Làng bột Sa Đéc Đồng Tháp là làng nghề có tuổi đời hơn trăm năm tại khu vực miền Tây Nam Bộ. Nơi đây từ lâu đã trở thành điểm đến du lịch văn hóa nổi tiếng thu hút nhiều du khách ghé thăm tham quan, khám phá.
Nhắc đến Đồng Tháp, chắc hẳn nhiều người sẽ nghĩ ngay đến làng bột Sa Đéc – nơi lưu giữ cái hồn của làng quê miền Tây Nam Bộ trong suốt hơn trăm năm. Những người nghệ nhân nơi đây mỗi ngày đều duy trì hoạt động sản xuất nhằm gìn giữ nghề truyền thống từ thời ông bà, bảo vệ nét văn hóa lâu đời làm nên tên tuổi của vùng đất quê hương Sa Đéc.
Làng bột Sa Đéc Đồng Tháp hơn trăm năm tuổi chắc chắn sẽ là địa điểm giúp bạn trải nghiệm khám phá được nhiều điều mới lạ, thú vị trong hành trình khám phá văn hóa truyền thống tại miền Tây Nam Bộ.
Xóm làm bột đầu tiên hình thành trên mảnh đất Tân Phú Đông. Sau này, trong giai đoạn cực thịnh, làng dần mở rộng quy mô ra các địa phương như xã Tân Quy Đông, Tân Khánh Đông, Tân Quy Tây và phường 2 thuộc địa phận thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp. Có những gia đình thậm chí đã trải qua 3 - 4 đời theo nghề làm bột truyền thống.
Hơn 100 năm hình thành và phát triển, làng bột Sa Đéc ngày nay đã trở thành một trong những địa điểm du lịch Đồng Tháp nổi tiếng thu hút đông đảo du khách thập phương ghé thăm tham quan, khám phá. Dù trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, nhưng với nhờ lòng kiên trì bám nghề của những người nghệ nhân, nơi đây vẫn ngày ngày tạo ra các sản phẩm bột gạo mang những giá trị riêng, khó có nơi nào sánh kịp; góp phần gìn giữ, bảo vệ và phát huy một làng nghề truyền thống lâu đời tại mảnh đất miền Tây thanh bình.
Ngày 21/2/2024, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch quyết định đưa nghề làm bột gạo ở Sa Đéc (ở xã Tân Phú Đông và phường 2, TP. Sa Đéc) vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - Nghề thủ công truyền thống, Tri thức dân gian.
Sa Đéc là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi với vị trí địa lý nằm giữa hai dòng sông Tiền và sông Hậu thuộc đồng bằng sông Cửu Long, với hệ thống kênh rạch chằng chịt, thuận lợi cả về giao thông đường thuỷ lẫn đường bộ. Nơi đây là cầu nối giữa hai vựa lúa lớn nhất nước là Đồng Tháp Mười và vùng tứ giác Long Xuyên, do vậy mà Sa Đéc từ lâu đã tập trung nhiều doanh nghiệp kinh doanh, chế biến lúa gạo.
Không ai nhớ chính xác thời điểm làng bột Sa Đéc Đồng Tháp ra đời là từ lúc nào, chỉ biết rằng với nguồn nguyên liệu lúa gạo dồi dào sẵn có, những nông dân trong vùng đã tìm tòi sáng tạo ra cách làm bột, để rồi từ đó làm thành các loại bánh, sợi giúp bữa ăn thêm phong phú.
Trước đây, các hộ gia đình làm hàng theo phương pháp thủ công, xay bột bằng cối đá. Toàn bộ quá trình mất cả ngày mới xong nên sản lượng và chất lượng bột chưa được đảm bảo ổn định. Trong những năm gần đây, người dân đã đưa cơ giới hoá vào quy trình sản xuất nên vừa giảm được công lao động, giá thành sản phẩm hợp lý, vừa nâng cao sản lượng và uy tín chất lượng của thương hiệu bột Sa Đéc.
Hiện nay, làng bột Sa Đéc đã có gần 350 hộ sản xuất bột với hơn 2.000 lao động chủ yếu ở phường 2, xã Tân Quy Tây và Tân Phú Đông, mỗi năm cung ứng cho thị trường trong và ngoài nước khoảng 30.000 tấn bột gạo cùng các sản phẩm đa dạng như hủ tiếu, bánh canh, nui, phở, bún, bánh tằm, ống hút...Ngoài ra, bột Sa Đéc còn được sử dụng để làm ra nhiều loại bánh hấp dẫn như bánh xèo, bánh bò, bánh ít, bánh bèo chén, bánh da lợn…
>>Xem thêm: Cẩm nang du lịch Đồng Tháp siêu chi tiết
Quá trình tạo ra sản phẩm bột Sa Đéc phải trải qua nhiều giai đoạn công phu với kinh nghiệm được chắt lọc, tích lũy qua nhiều đời.
