Nhắc tới du lịch tâm linh ở Hà Nam, người ta thường nghĩ tới chùa Tam Chúc. Tuy nhiên, ở đây còn có một di tích nổi tiếng không kém khác mang tên đền Trần Thương Hà Nam. Đây được xem là niềm tự hào của người dân Hà Nam.
Đền Trần Thương có địa chỉ chính xác tại thôn Trần Thương, xã Trần Hưng Đạo, thuộc huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.
Nơi này đang thờ Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và các vị tướng quân có công trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên-Mông lần thứ hai năm Ất Dậu thế kỷ XIII. Nơi đây từng được Trần Hưng Đạo chọn là 1 trong 6 kho lương để phục vụ cuộc chiến chống giặc xâm lăng.
Đền Trần Thương chỉ cách trung tâm thành phố Phủ Lý hơn 20km, cách Thủ đô 76km nên việc di chuyển rất thuận tiện, nhanh chóng. Theo kinh nghiệm đi Hà Nam, thời gian di chuyển từ Hà Nội chỉ mất hơn 1 tiếng nên bạn có thể đi về trong ngày hoặc dành 2 ngày 1 đêm để thăm quan các điểm khác trong tỉnh.
Về hướng dẫn di chuyển tới đền Trần Thương, cách di chuyển được nhiều người lựa chọn nhất là theo hướng cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, đến nút giao với Hà Huy Tập, Lê Duẩn thì rẽ trái vào Hà Huy Tập, cứ đi thẳng là sẽ đến nơi.
Nếu từ trung tâm thành phố Phủ Lý, du khách đi theo đường Lê Duẩn tới Hà Huy Tập rồi cứ tiếp tục đi thẳng vào đường 971, đi tiếp tầm 10km sẽ tới đền Trần Thương Hà Nam.
Do khoảng cách gần nên du khách cũng có thể chọn di chuyển bằng xe máy, vừa tự do về thời gian vừa có thể ngắm cảnh dọc đường đi. Thời gian di chuyển xe máy sẽ lâu hơn một chút và trước khi xuất phát, bạn nhớ kiểm tra xe kỹ càng để tránh tình huống rắc rối xảy ra.
Hướng dẫn di chuyển tới đền Trần Thương với những vị khách ở xa như miền Trung hay miền Nam, cách nhanh nhất vẫn là đi máy bay tới sân bay Nội Bài (Hà Nội) sau đó bắt xe khách về đây. Một số xe khách gợi ý cho bạn như xe Cúc Mừng, xe Hùng Hoa, Thiên Trường, Khải Minh.... Giá vé dao động từ 55.000 – 100.000 đồng/người.
>>Xem thêm: Chùa Phật Quang Hà Nam: Chốn thanh tịnh bên lề thủ đô tấp nập
Đền Trần Thương gắn liền với lịch sử giữ nước, là nơi lưu giữ những giá trị lịch sử sâu sắc của dân tộc ta. Trần Quốc Tuấn vốn là một anh hùng xuất chúng, một thiên tài văn võ song toàn được vua phong làm Quốc công Tiết chế, thống lĩnh ba quân, bảo vệ giang sơn khỏi giặc Nguyên – Mông.
Trên đường đánh trận, bằng tài quan sát, nhà quân sự đã chọn Trần Thương làm nơi lập kho lương thực để phục vụ cho cuộc kháng chiến chống giặc vào năm 1285. Bởi nơi khu vực đền Trần Thương Hà Nam có địa thế rất thuận lợi để vận chuyển cũng như tích trữ lương thảo triều đình. Từ đây, hệ thống đường thủy có kết nối với sông Hồng, sông Châu Giang, nối về Thăng Long hay về Nam Định (quê hương Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn) và ra biển.
Sau khi chiến thắng trở về, hoàn thành công cuộc bảo vệ bờ cõi trước quân địch Nguyên – Mông, Trần Quốc Tuấn về đây phát lương để khao quân, khao dẫn như một lời cảm ơn tới mọi người đã kề vai sát cánh cùng triều đình. Đến nay, truyền thống từ xa xưa này vẫn được lưu truyền và tái hiện lại hàng năm vào mỗi dịp Tết Thượng Nguyên (rằm tháng Giêng).
Ngay từ cái tên Trần Thương cũng đã thể hiện được câu chuyện lịch sử lúc bấy giờ. Thương trong tiếng Hán là kho lương thực, Trần là họ Trần. Như vậy, Trần Thương mang nghĩa là kho lương của nhà Trần.
Dù sử sách không ghi chép quá nhiều về kho lương thực nơi đây nhưng theo truyền thuyết dân gian truyền từ đời này sang đời khác và các dấu tích xung quanh khu vực đền, dường như ai cũng cảm thấy thân thương với ngôi đền Trần Thương.
Sau khi Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn qua đời vào năm 1300, người dân thôn Trần Thương đã thờ phụng ngài, tôn lên làm Đức Thánh để tưởng nhớ công ơn. Ngôi đền được xây dựng chính thức vào năm 1783 và từ đó đến nay trở thành địa điểm linh thiêng đầy tự hào của Hà Nam nói riêng, của cả đất nước Việt Nam nói chung.
Đặt chân tới đền Trần Thương, khách du lịch Hà Nam sẽ được nghe những câu chuyện xa xưa gắn liền với lịch sử, những huyền thoại lưu danh muôn đời của Đức Thánh nhà Trần. Từ đó, trong lòng ta thêm yêu và kính trọng hơn những công ơn của người đi trước để người đời sau có cuộc sống ấm no, bình yên.
