Thành nhà Hồ, Khu di tích lịch sử Lam Kinh... là những di tích lịch sử nổi tiếng ở Thanh Hóa thu hút đông đảo khách du lịch ghé thăm. Cùng theo chân Du lịch Việt nam khám phá thôi nào.
Địa chỉ: Xã Vĩnh Long và Vĩnh Tiến, Huyện Vĩnh Lộc, Tỉnh Thanh Hóa
Di tích Thành nhà Hồ còn gọi là thành Tây Đô, nằm cách trung tâm TP Thanh Hóa 45km. Để tới đây, bạn cứ đi theo Quốc lộ 45 qua Công viên Phủ Quảng là tới. Đây là một công trình thành đá độc đáo, có 1-0-2 ở khu vực Đông Á và Đông Nam Á, được xây dựng vào năm 1397 bởi Hồ Quý Ly. Nơi này từng được coi là kinh đô của nước Đại Ngu dưới triều Hồ.
Thành Nhà Hồ rộng tới 155,5ha trong quần thể thành rộng 5.000ha. Thành có 3 bộ phận là La Thành, Hào Thành và Hoàng Thành. Điểm ấn tượng trong kết cấu của di tích lịch sử nổi tiếng ở Thanh Hóa này là bên ngoài được bằng xây đá không chất kết dính, bên trong đắp bằng đất. Kiến trúc cổng thành theo mái vòm, đá trên vòm cửa xếp khít nhau. Kỹ thuật xây dựng đá là kết tinh của trí tuệ và kinh nghiệm, tạo nên một bước đột phá trong công nghệ xây dựng thời bấy giờ.
Mỗi đợt khai quật khảo cổ tại di tích Thành nhà Hồ đều phát lộ ra nhiều kiến trúc, hiện vật… Từ đó có thể thấy về một kinh đô, một tòa thành độc đáo, một thời kỳ vàng son của nước ta.
Qua hơn 600 năm, hệ thống tường Thành nhà Hồ gần như vẫn còn nguyên vẹn. Những khối đá xếp chồng lên nhau, không chất kết dính vẫn vững chãi qua năm tháng, gió sương. Chỉ trong vòng 3 tháng thi công, qua bàn tay tài hoa, sức sáng tạo của người thợ lúc bấy giờ đã tạo nên một công trình vĩ đại còn lưu dấu tới ngày nay.
Vào tháng 6/2011, UNESCO đã công nhận Thành nhà Hồ là Di sản văn hóa thế giới. Di tích Thành nhà Hồ đã trở thành điểm du lịch Thanh Hóa không thể bỏ qua của bất kỳ du khách nào.
Địa chỉ: Thị trấn Lam Sơn, Huyện Thọ Xuân, Tỉnh Thanh Hóa
Một di tích lịch sử nổi tiếng ở Thanh Hóa khác nữa là Khu di tích Lam Kinh, trải dài trên diện tích 200ha. Nơi này gắn liền với sự kiện lịch sử, là nơi Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa chống giặc Minh (1418-1428). Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi vua, lấy hiệu là Lê Thái Tổ, đặt tên nước Đại Việt.
Cách trung tâm TP Thanh Hóa khoảng 50km, đường tới Khu di tích Lam Kinh Thanh Hóa không khó khăn, bạn cứ đi theo đường Nghi Sơn – Thọ Xuân là tới. Thành điện Lam Kinh được xây theo địa thế tọa sơn hướng thủy, phía Bắc dựa vào núi Dầu, phía Nam nhìn ra dòng sông Chu, phía Đông có rừng Phú Lâm, phía Tây lại có núi Hương và núi Hàm Rồng. Vị trí đắc địa, hợp phong thủy của người Á Đông.
Qua biến cố lịch sử, Khu di tích Lam Kinh Thanh Hóa không bị hủy hoại nhiều, đặc biệt là sau khi triều Nguyễn chuyển phần thờ cúng từ Lam Kinh về Thái miếu Bố Vệ năm 1805. Đến nay, khu hoàng thành, thái miếu, cung điện của kinh thành Lam Kinh ngày ấy vẫn còn nguyên vẹn, có sân rồng, khu ngọ môn, chính điện, thái miếu…
Qua cầu Bạch khoảng 50m, du khách sẽ đi đến một giếng cổ trong xanh quanh năm không cạn. Để vào khu chính điện tại di tích lịch sử nổi tiếng ở Thanh Hóa Lam Kinh này, du khách đi qua Ngọ môn có 3 gian quy mô rộng lớn với hai con Nghê làm bằng đá đứng canh gác.
