở về.
Ngày qua ngày, cối đá, vòng xích sắt nặng khiến lưng phụ nữ bị còng xuống nhưng họ vẫn cam chịu, ngày ngay chiến đấu, chờ được đến cứu. Câu chuyện về lòng chung thủy của phụ nữ Nùng khiến vua Hán phải nể phục. Ông bèn sai lính tháo cối đá, xiềng sắt... ra rồi làm thành những chiếc vòng cổ, vòng tay nhỏ hơn cho họ đeo, sau đó rút quân chấm dứt chiến tranh.
Để thế hệ sau ghi nhớ, phụ nữ Nùng mặc váy cạp to và dùng vòng tay, vòng cổ đeo lên người. Từ đó, chúng trở thành món đồ trang sức cho phụ nữ Nùng đến ngày nay. Làng nghề chạm bạc Hà Giang cũng hình thành từ xa xưa đó.
Ghé thăm Làng nghề chạm bạc ở Hoàng Su Phì bạn sẽ được nghe câu chuyện truyền thuyết này và càng thêm hiểu hơn về ý nghĩa, về giá trị, về hồn cốt của bạc với bà con người Nùng. Đó dường như cũng trở thành động lực để mỗi nghệ nhân trong làng nghề cần mẫn cả đời người gắn bó với nghề chạm bạc, tạo nên những bộ trang sức bạc tinh xảo chứa đựng cả nét văn hóa của người Nùng bên dãy núi Tây Côn Lĩnh.
Làng nghề chạm bạc của Người Nùng Hà Giang tồn tại đã bao đời nay cũng bởi nó mang giá trị và ý nghĩa lớn. Không chỉ vậy, người Nùng sử dụng bạc nhiều, trong đó, trang phục của thiếu nữ không thể thiếu bạc. Khi đi lấy chồng, ngoài sính lễ khác thì con dâu sẽ được nhà trai sắm lễ là một bộ trang sức bạc, gồm vòng cổ khắc hoa lá, muông thú, vòng tay, cúc áo, chụm đầu... giá trị hơn 10 triệu đồng/bộ.
Họ quan niệm bạc mang đến may mắn nên trang sức bạc cũng sẽ mang tới vận may. Những bộ trang sức cầu kỳ nhất sẽ trở thành lệ vật trong đám cưới của bà con Nùng, để nhà trai thể hiện sự sung túc trước nhà gái. Được tham dự đám cưới người Nùng, bạn sẽ càng hiểu hơn về Làng nghề chạm bạc Hà Giang.
Không chỉ trong các sự kiện quan trọng mà trang sức bạc cũng xuất hiện trong cả cuộc sống hàng ngày của người Nùng. Tại Làng nghề chạm bạc của người Nùng Hà Giang, bạn sẽ không khó để nhận ra họ bởi trang phục luôn có thêm bạc.
Nếu có dịp tiếp xúc với phụ nữ người Nùng, khách du lịch Hà Giang sẽ vô cùng ấn tượng bởi trang sức bạc có vòng cổ, dây xà tích hình cá, cua, chim... nhỏ xinh đeo trước ngực rồi vòng tay bạc sáng mịn. Chúng được làm rất tinh xảo, khéo léo, giúp bộ váy truyền thống màu chàm của chị em Nùng trở nên bắt mắt và đẹp hơn rất nhiều.
Nghề chạm khắc bạc đòi sự khéo léo, tỉ mỉ đến từng chi tiết từ các nghệ nhân. Phải là người tỉ mẩn, yêu nghề, có tính nhẫn nại thì mới theo đuổi được nghề này. Sự kết hợp giữa trang sức bạc và trang phục truyền thống giúp các sản phẩm bạc càng trở nên ấn tượng hơn.
Để tạo nên được sản phẩm chất lượng, nguyên liệu để làm đều phải là bạc hoa xòe hoặc bạc miếng. Từ dụng cụ thủ công như nồi đun, đế gỗ, kìm, kéo, búa... cùng đôi bàn tay tài hoa, óc sáng tạo phong phú, người Nùng chế tác nên vòng tay, xà tích, trâm cài đầu rồi cục bạc có họa tiết đẹp mắt, thân thuộc với cuộc sống người dân.
