Banner Movi
Nhật Bản

Lý giải thói quen "ăn đồ ngọ nguậy" của người Nhật

Thứ năm, 04/07/2019, 22:19 GMT+7
Ăn những con vật còn sống và ngọ nguậy đã trở thành một trường phái đặc sắc trong ẩm thực Nhật Bản. Thế nhưng không phải ai cũng biết ý nghĩa sâu xa của nét văn hóa độc đáo này. Hôm nay chúng ta hãy cùng tìm hiểu lý do vì sao người Nhật lại thích các món “ngọ nguậy” đến vậy nhé.


Về mặt lịch sử


Thói quen ăn đồ sống của người Nhật không phải mới ngày một ngày hai mà nó đã hình thành và phát triển từ xa xưa. Cách đây hàng trăm năm tại vùng Fukuoka đã trải qua một trận lụt khủng khiếp. Khi cơn lũ qua đi, lãnh chúa của vùng đã ban tặng rượu sake cho người dân để khích lệ tinh thần, thế nhưng trong vùng lúc đó chẳng còn thứ gì để ăn ngoài những con cá lòng tong trong nước. Do đó người dân đành múc những chú cá này để nhắm với rượu. Và họ phát hiện ra một điều rất thú vị là những chú cá lòng tong này có vị rất ngon khi ăn sống, nhưng khi ăn chính thì thịt của chúng rất nhạt. Kể từ đó phong tục húp cá lòng tong sống đã được người dân vùng này duy trì cho đến tận ngày nay một phần để nhớ về một thời khó khăn vất vả, còn một phần là do hương vị của chúng rất ngon.
 
Lý giải thói quen "ăn đồ ngọ nguậy" của người Nhật


Ý nghĩa xã hội


Trên đây là câu chuyện về nguồn gốc của món Shirouo no odorigui (cá con sống). Còn các món “ngọ nguậy” khác như mực zombie, tôm nhảy múa… thì lại có nguồn gốc hoàn toàn khác nhé. Theo đó, ngày xưa đồ tươi ở Nhật khá khan hiếm. Tuy ở gần biển nhưng Nhật Bản lại là nước nghèo tài nguyên. Hải sản được đánh bắt khi về đến đất liền thường đã chết và được làm lạnh trong khoảng -40 độ. Do đó, việc thưởng thức những chú tôm, chú mực còn sống là một điều hết sức xa xỉ. Và trong thời kỳ kinh tế bong bóng ở Nhật, những người giàu đều muốn thể hiện quyền lực và vị thế của mình nên không tiếc tay chi cho những món xa xỉ phẩm. Trong đó, ăn các món “ngọ nguậy” chính là một trong những cách mà họ áp dụng để người khác biết mình giàu. Từ đó, thói quen ăn đồ sống tại Nhật trở nên phổ biến và lưu truyền cho đến tận ngày này.
 
Lý giải thói quen "ăn đồ ngọ nguậy" của người Nhật


Ý nghĩa về mặt ẩm thực


Dù do hoàn cảnh lịch sử hay ý nghĩa xã hội đi chăng nữa thì các món “ngọ nguậy” sẽ không tồn tại được đến nay nếu nó không ngon và có hương vị đặc biệt. Các đầu bếp sushi giỏi đã phát hiện ra việc chế biến tôm, mực… khi chúng đang còn sống có hương vị ngon ngọt hơn khi chúng đã chết rất nhiều. Từ đó họ đã tạo ra dòng ẩm thực ikizukuri với phương châm “chỉ chế biến hải sản khi chúng còn đang sống và... ngọ nguậy”. Trong dòng ẩm thực này các đầu bếp cũng đã sáng tạo ra kỹ thuật dùng dao ike jime để xẻ thịt hải sản sao cho gọn gàng, nhanh chóng nhất để loại bỏ acid lactic tiết ra khi con vật đau đớn và sợ hãi. Nhờ vậy giúp món ăn trở nên tinh khiết và thơm ngon hơn. 
 
Lý giải thói quen "ăn đồ ngọ nguậy" của người Nhật

Hầu hết các du khách khi đến Nhật Bản đều kinh ngạc và sợ hãi khi thấy những món tươi sống, ngọ nguậy trên bàn ăn. Tuy nhiên nếu đi sâu tìm hiểu kỹ về nguồn gốc ý nghĩa thì bạn sẽ thấy những món ăn này ẩn chứa rất nhiều nét đẹp văn hóa của đất nước mặt trời mọc đấy nhé. 
 
Lý giải thói quen "ăn đồ ngọ nguậy" của người Nhật

Có thể khẳng định rằng Nhật Bản là đất nước có nền ẩm thực độc đáo bậc nhất thế giới. Trong đó những món “ngọ Nguậy” chính là điểm nhấn thu hút đối với du khách ở khắp nơi trên thế giới. Nếu có dịp du lịch đất nước mặt trời mọc, bạn đừng quên thử thách sự can đảm của mình bằng các món "ngọ nguậy" này nhé.
Phương Nghệ
Theo Báo Thể thao Việt Nam