Nhắc đến Bình Định, người ta nghĩ ngay đến những bãi biển hoang sơ, thơ mộng và rất đỗi bình yên. Nhưng ít ai biết được rằng, Bình Định còn có một đặc sản khác cũng quyến rũ không kém đó chính là vẻ đẹp tươi tắn, tràn đầy sức sống của cánh đồng cói ở Tam Quan.
Cói còn có tên gọi khác là cây lác, là một loại vật liệu để làm nên những chiếc chiếu, túi xách, mũ cói, dép cói… Cùng Dulichvietnam.com.vn du hành đến Tam Quan để chiêm ngưỡng màu xanh bát ngát ở cánh đồng trồng cói để có những trải nghiệm thú vị.
Tam Quan là một thị trấn thuộc địa bàn tỉnh Bình Định và là một làng nghề rất nổi tiếng với nghề dệt chiếu cói và các sản phẩm khác từ cói. Đây là nghề truyền thống của người dân Tam Quan, nghề làm cói đã có từ hàng trăm năm nay rồi. Tam Quan còn nổi tiếng với giống dừa Tam Quan thơm và ngọt lịm không thua gì xứ dừa Bến Tre. Du lịch Tam Quan, ngoài thưởng lãm cánh đồng cói xanh mướt mát vào mùa thu hoạch bạn còn có thể thưởng thức đặc sản giống dừa thơm ngon này.
Cây cói là một loài thực vật đặc trưng cho vùng ngập mặn hoặc nước lợ ở nước ta. Do đó chúng thường phân bố ở các vùng ven sông, ven biển, nổi tiếng nhất là cói Nga Sơn ở Thanh Hóa, cói ở làng chiếu Tân Lễ, chiếu Làng Hới… Nhưng khi nhắc đến chiếu cói thì không thể không nhắc đến cói ở Tam Quan được.
Ở một số vùng miền khác như miền Trung, Nam Bộ thì cây cói còn có tên gọi khác là cây lác. Mỗi năm, cói được trồng 2 vụ là vụ mùa vào khoảng tháng 4 âm lịch và vụ chiêm vào khoảng tháng 8 âm lịch. Mặc dù là loài thực vật ưa mặn nhưng cói chỉ thích hợp với độ mặn nhẹ, vừa phải, nếu nước mặn quá thì cây sẽ chết hoặc khó phát triển.
Mỗi địa phương lại có những cánh đồng cói dưới nhiều góc cạnh khác nhau, nhưng những cánh đồng cói ở Tam Quan đan xen trong phong cảnh thanh bình yên ả của làng quê Trung Bộ lại có một sức hút khó cưỡng khiến cho du khách mỗi lần ghé thăm lại có một chút bần thần, lưu luyến.
Cây cói là một cây thân cỏ, sống trong nước lợ hoặc nước mặn, thường mọc ở cửa sông hoặc ven biển. Thân cây cói có hình dáng rất đặc biệt, thường có hình tam giác, ruột xốp màu trắng. Đường kính mỗi cây khoảng 4 - 8 mm, cây cói trưởng thành có chiều cao từ 1,7 m - 1,8 m. Để thu hoạch cói, người ta dùng một dụng cụ chuyên dụng gọi là liềm hoặc câu liêm, được làm từ thép tốt, sắc ngọt, mỗi lần có thể cắt đứt một bó cói to. Người ta buộc cói thành hai bó lớn và dùng đòn gánh để mang đến điểm tập kết. Sau đó sẽ có xe để chở cói về đến làng nghề.
Vào chính vụ thu hoạch cói, thân cói căng bóng, mập mạp. Dưới ánh nắng mặt trời, thân cói bóng loáng, cả ruộng cói lấp lánh một màu sắc tràn đầy sức sống, cũng giống như sức mạnh phi thường của người Miền Trung lam lũ thường phải hứng chịu rất nhiều sự nổi giận của thiên tai vậy.
Cói sau khi thu hoạch được chuyển đến các làng nghề thủ công để xử lý sơ bộ và dưới bàn tay tài hoa của người nghệ nhân, những sợi cói bền chắc được chau chuốt để làm thành những món đồ hữu ích cho người sử dụng.
