Với tuổi đời đã hơn 300 năm, chùa Thập Tháp Bình Định chính là điểm đến tuyệt vời để du khách vãn cảnh, ngắm nhìn kiến trúc độc đáo đồng thời khám phá những bí mật thú vị liên quan đến ngôi cổ tự nức tiếng này.
Chùa Thập Tháp Bình Định còn được gọi là Thập Tháp Di Đà Tự, là một trong những ngôi chùa rất nổi tiếng ở xứ Nẫu được xây dựng từ thế kỷ thứ XVII. Ngôi chùa không chỉ là một điểm đến tâm linh hấp dẫn, mà còn mang trong mình những giá trị độc đáo về kiến trúc, lịch sử và cũng là địa điểm du lịch hấp dẫn thu hút du khách gần xa.
Nếu như ưa thích khám phá những ngôi chùa cổ ở Bình Định hoặc tìm kiếm một chốn an yên để thư giãn, tìm kiếm những phút giây an tĩnh sau những bộn bề của cuộc sống, thì chùa Thập Tháp chính là gợi ý hấp dẫn mà bạn chớ nên bỏ lỡ.
Chùa Thập Tháp Bình Định nằm ở thôn Vạn Thuận, phường Nhơn Thành thuộc thị xã An Nhơn. Ngôi cổ tự này được xây dựng từ thế kỷ 17 và là ngôi chùa thứ 5 ở Bình Định được ghi chép trong sách Đại Nam Nhất Thống chí cùng với chùa Linh Phong, chùa Thạch Cốc, Nhạn Sơn và chùa Long Khánh.
Người khai sơn nên ngôi chùa này là Thiền Sư Nguyên Thiều. Được biết, ngài có họ Tạ, tự là Hoán Bích là người ở phủ Triều Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Hoa. Ngài sinh năm 1648 và xuất gia vào năm 19 tuổi tại chùa Báo Tự.
Theo văn bia được ghi lại ở ngôi chùa năm 1665, thiền sư Nguyên Thiều đã theo chân cùng các nhà buôn người Trung Hoa đến Đàng Trong và vào đến khu vực thủ phủ Quy Ninh tức Bình Định ngày nay sau đó lập nên một ngôi chùa để tham thiên, hoàng dương Phật Pháp. Cho đến năm 1680, chùa đã được xây dựng và đặt tên là Thập Tháp Di Đà Tự. Năm 1920, vua Minh Mạng đã sắc phong Sắc tứ Thập Tháp Di Đà tự cho ngôi chùa, đến nay chùa cũng đã có lịch sử hơn 350 năm.
Năm 1683 thì chùa Thập Tháp Bình Định đã được trùng tu bằng các viên đá thu lượm bởi vết tích đổ nát của 10 ngọn tháp Chăm nằm ở đồi Long Bích. Trải qua nhiều lần được tu bổ trong hàng trăm năm, chùa Thập Tháp đã dần trở nên khang trang và trở thành một trong các công trình kiến trúc Phật giáo hoành tráng, có vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển của đạo Phật tại xứ Đàng Trong.
Ngôi chùa cũng đã trải qua hơn 16 đời truyền thừa, với những tên tuổi thiền sư khác nhau. Trong đó, có nhiều vị thiền sư danh tiếng đã từng được mời vào hoàng cung nhà Nguyễn giảng dạy Phật pháp. Năm 1990, ngôi chùa được công nhận là di tích văn hóa - lịch sử cấp quốc gia.
Chùa Thập Tháp Bình Định có kiến trúc rất ấn tượng, toàn bộ mặt chính của chùa đều quay về hướng Đông, trước cổng tam quan có một hồ sen rất rộng, tươi xanh mơn mởn. Mùa hè luôn trổ hoa thơ mộng với hương sắc thơm ngát cả một vùng. Xa xa trước mặt chùa là núi Thiên Đinh Sơn với vai trò tựa như một tấm bình phong, che chắn cho ngôi chùa. Khu vực phía Nam của chùa là Thành Đồ Bàn, tháp Cánh Tiên và phía Bắc là sông Quai Vạc, sau lưng là chi lưu của sông Côn. Có thể nói ngôi chùa Thập Tháp Bình Định sở hữu địa thế vô cùng đẹp, sơn thuỷ hữu tình.