Tới Làng nghề chạm bạc Hà Giang này, bạn sẽ được xem các công đoạn nấu bạc, nung nóng, chạm khắc. Sau nhiều công đoạn vất vả, thanh bạc chạm hoa văn được uốn, rửa, đánh bóng để tạo thành sản phẩm hoàn chỉnh.
Ngày nay, nghề chạm khắc bạc có nhiều công cụ hỗ trợ hơn so với trước đây. Chẳng hạn như có lò nấu bằng điện, máy đánh bóng, máy cán... giúp giảm thiểu sức người, tiết kiệm thời gian hơn. Cùng với xu hướng du lịch văn hóa, ghé thăm làng nghề ở Hoàng Su Phì không chỉ là tìm hiểu về nghề truyền thống mà bạn còn có thể mua chúng để làm quà lưu niệm.
Với nhiều công đoạn và những đôi bàn tay dày dặn kinh nghiệm, sản phẩm bạc của người Nùng Hoàng Su Phì khác biệt hơn hẳn so với những nơi khác bởi họa tiết, mẫu mã đa dạng, thủ pháp xử lý sáng tối cũng cân đối và chất lượng. Các sản phẩm này không chỉ tiêu thụ trong cộng đồng người Nùng mà còn bán ra thị trường, mang tới nguồn thu nhập cho nghệ nhân Làng nghề chạm bạc Hà Giang.
Nghề này có thể mang lại thu nhập từ 7 – 8 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, theo thời gian, số người theo nghề không còn nhiều, họ cũng chủ yếu học theo kinh nghiệm từ người đi trước, chứ không có lớp bồi dưỡng, đào tạo bài bản.
Nguyên nhân cho sự mai một của nghề chạm bạc Hà Giang bởi sự khan hiếm nguyên liệu, giá thành cao, nhiều gia đình mua sắm trang sức giả bạc cho con dâu tràn lan, rồi sự đòi hỏi cao về mặt kỹ thuật...
Việc được nhà nước quan tâm, công nhận nghề chạm khắc bạc là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia giúp phần nào cho việc bảo tồn, phát triển nghề truyền thống, tăng sự phong phú nét văn hóa các dân tộc trên địa bàn huyện.
>>Xem thêm: Cẩm nang du lịch Hà Giang từ A-Z
Ngoài Làng nghề chạm bạc Hà Giang, ở Thôn Thanh Sơn, huyện Bắc Quang có làng nghề làm giấy bản cũng rất nổi tiếng. Loại giấy này làm từ cây vầu non, thường được sử dụng vào dịp lễ, tết...
Công đoạn làm giấy bản cũng tốn khá nhiều thời gian khi cây vầu non được chẻ rồi ngâm trong nước vôi cả một tháng, sau đó mới được đem rửa sạch, ngâm tiếp với nước rồi trộn dung dịch chứa nhựa cây rừng nhằm tăng độ kết dính. Từ hỗn hợp này, người ta đem tráng thành giấy bản, phơi khô tạo thành phẩm. Kỹ thuật làm giấy bản của người Dao thôn Thanh Sơn đã được vinh danh Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Làng dệt lanh thổ cẩm Lùng Tám ở xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ, là làng dệt thủ công nổi tiếng bậc nhất vùng núi phía Bắc. Công đoạn dệt lanh kéo dài tới hàng tháng trời, vì họ thường chỉ làm khi đã kết thúc công việc bếp núc, đồng áng. Phải trải qua tới 41 công đoạn thủ công, kiên nhẫn, tấm vải lanh thổ cẩm mới nên hình nên dáng...
Người Mông ở Quản Bạ quan niệm rằng, khi qua đời mà không có bộ quần áo lanh thì dòng họ và dân làng không làm ma cho và người mất cũng không tìm được đường về tổ tiên.
Trên đây là thông tin về Làng nghề chạm bạc Hà Giang cho bạn và gia đình tham khảo. Theo dõi Du lịch Việt Nam để cập nhật thêm nhiều điểm đến mới cùng kinh nghiệm vi vu hữu ích trong chuyến đi sắp tới của mình nhé.
Yến Yến