Chắc hẳn nhiều người đã nghe danh cá kho làng Vũ Đại bấy lâu nay. Đây là món ngon trứ danh với cách làm đặc biệt, mang đến hương vị đặc trưng, được nhiều người săn lùng vào dịp Tết.
Vào ngày Tết Nguyên đán, mỗi vùng miền lại có nét đặc trưng riêng trong văn hóa ẩm thực. Ở miền Bắc, nhiều gia đình chọn cá kho làm món ăn chống ngấy dịp Tết đến xuân về. Nếu là một tín đồ sành ăn, chắc hẳn nhiều người đã nghe danh cá kho làng Vũ Đại hay còn gọi là cá kho Bá Kiến Hà Nam.
Làng Vũ Đại chỉ là một ngôi làng nhỏ của tỉnh Hà Nam, cách trung tâm TP. Hà Nội hơn 80km nên việc đi lại cũng thuận tiện. Với khoảng cách như vậy, bạn có thể đi về trong ngày. Nếu muốn thăm quan, khám phá nhiều địa danh khác của tỉnh, du khách nên dành thời gian 2 ngày 1 đêm.
Dù ngày nay, việc vận chuyển đã nhanh chóng, dễ dàng hơn nhưng nhiều người vẫn muốn đến tận nơi tìm mua món cá kho Bá Kiến Hà Nam. Từ TP. Hà Nội, bạn lái xe đi cao tốc Hà Nội – Ninh Bình, đến vòng xuyến với Hà Huy Tập thì rẽ trái vào, tiếp tục đi thẳng rồi rẽ trái vào Quốc lộ 38B => ĐT487 => Cầu Phao => ĐT972 là tới nơi bán cá kho làng Vũ Đại.
Đường đi đẹp, có thể tra cứu trên google maps. Nhìn chung, tùy theo điểm xuất phát mà bạn lựa chọn cung đường di chuyển sao cho hợp lý. Với các tỉnh phía Bắc, việc di chuyển không có khó khăn gì vì đường xá đẹp, biển báo đầy đủ.
Chắc hẳn, ít nhiều bạn đã nghe đến tựa phim “Làng Vũ Đại ngày ấy” hay đọc qua tác phẩm truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao. Ngày nay, khi đặt chân tới đây, bạn sẽ không còn nhận ra một làng Vũ Đại ngày xưa trong phim, trong truyện nữa. Từ một làng quê tăm tối, đói kém giữa cánh đồng chiêm trũng của Bắc Bộ, Vũ Đại bây giờ hiện đại, sầm uất với nhà cao cửa rộng và đặc biệt là nghề kho cá xuất khẩu ra tận nước ngoài.
Cá kho làng Vũ Đại không hề rẻ nhưng lúc nào cũng được săn lùng như một món ăn đặc sản đầy vị thế vào dịp Tết cổ truyền. Không chỉ để bày biện trong mâm cơm ngày Tết mà còn được nhiều người sử dụng làm quà biếu bởi hương vị ngon, đẳng cấp.
Ghé thăm làng Vũ Đại những ngày giáp Tết, không khí sôi động, tấp nập hơn bao giờ hết. Phảng phấp trong đường làng ngõ xóm là hương thơm nức mũi của cá kho, của riềng, của chanh, của bếp than đang cháy hừng hực.
Cá kho làng Vũ Đại Hà Nam được gọi với nhiều cái tên khác nhau như cá kho Nhân Hậu, cá kho Đại Hoàng, cá kho Bá Kiến... nhưng dù là tên nào, món ăn này cũng có nhiều đặc trưng mà chẳng nơi nào có được.
Để làm nên được món cá kho làng Vũ Đại Hà Nam thơm ngon, người ta thường chọn cá trắm đen. Đây là loài cá có trọng lượng lớn, không ăn tạp, chỉ ăn ốc, ít xương dăm, dày thịt và không bị quá tanh. Tuy nhiên, khâu tuyển chọn cá cũng tốn nhiều công sức. Theo đó, cá phải được nuôi ít nhất 3 năm, nặng từ 3,5 kg trở lên, khỏe mạnh.
Chẳng ai biết cá kho làng Vũ Đại có chính xác từ bao giờ, chỉ biết rằng được truyền từ đời này qua đời khác. Cả làng này ai cũng biết cách kho cá, có thể theo công thức chung nhưng để tạo nên được nồi cá chuẩn vị, thơm ngon và được yêu thích thì phải do người nấu có dày dặn kinh nghiệm, có bí quyết riêng về thời gian, về cách châm nước... Vậy mới nói, cách làm cá kho làng Vũ Đại chẳng đơn giản như nhiều người lầm tưởng.
Người ta chỉ dùng khúc giữa của cá, bỏ đầu, bỏ đuôi để ráo nước rồi đem tẩm ướp với riềng, chanh, ớt, hành củ, nước dùng gia truyền... Trong đó, nguyên liệu cốt lõi để giúp miếng cá chắc thịt hơn là nhờ nước tương cua đồng. Nhờ có nguyên liệu này mà khi ăn dù kho trong nhiều giờ nhưng không hề nát thịt.
Nét đặc trưng bất biến của cá kho làng Vũ Đại là kho bằng nồi đất Nghệ An chắc chắn, kho lâu cũng không bị nứt và vung đậy từ Thanh Hóa. Bởi vì lẽ đó mà người dân nơi đây có câu truyền miệng rằng: ''Nồi Nghệ An, vung Thanh Hóa, cá Đại Hoàng'' là vậy.
