Đến với mảnh đất địa linh nhân kiệt, chắc hẳn bạn đã từng nghe về chùa Long Đọi Sơn Hà Nam. Đây là một trong những ngôi chùa nổi tiếng bậc nhất tỉnh, cho du khách thăm quan và chiêm bái.
Chùa Long Đọi Sơn hay còn gọi là chùa Đọi Sơn, chùa Đọi. Chắc hẳn nhiều người khi lên kế hoạch cho chuyến đi sắp tới đang thắc mắc chùa Long Đọi Sơn ở đâu hay địa chỉ chính xác của ngôi chùa này.
Long Đọi Sơn tọa lạc trên đỉnh núi Đọi thuộc xã Đọi Sơn, Thị xã Duy Tiên của Tỉnh Hà Nam. Chùa là một trong số những thắng cảnh nổi bật của tỉnh Hà Nam và trấn Sơn Nam trước kia. Như vậy, sau khi đã biết chùa Long Đọi Sơn ở đâu, hãy rủ ngay hội bạn thân tới chùa Long Đọi Sơn Hà Nam để khám phá thôi nào.
Chùa Long Đọi Sơn chỉ cách trung tâm TP. Hà Nam tầm 57km. Với khoảng cách cực gần này, bạn có thể dễ dàng di chuyển tới đây thăm quan và đi về trong ngày. Tuy nhiên, nếu muốn chiêm ngưỡng hết cảnh đẹp Hà Nam, khách du lịch có thể dành 2 ngày 1 đêm. Do khoảng cách không xa nên nhiều người chọn tới chùa Đọi Sơn vào dịp cuối tuần.
Từ trung tâm Hà Nội, bạn đi vào đường Giải Phóng để vào cao tốc Hà Nội – Ninh Bình, sau đó rẽ trái vào ĐT9711, đi tầm hơn 11km nữa là tới được chân núi Đọi lên chùa Long Đọi Sơn Hà Nam. Thời gian di chuyển chỉ hơn 1 tiếng đồng hồ nhưng dễ bị tắc đường vào những giờ cao điểm.
Nếu khởi hành từ TP. Phủ Lý của tỉnh Hà Nam, khoảng cách được rút ngắn lại rất nhiều, chỉ còn hơn 11km. Trong trường hợp bạn di chuyển từ chùa Tam Chúc, với chặng đường 25km, khách du lịch Hà Nam cũng có thể kết hợp tới Tam Chúc và chùa Đọi Sơn để chuyến đi thêm trọn vẹn. Từ chùa Tam Chúc, bạn đi theo ĐT711 rồi vào Quốc lộ 1A tới ĐT9711 là đến chùa Long Đọi Sơn.
Theo sử sách ghi chép lại, chùa Long Đọi Sơn Hà Nam được khởi công xây dựng dưới thời vua Lý Thánh Tông khoảng những năm 1054 – 1058. Lúc bấy giờ, vua cùng quân thần theo dòng Châu Giang có ghé thăm núi Đọi, nhận thấy cảnh sắc tuyệt đẹp nơi này khi vừa có sông vừa có núi, nên đã quyết định dựng chùa và đặt tên là Long Đọi Sơn.
Đến đời vua Lý Nhân Tông, chùa tiếp tục được xây dựng và xây tháp Sùng Thiện Diên Linh từ năm 1118 đến năm 1121. Từ đó, địa danh Đọi Sơn ra đời gắn liền với bảo tháp Sùng Thiện Diên Linh, quy mô 13 tầng.
Trải qua nhiều tháng năm, chùa Đọi Sơn Hà Nam cũng gặp không ít thăng trầm, bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh và thời gian. Vào đầu thế kỷ XV, giặc Minh xâm lược nước ta, chùa Long Đọi Sơn Hà Nam bị phá hủy khá nhiều. Khoảng năm 1591, người dân địa phương tiến hành trùng tu, sửa sang lại chùa.