Công đoạn đầu tiên để làm bột là vo gạo. Gạo sau khi được vo phải đảm bảo loại sạch tất cả các tạp chất và không còn bụi bẩn bám quanh. Sau đó, gạo sẽ được mang qua máy nghiền để giã nhuyễn và tạo ra bột gạo lỏng màu trắng sữa đẹp mắt, mịn màng. Phần bột gạo lỏng sẽ tiếp tục được đưa ra cối ly tâm để tách nước và làm khô để cho ra những mảng bột trắng ngần. Tiếp theo, bột được đưa vào cối để đánh tơi cho thật mịn rồi cuối cùng được cho vào thùng lắng để lọc.
Sản phẩm tại làng bột Sa Đéc Đồng Tháp khác biệt so với những nơi khác là nhờ công đoạn cuối cùng vô cùng quan trọng. Nước sông Sa Giang sau khi được bơm lên và lắng phèn sẽ được hòa cùng bột và đánh tơi trong thùng lắng lọc. Tiếp theo, người nghệ nhân sẽ cho vào bể một xô nước nhờn, được xay và lược ra từ lá cây hoa dâm bụt hoặc sử dụng chất trợ lắng carrageenan chiết xuất từ tảo biển. Đây đều là các loại phụ gia đảm bảo an toàn tuyệt đối trong việc sản xuất thực phẩm, giúp tỷ lệ bột thu hồi được cao hơn, trắng mịn và không tồn dư các kim loại nặng.
Sau khi ngâm bột khoảng vài tiếng, hỗn hợp này bắt đầu biến đổi từ từ. Các tạp chất và phụ gia lúc này đã dần lắng chìm xuống đáy bể và phần bột thuần khiết bắt đầu nổi lên trên. Tùy vào quá trình thực hiện mà chất lượng bột thành phẩm tại mỗi lò sẽ khác nhau.
Ngoài hoạt động tìm hiểu quy trình làm ra bột Sa Đéc chất lượng, tại làng nghề, bạn sẽ có cơ hội tham gia rất nhiều hoạt động vui chơi, khám phá thú vị như:
- Học làm bánh thủ công: Học làm bánh thủ công ở làng bột Sa Đéc Đồng Tháp là trải nghiệm được nhiều du khách săn đón trải nghiệm. Tại đây, bạn sẽ được các nghệ nhân giàu kinh nghiệm hướng dẫn toàn bộ quy trình làm bánh, từ việc chọn nguyên liệu, trộn bột, nhồi và nướng.
- Khám phá khu ẩm thực: Khu ẩm thực tại làng bột Sa Đéc Đồng Tháp chắc chắn là một trong những địa điểm thu hút nhiều du khách ghé thăm nhất. Bạn sẽ có cơ hội thưởng thức nhiều loại bánh dân gian và chè đặc sản nổi tiếng của miền Tây tại các gian hàng ẩm thực. Một số món ngon mà bạn nhất định không nên bỏ lỡ có thể kể đến như bánh ít, bánh bò, xôi gói lá chuối, bánh da lợn, bánh xèo, bánh bèo chén…
Lộ trình di chuyển đến làng bột Sa Đéc Đồng Tháp:
- Từ trung tâm thành phố, bạn di chuyển theo con đường ĐT 848 (hướng Đông) khoảng 2.5 km. Sau khi vượt qua cầu Sáu, tiếp tục đi thẳng thêm 1.5 km nữa sẽ thấy khu ẩm thực làng Bột Sa Đéc nằm bên tay phải.
>>Xem thêm: Vi vu ‘xứ sen hồng’ nhớ ghé thăm khám phá các làng nghề truyền thống ở Đồng Tháp
Đối với những vị khách yêu thích khám phá nét đẹp văn hóa truyền thống tại mỗi vùng đất mà mình đi qua thì nhất định đừng bỏ lỡ cơ hội ghé thăm khám phá làng bột Sa Đéc Đồng Tháp trong hành trình rong ruổi miền Tây thanh bình nhé.
Thu Hằng