Cung đường từ Quốc lộ 2 nối tiếp Quốc lộ 4C đi qua 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc được mệnh danh là con đường tơ lụa Hà Giang. Chỉ cần vi vu cung đường này, bạn sẽ được ngắm cảnh thiên nhiên hùng vĩ với nhiều địa danh nổi tiếng cũng như các công trình kiến trúc truyền thống độc đáo.
Cổng trời Quản Bạ tọa lạc tại xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ, cao 1500m so với mực nước biển. Đây là điểm xuất phát của nhiều khách du lịch cho hành trình khám phá cao nguyên đá Đồng Văn.
Với vị trí đắc địa, hướng thẳng ra núi đôi Cô Tiên quanh năm mộng mơ sương mù, Cổng trời Quản Bạ là nơi để bạn chiêm ngưỡng khung cảnh thiên nhiên tuyệt vời. Những dãy núi trập trùng kéo dài không điểm dừng, những khúc cua tay áo nhìn từ trên cao như một dải lụa... Tất cả đều được chiêm ngưỡng từ vị trí cổng trời – một điểm đến trên con đường tơ lụa Hà Giang.
Đường lên Cổng trời Quản Bạ càng cao, sương mù lại càng dày đặc. Du khách phải vượt qua đoạn đồi dốc, những khúc cua ngoằn ngoèo để đến đỉnh. Không chỉ là viewpoint để ngắm cảnh mà nó còn gắn với những câu chuyện lịch sử đầy oai hùng của Hà Giang.
Làng văn hóa du lịch Nặm Đăm là làng đầu tiên phát triển mô hình du lịch cộng đồng ở huyện Quản Bạ từ năm 2012. Cả làng có khoảng 60 hộ dân sinh sống và gần 40 hộ được địa phương quy hoạch làm du lịch. Dọc con đường tơ lụa Hà Giang, bạn chớ bỏ qua việc khám phá Nặm Đăm để tìm hiểu về văn hóa bản địa.
Nặm Đăm là nơi sinh sống chủ yếu của người Dao và lối sống sinh hoạt, văn hóa ẩm thực, văn nghệ hay kiến trúc nhà trình tường vẫn còn được giữ gìn nguyên vẹn.
Du khách có thể lưu trú qua đêm tại các homestay, bungalow, tham gia đốt lửa trại, múa truyền thống, thưởng thức các món ăn ngon đậm bản sắc dân tộc Dao... khi tới thôn Nặm Đăm.
Thị trấn Phó Bảng Hà Giang thuộc huyện Đồng Văn, nằm sâu trong thung lũng cao nguyên đá với bốn bề là núi non. Dân cư ở đây khá thưa thớt nên cứ cách xa xa mới có vài căn nhà. Phó Bảng là nơi sinh sống khoảng 14 dân tộc như Tày, Nùng, Cờ Lao, La Chí, Cao Lan,… trong đó, người Mông và người Hoa Hán chiếm phần lớn.
Trên con đường tơ lụa Hà Giang, bạn đừng quên việc ghé thăm thị trấn Phó Bảng với nền văn hóa phong phú, đa dạng. Đến với thị trấn Phó Bảng Hà Giang, các lữ khách phương xa nhất định sẽ phải lòng một thị trấn lắng đọng, không ồn ào như đô thị phồn hoa miền xuôi.
Ngoài những đoạn đường đổ bê tông đẹp theo cung đường Hạnh Phúc, để vào Phó Bảng sẽ có vài chỗ đường đất gập ghềnh. Cũng bởi lẽ đó mà nơi này chưa thực sự được nhiều người biết đến. Mỗi mùa ở Phó Bảng lại mang dáng vẻ xinh đẹp khác nhau, lúc thì mộng mơ của hoa đào xuân, lúc thì hoa tam giác mạch nở tím ngắt cả cung đường... Ở thị trấn có những ngôi nhà nhỏ được xây dựng hoàn toàn thủ công tuổi đời mấy chục năm cổ kính, là điểm check in và nghỉ ngơi của nhiều khách du lịch Hà Giang.
>>Xem thêm: Quá quen với Đồng Văn, Mèo Vạc, hãy thử du lịch một ngày ở TP Hà Giang cũng thú vị không kém
Nhắc tới Hà Giang, người ta thường nghĩ ngay tới sông Nho Quế xanh ngọc bích. Ít ai biết rằng, sông Miện cũng nên thơ không kém, nằm dọc con đường tơ lụa Hà Giang. Bắt nguồn từ tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) với tên Bát Bố Hà, sông Miện chảy vào Việt Nam qua các huyện Quản Bạ, Yên Minh, Vị Xuyên sau đó đổ vào sông Lô tại phường Quang Trung, TP. Hà Giang.
