Đã ghé thăm Hà Nội mà bỏ qua việc viếng Lăng Bác thì quả là thiếu sót. Nếu chưa có kinh nghiệm thăm Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, bạn đừng quên note ngay những lưu ý dưới đây cho chuyến đi tới.
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (còn gọi là Lăng Bác) tọa lạc ngay giữa trung tâm thành phố, nằm trong khuôn viên Quảng trường Ba Đình rộng lớn, số 2 Đường Hùng Vương, Phường Điện Biên, Quận Ba Đình, TP. Hà Nội.
Lăng Bác nằm ngay tại tại vị trí Kì đài năm xưa, nơi Bác đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập vào ngày 02/09/1945. Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là nơi đặt thi hài của vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam, được xem như linh hồn và một trong những biểu tượng của Thủ đô.
Theo kinh nghiệm thăm Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc di chuyển tới lăng rất thuận tiện, bằng bất kỳ phương tiện nào. Nhìn chung, tùy theo điểm xuất phát mà du khách lựa chọn cung đường đi cho hợp lý.
Nếu xuất phát từ Hồ Gươm, bạn di chuyển theo đường Tràng Thi – Hoàng Diệu – Hoàng Văn Thụ - Hùng Vương là tới lăng. Nếu đi từ Văn Miếu Quốc Tử Giám, du khách đi theo đường Chu Văn An – Độc Lập – Hoàng Văn Thụ - Hùng Vương. Đường đi đẹp, không có gì khó khăn. Tuy nhiên, vào giờ cao điểm sẽ khá tắc đường.
Bạn có thể đi ô tô, xe máy, hoặc trải nghiệm xích lô dạo qua Lăng Bác cũng rất thú vị. Ngoài ra, nếu đi xe bus, khách du lịch Hà Nội tham khảo tuyến xe bus 09, 22, 23, 45, 50... đều đi qua Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Gửi xe ở Lăng Bác cũng là một trong những thắc mắc lớn của du khách khi tới đây. Kinh nghiệm thăm Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh của những người đi trước rằng, Hà Nội bố trí 7 điểm đỗ xe phục vụ du khách vào viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và thăm quan Cụm Di tích lịch sử - văn hóa Ba Đình như sau:
+ Khuôn viên Bảo tàng Hồ Chí Minh
+ Khuôn viên Công viên Bách Thảo
+ Bãi đỗ xe tại dốc Ngọc Hà
+ Khuôn viên Hoàng thành Thăng Long
+ Bãi đỗ xe trên đường Yên Phụ, Nghi Tàm
+ Khuôn viên Sân vận động Quần Ngựa
+ Bãi đỗ xe trên đường Văn Cao
Như vậy, có nhiều điểm gửi xe ở Lăng Bác cho bạn tha hồ lựa chọn. Các điểm này đều rộng rãi, khách du lịch tha hồ lựa chọn. Sau khi gửi xe, bạn có thể thoải mái thăm quan mà không phải lo bảo quản phương tiện.
>>Xem thêm: 8 quán cà phê trang trí cờ đỏ sao vàng ở Hà Nội HOT rần rần
Theo kinh nghiệm thăm Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, lịch mở cửa lăng sẽ khác nhau theo mùa:
Mùa hè (từ ngày 01 tháng 4 đến ngày 31 tháng 10):
+ Ngày thường: Từ 7h30 đến 10h30
+ Thứ Bảy, Chủ Nhật và ngày lễ: Từ 7h30 đến 11h
Mùa đông (từ ngày 01 tháng 11 đến ngày 31 tháng 3):
+ Ngày thường: Từ 8h đến 11h
+ Thứ Bảy, Chủ Nhật và ngày lễ: Từ 8h đến 11h30
Lưu ý: Thứ 2 và Thứ 6, Lăng Bác không tổ chức lễ viếng.
Hiện nay, Lăng Bác không thu phí thăm quan với du khách. Nhân dân và cả khách quốc tế không phải trả bất cứ khoản chi phí nào khi vào viếng Bác hay thăm quan các khu vực khác trong Lăng, quảng trường Ba Đình.
