Nếu Hà Nội có cốm, Hà Nam có cá kho làng Vũ Đại hay Ninh Bình có thịt dê... thì Thái Bình có bánh cáy. Đây là đặc sản, là một món quà không thể bỏ qua khi ghé thăm quê hương này. Bánh cáy Thái Bình ngon, dẻo, cay nhẹ, khiến ai thử một lần cũng phải nhớ mãi.
Ngay từ cái tên bánh cáy đã khiến người ta tò mò bởi xuất xứ, nguồn gốc cũng như nguyên liệu tạo nên món này. Nhắc tới mảnh đất bình yên, quê hương chị hai năm tấn, ngoài biển vô cực, đền Trần thiêng liêng, chùa Keo cổ kính, lữ khách còn ấn tượng với những món ăn ngon đậm chất vùng quê dân dã. Đó là nem chạo Vị Thủy, canh cá Quỳnh Côi, bún bung, nộm... và bánh cáy.
Dù được bày bán tại nhiều nơi nhưng bánh cáy có nguồn gốc từ làng Nguyễn, một làng nhỏ của xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Hiện toàn xã có hàng trăm hộ dân làm bánh cáy, cho ra sản lượng hàng trăm tấn mỗi tháng, phục vụ các tỉnh thành trong khắp cả nước.
Về tên gọi bánh cáy Thái Bình, nhiều người lầm tưởng bánh được làm từ con cáy. Tuy nhiên, nguyên liệu của nó lại từ hạt nếp cái hoa vàng, đêm ngâm lên rồi trộn gấc đỏ, ép dẻo, xắt nhỏ rồi đem phơi khô. Bánh sẽ cho ra màu vàng giống với trứng của con cáy nên người ta gọi luôn là bánh cáy.
Có người lại truyền miệng rằng do ngày xưa, bánh nổi tiếng thơm ngon nên được chọn để dâng lên vua, vua ăn thấy có vị ngọt hòa chung với vị cay nồng của gừng, bùi bùi nên hỏi tên bánh. Quan dâng bánh thưa rằng đó là bánh cay và sau đó, người dân đọc lệch đi là bánh cáy.
Dù nguồn gốc tên gọi có thế nào thì bánh cáy vẫn được biết tới là loại bánh mang đặc trưng của mảnh đất lúa nương. Ngoài Thái Bình ra hiếm nơi nào có được hay dù có sản xuất được thì hương vị cũng khó giống như chính quê hương Thái Bình. Bánh cáy Thái Bình là đặc sản, là biểu tượng văn hóa ẩm thực, là món quà mà bất kỳ ai ghé thăm nơi này cũng muốn tìm mua về làm quà.
>>Xem thêm: Làng nghề chạm bạc Đồng Xâm Thái Bình – Làng nghề 600 tuổi trên quê hương chị Hai 5 tấn
Cách làm bánh cáy Thái Bình không hề đơn giản mà trải qua quy trình công phu, mất nhiều thời gian với các công đoạn kỳ công. Nguyên liệu làm bánh đều xuất phát từ thiên nhiên, gồm gạo nếp cái hoa vàng, lạc, vừng, quả, lá dành dành, gấc, vỏ quýt, dừa, mật mía... được trồn thêm nước đường gừng.
Để hoàn thành được một mẻ bánh cáy, ít nhất phải nửa tháng trước đó, người ta sẽ phải thái mỡ lợn nhỏ như hạt lựu rồi đem trộn với đường cho thấm kỹ. Gần lúc làm bánh, hỗn hợp này được xào lên cho đến khi khẩu mỡ trong và giòn như mong muốn. Những nguyên liệu khác cũng được rang chín, xát để bỏ vỏ. Vỏ quýt, gừng tươi, cà rốt xào với đường để riêng ra.
Nguyên liệu quan trọng hàng đầu trong thành phẩm bánh cáy Thái Bình chính là nếp cái hoa vàng. Nếp phải chọn loại tròn mẩy, dẻo thơm. Sau đó nếp được chia ra 2 phần nấu xôi, phần còn lại làm bỏng sẽ được rang cho nở bung, dậy hương thơm và sạch phần trấu. Ở phần nấu xôi thì một nửa nấu xôi gấc màu đỏ, nửa còn lại nấu với nước quả danh dành cho có màu vàng tươi. Khi cả hai loại xôi xín, người thợ sẽ trộn chúng với nhau rồi giã nhuyễn.
Cách làm bánh cáy Thái Bình vẫn còn nhiều bước quan trọng tiếp theo. Hỗn hợp giã nhuyễn trên được cán mỏng, đem cắt thành những lát nhỏ dài rồi sấy khô. Trộn các nguyên liệu với nhau, họ sẽ mang đi cán đều, lèn bánh thật chặt trong khuôn chữ nhật. Cho đến khi bánh cứng lại mới được lấy ra khỏi khuôn rồi rắc thêm vừng bóng bẩy bên ngoài cùng. Lấy bánh ra rồi cho vào bao bì hoàn chỉnh, vậy là làm xong bánh cáy. Các bước làm bánh cáy đều cần đúng kỹ thuật, khi đó, dù không phơi nắng cũng chẳng sấy qua lửa, bánh vẫn có thể để được thời gian dài.
