Nhà thờ Sở Kiện Hà Nam là một trong những nhà thờ đẹp bậc nhất miền Bắc nói riêng và cả nước nói chung. Cùng theo chân Du lịch Việt Nam khám phá xem nhà thờ này có gì độc đáo nhé.
Nhà thờ Sở Kiện ở đâu hay địa chỉ của Nhà thờ Sở Kiện là điều mà nhiều người thắc mắc khi chuẩn bị ghé thăm nơi đây. Cụ thể, Vương cung thánh đường Sở Kiện nằm ở thị trấn Kiện Khê, huyện Thanh Liêm, thuộc tỉnh Hà Nam. Đây là một nhà thờ Công giáo Rôma thuộc Tổng Giáo phận Hà Nội.
Vương cung Thánh đường Sở Kiện còn được gọi là Nhà thờ Kẻ Sở, hội tụ đủ phong cách Đông – Tây, trở thành điểm du lịch Hà Nam không thể bỏ qua. Như vậy, sau khi đã biết Nhà thờ Sở Kiện ở đâu, còn chần chờ gì nữa mà không lập team tới đây khám phá, check in thôi nào. Chắc chắn Nhà thờ Sở Kiện Hà Nam không khiến bạn phải thất vọng đâu.
>>Xem thêm: Check in, camping chỉ 10.000 đồng tại Ao Dong Hang Luồn Hà Nam
Chỉ cách trung tâm TP Hà Nội chưa đầy 70km, đường đi Vương cung Thánh đường Sở Kiện cực kỳ thuận tiện và dễ dàng. Bạn cứ đi theo cao tốc Hà Nội – Ninh Bình sau đó vào ĐT494 qua Khu công nghiệp Thanh Liêm là tới. Đường đi đẹp, không có gì khó khăn. Bạn chỉ mất tầm 1,5 tiếng để tới được Nhà thờ Sở Kiện.
Do khoảng cách gần như vậy, du khách hoàn toàn có thể đi về trong ngày. Tuy nhiên, để trải nghiệm hết vẻ đẹp vùng đất Hà Nam, thì du khách nên dành thời gian 2 ngày 1 đêm.
Từ trung tâm TP Hà Nam tới Nhà thờ Sở Kiện Hà Nam cũng cực gần. Với khoảng cách 12 cây số, du khách có thể đi theo Quốc lộ 1A, sau 20 phút là tới. Nhìn chung, đường đi Vương cung Thánh đường Sở Kiện cực nhanh và đẹp. Bạn có thể yên tâm tìm đường theo google maps mà không lo lạc đường. Với các bạn ở xa như các tỉnh miền Trung, Nam thì có thể đi máy bay tới Hà Nội sau đó đi xe khách, xe limousine theo tuyến đường như trên để đến Nhà thờ Sở Kiện.
Ngay từ cái tên, Vương cung Thánh đường Sở Kiện đã khiến nhiều người tò mò. Cái tên Sở Kiện là từ ghép của tên làng Sở (Ninh Phú) chuyên làm ruộng, và làng Kiện (Kiện Khê) làm nghề nung vôi, buôn bán.
Nhà thờ được xây dựng từ năm 1877 và hoàn thành vào năm 1882, dưới sự chỉ đạo của Giám mục Puginier Phước. Đây là nhà thờ chính tòa giáo phận, trung tâm hành hương của giáo phận Hà Nội tới năm 1936. Sau này, chủng viện chuyển về Hà Nội và Nhà thờ lớn ở Hà Nội được chọn làm nơi đặt ngai đại diện Tông tòa, còn Nhà thờ Sở Kiện Hà Nam trở thành nhà thờ giáo xứ.
Đặt chân tới đây, du khách như được du hành vượt không gian, đắm mình trong vẻ đẹp tráng lệ của một công trình tâm linh mang đậm dấu ấn châu Âu. Đặc biệt hơn, trong khoảng 6.000 nhà thờ nằm dọc đất nước Việt Nam, có 4 tiểu Vương cung thánh đường. Đây là danh hiệu cao quý được Giáo hoàng tôn vinh cho những nhà thờ với kiến trúc cổ kính, hoành tráng, mang ý nghĩa quan trọng về lịch sử và tâm linh.
Năm 2010, Nhà thờ này được công nhận là tiểu vương cung thánh đường và trở thành điểm du lịch Hà Nam không thể bỏ qua nhờ kiến trúc độc đáo, hội tụ cả châu Âu và phương Đông. Trong chuyến du lịch tâm linh của mình hay đơn giản là muốn check in sống ảo như trời Âu giữa lòng miền Bắc thì nhất định phải ghé thăm Vương cung Thánh đường Sở Kiện Hà Nam.
Công trình có phần móng là đầm lớn nên được lót gỗ lim để chống lún. Với phong cách Gothic điển hình, Nhà thờ Sở Kiện Hà Nam có nhà thờ chính, chủng viện và tòa Giám mục. Nhà thờ rộng 31,2m, cao 23,2m và dài 67,2m. Bên trong nhà thờ là 4 hàng cột, có sức chứa khổng lồ, lên tới 4.000 – 5.000 người. Cả khuôn viên vương cung thánh đường có diện tích khoảng 9ha.