Theo kinh nghiệm thăm Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, một trong những trải nghiệm không thể bỏ qua khi tới đây chính là xem thượng cờ. Không kể trời mưa rét hay nắng nóng, đều đặn mỗi ngày, lễ thượng cờ được thực hiện nghiêm trang trước Lăng Bác vào sáng sớm và hạ cờ thực hiện vào buổi tối muộn.
Lễ thượng cờ và hạ cờ sẽ do đội Tiêu binh danh dự có 37 đồng chí thực hiện. Các chiến sĩ được tuyển chọn kỹ càng với chiều cao từ 1m7 trở lên, dung mạo đẹp. Vào đúng 6 giờ sáng (mùa hè) và 6 giờ 30 sáng (mùa đồng), nghi lễ thượng cờ chính thức diễn ra. Dẫn đầu đoàn là quân kỳ Quyết thắng, tiếp đến là đội tiêu binh 34 người biểu trưng cho 34 chiến sĩ đầu tiên của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân.
Các chiến sĩ đội hồng kỳ tiến về phía cột cờ, sau khi có hiệu lệnh, lá cờ Tổ quốc sẽ từ từ được kéo lên đỉnh cột cờ cao 29m phía trước Lăng Bác. Nghi lễ chào cờ bắt đầu. Trong tiếng nhạc hào hùng của “Tiến bước dưới quân kỳ”, lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió, cảm xúc tự hào trỗi dậy trong lồng ngực mỗi người.
Tương tự, nghi lễ hạ cờ cũng do đội Tiêu binh thực hiện vào lúc 21h tối hàng ngày. Trong không gian Quảng trường Ba Đình rộng lớn, lá cờ từ từ được hạ xuống, khép lại một ngày của Thủ đô.
Không chỉ du khách, người dân Hà Nội có dịp đi qua Lăng Bác vào sáng sớm hay buổi tối, đúng lúc diễn ra nghi lễ đều trang nghiêm thực hiện, hát Quốc ca với cảm xúc thiêng liêng trào dâng.
Theo kinh nghiệm thăm Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, hành trình vào viếng Bác sẽ bắt đầu từ cổng vào Bảo tàng Hồ Chí Minh ở phố Ngọc Hà. Bạn cần xếp hàng đi thành hàng, theo sự hướng dẫn của nhân viên.
Tiếp đến, khách du lịch Hà Nội sẽ đi qua cổng an ninh, tiến tới Quảng trường Ba Đình, rồi đi vào trong lăng. Lưu ý rằng, trong Lăng Bác, bạn cần đi theo hướng dẫn của nhân viên, không được quay phim chụp ảnh hay nán lại quá lâu. Vào viếng Bác, cảm xúc thật bồi hồi khó tả thành lời. Chỉ khi được trực tiếp viếng Bác, du khách mới cảm nhận hết được sự xúc động ấy.
>>Xem thêm: Cẩm nang du lịch Hà Nội từ A-Z
Khu di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh gồm có công trình là: Lăng Bác Hồ; Phủ Chủ tịch; Nhà sàn Bác Hồ; Bảo tàng Hồ Chí Minh và chùa Một Cột.
+ Lăng Bác được khởi công xây dựng vào năm 1973 và hoàn thành vào năm 1975. Theo kinh nghiệm thăm Lăng Bác, đây là một công trình đồ sộ, uy nghiêm, cao 21,6 mét. Lăng có màu xám bạc, xung quanh có cây xanh tạo điểm nhấn. Bên ngoài cũng như đi sâu vào trong, bạn có thể dễ nhận thấy khối Lăng chủ yếu được trang trí bằng đá. Cửa chính Lăng Bác cũng được ốp bằng đá đen bóng.
