Banner Movi

Làng nghề dệt lanh Lùng Tám - điểm đến trải nghiệm lý thú ở Hà Giang

Thứ bảy, 13/05/2023, 09:43 GMT+7
Tại Hà Giang có làng nghề dệt lanh Lùng Tám từ lâu đã nức tiếng gần xa. Không chỉ cổng trời Quản Bạ, cột cờ Lũng Cú hay Hoàng Su Phì... làng nghề truyền thống ở Hà Giang cũng là điểm đến cho bạn khám phá những điều mới mẻ, lý thú. 
quảng cáo

Hà Giang là nơi sinh sống của đông đảo bà con dân tộc thiểu số như người Mông, người Dao, Tày... Cũng nhờ vậy mà vùng đất địa đầu Tổ Quốc có nhiều nét văn hóa đa dạng, độc đáo. Trong đó, làng nghề dệt lanh Lùng Tám là một trong những điểm đến được du khách yêu thích, đặc biệt là khách ngoại quốc. 
 

1. Làng nghề dệt lanh Lùng Tám độc đáo ở Hà Giang


1.1. Làng nghề Lùng Tám ở đâu?

Lùng Tám là một xã nhỏ nằm bên dòng sông Miện, thuộc huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang. Dù cách trung tâm TP Hà Giang khá xa, tới 50 km nhưng vẫn luôn thu hút khách du lịch. Tại Lùng Tám, người Mông đã gìn giữ nghề dệt vải lanh truyền thống nhiều đời nay với chất liệu từ tự nhiên và quy trình hoàn toàn thủ công.

 

 Làng nghề dệt lanh Lùng Tám
Làng nghề dệt vải lanh Lùng Tám đã có truyền thống từ lâu. Ảnh: Xuân Phương

Hợp tác xã dệt lanh Lùng Tám được thành lập từ năm 2001, vừa là nơi bảo tồn, phát triển nghề vừa thu hút khách du lịch Hà Giang, cải thiện thu nhập cho bà con nơi này. Có thể nói, làng dệt lanh Lùng Tám là làng dệt thủ công nổi tiếng bậc nhất vùng núi phía Bắc. 
 

1.2. Cách đến làng nghề dệt lanh Lùng Tám

Hà Giang cách trung tâm TP Hà Nội gần 280km, thời gian đi lại mất 6 tiếng đồng hồ. Có khá nhiều phương tiện đưa bạn tới Hà Giang như xe ô tô, tự lái xe riêng hay phượt xe khách. 

 

 Làng nghề dệt lanh Lùng Tám
Các sản phẩm lanh ở Lùng Tám nổi tiếng và được xuất khẩu. Ảnh: Báo Biên Phòng

Do khoảng cách khá xa nên theo kinh nghiệm đi Hà Giang, tốt nhất du khách chọn xe giường nằm hoặc xe limousine đưa đón tận nơi. Việc di chuyển bằng phương tiện này giúp tiết kiệm thời gian cũng như đảm bảo sức khỏe cho du khách trong hành trình tới khám phá làng dệt lanh Lùng Tám. Giá vé chặng Hà Nội – Hà Giang khoảng 200.000 - 300.000 đồng/người/chiều.

 

 Làng nghề dệt lanh Lùng Tám
Bạn có thể phượt xe máy tới Hà Giang, thời gian đi lại khoảng 7 tiếng. Ảnh: Hang Bui

Nếu đã có kinh nghiệm đi phượt địa hình vùng núi thì bạn có thể di chuyển bằng xe máy. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm đi Hà Giang, thời gian di chuyển xe máy sẽ lâu hơn. Khách du lịch cũng nên kiểm tra phương tiện kỹ càng trước khi khởi hành.

Nếu xuất phát từ TP.HCM, bạn chọn máy bay tới Hà Nội, giá vé dao động khoảng 1,3 triệu đồng/người/chiều. Sau đó, du khách tiếp tục hành trình từ Thủ đô đi Hà Giang như trên.

