Là địa danh gắn liền với những sự kiện, dấu ấn của miền đất “cố đô" xưa, di tích lịch sử Lam Kinh chính là điểm hẹn tuyệt vời để du khách tìm đến để tận hưởng vẻ đẹp trầm mặc, cổ kính, khám phá nét kiến trúc đặc trưng triều đại Nhà Hậu Lê và những câu chuyện truyền thuyết huyền bí.
Thanh Hoá được biết đến là miền đất địa linh nhân kiệt, miền ẩn tích chứa đựng nhiều di sản và giá trị văn hoá, lịch sử của dân tộc, trong đó các điểm đến lịch sử nổi tiếng như di tích Lam Kinh là điểm nhấn nổi bật. Di tích lịch sử Lam Kinh Thanh Hoá hiện là một trong những điểm đến hấp dẫn trong mắt các tín đồ xê dịch đặc biệt là những người ưa thích khám phá về lịch sử, những câu chuyện xưa. Điểm đến này sở hữu vẻ đẹp ấn tượng và đặc biệt là ẩn chứa biết bao huyền tích xưa kỳ thú thôi thúc du khách tìm đến khám phá.
>>Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Thanh Hóa đầy đủ từ A-Z
Khu di tích lịch sử Lam Kinh có địa thế “tọa sơn hướng thủy” vô cùng ấn tượng, phía Bắc dựa vào núi Dầu, phía Nam nhìn ra sông Chu và có ngọn núi Chúa làm bình phong, phía Tây có núi Hàm Rồng, bên trái là cánh rừng Phú Lâm và bên phía là núi Hương. Thắng tích nức tiếng này tọa lạc tại địa bàn của xã Xuân Lam, thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, cách trung tâm của thành phố Thanh Hóa 50km theo hướng Tây Bắc. Từ thành phố Thanh Hoá, du khách muốn đến với khu du lịch lịch sử Lam Kinh thì chỉ cần di chuyển theo hướng QL47.
Lam Kinh là quê hương của vị anh hùng dân tộc Lê Lợi (1385-1433), dây cũng là nơi mà nghĩa quân Lam Sơn đã dựng cờ khởi nghĩa để đánh giặc Minh trong những năm 1418 đến 1428. Sau khi lên ngôi và lập nên nhà Hậu Lê vào năm 1428, Lê Lợi (tức vua Lê Thái Tổ) đã mở ra một thời kỳ lịch sử hưng thịnh nhất các triều đại phong kiến Việt Nam kéo dài 360 năm. Đến năm 1430, vua Lê Thái Tổ đổi lên Lam Sơn thành Lam Kinh và từ đó các công trình kiến trúc , đền miếu cũng đã bắt đầu được xây dựng ở Lam Kinh để làm nơi nghỉ chân cho các vua Lê và cũng là nơi ở của quân lính, quan lại ở Lam Kinh, nơi đây tập trung nhiều lăng mộ, đền thờ các vị vua, thành viên hoàng thất và quan lại nhà Hậu Lê.
Khu di tích lịch sử Lam Kinh được bố trí theo trục Nam Bắc trên đồi gò có hình chữ Vương, bốn mặt của thành dài 314m , rộng 254m dạng cánh cung bán kinh 164m, tường thành dày 1m. Đường dẫn vào khu hoàng thành có con sông Ngọc, được đào từ Tây Hồ qua trước thành và điện Lam Kinh, theo sử sách ghi lại thì ngày xưa nước sông Ngọc rất trong và có nhiều sỏi đá. Bắc qua sông Ngọc có cây cầu Tiên Loan Kiều với kiến trúc dạng cánh cung uốn cong nằm trên trục đường chính dẫn vào khu trung tâm của chính điện. Khi đi qua cầu độ 50m sẽ là một giếng cổ, nơi cung cấp nước cho điện Lam Kinh, trước đây giếng có thả sen và nước trong vắt, không bao giờ cạn, đây cũng là một trong những chiếc giếng cổ còn sót lại lớn nhất Việt Nam hiện tại.
Di chuyển tiếp vào bên trong du khách sẽ được bắt gặp một không gian thuần Việt cổ kính và bình yên với cây đa, bến nước, sân đình, cây đa ở đây đã có tuổi đời hàng trăm năm, thân lớn đến mức chục người ôm không xuể. Khi qua hết Ngọ Môn du khách sẽ đến được sân Rồng trước chính điện, sân có diện tích hơn 3500m, trải hết bề mặt trước chánh điện, sát đến thềm của nhà tả và hữu vu.
Không gian của khu chánh điện ở di tích lịch sử Lam Kinh được thiết kế dạng chữ Công với điểm nhấn chính là ba toà điện lớn gồm Quang Đức nằm ở phía trước, điện Diên Khánh ở phía sau và điện Sùng Hiếu nằm ở giữa Công trình được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ với quy mô lớn, hàng cột cái ở ba điện có đường kính đến 62cm. Nơi đây vẫn còn lưu lại những dấu tích kiến trúc độc đáo với nghệ thuật điêu khắc kỳ công, sau khi phục dựng thì ở chính điện còn có một số hạng mục được làm bằng vàng thật.