Phần dưới của lăng lát đá hoa cương gồm ba tầng, tạo nên một tam cấp vững chãi. Phần mái Lăng cũng thanh thoát có đường vắt chéo, vừa mang nét gọn gàng của kiến trúc hiện đại lại vừa phảng phất vẻ mềm mại của dáng mái cong truyền thống. Theo kinh nghiệm thăm Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, bên trong bốn hàng cột là bốn bức tường màu đỏ son: đó chính là nơi yên nghỉ vĩnh hằng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
+ Phủ Chủ tịch: Phủ Chủ tịch cũng là một phần thuộc quần thể lăng, từng là công trình dành cho Tổng đốc Đông Dương. Công trình được xây dựng theo kiến trúc cổ điển của Pháp, có màu vàng, cửa sổ màu xanh nổi bần bật dù nhìn từ xa. Khi Thực dân Pháp rời khỏi Việt Nam, Bác đã tới đây làm việc từ năm 1954 cho đến khi băng hà năm 1969.
Trong thời gian làm việc tại Phủ Chủ tịch, Bác Hồ cùng Trung ương Đảng và Chính phủ đã đề ra các sách lược, đường lối đúng đắn cho Cách mạng nước nhà, góp phần tích cực vào xây dựng chủ nghĩa xã hội và cuộc đấu tranh vì nền độc lập, tự do, hòa bình.
Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch có cảnh quan sinh thái hài hòa, trong xanh, có hồ nước trong vắt, vườn cây ăn quả, cây cảnh, cây bóng mát, cây lấy gỗ… mang tới không gian hữu tình, thư thái cho khách ghé thăm. Theo kinh nghiệm thăm Lăng Bác, hiện nay, Phủ Chủ tịch đã trở thành nơi đón tiếp các quan chức cũng như tổ chức các sự kiện quan trọng của nhà nước.
+ Nhà sàn Bác Hồ: Theo kinh nghiệm thăm Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà sàn Bác Hồ cũng là một nơi nhất định bạn phải ghé thăm khi tới lăng Bác. Đây là nơi vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc ta đã sống và làm việc lâu nhất trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình. Nhà sàn trong khu Phủ Chủ tịch được hoàn thành vào năm 1958 và Bác đã ở đây trong vòng 11 năm, từ ngày 17/5/1958 đến 17/8/1969.
Chính tại nơi đây, ngày 17/7/1966, Bác Hồ đã viết lời kêu gọi đồng bào chống đế quốc Mỹ. Từ năm 1965 tới 1969, Bác viết Di chúc lịch sử để lại những lời dặn dành cho Đảng và nhân dân. Bản gốc di chúc đang được bảo quan đặc biệt tại Kho Lưu trữ Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam
Ngôi nhà sàn có 2 tầng với 3 phòng nhỏ, giản dị như chính lối sống của Người. Mỗi phòng chỉ rộng khoảng 10 m2, kê một chiếc giường, bàn, ghế, tủ quần áo, giá sách. Đồ Bác dùng cũng thật đơn sơ, chỉ có tấm chăn đơn, chiếu cói, máy chữ, cây quạt cọ. Không một ai ghé thăm nhà sàn - nơi ở của một nguyên thủ quốc gia mà không trào dâng lòng thành kính và ngưỡng mộ về nhân cách lớn, về lối sống thanh tạo, bình dị.
+ Bảo tàng Hồ Chí Minh: Theo kinh nghiệm thăm Lăng Bác, Bảo tàng Hồ Chí Minh được khởi công xây dựng vào tháng 8/1985 và khánh thành sau 5 năm. Đây là bảo tàng đầu hệ trong Hệ thống các bảo tàng về Chủ tịch Hồ Chí Minh trên khắp cả nước.
Bảo tàng được thiết kế như một bông sen màu trắng, tượng trưng cho cuộc thanh tao của Bác. Trong Bảo tàng Hồ Chí Minh có các tác phẩm nghệ thuật khái quát nội dung về cuộc đời của Bác. Ngoài ra còn có phần trưng bày về cuộc chiến đấu và thắng lợi của dân ta dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Kinh nghiệm thăm Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh của những người đi trước rằng, thăm bảo tàng, du khách sẽ hiểu hơn về cuộc đời và hoạt động cách mạng của Bác, thêm kính yêu và biết ơn công lao to lớn của Bác với dân tộc Việt Nam.