Đến năm vua Tự Đức thứ 12, chùa Đọi Sơn Hà Nam tiếp tục được sửa chữa tiền đường, nhà tổ, gác chuông, thượng điện... Năm 1864, chùa được trùng tu phần hành lang, đúc khánh đồng... Chùa còn có nhà khách, tăng phòng... vô cùng rộng rãi, khang trang. Tất cả có tới khoảng trên 100 gian phòng.
Trong thời kháng chiến chống Thực dân Pháp, chùa Đọi Sơn lại bị tàn phá nặng nề. Sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc nước ta, người dân đã trùng tu chùa một lần nữa. Lần sửa sang lớn vào năm 1958 đã hoàn tất các công trình chính tại đây.
Đến đầu những năm 2000, chùa Long Đọi Sơn Hà Nam tiếp tục tôn tạo xây dựng mới một số công trình nữa. Trải qua nhiều biến cố thăng trầm, đến nay chùa vẫn giữ được nét cổ kính, đậm phong cách kiến trúc của thời Lý. Chùa vẫn còn đó những di vật lưu truyền từ thế kỷ 11-12.
Vào năm 1992, chùa Long Đọi Sơn được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa. Tới cuối năm 2017, quần thể di tích này cũng được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt.
>>Xem thêm: Đền Trần Thương Hà Nam – điểm đến tâm linh nổi tiếng chẳng kém chùa Tam Chúc
Chùa Long Đọi Sơn Hà Nam nằm trên đỉnh núi Đọi, do đó, để đến chùa, du khách cần leo qua gần 400 bậc thang đá men theo triền núi. Hai bên là rừng cây xanh che bóng mát tạo cảm giác thoáng đãng cho khách hành hương.
Mọi chi tiết trong chùa đều mang dáng vẻ của thời gian, trầm mặc và cổ kính. Quần thể Long Đọi Sơn rộng 10.000m2, được xây dựng khang trang, lưng tựa núi Ðiệp và có ba dòng sông chảy uốn lượn bao quanh.
Đi qua cổng tam quan, lữ khách bắt gặp bia Sùng Thiện Diên Linh cổ hơn 900 năm tuổi. Tấm bia là minh chứng cho nghệ thuật điêu khắc tinh xảo từ thời Lý với chiều cao hơn 2,5 m, rộng 1,75 m, dày 0,3 m. Trên bia có trang trí hình rồng cùng dòng chữ “Đại Việt quốc dương gia đệ tứ Sùng Thiện Diên Linh tháp bi”. Di chuyển ra phía sau, nhà thờ tổ, tam bảo cùng dãy hành lang đặt rất nhiều tượng các vị La Hán tạo vẻ trầm mặc cho không gian chùa Long Đọi Sơn Hà Nam.
Đặc biệt, ở hai bên đường lên, bạn có thể thăm quan khu lăng bộ các đời trụ trì tại chùa. Ở đây có hàng chục ngọn tháp nằm dưới những tán cây cổ thụ, lúc nào cũng mát mẻ.
Hiện nay, chùa Đọi Sơn lưu danh 10 đời Sư Tổ là những vị Đại hòa thượng có công lao lớn trong việc xây dựng chùa, được tăng ni và Phật tử tôn là Sư Tổ trong suốt khoảng thời gian từ 1591-1945 (354 năm).
Trong đó, có 2 đời Sư Tổ đóng góp đặc biệt quan trọng, là đời Sư Tổ thứ nhất, Hòa thượng Thích Hải Triều dựng 3 gian nhà tranh để thờ Phật, được xem là dấu ấn đầu tiên tái lập chùa Long Đọi Sơn kể từ năm 1591; và Sư Tổ đời thứ năm, Hòa thượng Thích Chiếu Thường - người có công lớn nhất trong việc tôn tạo chùa trên cơ sở các đời trước để lại.
Ngoài bia đá Diên Linh dựng lên từ năm 1121, Chùa Long Đọi Sơn Hà Nam còn lưu giữ nhiều di vật quý giá như tượng Phật Di Lặc đúc bằng đồng đặt ở chính điện, 4 pho tượng hình người có cánh cao 40cm. Dưới chân núi là 9 giếng nước tự nhiên hay còn ví là chín mắt rồng.