Dù chiều dài chỉ tầm 60km nhưng sông Miện vẫn gây ấn tượng với du khách bởi cảnh núi rừng hoang sơ xung quanh. Bức tranh thiên nhiên sơn thủy hữu tình khiến ai nấy đi qua cũng phải cảm thán. Không chỉ vậy, sông Miện còn mang lại nguồn lợi kinh tế cho bà con địa phương.
Trên dọc dòng chảy, sông Miện hiện lên thật sinh động, lúc thì lòng sông nhỏ lách qua khe núi hẹp, lúc lại phình rộng qua thung lũng, xóm làng, lúc lại thẳng tắp êm dịu, uốn lượn chảy manh... Quả thật, sông Miện như một bản tình ca, trầm bổng có, dịu dàng có, tăng tốc, mạnh mẽ có.
Chắc hẳn với những ai yêu thiên nhiên, chắc chắn đã nghe đến cái tên sông Nho Quế. Con đường tơ lụa Hà Giang sẽ đưa bạn qua dòng sông xanh biếc ngọc bích này. Dù nhìn từ trên cao hay trực tiếp trải nghiệm, sông Nho Quế cũng khiến bạn phải cảm thán và nhớ mãi không quên.
Nhìn từ trên đường đèo, sông Nho Quế như một con rắn khổng lồ, lượn lờ qua vách núi. Bạn có thể tới bên thuyền để thuê thuyền đi dạo lòng sông. Cảm giác lênh đênh trên mặt nước, hòa mình vào bản tình ca của núi rừng mới đã làm sao.
Sông Nho Quế cũng là địa điểm ngắm nhiều loài hoa tiêu biểu của Hà Giang, khi thì hoa gạo đỏ rực rỡ, khi thì hoa tam mạch, lúc là hoa mận... trên dọc triền đồi. Ở ngay bên bờ sông còn có điểm camping cực chill cho các bạn trẻ. Bạn có thể dừng chân một đêm bên bờ sông, sáng dậy nhâm nhi cà phê nóng hổi, hít thở không khí trong lành bằng việc cắm trại dịch vụ ở đây.
Đèo Mã Pí Lèng là một trong tứ đại đỉnh đèo của nước ta và chắc hẳn ai cũng muốn chinh phục con đèo kỳ vĩ này. Con đường tơ lụa Hà Giang sẽ đưa bạn tới đèo Mã Pí Lèng, thách thức các tay lái gan dạ.
Nằm ở độ cao 1200m, Mã Pí Lèng dài 20km nối liền TP. Hà Giang, Đồng Văn và Thị trấn Mèo Vạc. Từ trên đèo, bạn có thể chiêm ngưỡng được toàn bộ khung cảnh cao nguyên đá Đồng Văn, một bên là vách núi đá sừng sững, một bên là sông Nho Quế chảy êm đềm bên dưới. Con đèo này sẽ đưa du khách đến với nhiều địa danh nổi tiếng của Hà Giang, cũng như cho bạn ngắm những mùa hoa xinh đẹp của nơi địa đầu Tổ quốc.
Sủng Là là một xã của huyện Đồng Văn, nằm trên con đường tơ lụa Hà Giang, cách trung tâm huyện khoảng 20km. Nơi đẹp nhất để ngắm toàn cảnh thung lũng Sủng Là Hà Giang là từ Yên Minh lên Đồng Văn, đoạn ngã ba Phó Bảng, con đèo bao bọc lấy thung lũng bình yên.
Theo tiếng địa phương, Sủng Là có nghĩa là “ốc đảo”. Quả thật là vậy, thung lũng này là một trong những địa chỉ ngắm hoa tam giác mạch đẹp bậc nhất Hà Giang. Mùa đẹp nhất để ghé Sủng Là là mùa xuân và cuối thu.
Vào mùa xuân, trăm hoa đua nở trên mảnh đất Sủng Là, đánh bay không khí lãnh lẽo của vùng miền núi Đông Bắc, nào là hoa mận, hoa lê, hoa đào rừng, hoa cải vàng... bung nở khắp xóm làng. Dịp cuối thu, tam giác mạch, hoa cải lại khoác lên thung lũng Sủng Hà Giang Là một tấm áo mới đẹp dịu dàng và nên thơ.
Trên hành trình chinh phục con đường tơ lụa Hà Giang, dừng chân tại Sủng Là, du khách còn được ghé thăm làng Lũng Cẩm – nơi sinh sống của người Mông, Lô Lô... Nhà của Pao – bối cảnh quay bộ phim “Chuyện của Pao” cũng là điểm check in hút khách du lịch. Ngôi nhà với dãy tường đá xếp chồng lên nhau, những mái ngói âm dương... cổ kính đầy ấn tượng.
Dinh thự nhà Vương còn gọi là Dinh Vua Mèo, thuộc xã Sà Phìn (huyện Đồng Văn), được xây dựng từ năm 1919. Đây vốn là nơi ở của Vương Chính Đức, một thổ ty giàu có được người Mông tôn sùng làm vua, cai quản cả một vùng rộng lớn trên cao nguyên đá.