Du khách ngay khi bước chân đến cổng chùa sẽ được nhìn ngắm hai bức tượng sư tử bệ vệ trên hai trụ biểu vuông, nối thành một vòng cung và phía bên trên có khắc hai chữ “Thập Tháp” là tên gọi của chùa. Di chuyển ra sau khu vực cổng chùa, sẽ có một bức bình phong được đắp nổi long mã phù đồ.
Tổng thể khuôn viên của chùa Thập Tháp được xây dựng theo hình chữ Khẩu với 4 khu chính, bao gồm khu Chính Điện, khu Phương Trượng, Khu Tây Đường và khu Đông Đường.
Chính điện của chùa Thập Tháp Bình Định có diện tích khoảng 400 m², đây là một ngôi nhà 5 gian trong đó ba gian giữa chính là điện thờ Tam Thế Phật Tự Quan Âm và hai bên gian phụ chính là các phòng chúng tăng.
Ngoài ra, ở khu chính điện còn có ba khám thờ nằm ở hai vách hông, đối diện với các kháng chính ở khu vực trước hành lang. Những bức tượng ở chính điện của chùa Thập Tháp đều được tạc dưới thời của trụ trì thiền sư Minh Lý vào khoảng những năm 1871 đến 1889.
Khu vực này nằm ngay đối diện với chính điện, cách nhau một khoảng sân trời được xây dựng bằng gạch mái lợp ngói âm dương. Khu Phương Trượng chùa Thập Tháp Bình Định có diện tích 130m, do quốc sư Phước Huệ cho xây dựng từ những năm 1924.
Khám phá khu vực này, du khách có thể nhìn thấy không gian vô cùng ấn tượng với ba gian chính, trong đó khu vực gian giữa để thờ Hòa Thượng Phước Huệ, cùng với đó là tấm chân dung toàn thân của ngài. Hai bên chính là nơi được sử dụng để nghỉ ngơi dành cho khách tăng.
Đông Đường của chùa Thập Tháp nằm ở bên trái, chủ yếu sẽ sử dụng để tiếp khách và là chỗ ở cho các tăng chúng khi ghé thăm chùa. Với diện tích khoảng 150 mét vuông, không gian nơi đây vô cùng thoáng đãng mát mẻ và thanh tịnh nên du khách khi dừng chân có thể nghỉ ngơi thư giãn thoải mái.
Trong lịch sử của chùa Thập Tháp Bình Định thì khu vực Đông Đường là một trong những nơi bị hư hại nặng nhất, đến năm 1967 thì khu vực này đã phải tu sửa lại toàn bộ.
Tây Đường của chùa nằm ở khu vực bên phải với không gian rộng 120 mét vuông, được sử dụng làm nơi thờ phụng sơ tổ Khai Sơn Nguyên Thiều, cùng với đó là các vị chủ trì kế thừa và các phật tử quá cố. Tây Đường có không gian và kiến trúc tương đối giống với khu Phương Trượng đặc trưng bởi phần mái được lợp ngói âm dương.
Ngoài các khu vực chính trên thì không gian của chùa Thập Tháp còn có Nhà thánh tăng được xây dựng với kiến trúc rất đơn giản được sử dụng làm nơi thờ Cửu Thiên Huyền Nữ, Quan Công, Thập Điện Diêm Vương,…Khu vực phía Đông của chùa là nơi được sử dụng làm nhà trù và nằm ngay liền kề với khu Đông Đường.
Đặc biệt, khi khám phá chùa Thập Tháp Bình Định, du khách hẳn sẽ không thể bỏ lỡ khu mộ tháp nằm ở phía bên trái của ngôi chùa. Đây là một không gian rất đặc biệt, có 21 bảo tháp lớn nhỏ được xây dựng với phong cách kiến trúc đa dạng của nhiều thời kỳ khác nhau. Ngọn tháp xưa nhất tại khu vực mộ Tháp trong chùa là tháp của đạo Nguyên thiền sư (1656 – 1716), Minh Giác Kỳ Phương (1682 – 1744).