+ Chùa Một Cột: Từ rất lâu nay, chùa Một Cột đã trở thành biểu tượng của Thủ đô, xuất hiện trên không biết bao nhiêu ấn phẩm, tạp chí và mạng xã hội. Trải qua bao thăng trầm của thời gian và lịch sử, chùa Một Cột vẫn đứng sừng sững, vẫn toát lên khí chất tao nhã giữa lòng Thủ đô. Chùa đã được trùng tu nhiều lần do thời gian và bom đạn.
Tương truyền, chùa Một Cột được xây dựng theo giấc mơ của nhà vua Lý Thái Tông (1028-1054). Khi ấy, vua mơ thấy Quan Thế Âm Bồ Tát trên một đài sen, sau đó còn mời vua ngự cùng. Vua kể giấc mơ lại với nhà sư Thiền Tuệ va được khuyên xây chùa với cột đá, tòa sen như đã thấy trong giấc mơ. Ngôi chùa được đặt tên là Diên Hựu.
Tới đời vua Lý Nhân Tông, chùa Một Cột được mở rộng đẹp hơn, đưuọc xây thêm hồ Liên Hoa Đài, hồ Bích Trì và bảo tháp. Năm 1954, Chùa Một Cột bị phá hủy do chiến tranh sau đó đã được trùng tu dựa trên bản vẽ lưu lại từ thời nhà Nguyễn. Đến năm 1955 thì hoàn thành. Từ đó, Chùa Một Cột liên tục được bảo tồn như một di sản của nước nhà.
Chùa Một Cột là công trình thể hiện sự tinh tế, sáng tạo của hội họa, kiến trúc cũng như điêu khắc. Để lên được chính điện, bạn bước qua 13 bậc thang nhỏ. Điểm nhấn khác của Chùa Một Cột là cây bồ đề cổ thụ xum xuê được đem về từ Ấn Độ, do Tổng thống Rajendra Prasad tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân chuyến thăm năm 1958. Cảnh quan, cây cối, không khí xung quanh chùa cũng giúp tâm hồn ta thêm thư thái, nhẹ nhõm.
Quảng trường Ba Đình rộng lớn, có nhiều cây xanh, không khí trong lành, thoáng đãng. Tại đây, bạn có thể thoải mái check in với phông nền là Lăng Bác. Du khách chú ý khi chụp ảnh phải tuân theo sự chỉ đạo của nhân viên, không được tự ý hay có những hành động phản cảm tại đây.
Theo kinh nghiệm thăm Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, bạn cần bỏ túi một số quy định dưới đây:
+ Mọi khách vào Lăng Bác cần có thái độ tôn nghiêm, ăn mặc trang phục chỉnh tề, lịch sự
+ Trước khi vào cổng viếng lăng, du khách cần gửi hành lý, chỉ được mang theo ví đựng tiền, kim loại quý, điện thoại và máy ảnh nhỏ tắt nguồn. Bạn không được phép mang theo máy ảnh chuyên dụng
+ Mọi người phải tuân thủ hướng dẫn của nhân viên, không chen lấn, xô đẩy, gây mất trật tự
+ Trong quá trình thăm lăng, mọi người cầm mũ hoặc nón ra tay, không gây ồn ào, không được chỉ trỏ, không được hút thuốc lá
+ Cấm quay phim, chụp ảnh trong phòng đặt thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Không được phép đưa những hình ảnh này lên mạng xã hội hay các phương tiện truyền thông
Trên đây là kinh nghiệm thăm Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh cho bạn và gia đình tham khảo. Theo dõi Du lịch Việt Nam để cập nhật thêm nhiều điểm đến mới cùng kinh nghiệm vi vu hữu ích trong chuyến đi sắp tới của mình nhé.
Yến Yến