Khu vực sau của chính điện là Thái miếu Lam Kinh với 9 tòa kiến trúc độc đáo chính là nơi để thờ phụng tổ tiên, các vị vua cùng hoàng thái hậu, khu vực này chỉ mới được phục dựng 5 thái miếu.
Thăm quan khu di tích lịch sử Lam Kinh du khách sẽ khó lòng bỏ qua Vĩnh Lăng (lăng vua Lê Thái Tổ). Lăng này nằm cách điện Lam Kinh chỉ 50m có địa thế “hổ phục rồng chầu”. Bố cục lăng này đơn giản nhưng rất tôn nghiêm, trước lăng là hai hàng tượng quan hầu, tượng các con giống làm bằng đá như nghê, ngựa, tê giác, hổ để trấn trạch. Cách lăng 300m là bia Vĩnh Lăng được làm bằng đá nguyên khối đặt trên lưng của con rùa lớn cũng làm bằng đá nguyên khối.
Ở di tích lịch sử Lam Kinh còn có khu vực nhà trưng bày, tại đây du khách có thể chiêm ngưỡng những cổ vật của vùng đất Lam Kinh xưa như đế móng Cầu Bạch, đầu đao kim nóc bằng đất nung, các vật dụng sinh hoạt thời nhà Lê như ấm chén, bát hương hay gạch trang trí...
>> Xem thêm: Tour du lịch Thanh Hóa hấp dẫn trọn gói
Ngoài kiến trúc đặc trưng thời nhà Hậu Lê và vẻ đẹp cổ kính, bình yên đến nao lòng thì điều khiến di tích lịch sử Lam Kinh Thanh Hóa thu hút du khách chính là bởi những huyền tích kỳ bí nổi bật là cây ổi biết cười và cây lim cổ thụ ở Vĩnh Lăng. Theo đó cây ổi ở đây có đặc điểm rất ấn tượng là khi du khách cù nhẹ lên thân thì cây sẽ rung lên tựa như có một cơn gió thổi qua vậy, điều đặc biệt là cây ổi này còn khiến cho người chạm vào có cảm giác rất nhẹ nhõm, tĩnh tâm khi chạm vào.
Cũng tại Vĩnh Lăng có cây lim cổ thụ đã 600 năm tuổi còn được gọi là cây lim hiến thân. Người ta kể rằng vào năm 2010, khi dự án phục dựng chính điện Lam Kinh được phê duyệt thì cây lim đang xanh tươi bỗng trút hết lá và ra đi. Thân của cây lim ước lượng đủ để làm bộ cột phục vụ lễ phát mộc khởi công cung điện, đường kính gốc cây lại trùng khớp với chân đá tảng cột cái, phần ngọn lại vừa với chân đá tảng cột quân. Chính sự trùng hợp này khiến người ta tin rằng cây lim này được sinh ra với sứ mệnh phỏng dựng lại cung điện cho hậu thế.
Khu di tích lịch sử Lam Kinh còn gắn liền với lễ hội Lam Kinh nổi tiếng. Khởi nguồn của lệ hội này là khi nhà vua Lê Thái Tổ băng hà và được an táng ở Lam Kinh vào năm 1433. Từ đó cứ đến ngày 21 - 22/8 Âm Lịch (giỗ vua Lê Lai ngày 21 và Lê Lợi ngày 22) người dân lại tưng bừng tổ chức lễ hội để tưởng nhớ về các bậc tiền nhân.
Lễ hội được tổ chức hằng năm với quy mô rất lớn gồm phần lễ tái hiện các nghi thức cổ truyền với trống hội, cờ hội, rước kiệu các nghi thức tế lễ xưa và phần hội là những chương trình nghệ thuật quy mô như sự kiện vua Lê lên ngôi, giải phóng Đông Quan, Lê Lai cứu chúa, hội thề Lũng Nhai... Trong những ngày diễn ra lễ hội còn có các trò chơi truyền thống độc đáo. Du khách về dự hồi có thể tham quan khu di tích, vui chơi và thưởng thức những đặc sản nức tiếng của Lam Kinh như bánh gai tứ trụ, bánh răng bừa, nem nướng, chè lam…
Ghé thăm khu di tích lịch sử Lam Kinh du khách sẽ được ngược dòng thời gian, trở về quá khứ để tưởng nhớ về một triều đại lịch sử hưng thịnh bậc nhất nước Việt và lắng nghe huyền tích xưa, những câu chuyện lạ được xây nên từ linh khí của đất trời.
>> Xem thêm: Khám phá vườn quốc gia Bến En Thanh Hoá món quà vô giá từ thiên nhiên
Hồng Thọ
Theo Báo Thể Thao Việt Nam