 

 Làng nghề dệt lanh Lùng Tám
Tới Lùng Tám để tìm hiểu về nghề dệt vải lanh truyền thống. Ảnh: Xuân Phương

Từ TP Hà Giang, bạn đi theo cung đường đến Quản Bạ hướng Quốc lộ 4C, đi qua thị trấn Tam Sơn khoảng 3km xuống đường đèo với các khúc cua liên tiếp. Tại khúc cua thứ 7, bạn rẽ vào lối nhỏ đến làng nghề dệt lanh Lùng Tám. Cung đường đèo quanh co, nhiều đoạn cần chú ý quan sát. Trên chặng đường tới Lùng Tám, bạn có thể kết hợp thăm quan Cổng trời Quản Bạ - một điểm chiêm ngưỡng Hà Giang từ trên cao cực đẹp và thoáng. 

>>Xem thêmĐường Hạnh phúc Hà Giang – con đường huyền thoại của cực Bắc Tổ quốc

1.3. Trải nghiệm tại làng nghề Lùng Tám 


1.3.1. Tìm hiểu về quy trình tạo nên vải lanh

Từ cổng trời Quản Bạ nhìn xuống , xã nhỏ Lùng Tám nằm nép mình giữa núi đá trập trùng, sương mù bao phủ. Đây là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào người Mông nổi tiếng với nghề dệt lanh. 

 

 Làng nghề dệt lanh Lùng Tám
Quy trình làm vải lanh trải qua 41 bước cầu kỳ. Ảnh: Hành trình du lịch

Theo kinh nghiệm đi Hà Giang, nghề dệt vải lanh đã thành truyền thống từ lâu đời. Đến với nơi đây, bạn sẽ được tìm hiểu về lịch sử, cội nguồn của nghề này. Có thể nói, vải lanh đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa, tâm linh của người Mông. 

Con gái Mông biết dệt vải lanh là tiêu chí đánh giá sự khéo léo, tài năng của họ. Đến khi về nhà chồng, phụ nữ Mông cũng mặc quần áo dệt bằng vải lanh để được tổ tiên bên nhà chồng phù hộ. 

 

 Làng nghề dệt lanh Lùng Tám
Nguyên liệu chính để làm nên vải lanh là cây lanh. Ảnh: Toquoc

Nguyên liệu chính để làm nên vải lanh là từ loài cây cùng tên. Đã thành truyền thống, phụ nữ Mông khi đến tuổi trưởng thành đều sẽ có nương riêng trồng lanh. Sau 2 tháng chăm bón, người ta thu hoạch cây lanh, mang phơi khô để chế biến thành sợi. Đặc biệt, khi tách lấy vỏ lanh phải rất khéo léo, tỉ mỉ để sợi lanh không bị đứt gãy, có độ mảnh đều nhau. 

 

Làng nghề dệt lanh Lùng Tám
Sợi lanh được luộc qua nước tro nhiều lần rồi mới bước dệt vải. Ảnh: Hà Giang

Sau đó, các nghệ nhân nghề dệt vải lanh ở Hà Giang lại tiếp tục cho bó lanh vào cối giã để bong hết bột chỉ, cũng như để sợi lanh mềm ra rồi cột nối lại thành sợi lớn dài. Chưa dừng lại ở đây, sợi lanh còn phải luộc qua nước tro bếp, nước sáp ong để trắng, mềm hơn, rồi mới đến công đoạn dệt. 

Các cô gái Mông làng nghề dệt lanh Lùng Tám thường dệt bằng khung cửi. Công đoạn này thường được các nghệ nhân dày dặn kinh nghiệm tiến hành bởi trong quá trình dệt có thể cần phải xử lý các sợi bị đứt, xấu. Tấm vải sẽ được trải lên một khúc gỗ tròn, dùng phiến đá có sáp ong cứ thế trượt đi, trượt lại đến khi tấm vải nom thật phẳng phiu mới thôi. Công đoạn này giúp vải bóng hơn, đẹp hơn. 

