Cách không xa Địa Tạng Phi Lai Tự, chùa Cây Thị Hà Nam cũng là một điểm đến nổi bật trong tour du lịch tâm linh của mảnh đất này. Cùng Du lịch Việt Nam khám phá xem ngôi chùa này có gì mà dân tình lại kéo tới đây chiêm bái và thăm quan đến vậy nhé.
Chùa Cây Thị ở đâu hay địa chỉ chính xác của chùa Cây Thị là điều mà nhiều người thắc mắc khi đang lên kế hoạch cho chuyến đi sắp tới của mình. Cụ thể, ngôi chùa này tọa lạc tại thôn Chè Trình, xã Thanh Tâm thuộc huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Chùa Cây Thị được biết đến là đạo tràng Phật tử tu tập lớn hàng đầu tại Hà Nam.
Như vậy, sau khi đã biết chùa Cây Thị ở đâu, còn chần chờ gì nữa mà không rủ ngay hội bạn thân lập kèo tới đây để thăm quan ngôi chùa đình đám này thôi nào. Đảm bảo rằng chùa Cây Thị Hà Nam sẽ không khiến bạn phải thất vọng trong chuyến du xuân đâu.
Chùa Cây Thị cách trung tâm TP Hà Nội chỉ hơn 75km, nên thời gian di chuyển chỉ tầm 1,5 tiếng đồng hồ. Nhìn chung, đường đi chùa Cây Thị Hà Nam cực dễ dàng và đẹp, không khó để bạn tự lái xe ô tô hoặc xe máy đến đây. Khách du lịch chỉ cần đi theo cao tốc Hà Nội – Ninh Bình rồi xuống ở nút giao Lê Duẩn, đi tiếp vào Đường 494 => Quốc lộ 1A là tới được chùa.
Các bạn có thể tra cứu đường đi chùa Cây Thị Hà Nam qua ứng dụng google maps, sẽ được chỉ dẫn tới tận nơi. Ngoài ra, dọc đường đi, du khách hỏi người dân địa phương sẽ được chỉ đường tận tình.
Đặc biệt, chùa Cây Thị Hà Nam chỉ cách Địa Tạng Phi Lai Tự - một ngôi chùa nổi tiếng khác tầm 4 cây số. Do đó, bạn có thể kết hợp tour đi hai ngôi chùa này trong một ngày đều được. Từ chùa Địa Tạng Phi Lai, khách du lịch đi theo ĐT494 là ra tới chùa Cây Thị. Thời gian di chuyển chỉ tầm 10 phút.
Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của những người đi trước, vào những ngày cuối tuần, ngày Rằm hoặc mùng 1, du khách về hai ngôi chùa trên sẽ khá đông nên có thể xảy ra tình trạng tắc đường.
Nếu xuất phát từ TP Phủ Lý, du khách đi theo Quốc lộ 1A, rồi rẽ trái vào địa phận xã Thanh Hương, sau đó rẽ phải đi qua chùa Trình là tới chùa Cây Thị Hà Nam. Khoảng cách cho quãng đường này tầm 15km.
Chùa Cây Thị mở cửa tất cả các ngày trong tuần, từ thứ 2 tới Chủ nhật, từ 7h tới 19h và không thu vé thăm quan. Do đó, chuyến đi này cực phù hợp với những ai đang muốn du xuân tiết kiệm nữa đấy.
Chùa Cây Thị còn có tên gọi khác là Tịnh Viện Di Đà, nằm cách biệt hoàn toàn với khu dân cư. Tịnh Viện Di Đà Hà Nam có vị trí cực đắc địa, khi nằm trên lưng chừng núi, với hai bên là dãy núi trải dài có hình thế tả thanh long, hữu bạch hổ.
Sở dĩ chùa Cây Thị Hà Nam có tên độc đáo như vậy bởi nằm ngay cạnh cây thị cổ to lớn. Ngay cả người dân địa phương cũng chẳng ai biết chính xác cây thị có từ bao giờ, chỉ biết rằng nó đã tồn tại hàng trăm năm, gốc thị vững chắc, to, vòng tay người lớn ôm không xuể như hiện nay.
Theo lịch sử, chùa có thể bị thay đổi, xuống cấp nhưng cây thị vẫn trụ vững, tán lá sum xuê không đổi thay như che mát cho cả một vùng, xoa dịu những buồn phiền, âu lo của các du khách mỗi khi tới chùa. Cây thị là nơi dừng chân nghỉ ngơi cho bất kỳ ai vãn cảnh tới chùa. Hương thơm của cây cỏ, của hoa lá xung quanh giúp tâm hồn ta thêm thanh thản, nhẹ nhõm.
Có thể nói, cây thị không chỉ có giá trị về lịch sử, mà còn mang cả giá trị tâm linh to lớn đối với dân làng Chè Trình nói riêng và các tín đồ Phật tử từ khắp nơi nói chung khi đến chùa Cây Thị Hà Nam chiêm bái.
Sau lưng chùa là rừng cây cổ thụ rậm rạp, tạo quang cảnh mát mẻ, thoáng đãng. Có thể nói, chùa Cây Thị thích hợp làm nơi du xuân, chiêm bái tâm linh, nơi thăm quan hay đôi lúc chỉ để bạn sống chậm, hít thở không khí trong lành.
Tịnh Viện Di Đà Hà Nam không phải ngôi chùa mới, vốn được xây dựng từ hàng trăm năm trước. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, của thời gian, ngôi chùa bị xuống cấp trầm trọng. Đến tháng 12/2019, chùa được tôn tạo, phục hồi lại khang tranh, đẹp mắt.