Cói không phải là loài cây đặc biệt và hiếm có, nhưng ở mỗi vùng, cánh đồng cói lại mang một màu sắc riêng. Cánh đồng cói ở Tam Quan mang đặc trưng của làng quê Trung Bộ, vừa bình yên, vừa mộc mạc lại có chút gì đó thơ mộng, khiến cho mỗi du khách trước khi rời đi đều mang một chút tiếc nuối, lưu luyến.
Cây cói rất bình thường, người dân Tam Quan vốn rất chất phác, giản dị nhưng chính những bàn tay rất “đời thường” ấy lại phác thảo lên cánh đồng cói những bức tranh độc đáo, vô cùng sống động và nhiều màu sắc. Họ được gọi là những “họa sỹ của cánh đồng”.
Giữa một cánh đồng trải rộng ngút ngàn, những thửa ruộng trồng cói xanh mướt mát dập dìu theo từng tiết tấu của gió, từng đàn cò trắng lững lờ bay tìm về tổ ấm điểm tô cho bầu trời thêm phần thơ mộng. Thấp thoáng xa xa là hình ảnh những người nông dân đang hối hả với công việc đồng áng. Khung cảnh rất “thường” nhưng sao lại gợi cho người nhìn một cảm giác bình yên, nhẹ nhàng đến thế, khiến cho họ quên đi cái cảm giác ngột ngạt, mệt mỏi nơi phố thị chen chúc.
Thị trấn Tam Quan nằm ở phía Bắc huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Từ Hà Nội hoặc Hồ Chí Minh đến Tam Quan bạn có thể đi máy bay, ô tô khách hoặc tàu hỏa.
- Từ Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đến Quy Nhơn – Bình Định mỗi ngày có rất nhiều chuyến tàu Bắc – Nam chạy qua địa phận tỉnh Bình Định và dừng ở ga Diêu Trì. Vì thế bạn có thể lựa chọn tàu hỏa trong cuộc hành trình đến với đất võ Bình Định.
- Ở thành phố Hồ Chí Minh bạn mất khoảng 10 tiếng để đến Diêu Trì, từ Diêu Trì bạn đi taxi về Quy Nhơn mất chừng 30 phút
Một số hãng xe chất lượng cao chạy tuyến Hà Nội – Quy Nhơn, Bình Định và thành phố Hồ Chí Minh – Quy Nhơn, Bình Định bạn có thể tham khảo như sau:
+ Hãng xe Phương Trang
+ Hãng xe Mai Linh
+ Hãng xe Hoàng Long
+ Hãng xe Hoàng Dũng: xe Hoàng Dũng có xe trung chuyển khách từ bến xe Quy Nhơn đến các điểm trong thành phố.
Ngoài ra, bạn cũng không nên bỏ lỡ những địa danh này khi ghé qua Bình Định: Biển Tam Quan, Vịnh Eo Gió, Kỳ Co, Tháp Đôi, Ghềnh Ráng Tiên Sa, Bãi biển Quy Nhơn, Chùa Long Khánh, Cù Lao Xanh, Đầm Thị Nại, Đảo Yến...
Nếu bạn là người yêu thiên nhiên, thích sự thanh bình của làng quê hay đang quá mệt mỏi với công việc tất bật ở thành phố bon chen thì hãy thử một lần ghé thăm những cánh đồng cói xanh bát ngát ở Tam Quan, Bình Định để những làn gió đồng quê sẽ xoa dịu tâm hồn của bạn, để bạn được tiếp thêm năng lượng và có những trải nghiệm thú vị.
GỢI Ý TOUR DU LỊCH QUY NHƠN KHUYẾN MÃI
>> HCM - Quy Nhơn - Khám phá Đảo Kỳ Co 3N4Đ + Vé Tàu Hỏa chỉ từ 3.290.000 đồng >> Combo Quy Nhơn 3N2Đ - Khu nghỉ dưỡng Casa Marina 4 Sao + Vé Máy Bay chỉ từ 3.290.000 đồng |
Mai Lộc - dulichvietnam.com.vn
Theo Báo Thể Thao Việt Nam