Lễ hội đền Bà Triệu, Lễ hội đền Lê Hoàn... đều là những lễ hội truyền thống nổi tiếng Thanh Hóa bao đời nay. Cùng theo chân Du lịch Việt Nam khám phá các lễ hội này xem có gì thú vị nào.
Địa chỉ: Thôn Phú Điền, Xã Triệu Lộc, Huyện Hậu Lộc, Tỉnh Thanh Hóa
Lễ hội đền Bà Triệu Thanh Hóa được tổ chức vào ngày 20 - 23/02 âm lịch hàng năm. Tổ chức đúng dịp khai xuân nên lễ hội trở thành điểm chơi xuân lý tưởng của nhiều du khách gần xa. Lễ hội đền Bà Triệu được tổ chức để tưởng nhớ Bà Triệu – vị anh hùng dân tộc, người đã cùng anh trai Triệu Quốc Đạt đứng lên chống lại nhà Ngô vào năm 248.
Người dân thôn Phú Điền sẽ tiến hành các nghi lễ như rước kiệu thần, tế lễ, tế nữ quan. Đặc biệt, lễ Mộc dục là một nghi thức quan trọng, thường diễn ra vào ngày 18, 19/2 âm lịch ở đền và đình làng. Tế Phụng Nghing là thủ tục để mời vua bà cùng hội đồng triều đình, các quan, thánh... về trong ngày húy kỵ vua Bà.
Trong ngày Lễ hội đền Bà Triệu Thanh Hóa, người dân sẽ dâng lên sản vật ngon nhất của họ trong năm qua như cách để tạ ơn thần. Nhiều trò chơi dân gian cũng được tổ chức trong lễ hội truyền thống nổi tiếng Thanh Hóa này như nấu cơm thi, đánh cờ người, đánh bài điếm, hội trận Ngô - Triệu giao quân...
Lễ hội đền Bà Triệu Thanh Hóa mang trong mình sự kết hợp giữa lịch sử, văn hóa và du lịch. Với tất cả những nét độc đáo và giá trị to lớn, Lễ hội Đền Bà Triệu đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2022.
Trong dịp tới tham gia lễ hội, du khách đừng bỏ qua việc thăm quan Khu di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật đền Bà Triệu diện tích 3,8ha, bao gồm nhiều hạng mục như đền Bà Triệu, lăng mộ Bà Triệu, miếu Bàn Thề, mộ ba ông tướng họ Lý, đình Phú Điền, đền Đệ Tứ. Trong đó, đền Bà Triệu là nổi bật nhất.
Địa chỉ: Làng Trung Lập, Xã Xuân Lập, Huyện Thọ Xuân, Tỉnh Thanh Hóa
Một trong những lễ hội ở Thanh Hóa độc đáo khác nữa là Lễ hội đền Lê Hoàn. Đền thờ Lê Hoàn là ngôi đền lâu đời bậc nhất xứ Thanh với niên đại tầm 1000 năm. Đây là nơi để bà con tưởng nhớ công ơn của vua Lê Đại Hành – người lãnh đạo dân ta đánh tan quân xâm lược nhà Tống và khai quốc triều Tiền Lê.
Lễ hội Lê Hoàn diễn ra từ ngày 7 - 9/3 âm lịch với quy mô cấp tỉnh. Lễ hội Lê Hoàn - lễ hội truyền thống nổi tiếng Thanh Hóa – có hai phần, lễ và phần hội. Phần lễ diễn ra uy nghiêm, có nghi thức dâng hương rước kiệu, cùng màn biểu diễn nghệ thuật thể hiện tài năng, đức độ của vua Lê Đại Hành trong việc xây dựng và bảo vệ bờ cõi.
Theo thông lễ, những người tham gia lễ tục được cao niên trong làng chọn lựa rất khắt khe. Đó phải là người có sức khỏe tốt, gia đình hòa thuận, đức độ... Trong đó, chủ tế và đội tế đều là người lão làng. Qua phần lễ, người dân cũng mong muốn được đức vua bảo vệ, che chở cho cuộc sống bình an, ấm no.