Bước vào công trình, ấn tượng đầu tiên của nhiều người là những hàng cây sa mộc thẳng tắp, lâu đời ngay trước cổng bằng đá. Dinh thự hiện lên bề thế và uy nghi dù đã trải qua không biết bao nhiêu biến cố và thời gian.
Dinh Vua Mèo là sự hoà quyện giữa kiến trúc Trung Quốc – Mông – Pháp, được làm từ các nguyên liệu gỗ sa mộc, đá xanh và ngói đất nung, mái lợp ngói âm dương. Nhìn từ trên cao, dinh thự như một chiếc mai rùa khổng lồ nằm giữa thung lũng trùng điệp núi non, mây phủ bốn mùa. Dinh thự Vua Mèo đã được xếp hạng là di tích quốc gia từ năm 1993. Trên con đường tơ lụa Hà Giang, nếu bỏ qua việc khám phá công trình độc đáo này thì quả là thiếu sót.
Cột cờ Lũng Cú nằm ở độ cao 1.470m, là một điểm đến mà hầu như khách du lịch Hà Giang nào cũng đều khám phá khi lên Đồng Văn. Cột cờ nằm trên đỉnh núi Rồng, cách điểm cực Bắc nước ta khoảng 3,3 km theo đường chim bay. Từ trên đỉnh cột cờ Lũng Cú, bạn sẽ thấy hai ao nước hai bên không bao giờ cạn, được ví như mắt rồng, cung cấp nước cho người dân xung quanh sử dụng.
Được xây dựng đầu tiên từ thời nhà Lý, Cột cờ Lũng Cú được trùng tu nhiều lần. Mỗi một bước đi trên bậc thang lên cột cờ, bạn sẽ trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Càng lên cao, cảnh sắc thiên nhiên Hà Giang càng trở nên lung linh.
Khoảnh khắc đứng tại nơi cao nhất của cột cờ, hướng mắt lên trên nhìn lá cờ Tổ quốc đang tung bay trong nắng gió… niềm tự hào bừng dậy trong tâm trí mỗi người. Phía dưới là cánh đồng Thèn Pả bao trọn núi Rồng, bản làng Lô Lô Chải bình yên, khói bếp mờ ảo, ruộng nương mênh mông... Tất cả tạo nên một bức tranh đẹp khó diễn tả thành lời.
Bản Lô Lô Chải chỉ Cột cờ Lũng Cú tầm 1km. Con đường tơ lụa Hà Giang sẽ đưa bạn tới điểm cực Bắc này để cảm nhận và trải nghiệm nhiều điều thú vị. Trước đây, người dân Lô Lô chủ yếu sống bằng nghề làm nương rẫy nên đời sống còn khó khăn. Sau này, khi phát triển du lịch cộng đồng, đời sống của bà con được cải thiện đáng kể.
Dù vậy, bản làng Lô Lô Chải vẫn còn giữ nguyên vẻ hoang sơ cùng nét văn hóa đời sống, lễ hội, ẩm thực truyền thống, mang đặc trưng của dân tộc Lô Lô. Tới đây bạn sẽ được tìm hiểu về lễ cúng tổ tiên, thuê dệt, lễ cúng thần rừng, múa trống, các trò chơi dân gian...
Đường dẫn vào bản làng của người Lô Lô trồng rất nhiều hoa cúc cam như nâng bước chân các lữ khách. Tới thôn, bạn sẽ được mời uống nước chè, rượu ngô men lá, thưởng thức nhiều món ngon độc đáo...
Ngay giữa làng là quán cà phê mang tên “Cà phê cực Bắc” nổi tiếng. Bạn đừng quên check in sống ảo tại đây nhé. Ở Lô Lô Chải, mọi thứ trôi qua rất khoan thai, chậm rãi. Đây quả thực là thiên đường, là nơi chữa lành tâm hồn cho bạn.
Trên hành trình chinh phục con đường tơ lụa Hà Giang, bạn nên chú ý một số điều sau để chuyển đi được an toàn, trọn vẹn nhất.
+ Cung đường đèo ngoằn ngoèo, có nhiều khúc cua tay áo. Nếu không có tay lái chắc, bạn nên thuê người dân địa phương lái xe chở đi
+ Tốt nhất, du khách nên xem dự báo thời tiết trước khi khởi hành. Tránh đi vào những ngày trời mưa, đường trơn trượt dễ nguy hiểm và cảnh thiên nhiên cũng không đẹp bằng những ngày thời tiết ôn hòa
+ Buổi tối bạn nên tránh di chuyển trên đường đèo vì đường núi hẹp, đèn đường không đủ đảm bảo
Trên đây là thông tin về con đường tơ lụa Hà Giang cho bạn và gia đình. Theo dõi Du lịch Việt Nam để cập nhật thêm nhiều điểm đến mới cùng kinh nghiệm vi vu hữu ích trong chuyến đi sắp tới của mình nhé.
Yến Yến