Không chỉ hấp dẫn du khách bởi kiến trúc độc đáo, Khu di tích Lam Kinh Thanh Hóa còn thu hút khách du lịch bởi những câu chuyện huyền bí quanh khu lăng tẩm của vua chúa thời Hậu Lê. Tới đây thăm quan, lữ khách còn có thể chiêm ngưỡng những cổ vật của Lam Kinh trong nhà trưng bày. Với tất cả giá trị của mình, di tích này đã được xếp hạng là Di tích lịch sử quốc gia năm 1962.
>>Xem thêm: Cẩm nang du lịch Thanh Hóa: Giải đáp đi đâu, ăn gì mới là ‘chuẩn chỉnh’
Địa chỉ: Thôn Phú Điền, Xã Triệu Lộc, Huyện Hậu Lộc, Tỉnh Thanh Hóa
Khu di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật đền Bà Triệu có diện tích 3,8ha, bao gồm nhiều hạng mục như đền Bà Triệu, lăng mộ Bà Triệu, miếu Bàn Thề, mộ ba ông tướng họ Lý, đình Phú Điền, đền Đệ Tứ. Trong đó, đền Bà Triệu là nổi bật nhất.
Vào năm 248, Bà Triệu cùng anh trai Triệu Quốc Đạt đã đứng lên chống lại nhà Ngô. Trước tình hình cuộc khởi nghĩa phát triển, Ngô vương đã cử tướng Lục Dận tới đàn áp. Sau trận chiến ác liệt, nghĩa quân không còn chống chọi được với quân địch hùng mạnh. Bà Triệu tuẫn tiết trên núi Tùng vào tháng 8 năm 248 khi mới 23 tuổi. Để tưởng nhớ công ơn bà, người dân đã lập đền thờ tại nơi Bà Triệu cùng nghĩa quân hy sinh oanh liệt.
Có nhận định cho rằng, đền Bà Triệu phải được xây dựng trước năm 549. Vào thời vua Lý Nam Đế (542-548), một lần đi đánh giặc Lâm Ấp, nhà vua đã vào đền cầu Bà Triệu phù hộ và thắng giặc trở về. Nhà vua làm lễ tạ ơn và cấp tiền cho làng Bồ Điền sửa sang, mở rộng đền.
Đền Bà Triệu - di tích lịch sử nổi tiếng ở Thanh Hóa – chỉ cách TP Thanh Hoá tầm 18km. Qua thời gian, tới đời vua Minh Mạng, đền được chuyển về vị trí ngày nay. Từ cuối thế kỷ 18, đền Bà Triệu có diện mạo như hiện tại.
Đền Bà Triệu được xây dựng với lối kiến trúc nội công ngoại quốc, gồm các công trình là Nghi môn ngoại, bình phong, hồ sen hình chữ nhật, nghi môn trung, nghi môn nội, tiền đường, sân thượng, trung đường, hậu cung... Cách đền Bà Triệu tầm 500m là khu lăng mộ của Bà và ba ông tướng họ Lý. Tới năm 2014, đền Bà Triệu đã được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt. Năm 2023, lễ hội đền Bà Triệu trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Địa chỉ: Thôn Thành Trung, Xã Thành Yên, Huyện Thạch Thành, Tỉnh Thanh Hóa
Hang Con Moong là di chỉ khảo cổ được phát hiện năm 1974 và đã được công nhận là di tích khảo cổ của Quốc gia năm 2007. Trong tiếng Mường, Con Moong nghĩa là con thú, nằm trong núi đá vôi hệ tầng Đồng Giao 240 triệu năm. Sở dĩ có cái tên này bởi theo người dân địa phương, nơi này từng có rất nhiều con thú tập trung về đây.
Hang Con Moong - di tích lịch sử nổi tiếng ở Thanh Hóa - hình bán nguyệt, cao 147m so với mực nước biển, dài 40m, trần cao nhất 10m. Hang được phát hiện năm 1974, tiến hành khai quật 4 lần. Phía trong Hang Con Moong phát hiện nhiều dấu tích của con người cách đây 40.000 – 60.000 năm. Hang được xếp hạng Di tích Quốc gia năm 2007. Ngoài ra, các nhà khoa học đã khai quật và tìm thấy được nhiều dấu tích của người xưa tại các hang động xung quanh hang Con Moong.
Địa chỉ: TP Sầm Sơn, Tỉnh Thanh Hóa
Khu danh thắng Sầm Sơn gồm Núi Trường Lệ, Hòn Trống Mái, Đền Độc Cước, Đền Tô Hiến Thành, Đền Cô Tiên,... đã được xếp hạng Di tích quốc gia vào ngày 28/4/1962. Có thể thấy, đây là địa điểm kết hợp hài hòa giữa cảnh quan thiên nhiên với các công trình kiến trúc lịch sử - văn hóa cũng như sự đa dạng sinh học.