Lễ hội đền Lê Hoàn là một trong những lễ hội ở Thanh Hóa có phần hội tưng bừng, sôi động. Phần hội có nhiều trò diễn, trò chơi và ẩm thực dân gian như chơi bài điếm, trò đánh mảng, trò Xuân Phả, nhảy sạp, Pồn Pôông... tái hiện nhiều tục lệ gắn với đời sống sinh hoạt triều Tiền Lê. Tham gia lễ hội, bạn được hòa mình vào không gian văn hóa đa dạng, mang đậm tính cổ truyền.
Không chỉ có giá trị sâu sắc về lịch sử, văn hóa, Lễ hội Lê Hoàn còn là biểu tượng cho sự liên kết cộng đồng và đoàn kết dân tộc. Lễ hội truyền thống nổi tiếng Thanh Hóa khơi dậy tình yêu, niềm tự hào về văn hóa, lịch sử của dân tộc trong mỗi du khách.
>>Xem thêm: Di tích lịch sử nổi tiếng ở Thanh Hoá: Cổ kính và giàu giá trị văn hóa
Địa chỉ: Khu di tích Lam Kinh, thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa
Lễ hội Lam Kinh Thanh Hóa được tổ chức đúng vào ngày giỗ của vua Lê Thái Tổ, tức ngày 22/8 âm lịch hàng năm. Sau khi vua băng hà vào năm 1433 được an táng tại Lam Kinh, từ đó, miếu điện cũng được xây dựng. Sau những biến cố, khi triều Lê sụp đổ, khu miếu điện ở Lam Kinh cũng suy tàn, nghi lễ cung đình biến mất khỏi đây suốt thời gian dài. Tới đầu thế kỷ XX, làng Lam Sơn dựng đền thờ vua Lê Thái Tổ, Nguyễn Trãi, Lê Lai và Bạch Y Công chúa trên đất Lam Kinh. Từ đó, nghi lễ mới dần được khôi phục.
Phần lễ của Lễ hội Lam Kinh Thanh Hóa được tổ chức trang trọng, có nghi thức rước kiệu vua Lê Thái Tổ, đọc chúc văn, tấu cáo, dâng hương tưởng niệm nghĩa sĩ Lam Sơn... Phần hội có nhiều chương trình nghệ thuật tái hiện hội thề Lũng Nhai, giải phóng thành Đông Quan, tái hiện Lê Lai cứu chúa...
Trong Lễ hội Lam Kinh - Lễ hội truyền thống nổi tiếng Thanh Hóa còn có trò chơi truyền thống xứ Thanh như: trò Chiêng, trò Xuân Phả, dân ca Đông Anh, trò Sanh Ngô, dân ca sông Mã, đấu võ dân tộc; thi đấu vật, hội trại các làng văn hoá; múa rồng, trống hội, trưng bày hiện vật thời Lê; chiếu phim, chương trình ca nhạc tân cổ giao duyên, biểu diễn chèo,…
Có thể thấy, Lễ hội Lam Kinh Thanh Hóa tạo nên dấu ấn đặc biệt về một vùng đất anh hùng đồng thời cũng góp phần bảo tồn nét đẹp văn hoá của dân tộc. Nhiều năm qua, lễ hội thể hiện truyền thống tốt đẹp, sự tri ân của thế hệ hôm nay đối với thế hệ trước trong công cuộc xây dựng quê hương, chống giặc ngoại xâm.
Lễ hội Pôồn Pôông diễn ra vào ngày rằm tháng Giêng, rằm tháng Ba và rằm tháng Bảy hàng năm. Đây là lễ hội của người Mường mang nghi lễ cầu phúc và cũng vừa mang tính giao duyên nam - nữ. Ai tới tham gia lễ hội cũng thành tâm cầu mong một cuộc sống ấm no, thóc đầy bồ, lúa đầy sân, nhà nhà hạnh phúc.
Lễ hội Pôồn Pôông là Lễ hội truyền thống nổi tiếng Thanh Hóa. Ở Thanh Hóa, nơi nào có người Mường thì sẽ có lễ hội này. Sự tích hình thành Lễ hội Pồn Pông gắn liền với cây pôông và câu chuyện tình yêu đầy nước mắt của nàng Ờm và chàng Bồng Hương.