Mặc dù tổng thể kiến trúc và không gian của chùa Thập Tháp Bình Định hiện nay đã không còn giữ nguyên nét ban đầu, nhưng trải qua nhiều đợt tu sửa vẻ đẹp cổ kính và trang nghiêm vẫn được duy trì và thể hiện rõ nét thông qua từng đường nét kiến trúc hiện vật được chạm khắc vô cùng tỉ mỉ hay những cây cổ thụ đã có tuổi đời lên đến hàng ngàn năm.
>> Xem thêm: Tour du lịch Quy Nhơn trọn gói siêu HOT
Một trong những điều khiến du khách cảm thấy tò mò khi ghé thăm ngôi chùa này chính là tên gọi Thập Pháp. Sở dĩ chùa có tên gọi như vậy là bởi xưa kia ngôi chùa được xây dựng ở ngay bên cạnh của đồi Long Bích. Ngọn đồi này thì có diện tích 1km và hình dáng tựa như một chiếc mai rùa và còn được gọi với một cái tên khác là gò Thập Tháp. Theo truyền thuyết, khu đồi này có 10 ngọn tháp đã được xây dựng bởi người Chăm nhằm gia cố cho thành Vijaya, sau này chùa được xây dựng trên chính phế tích của 10 ngọn thắp cổ của người Chăm nên người ta đã gọi là chùa Thập Tháp.
Vào năm 1961 chúa Nguyễn Phúc Chu đã ban tên “Thập Tháp Di Đà Tự”, chính sự kết hợp của tên gọi ban đầu Thập Tháp và chữ “Di Đà” mang ý nghĩa là lý tính và bản giác của chúng sinh.
Nói đến chùa Thập Tháp Bình Định người ta không chỉ nhớ về một ngôi chùa ở kiến trúc độc đáo và cổ kính, mà còn nhớ đến bộ kinh Phật Gia Hưng tạng rất nổi tiếng. Theo đó, bộ kinh Phật này được tổng trấn Hà Tiên Mạc Thiên Tứ mua, sau đó tặng lại cho chùa Thập Tháp cách đây khoảng 300 năm. Theo các nhà sử học thì Gia Hưng tạng ở chùa Thập Tháp vẫn còn tương đối nguyên vẹn, so với những bộ kinh khác tại các nước và vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan hay Nhật Bản.
Tính đến thời điểm hiện tại, thì Gia Hưng tạng là bộ kinh Phật giáo lớn và độ sộ bậc nhất, có ảnh hưởng sâu rộng. Đặc biệt, Gia Hưng tạng ở chùa Thập Tháp còn có phần ngữ lục, một phần ghi chép lại lời của các vì Tổ sư mang ý nghĩa vô cùng quý giá và được nhiều học giả đánh giá rất cao.
Bộ kinh này có 1.377 cuốn với 479 bộ, với hàng trăm một bản làm cho chất liệu gỗ mít. Đây là những bản gỗ có kích thước rất đa dạng, được khắc chữ Hán rất đậm nét tinh xảo, cùng với đó là những cuốn kinh chữ viết rất đẹp, ma kết ấn tượng và gần như vẫn còn nguyên vẹn.
"Gia Hưng tạng" được xem là pháp bảo của Bình Định về lịch sử Phật giáo. Trên thế giới hiện tại rất hiếm còn những bộ kinh Gia Hưng tạo còn nguyên vẹn như vậy, chính vì vậy Bình Định vẫn luôn duy trì những phương pháp bảo tồn và phát huy các thư tịch cổ quý hiếm như bộ kinh này.
Ngôi chùa Thập Tháp Bình Định còn gắn liền với một câu chuyện rất đặc biệt về hòn đá Chém hay còn gọi là hòn đá oan hồn. Hòn đá này có chiều cao 0,38 m dài 1,58 m và chiều rộng 1,3m với bốn góc được đẽo gọt vô cùng kỹ lưỡng, toàn thân hòn đá rất trơn láng.
Ẩn chứa sau hình dáng của một hòn đá bình thường, mộc mạc là một truyền thuyết vô cùng đáng sợ đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Theo truyền thuyết, khi chiến thắng nghĩa quân Tây Sơn, Nguyễn Ánh đã lên ngôi hoàng đế và lấy hiệu Gia Long, đặt nền móng cho nhà Nguyễn. Lúc này nhà vua ra chiếu thư kêu gọi hoàng tộc Tây Sơn đầu hàng và giữ lời hứa sẽ không trả thù, cũng như ai có tài sẽ được trọng dụng.