Ngoài những bãi biển rộng lớn, mênh mông, điểm vui chơi, tắm biển của khách du lịch, dãy núi Trường Lệ 300ha xếp liên tiếp nhau, từ đất liền vươn ra tới biển. Trên núi Trường Lệ, có địa điểm du lịch Thanh Hóa nổi tiếng là Hòn Trống Mái. Vẻ đẹp của dãy núi Trường Lệ giúp khung cảnh bãi biển Sầm Sơn thêm phần hùng vỹ, tráng lệ.
Hòn Trống Mái có 3 tảng đá lớn, trong đó 2 tảng đá tựa như hình dáng một đôi chim lớn đang chụm đầu vào nhau. Khu danh thắng này còn gắn liền với câu chuyện về mối tình son sắt, thủy chung.
Đền Cô Tiên nằm ở cuối dãy núi Trường Lệ, là di tích lịch sử nổi tiếng ở Thanh Hóa nổi tiếng mà bất cứ ai cũng không thể bỏ qua. Vào năm 1960, Bác Hồ thăm Sầm Sơn đã dừng chân ở ngôi đền này. Đến năm 1962, Đền Cô tiên được xếp hạng Di tích Quốc gia. Ngôi đền được xây dựng từ thời Lý theo kiến trúc cổ, khung cảnh thanh bình, tĩnh lặng, là điểm nghỉ chân lý tưởng cho du khách.
Địa chỉ: Làng Trung Lập, Xã Xuân Lập, Huyện Thọ Xuân, Tỉnh Thanh Hóa
Đền thờ Lê Hoàn Thanh Hóa được xem là ngôi đền lâu đời nhất của xứ Thanh với niên đại khoảng 1000 năm. Đây là nơi để người dân tưởng nhớ công ơn của vua Lê Đại Hành - vị khai quốc Triều Tiền Lê.
Theo ghi chép, Lê Hoàn sinh ra tại làng Trung Lập trong một gia đình nông dân nghèo. Lớn lên, ông giúp Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 xứ quân, được phong làm Thập đạo Tướng quân. Khi vua Đinh Tiên Hoàng và con trai bị sát hại, Lê Hoàn được cử làm nhiếp chính, dẹp tan nội phản. Năm 980, Lê Hoàn lên ngôi Hoàng đế, đánh giặc Tống, giữ yên bờ cõi, chú trọng phát triển nông nghiệp, thương mại... Năm 1005, Lê Hoàn mất ở Ninh Bình, hưởng thọ 65 tuổi. Sau khi vua mất, để tưởng nhớ công lao của ông, người dân lập đền thờ ngay tại mảnh đất vua đã sinh ra lớn lên.
Trải qua thời gian dài, đền thờ Lê Hoàn Thanh Hóa được trùng tu nhiều lần nhưng vẫn còn giữ nguyên được kiến trúc cổ kính ban đầu. Đặc biệt, di tích lịch sử nổi tiếng ở Thanh Hóa này vẫn bảo tồn được hiện vật, tài liệu cổ là bia ký, lệnh chỉ, sắc phong, hoành phi, khám thờ, tượng pháp, gốm sứ, đĩa đá từ thời Lý, Trần, Minh. Năm 1990 đền thờ Lê Hoàn trở thành Di tích cấp quốc gia; đến năm 2018 được công nhận là Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt.
Xem thêm: Thác Mây Thanh Hóa: Hùng vĩ tầng tầng lớp lớp như ruộng bậc thang
+ Di chuyển: Tùy theo từng địa điểm mà bạn có thể tìm cung đường đi khác nhau. Từ Hà Nội, TP Thanh Hóa chỉ cách hơn 160km, thời gian di chuyển tầm 2,5 tiếng đồng hồ. Nhờ có đường cao tốc nên việc đi lại cũng nhanh chóng và dễ dàng hơn. Bạn có thể tìm kiếm các điểm di tích lịch sử trên google maps.
+ Du khách có thể ghé thăm các di tích này bất kể thời điểm nào trong năm, tùy theo sở thích và thời gian rảnh của mình. Tuy nhiên, có nhiều đền thờ diễn ra các lễ hội truyền thống. Nếu muốn tận hưởng không khí sôi động, trang trọng, tìm hiểu văn hóa truyền thống địa phương bạn đừng quên ghé thăm các lễ hội, như Lễ hội đền Lê Hoàn diễn ra hàng năm từ ngày 7 - 9/03 âm lịch hay Lễ hội Bà Triệu được tổ chức vào các ngày 20 - 23/02 âm lịch hàng năm...
Trên đây là thông tin về di tích lịch sử nổi tiếng ở Thanh Hóa cho bạn và gia đình tham khảo. Theo dõi Du lịch Việt Nam để cập nhật thêm nhiều điểm đến mới cùng kinh nghiệm vi vu hữu ích trong chuyến đi sắp tới của mình nhé.
Yến Yến