Trong cách làm cá kho làng Vũ Đại, ngay cả loại củi để kho cũng được chú trọng. Củi phải là củi nhãn vì sinh ra nhiệt lượng cao, lửa đượm, giúp đánh bay được mùi nồi đất khi kho cá, ngoài ra còn giúp cá chín tới, nhừ hơn nhiều so với các loại củi khác.
Một niêu kho cá có nhiều kích cỡ khác nhau, nhỏ nhất là 1kg, cỡ lớn có thể lên tới 5kg tùy theo yêu cầu của khách du lịch Hà Nam. Cá kho làng Vũ Đại được kho trong khoảng 12 tiếng. Trong suốt quá trình kho cá, người thợ phải ủ thêm trấu phía dưới bếp để giữ nhiệt cho nồi niêu cá luôn ở trạng thái sôi. Sau đó, họ đun liên tục 8 - 9 tiếng, nước cốt cạn đến đâu thì phải tiếp nước nóng luôn đến đó để không bị cháy và thịt cá ngấm đều gia vị, chín dần. Khoảng 3 tiếng còn lại, cá sẽ được đun nhỏ lửa cho đến khi cạn nước thì bắc ra khỏi bếp, để nguội và đóng gói gửi khách hàng.
Một nồi cá kho Vũ Đại chuẩn vị phải chắc thịt, nhừ xương, trẻ em cũng không lo bị hóc. Miếng thịt phải thơm, thấm đậm gia vị từ ngoài vào trong, không bị nát hay bở.
Cá kho làng Vũ Đại vừa có vị mặn vừa có vị chua để phân biệt với các loại cá kho vùng khác. Vị mặn từ mắm cốt, vị chua từ nước chanh, vị ngậy của thịt ba chỉ, cốt cua đồng, xương hầm, màu cánh gián của nước hàng. Bạn có thể bảo quản trong tủ lạnh một tuần liền mà ăn vẫn ngon miệng. Do đó, cứ giáp Tết, nhiều người lại mua về để ăn dần.
Những ngày cuối năm âm lịch, các gian bếp trong làng Vũ Đại luôn rực lửa ngày đêm. Các niêu cá được xếp thẳng tắp trên kiềng sắt dài khoảng 15m và kho liên tục trong nhiều giờ. Để đảm bảo được thời gian cho món cá kho kịp phục vụ khách hàng, các thành viên trong gia đình còn thay phiên nhau túc trực bếp.
Một nồi cá kho làng Vũ Đại như vậy có giá từ 700.000 – 1.500.000 đồng tùy theo trọng lượng. Dù đắt đỏ nhưng chẳng ai phàn nàn bởi sự tỉ mỉ và chất lượng của món ăn. Những ngày cao điểm, mỗi nhà có thể bán vài trăm nồi cá, mang lại thu nhập tốt cho người dân.
Dù ngày Tết có đa dạng món ăn nhưng nhiều người sẵn sàng chi hàng triệu đồng để có một nồi cá kho chuẩn ngon để thưởng thức bên gia đình. Đến làng Vũ Đại còn là dịp để bạn tìm hiểu về món cá độc đáo này và thêm yêu mến nét ẩm thực địa phương giản dị mà độc đáo.
>>Xem thêm: Chùa Long Đọi Sơn Hà Nam: Ngôi chùa cổ linh thiêng
Không chỉ có cá kho làng Vũ Đại, Hà Nam còn có nhiều đặc sản nức tiếng khắp nơi. Trong chuyến ghé thăm vùng đất bình yên này, bạn có thể kết hợp thưởng thức các món sau:
+ Bánh cuốn Phủ Lý: Khác với bánh cuốn Thanh Trì (Hà Nội) ăn cùng chả quế, bánh cuốn Phủ Lý sẽ ăn cùng chả thịt nướng. Bánh cuốn được làm từ gạo tám xoan thơm ngon, tráng mỏng tanh, cắt thành từng miếng vừa ăn. Đặc biệt, bánh nguội ăn cùng nước chấm nóng, thịt nướng đậm đà, mỡ nạc hài hòa nên rất ngon và vừa miệng.
Nước chấm của bánh cuốn Phủ Lý đủ vị chua từ giấm, cay của ớt, thơm nồng nàn từ tỏi, không được quá mặn để vừa chấm bánh vừa húp sùm sụp được luôn. Món này thường được người dân thưởng thức vào bữa sáng, nạp năng lượng cho ngày mới.
+ Chim to dần: Khi nhắc đến Hà Nam, món chim to dần cũng là thứ đặc sản được nhiều người biết đến. Trong đó, khu vực đường Biên Hòa, xã Nhật Tân thuộc huyện Kim Bảng có nhiều quán ngon nhất. Sở dĩ món này có cái tên độc đáo như vật bởi thực khách sẽ được thưởng thức đủ hương vị của nhiều loại chim từ bé tới lớn như chim sẻ tới vịt trời...
Trên đây là thông tin về cá kho làng Vũ Đại cho bạn và gia đình tham khảo. Theo dõi Du lịch Việt Nam để cập nhật thêm nhiều điểm đến mới cùng kinh nghiệm vi vu hữu ích trong chuyến đi sắp tới của mình nhé.
Yến Yến