Để có được diện mạo bề thế, quy mô lớn như hiện nay chính là sự hỗ trợ, góp sức của đông đảo các Tăng ni, Phật tử trên khắp cả nước. Đặc biệt, công sức tâm huyết của trụ trì Thích Huệ Hạnh dày công kiến tạo họa tranh, thư pháp, trang trí, tạo thêm cảnh quan đẹp mắt cho chùa Cây Thị Hà Nam.
Kiến trúc chùa Cây Thị là sự hài hòa, giữa cổ kính và hiện đại. Cổng chùa và vườn thiền đẹp mắt, thiết kế theo kiến trúc kiểu Nhật Bản kết hợp với kiến trúc Việt. Với tông màu đỏ nổi bật, treo đèn lồng trang trí, đây chính là vị trí sống ảo không thể bỏ qua cho lữ khách thập phương. Kế bên cổng chùa là tượng Bồ Tát Quán Thế Âm với khuôn mặt hiền từ, cao tới 6m làm bằng đá granite, đặt uy nghi giữa lưng đồi.
Một điểm nhấn nổi bật của chùa Cây Thị nữa là phần sân trải sỏi trắng tinh, xung quanh mướt mắt với màu xanh của cỏ Nhật và cây tùng. Những viên sỏi nhỏ bé nhưng được tạo hình đẹp, tỉ mỉ, trắng tinh giúp tâm hồn du khách cũng trở nên thanh thoát hơn.
Không những vậy, 12 vòng tròn tạo hình trên thảm sỏi còn tượng trưng cho nhân duyên của mỗi người. Cùng với tiếng chuông, không gian chùa Cây Thị Hà Nam thật thanh tịnh, bình yên. Ai đặt chân đến đây, chỉ cần bước đi trên thảm sỏi trắng cũng được thư thái và yên lòng đến lạ.
Kiến trúc chùa Cây Thị cũng khá giống những ngôi chùa khác ở miền Bắc, bao gồm: Tam Bảo, nhà thờ tổ, nơi thờ Đức Ông và đức Thánh hiền; có cả khu nhà ở, giảng đường, nhà khách và nơi ở của Phật tử.
Khắp mọi lối đi của chùa Cây Thị đều được trang trí đèn lồng thắp sáng lung linh. Không chỉ giúp khuôn viên chùa thêm phần huyền ảo, đẹp mắt, theo trụ trì, đèn lông nơi cửa Phật còn có ý nghĩa tâm linh sâu xa. Tức là ước muốn của mọi người sẽ đều được tuệ giác của Đức Phật, ánh nến cháy sáng trong mỗi chiếc đèn lồng tượng trưng cho sự giác ngộ đó.
Không chỉ là nơi thăm quan của khách gần xa, chùa Cây Thị Hà Nam còn là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của người dân địa phương, hướng con người đến những giá trị tốt đẹp của đạo Phật, mang đến sự bình an và thoải mái trong tâm hồn.
Bạn có thể tới chùa Cây Thị bất kể thời điểm nào trong năm. Đặc biệt, nếu ghé chùa vào đúng mùa thị chín (tầm tháng 7- tháng 8), du khách còn được hít hà hương thơm ngọt ngào của những quả thị tỏa khắp nơi nữa đấy.
>>Xem thêm: Check in, camping chỉ 10.000 đồng tại Ao Dong Hang Luồn Hà Nam
Trong chuyến du lịch Hà Nam về với chùa Cây Thị, bạn đừng quên ghé thăm những điểm đến nổi tiếng khác gần đó để chuyến đi thêm trọn vẹn.
Chùa Địa Tạng Phi Lai cũng là một địa chỉ tâm linh lý tưởng cho du khách, cách chùa Cây Thị Hà Nam chỉ vài km. Chùa nằm nép mình bên rừng thông nên không khí lúc nào cũng thoáng đãng và mát mẻ.
Trong khuôn viên Địa Tạng Phi Lai Tự có cả vườn trái cây, thảo dược, rau rừng, thuốc chữa bệnh... được chăm sóc khéo léo. Bên phải tòa Tam bảo thờ 42 đời tổ sư từng trụ trì tại chùa, là công trình không thể bỏ qua khi thăm quan Địa Tạng Phi Lai Tự.
Khu du lịch Ao Dong Hang Luồn thuộc địa chỉ thôn Bút Phong, xã Liên Sơn, huyện Kim Bảng. Đây là điểm đến còn hoang sơ, thích hợp cho các du khách muốn khám phá và cắm trại ngoài trời. Giá vé vào Ao Dong Hang Luồn được niêm yết chỉ với 10.000 đồng và nếu muốn đi thuyền giá là 50.000 đồng/người.
Ao Dong Hang Luồn được bao bọc bởi những dãy núi đá vôi xung quanh như tách biệt khỏi thế giới xô bồ ngoài kia. Do vị trí đặc biệt, nằm sâu trong núi đá sừng sững nên mãi mới được biết đến. Nếu muốn camping, bạn cần chuẩn bị sẵn đồ từ ở nhà vì nơi này chưa có dịch vụ gì cả. Cảm giác vừa được hít thở không khí trong lành, vừa được chill chill giữa phong cảnh sơn thủy hữu tình mới đã làm sao.
Trên đây là thông tin về chùa Cây Thị Hà Nam cho bạn và gia đình. Theo dõi Du lịch Việt Nam để cập nhật thêm nhiều điểm đến mới cùng kinh nghiệm vi vu hữu ích trong chuyến đi sắp tới của mình nhé.
Yến Yến