Vương cung Thánh đường Sở Kiện Hà Nam được xây dựng với kiến trúc mái vòm cao vút mang đậm phong cách châu Âu. Trên trường có cửa kính màu có họa tiết là tranh vẽ các vị thánh hoặc các sự kiện nổi bật trong kinh thánh. Ở khu vực cung thánh và bàn thờ còn chạm gỗ tinh xảo, thiếp vàng lộng lẫy, sơn son tinh tế theo phong cách Việt Nam truyền thống.
Vương cung Thánh đường Sở Kiện có ngọn tháp cao, nơi treo 4 quả chuông mang sắc âm đồ-mi-sol-đồ. Trong đó, quả nặng nhất gần 2,5 tấn, gọi là chuông Bồng. Cứ vào ngày lễ, chuông vang lên lánh lót giữa vùng quê thanh bình, như một bàn nhạc đánh thức thôn xóm vùng đất Kiện Khê. Tiếng chuông như xoa dịu các tâm hồn đang nhiều bộn bề, như chữa lành tất cả, khiến bạn chìm đắm và lấy lại tinh thần.
Theo thời gian, ngoài khi nhà chính còn được sử dụng thì các khu khác của Nhà thờ Sở Kiện Hà Nam đã bị xuống cấp, có nhiều đoạn đổ nát, nứt vỡ. Tuy nhiên, đây lại là background chụp ảnh siêu nghệ cho các tín đồ sống ảo. Màu gạch đỏ lẫn với màu rêu phong của thời gian, in hằn trên mỗi bức tường càng khiến không gian xung quanh nhà thờ trở nên huyền bí và ma mị.
Đặc biệt, khi ánh hoàng hôn len lỏi xuống khuôn viên nhà thờ, những bức tường loang lổ, hắt thêm ánh nắng chiều, gió lùa vào tán cây lao xao trên mái vòm, cảnh vật mới quá đỗi nên thơ và du dương làm sao. Cả một góc phố châu Âu hiện hữu ngay trước mắt mỗi du khách mà chẳng phải đi đâu xa.
Tới Nhà thờ Sở Kiện, chỉ cần đi dạo bộ thôi, bạn cũng thấy lòng mình nhẹ nhõm và bình yên hơn. Nếu muốn vào dịp cuối tuần, bạn có thể tham gia vào các buổi lễ để hiểu hơn về văn hóa tôn giáo của người dân Hà Nam. Một lưu ý rằng khi tới Nhà thờ Sở Kiện này, bạn cần diện các trang phục lịch sự, nghiêm trang nhé.
>>Xem thêm: Cẩm nang du lịch Hà Nam từ A - Z
Địa Tạng Phi Lai Tự là ngôi chùa cực nổi tiếng, chỉ cách Nhà thờ Sở Kiện Hà Nam hơn 10km mà thôi. Do đó, trong hành trình ghé thăm Sở Kiện, bạn đừng bỏ qua việc tới thăm kiến trúc và chiêm bái tại Địa Tạng Phi Lai Tự.
Vị trí chùa nằm trên một ngọn đồi, không gian rất rộng lớn và thoáng đãng. Sau một hơn 1 giờ đi xe từ Hà Nội là bạn đã có thể có mặt tại đây rồi. So với các ngôi chùa khác, cách bài trí của Địa Tạng Phi Lai Tự khá khác biệt.
Điểm nhấn là phần sân dẫn vào chùa đều được rải sỏi trắng, thay vì lát gạch đỏ. Nhìn những viên sỏi trắng khiến lòng người cũng trở nên thanh thoát hơn. Ở khuôn viên của Địa Tạng Phi Lai Tự, du khách sẽ thấy cả những khu vườn trái cây, thảo dược chữa bệnh, rau rừng... nữa đấy.
Chùa Cây Thị được xây dựng từ rất lâu, hàng trăm năm trước nhưng xuống cấp trầm trọng. Đến tháng 12/2019, chùa được xây dựng lại, giữ lại ngôi chùa cổ. Chùa nằm lưng chừng núi, dãy núi ở hai bên, phía sau tựa rừng già, phía trước hướng ra cánh đồng lúa trù phú, bao la.
Sở dĩ chùa có tên là chùa Cây Thị vì cạnh chùa cổ có một cây thị hơn 100 năm tuổi. Theo các cụ cao niên trong làng, chẳng ai biết cây thị được trồng từ bao giờ, chỉ biết rằng từ nhỏ họ đã thấy gốc thị to như vậy. Vào dịp lễ, tết hay rằm, chùa thu hút rất đông khách thập phương tới thăm quan và chiêm bái.
Trên đây là thông tin về Nhà thờ Sở Kiện Hà Nam cho bạn và gia đình tham khảo. Theo dõi Du lịch Việt Nam để cập nhật thêm nhiều điểm đến mới cùng kinh nghiệm vi vu hữu ích trong chuyến đi sắp tới của mình nhé.
Yến Yến