Chưa có thời gian chính xác về lễ hội Pôồn Pôông, chỉ biết rằng nó đã được lưu truyền bao đời nay và đến tận ngày nay. Hầu như người Mường đều thuần thục lời hát xường, điệu nhảy trong lễ hội Pôồn Pôông.
Chủ trì phần lễ là Ậu máy, một người có uy tín trong vùng, biết bốc thuốc, cúng bái, chữa bệnh. Trong phần lễ, Ậu máy sẽ dùng văn khấn tới thần linh, bày tỏ lòng biết ơn thần linh cho mưa thuận gió hòa. Trong Lễ hội Pôồn Pôông có người dẫn chuyện về lịch sử thành lập làng, mỗi khi kể đến giai thoại nào thì nam thanh nữ tú sẽ diễn trò mô phỏng hoạt động sản xuất, vui chơi, cày bừa, trồng trọt, làm cơm, dựng nhà... xung quanh cây Bông.
Lễ hội Pôồn Pôông - Lễ hội truyền thống nổi tiếng Thanh Hóa cuốn hút khách du lịch bởi sự khéo léo, tinh tế cùng ý nghĩa nhân văn. Qua dịp lễ hội, du khách thập hương được hiểu hơn về lịch sử hào hùng của người Mường, một trong 54 dân tộc anh em góp phần xây dựng đất nước phồn vinh.
Địa chỉ: Di tích lịch sử và thắng cảnh Phủ Na, Xã Xuân Du, huyện Như Thanh, Thanh Hóa
Hàng năm, cứ từ mùng 1-16/2 âm lịch và 1-16/8 âm lịch, đông đảo người dân lại tụ hợp lại Di tích Phủ Na để thắp hương tưởng nhớ công ơn của thế hệ trước và cầu may một năm mạnh khỏe.
Ở khu đền Cô Chín có dòng nước trong vắt mát lành chảy từ trên núi xuống, được người dân gọi là “nước thánh”. Người ta quan niệm nếu lấy nước thánh về rửa mặt thì sẽ được bình an, gặp nhiều may mắn, tài lộc. Bởi vậy, tham gia lễ hội Phủ Na ai cũng tới khu vực đền Cô Chín để xin nước thánh.
Trong lễ hội truyền thống nổi tiếng Thanh Hóa này, nghi thức cúng tế thờ Mẫu được thể hiện rõ nét. Ngoài ra, các hoạt động văn hóa văn nghệ, trò chơi dân gian như đánh cồng chiêng, múa rồng, múa lân... cũng được tổ chức, góp phần tạo nên không khí náo nhiệt, sôi động cho dịp đầu năm. Qua thời gian, Lễ hội Phủ Na đã trở thành nét văn hóa tâm linh độc đáo của nhân dân xứ Thanh mỗi độ Tết đến, Xuân về. Tham dự lễ hội, ngoài hòa mình vào không khí vui nhộn, khách du lịch Thanh Hóa còn được ghé thăm phong cảnh hữu tình dưới thung lũng chân núi Nưa.
>>Xem thêm: Cẩm nang du lịch Thanh Hóa: Giải đáp đi đâu, ăn gì mới là ‘chuẩn chỉnh’
Du khách bỏ túi một số lưu ý dưới đây khi tham gia lễ hội ở Thanh Hóa:
+ Các lễ hội thường đông đúc, nhiều người, do đó, bạn cần chú ý bảo quan tư trang cá nhân, tránh tình trạng mất cắp xảy ra
+ Nhiều trò đỏ đen, ăn xin… vẫn còn tồn tại ở lễ hội. Bạn cần cảnh giác trước các chiêu trò này
+ Du khách cũng cần giữ ý thức trong việc thắp nhang cầu khấn, không vứt rác bừa bãi trong đền chùa, các khu di tích, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên
+ Không chen lấn, xô đẩy, dễ gây nguy hiểm cho người khác
Trên đây là gợi ý Lễ hội truyền thống nổi tiếng Thanh Hóa cho bạn và gia đình tham khảo. Theo dõi Du lịch Việt Nam để cập nhật thêm nhiều điểm đến mới cùng kinh nghiệm vi vu hữu ích trong chuyến đi sắp tới của mình nhé.
Yến Yến