Chùa Đọi Sơn nằm trên cao, như tách biệt khỏi thế giới bên ngoài nên khoác lên mình vẻ đẹp bình yên, thanh tịnh. Tới đây, bạn chỉ còn nghe thấy tiếng lá xào xạc, tiếng chim hót véo vọn, cảm giác rất thư thái.
Đỉnh núi còn cho khách du lịch ngắm cảnh xung quanh khoáng đạt, có cánh đồng lúa bạt ngàn, sông Châu Giang uốn lượn mềm mại. Đặc biệt hơn, vào mùa xuân 987, các thửa ruộng dưới chân núi còn là nơi vua Lê Đại Hành cùng quan thần lần đầu tiên cày ruộng ở Đọi Sơn để khuyến khích bà con mở mang nông nghiệp. Tất cả như một bức tranh bình dị mà mỹ miều.
Lễ hội chùa Đọi Sơn Hà Nam được tổ chức vào ngày 21 tháng 3 âm lịch hàng năm, thu hút rất nhiều tăng ni Phật tử cũng như du khách ghé thăm. Ngoài là ngày giỗ Hòa thượng Thích Chiếu Thường, lễ hội của chùa Long Đọi Sơn Hà Nam còn tưởng niệm những người có công xây dựng chùa và có công với đất nước như Lý Nhân Tông, Lý Thường Kiệt, mẫu Liễu Hạnh... giúp con cháu đời sau luôn biết uống nước nhớ nguồn.
Lễ hội chùa Đọi Sơn Hàn Nam thường gồm 2 phần là lễ khai mạc, dâng hương và phần hội. Trong đó, phần hội có nhiều hoạt động đặc sắc như văn nghệ, các trò chơi dân gian.., giúp du khách thập phương tìm hiểu về nét đẹp văn hóa, những giá trị lịch sử, tôn giáo của di tích.
Chùa Tam Chúc tọa lạc tại thị trấn Ba Sao và một phần của xã Khả Phong, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Đây là ngôi chùa lớn nhất của Việt Nam, rộng tới 5.100 ha, gồm hồ nước rộng 1.000 ha khổng lồ, cảnh quan núi rừng tự nhiên 3.000 ha và các thung lũng 1.000 ha.
Từ bãi gửi xe, khách tới Tam Chúc có thể chọn đi xe điện (giá 90.000 đồng/người) hoặc du thuyền 200.000 đồng/người. Điểm ấn tượng đầu tiên khi đặt chân tới đây chính là cổng Tam Quan hoành tráng, sừng sững.
Khác với chùa Long Đọi Sơn Hà Nam, khiến du khách ngỡ ngàng bởi vẻ bề thế, nguy nga. Điện tam thế có ba pho tượng nặng tổng cộng 200 tấn. Trong khuôn viên quần thể Tam Chúc còn có đình Tam Chúc được xây dựng giữa lòng hồ Tam Chúc, là nơi thờ Hoàng hậu nhà Đinh Dương Thị Nguyệt.
Chùa Địa Tạng Phi Lai cũng là một điểm đến đẹp của Hà Nam. Chùa nằm nép mình bên rừng thông xanh biếc nên không khí lúc nào cũng trong lành, thoáng đãng. Phần sân dẫn vào chùa được rải toàn bộ bằng sỏi trắng thay vì lát gạch đỏ như những ngôi chùa khác tạo điểm nhấn. Dạo quanh khuôn viên chùa khiến lòng người cũng trở nên thanh thoát.
Trong khuôn viên chùa Địa Tạng Phi Lai có cả vườn trái cây, rau rừng, thảo dược, thuốc chữa bệnh... được sự chăm sóc của sư và người dân xung quanh. Bên phải tòa Tam bảo là nơi thờ 42 đời tổ sư từng trụ trì tại chùa.
Trên đây là thông tin về chùa Long Đọi Sơn Hà Nam cho bạn và gia đình tham khảo. Theo dõi Du lịch Việt Nam để cập nhật thêm nhiều điểm đến mới cùng kinh nghiệm vi vu hữu ích trong chuyến đi sắp tới của mình nhé.
Yến Yến