Không chỉ có giá trị lịch sử, đền Trần Thương Hà Nam còn là nơi có kiến trúc cực độc đáo theo tư duy phong thủy. Đền được xây dựng biệt lập trên khu đất trống đầu làng, đây đã trở thành nơi tín ngưỡng tâm linh, nơi thư giãn tự tại của nhiều người gần xa.
Ở giữa khuôn viên là gò nổi như mai con rùa, hai bên hai tay ngai và xung quanh là các hồ nước trồng sen. Kiến trúc đền Trần Thương hài hòa phong thủy vừa có mây trời, sông nước, vô cùng hữu tình.
Cửa chính đền cao hai tầng, trong đó, tầng dưới uốn hình vòm, có hoa văn được chạm khắc trang trí tinh tế, tầng trên có mái chuông. Hai cổng phụ có chạm khắc đôi ngựa, hoa sen đẹp mắt. Qua cổng tam quan là con đường chính dẫn vào đền được lát gạch đỏ rộng rãi.
Kiến trúc đền Trần Thương chắc chắn phải nhắc đến công trình chính xây dựng theo hình chữ Quốc với tòa tiền đường 5 gian, hai dãy nhà khách chạy dài theo chiều dọc, ở giữa là hố khẩu, tiếp theo là tòa đệ nhị 5 gian và sau cùng là hậu cung có 3 gian. Tất cả tạo nên thế đất thiêng “ngũ mã thất tinh”, “hình nhân bái tướng”.
Giá trị kiến trúc đền Trần Thương còn được thể hiện ở cách trang trí theo đề tài, sự khéo léo, công phu như mây trời, phượng múa, rồng bay, sóng nước, lưỡng long chầu nguyệt... tạo nên một bức tranh thiên nhiên sinh động như thật, vừa trang nghiêm vừa hàm chứa triết lý dân gian thân thuộc. Năm 2015, đền Trần Thương được Nhà nước công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt.
Đền Trần Thương Hà Nam thu hút du khách thập phương còn bởi lễ hội phát lương – được công nhận là Di sản văn hóa Phi vật thể cấp Quốc gia năm 2017. Lễ hội phát lương đền Trần Thương đã trở thành một nét đẹp trong văn hóa, thể hiện sự biết ơn với bậc Thánh nhân Hưng Đạo Đại Vương đã cứu quốc, đồng thời cũng thể hiện khát vọng được bình yên muôn đời của bà con nơi đây.
Lễ hội được tổ chức vào 20/8 âm lịch hàng năm, trong 3 ngày và có thể kéo dài hơn tùy theo lượng người tham dự. Mỗi ngày đền đón 4 đến 5 đám tế và ngay từ Rằm tháng 8 đã có nhiều đoàn đến tế.
Lễ phát lương được tổ chức với các nghi trình truyền thống: Lễ rước lương thảo từ kho lương vào trong đền để làm lễ; lễ châm đuốc, dâng hương của các đại biểu cùng nhân dân và cuối cùng là lễ rước lương thảo vào làm mật lễ tại hậu cung. Các nghĩ lễ được tổ chức chỉn chu, trang trọng và tâm linh.
Cùng với phần lễ, phần hội thu hút nhiều người tham gia với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao. Tham dự lễ hội phát lương đền Trần Thương, bạn sẽ được hòa mình vào các hoạt động văn hóa dân gian, các cuộc thi đặc sắc như thi bơi chải, lễ rước nước, cờ tướng, đi cầu kiều, xem biểu diễn nghệ thuật... Trong đó, thi cờ tướng thu hút đông đảo người xem.
Các đấu thủ đều là lão làng, có chức sắc trong làng, người cao tuổi nhất là chủ tế. Họ mặc trang phục truyền thống của tướng lĩnh thời Trần khi tham dự. Cuộc thi tìm ra người đoạt giải sau một tuần hương. Tục thi cờ để tái hiện tài thao lược, tài quân sự của Trần Quốc Tuấn, nêu cao truyền thống yêu nước của ông cha ta.
Trên tất cả, các nghi thức trong lễ phát lương đền Trần Thương vừa nhằm nhắc nhở đạo lý uống nước nhớ nguồn vừa thể hiện mong muốn quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa của người dân. Đền Trần Thương còn giữ lại được nhiều đồ thờ tự có giá trị như hương án, sập thờ bằng đá, ngai thờ, khám thờ và tượng Hưng Đạo Đại Vương.
Một điểm đặc biệt là trong các đồ thờ tự của đền Trần Thương, bên cạnh những món đồ gốm sứ như bát đĩa, chén đôn, lục bình, bát hương, đồ đá như rùa, nghê, bát hương... đền còn lưu giữ chiếc kiếm bạc với phần vỏ làm bằng đồi mồi quý hiếm, chỉ được đưa ra thờ vào những ngày diễn ra lễ hội.
Trong lễ hội phát lương đền Trần Thương còn có lễ nghi “Diễn sướng Thanh đồng” đặc sắc có từ lâu đời với sự tham gia của nhiều chức sắc. Lễ hội thu hút hàng chục nghìn người tham gia như một cuộc hành hương về với cội nguồn của người dân địa phương và người dân cả nước.
Trên đây là thông tin về đền Trần Thương Hà Nam cho bạn và gia đình nếu đang tìm kiếm về địa điểm tâm linh, giàu giá trị lịch sử. Theo dõi Du lịch Việt Nam để cập nhật thêm nhiều điểm đến mới cùng kinh nghiệm vi vu hữu ích cho chuyến đi tiếp theo của mình nhé.
Yến Yến
Theo Báo Thể Thao Việt Nam