 

Làng nghề dệt lanh Lùng Tám
Vải dệt xong được cán phẳng. Ảnh: Xuan Phương

Vải được đem nhuộm cũng rất mất thời gian, phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Những hôm trời nắng đẹp chỉ cần 3-4 ngày là được nhưng nếu mùa mưa có thể kéo dài đến vài tháng. Chính nhờ được nhuộm kỹ càng như vậy mà màu chàm trên vải lanh ở đồng bào Mông nơi đây rất bền màu theo năm tháng.  

Có thể thấy, để tạo nên được mảnh vải lanh chuẩn đòi hỏi sự tìm tòi, yêu nghề và khéo léo từ người thợ. Một tấm vải lanh được đánh giá đẹp là phải có màu trắng, mịn, đợi đều, nhỏ... Quần áo làm từ vải lanh đều rất bền, thoáng mát, tạo cảm giác thoải mái cho người mặc. 

 

Làng nghề dệt lanh Lùng Tám
Công đoạn nào cũng đòi hỏi sự khéo léo từ người thợ. Ảnh: Xuân Phương

Không chỉ khéo léo trong việc dệt vải, người Mông ở Lùng Tám còn điêu luyện trong kỹ thuật nhuộm chàm, kỹ thuật thêu tay, vẽ hoa văn sáp ong... khó nơi nào sánh được. Người H’Mông dùng sáp ong vẽ lên trên vải trắng giúp hoa văn trên vải được bền đẹp hơn. Đây là một công đoạn cực khó và đầy sáng tạo từ các nghệ nhân. 

Các họa văn trên vải lanh đều nhiều màu sắc, gần gũi với cuộc sống người dân, thể hiện mong ước cuộc sống hạnh phúc, ấm no, hòa hợp với thiên nhiên, đất trời. 

 

Làng nghề dệt lanh Lùng Tám
Để tạo nên được trang phục làm từ vải lanh còn trải qua rất nhiều công đoạn, tốn nhiều thời gian. Ảnh: farwego

Chỉ nghe kể, nhiều người sẽ thấy quá trình làm vải chẳng quá cầu kỳ, phức tạp nhưng thực tế người ta phải thực hiện 41 bước thủ công hoàn toàn mới tạo nên hình nên dáng tấm vải lanh thổ cẩm Lùng Tám. Còn để may nên váy áo truyền thống của người Mông có khi mất cả năm trời mới hoàn thành. 

 

Làng nghề dệt lanh Lùng Tám
Bà con người Mông có nhiều kỹ thuật điêu luyện. Ảnh: Xuân Phương

Dù ngày nay, việc may vá đã được công nghiệp hóa, rút ngắn thời gian làm nhưng tại Lùng Tám, việc tạo ra những sản phẩm chất lượng, khéo léo bằng chính sức lực con người vẫn là truyền thống đáng tự hào. 
 

1.3.2. Trải nghiệm dệt vải lanh 

Tới làng nghề dệt lanh Lùng Tám, không chỉ tìm hiểu về các công đoạn để làm vải lanh, khách du lịch Hà Giang còn được tự tay trực tiếp dệt vải lanh bằng khung cửi hay trải nghiệm công đoạn cán vải trên phiến đá... Đây là cơ hội để bạn học hỏi và làm những điều mới mẻ mà không phải ở đâu cũng có. 

 

Làng nghề dệt lanh Lùng Tám
Tới Lùng Tám bạn còn được tự mình trải nghiệm việc dệt lanh đầy thú vị. Ảnh: Xuân Phương

Mới đầu, du khách có thể hơi lúng túng nhưng bạn sẽ được các nghệ nhân hướng dẫn nhiệt tình. Từ đó, bạn hiểu hơn về sự công phu và những công sức người thợ phải trải qua để có được những sản phẩm chất lượng, kỳ công như vậy. Rất thú vị và độc đáo đúng không nào?
 

1.3.3. Mua sắm các sản phẩm dệt lanh thủ công

Làng nghề dệt lanh Lùng Tám Hà Giang có bày bán nhiều sản phẩm thổ cẩm mang đặc trưng văn hóa nơi đây dùng để trang trí nhà cửa, văn phòng hay để sử dụng hàng ngày như mũ, áo, túi... Khách du lịch có thể mua về để làm kỷ niệm hoặc làm quà cho người thân ở nhà sau chuyến đi. 