Dù vậy, ngay khi họ ra trình diện thì vua Nguyễn Ánh đã nuốt lời và ra lệnh chém đầu tất cả trên tảng đá đặt ở ngay cổng của Thanh Hoàng Đế, tức là hòn đá chém hiện tại. Hàng trăm sinh mạng đã ra đi trên hòn đá này và từ đó, đêm nào cũng vậy phiến đá lại phát ra những tiếng kêu khóc thảm thiết, khiến cho người dân quanh vùng khiếp sợ.
Nhà vua đã lệnh cho quan quân triều đình di dời hòn đá, nhưng không thể nào nhấc được tảng đá chém ra khỏi khu vực cổng thành. Trước tình cảnh đó, một vị nhà sư của chùa Thập Tháp Bình Định đã xin vua Gia Long được lập đàn để cầu siêu và hóa giải nỗi oan khuất của những người chết trên hòn đá này.
Sau khi tổ chức cầu siêu, kinh kệ liên tục 3 ngày 3 đêm thì nhà sư đã xin đưa hòn đá về chùa Thập Tháp. Kỳ lạ ở chỗ lúc này chỉ với bốn người là đã có thể kiêng được hòn đá ra khỏi cổng thành sau đó, hòn đá này đã được đặt bên một cây thị cổ thụ hơn 300 năm tuổi ở chùa phía, phía trước đặt thêm một phiến đá nhỏ hơn để tạo thành bậc tam cấp dẫn vào chính điện.
Theo các nhà sư thì việc đặt hòn đá chém ở đó chính là chủ ý của các bậc tiền nhân, bởi hòn đá khi nằm ở vị trí này có thể nghe kinh kệ và khiến cho những linh hồn oán giận ở đây được thanh thản và siêu thoát. Dù vậy, dường như nỗi oan ức của những linh hồn bên trong Hòn Đá chém vẫn chưa hoàn toàn được xóa bỏ, trong những đêm mưa to gió lớn người dân trong vùng vẫn sẽ thường bắt gặp người phụ nữ mặc áo cộc trắng, quần đen đi ra từ khu vực hòn đá chém và chỉ biến mất khi có tiếng chó sủa.
Đến thời của hòa thượng Chơn Luận Phước Huệ làm trụ trì, ông cũng đã cho dời hòn đá đến khu Phương Trượng của chùa Thập Tháp Bình Định và biến nó thành một bậc tam cấp để nghe kinh kệ mỗi ngày. Có một câu chuyện huyền bí được kể bởi thiền sư Không Ấn Mật Hạnh Rằng cách đây vài chục năm, cứ vào thời khắc giao thừa thì khi chùa đang tổ chức cúng hành binh hành kiến và đổ ba hồi trống chiêng là sẽ tự động xuất hiện một dải lụa trắng tỏa hào quang, bay lượn xung quanh khu vực chính điện của chùa và biến mất.
Đến nay hòn đá chém vẫn nằm ở chùa Thập Tháp Bình Định, trước khu Phương Trượng để làm bậc tăng cấp và những câu chuyện tâm linh liên quan đến hòn đá này đã gần không còn xuất hiện nữa. Hằng năm cứ đến đúng ngày giỗ của hòa thượng Chơn Luận Phước Huệ, phật tử thập phương sẽ trở về chùa Thập Tháp Bình Định và đến trước hòn đá để tưởng nhớ.
Chùa Thập Tháp Bình Định không chỉ là một cổ tự linh thiêng với hơn 300 năm tuổi, mà gắn liền với nó còn là những câu chuyện tâm linh và những giai thoại lịch sử vô cùng ấn tượng. Đây hứa hẹn sẽ là một trong những điểm đến tâm linh hấp dẫn mà du khách không thể bỏ lỡ trong hành trình khám phá xứ Nẫu Bình Định của mình.
>> Xem thêm: Khám phá tháp Cánh Tiên Bình Định ngắm vẻ đẹp kiến trúc Champa cổ độc đáo
Hồng Thọ - dulichvietnam.com.vn