Đâm cốm dẹp, đan đát, làm bánh pía…là các làng nghề truyền thống ở Sóc Trăng với những giá trị lịch sử, văn hóa lâu đời vẫn được người dân địa phương gìn giữ, phát huy đến tận ngày nay.
Xứ ‘kho bạc’ là nơi tọa lạc của rất nhiều làng nghề truyền thống lâu đời được người dân bản địa gìn giữ và phát triển.
Ngay sau đây hãy cùng Du Lịch Việt Nam ghé thăm 4 làng nghề truyền thống ở Sóc Trăng làm nên tên tuổi của vùng đất này để tìm hiểu kĩ hơn những giá trị lịch sử, văn hóa quý giá.
Tại xứ “kho bạc” có một làng nghề làm cốm dẹp tọa lạc tại ấp Phước Quới, xã Phú Tân, huyện Châu Thành tính đến nay đã có tuổi đời hơn trăm năm. Trước kia, bà con nơi đây chủ yếu làm cốm theo mùa lễ hội Óoc Om Bóc. Hiện tại, trong số 40 hộ vẫn giữ nghề quết cốm dẹp có 4 cơ sở sản xuất cốm quanh năm, tạo việc làm ổn định cho hàng chục lao động địa phương.
Cốm dẹp là đặc sản trứ danh của Sóc Trăng nói riêng và đồng bào dân tộc Khmer Nam bộ nói chung. Món ăn hấp dẫn này được xem là lễ vật quan trọng trong mỗi dịp Lễ cúng Trăng (Rằm tháng 10 Âm lịch hằng năm của đồng bào Khmer tổ chức lễ hội Óoc Om Bóc).
Làng nghề truyền thống ở Sóc Trăng xuất hiện từ rất sớm nên đến hiện tại không ai tìm thấy bất cứ tài liệu nào ghi chép cụ thể. Công cuộc giữ lửa nghề được truyền từ đời này sang đời khác, chủ yếu là hướng dẫn làm trực tiếp theo dạng "cha truyền con nối".
Trước đây, việc đâm, giã cốm dẹp là một công việc truyền thống của người Khmer, nhất là tại làng nghề của xã Phú Tân. Đến nay, mùi thơm của nếp mới cùng với vị ngọt bùi đã bước ra khỏi lũy tre của phum, sóc và mở rộng quy mô để trở thành một loại đặc sản trứ danh được nhiều du khách lựa chọn mua làm quà biếu, tặng người thân sau chuyến du lịch Sóc Trăng.
Bánh pía Vũng Thơm là làng nghề truyền thống ở Sóc Trăng nổi tiếng khác không còn xa lạ với nhiều du khách. Đây là nghề thủ công truyền thống của người Hoa ở xã Thuận Hòa, xã An Hiệp, xã Phú Tâm, huyện Châu Thành.
Bánh Pía có nguồn gốc từ bánh Trung thu của người Triều Châu, một loại bánh ngọt do người Minh Hương di cư sang Việt Nam từ thế kỷ XVI mang theo. Từ ''Pía'' có gốc từ tiếng Triều Châu, ''Pi-é'' có nghĩa là bánh. Vì vỏ bánh có cấu trúc nhiều lớp da mỏng xếp chồng lên nhau và có thể lột ra dễ dàng nên được cộng đồng các dân tộc ở Nam bộ gọi với cái tên khác là "bánh lột da". Ngày nay, chiếc bánh Pía đã trở thành một trong những biểu tượng văn hóa ẩm thực đặc sắc của Sóc Trăng.
Trước đây tại làng nghề truyền thống ở Sóc Trăng, người dân hoàn toàn làm bánh bằng phương thức thủ công. Tất cả các quy trình làm ra chiếc bánh Pía đều bằng tay và các lò bánh tập trung nhiều ở xã Phú Tâm (tên dân gian gọi là Vũng Thơm). Trải qua gần 100 năm hình thành và phát triển, các cơ sở, lò bánh Pía ra đời ngày càng nhiều nhằm đáp ứng nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng trong nước và quốc tế.
Nhân bánh Pía bổ sung thêm lòng đỏ trứng muối và các thành phần khác, cũng như sáng tạo thêm các nhân mới như khoai môn, đậu đỏ…được rất nhiều du khách ưa chuộng và lựa chọn mua làm quà sau tour du lịch miền Tây.
Vẽ tranh trên kiếng là làng nghề truyền thống ở Sóc Trăng mang đậm nét văn hóa nghệ thuật bản địa đặc sắc. Đây là làng nghề nổi tiếng của vùng đất Phú Tân, huyện Châu Thành.
Trước đây, ở xã Phú Tân, hộ gia đình nào cũng biết vẽ tranh trên kính. Du khách ghé thăm vùng này lúc nào cũng trầm trồ, bất ngờ với số lượng tranh kính được bà con phơi trước cửa nhà. Trước đây cả xã có hơn 100 hộ dân làm nghề vẽ tranh kính, tranh được bán ở nhiều tỉnh, thành phố khu vực Nam bộ. Tuy nhiên, do sự phát triển của công nghệ và sự cạnh tranh đến từ nhiều loại tranh khác mà hiện tại chỉ còn lại một người duy nhất theo nghề là bà Triệu Thị Vui ở ấp Phước Thuận. Nghề này không mang lại thu nhập cao nhưng vì đam mê và muốn lưu giữ giá trị văn hóa của dân tộc Khmer nên bà Vui vẫn quyết tâm duy trì và gắn bó với nghề.
Để hoàn thành một bức tranh trên kiếng, người nghệ nhân cần trải qua nhiều công đoạn đòi hỏi sự khéo léo trong từng nét bút, tay nghề cao, mắt thẩm mỹ lựa chọn và phối màu. Sản phẩm làm ra với nhiều chủ đề đa dạng như kể về cuộc đời của Đức Phật Thích Ca, miêu tả phong cảnh chùa hay điểm du lịch nổi tiếng…được bán với mức giá dao động từ 50.000 - 200.000 VND.
Đan đát là làng nghề truyền thống ở Sóc Trăng tập trung tại một số địa phương như Phước Quới, xã Phú Tân, huyện Châu Thành.
Đan đát là ngành nghề mang tính truyền thống và ngày nay đã trở thành một nét văn hóa riêng của bà con đồng bào dân tộc Khmer. Vào năm 2006, nhà nước đầu tư kinh phí nhằm mở rộng cơ sở và thành lập hợp tác xã cho làng nghề truyền thống ở Sóc Trăng nổi tiếng với 126 hộ đều là người bản xứ. Ngoài ra, làng nghề đan đát tại Phú Tân cũng đang được triển khai xây dựng với tổng diện tích 5 ha nhằm phát triển các sản phẩm thủ công phục vụ nhu cầu mua hàng lưu niệm của du khách tham quan, đồng thời góp phần tăng thêm thu nhập cho bà con.
Các sản phẩm tại làng nghề vô cùng đa dạng và phong phú như: thúng, xà ngom, rổ, xà neng, bội nhốt gà, cần xé nhỏ và nhiều mặt hàng thủ công mỹ nghệ khác đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ như chiếc ghe, khay đựng trầu…được làm bằng nguyên liệu chủ yếu là tre, trúc.
>>Xem thêm: Điểm danh những lễ hội đặc sắc không thể bỏ lỡ tại vùng đất Sóc Trăng
Ghé thăm khám phá các làng nghề truyền thống ở Sóc Trăng là hoạt động du lịch thú vị được rất nhiều du khách thập phương lựa chọn trải nghiệm khi đặt chân đến xứ “kho bạc”.
Đỗ Hằng