 

Làng nghề dệt lanh Lùng Tám
Các sản phẩm của Lùng Tám đều tinh xảo, làm thủ công hoàn toàn. Ảnh: Bảo tàng HCM

Hầu hết các sản phẩm tại làng nghề dệt lanh Lùng Tám Hà Giang đều được đem xuất khẩu sang nước ngoài, nào là Nhật Bản, Mỹ, Thụy Sỹ... và rất nhiều quốc gia khác. Sản phẩm được đánh giá chất lượng, độc đáo, an toàn cho người sử dụng. Đây chính là niềm tự hào của người dân xã Lùng Tám nói riêng của Hà Giang nói chung. 
 

2. Các làng nghề khác tại Hà Giang 

+ Làng nghề chạm bạc: Ngoài làng nghề dệt lanh Lùng Tám, Hà Giang còn có làng nghề chạm bạc lâu đời tại bản Lao Xa, xã Sủng Là, huyện Đồng Văn. Trên hành trình thăm quan Đồng Văn, người ta thường ghé Lao Xa để tìm hiểu và mua các sản phẩm bạc tại đây. Đồ trang sức làm bằng bạc ở đây rất tinh tế, đa dạng về mẫu mã như lắc tay, nhẫn, vòng cổ... 

 

Làng nghề dệt lanh Lùng Tám
Hà Giang có làng nghề làm bạc nổi tiếng. Ảnh: Mia

Bà con người này cũng thường dùng trang sức bạc để làm đẹp vào các dịp Lê Tết hay làm của hồi môn cho con gái về nhà chồng. Quy trình làm nên một sản phẩm từ nấu bạc, đổ khuôn tới chạm khắc... đều rất mất thời gian, đòi sự tỉ mẩn từ người thợ. 

+ Làng nghề làm giấy bản: Một làng nghề truyền thống thú vị nữa ở Hà Giang là làm giấy bản. Với quá nửa đồng bào Dao sinh sống, thôn Thanh Sơn thuộc thị trấn Việt Quang (huyện Bắc Quang) đang lưu giữ kỹ thuật làm giấy bản quý giá đã được tôn vinh là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia từ năm 2018. 

 

Làng nghề dệt lanh Lùng Tám
Nghề làm giấy bản ở Hà Giang cũng là một trong những làng nghề nổi tiếng. Ảnh: Quân đội Việt Nam

Giấy bản do bà con dân tộc Dao ở Thanh Sơn làm bền, ít tàn, dễ bay hơn so với loại giấy thông thường. Hơn nữa, nhờ công đoạn sản xuất thủ công, không sử dụng hòa chất nên thân thiện với môi trường, an toàn cho sức khỏe người sử dụng. Giấy bản được sử dụng để viết chữ Hán – Nôm, thờ cúng Tổ tiên, thay thế giấy ăn... đều được. Tại Thanh Sơn, nghề làm giấy bản theo hình thức cha truyền con nối, tồn tại hàng trăm năm nay. 

 

Làng nghề dệt lanh Lùng Tám
Hà Giang còn nhiều điều đang chờ bạn khám phá. Ảnh: Báo Hà Giang

Dù ngày nay, các làng nghề truyền thống đứng trước nguy cơ mai một nhưng người dân Hà Giang vẫn cố gắng gìn giữ những nét văn hóa độc đáo, góp phần làm đa dạng hơn nền văn hóa, thu hút khách du lịch thập phương. 

Làng nghề dệt lanh Lùng Tám mang đến cho du khách thập phương những trải nghiệm có một không hai. Theo dõi Du lịch Việt Nam để cập nhật thêm nhiều điểm đến mới cùng kinh nghiệm vi vu hữu ích cho chuyến đi sắp tới của mình nhé. 

Yến Yến

Theo Báo Thể Thao Việt Nam

quảng cáo
Chia sẻ:
close
icom
Bình luận
Ý kiến bạn đọc (0)