Một chiếc bánh cáy Thái Bình hoàn chỉnh, đảm bảo chất lượng phải có vẻ ngoài đẹp, hình dáng vuông vức, thơm mùi lạc, vừng, độ ngọt vừa phải, cay nhẹ của gừng, béo ngậy vị mứt bí, xôi... Khi thưởng thức, chỉ cần cắn một miếng, bánh cáy Thái Bình sẽ kích thích vị giác. Bạn sẽ thấy không chỉ vị ngon đặc trưng, khó quên mà còn chứa đựng trong đó cả tâm huyết, tình cảm của người dân làng Nguyễn.
Theo thời gian, bánh cáy làng Nguyễn Thái Bình được lưu truyền, được biết đến như một đặc sản của mảnh đất này. Từ một món ăn của làng quê, bánh cáy trở thành biểu tượng, trở thành thức quà có sức hút lạ kỳ. Những người con xa xứ ai nấy chẳng thèm thuồng một chút bánh cáy cay nồng để nhớ về quê hương. Hay ai tới du lịch Thái Bình cũng muốn tìm một địa chỉ đáng tin cậy để mua về làm quà.
Bánh cáy làng Nguyễn Thái Bình thường được thưởng thức trong khi uống trà. Nhâm nhi một miếng bánh cáy, thêm một chút trà, trò chuyện với bè bạn, cuộc sống nhẹ nhàng, bình yên đến lạ. Đặc biệt, dù sản xuất không kịp bán nhưng các chủ sản xuất không hề chạy theo số lượng mà luôn đặt chất lượng lên hàng đầu, chú ý tìm kiếm, pha chế nguyên liệu để sản xuất ra được những chiếc bánh cáy Thái Bình đạt chất lượng. Đây quả thực là tấm huyết của những người thợ gắn bó bao đời nay với đặc sản quê hương này.
Bánh cáy có thể ăn vào bất kể thời điểm nào, trong đó dịp Tết là lúc làng Nguyễn vào vụ sản xuất chính. Không chỉ thế, người dân còn xem bánh cáy như một thức quà biếu ông bà, cha mẹ bày tỏ lòng yêu thương, kính trọng. Chính vì thế, mỗi dịp lễ, Tết, giỗ, người dân Thái Bình đều mua bánh cáy để trên ban thờ.
Bánh cáy Thái Bình mua ở đâu? Hiện nay, xã Nguyên Xá có hàng trăm hộ làm bánh cáy và mỗi cơ sở lại có phong cách riêng. So với trước đây, máy móc được đầu tư, nâng cấp nhiều giúp sản lượng cũng cao hơn. Dù thị trường có nhiều loại bánh ngon, đa dạng hơn thì bánh cáy vẫn có chỗ đứng riêng.
Khi đặt chân đến Thái Bình, ở đâu, bạn cũng có thể mua được bánh cáy ngon. Nếu có thời gian, du khách đừng quên ghé làng nghề gia truyền như bánh cáy làng Nguyễn, Đông Hưng, cơ sở bánh cáy Anh Tám, bánh cáy Nguyễn Khắc, cơ sở bánh cáy Thủy Thoan hay cơ sở bánh cáy Hoàng Thắng... để tìm hiểu về quy trình làm bánh cáy Thái Bình cũng như mua sản phẩm làm quà.
Như vậy, sau khi biết bánh cáy Thái Bình mua ở đâu, còn chần chờ gì nữa mà không rủ ngay team bạn thân tới đây khám phá và thưởng thức đặc sản dẻo thơm này thôi nào. Chắc chắn đây sẽ là trải nghiệm tuyệt vời cho du khách đấy.
>>Xem thêm: Cẩm nang du lịch Thái Bình từ A-Z
Nem chạo hay còn được biết là món nem sống nổi tiếng ở làng Vị Thủy, xã Thái Dương, huyện Thái Thụy, Thái Bình. Dọc đất nước ta có không ít cơ sở làm nem nhưng khác với những nem khác, nem chạo Vị Thụy được làm để ăn tươi mà không cần quá trình lên men.
Nhiều người mới thấy sẽ rất ngạc nhiên khi nem chạo có màu đỏ au của thịt sống được xếp gọn ghẽ trên đĩa. Để làm món này, người làm cần có kinh nghiệm và nguyên tắc cốt lõi là không được rửa thịt qua nước lạnh. Ngoài ra, các dụng cụ như thớt, dao cũng cần được rửa qua nước sôi để nguội pha muối loãng hoặc nước sôi.
Nem chạo Vị Thủy sẽ có tỏi để tiêu diệt vi trùng, giun sán có trong thịt. Khi thưởng thức, bạn không cần vắt chanh cũng không cần lên men mà có thể ăn ngay sau khi chế biến. Món này có hương vị khó quên, một khi đã ăn là nghiền không kém bánh cáy Thái Bình.
Một đặc sản cực nổi tiếng khác của Thái Bình là canh cá ở thị trấn Quỳnh Côi, cách TP. Thái Bình tầm 20km. Nguyên liệu làm món canh cá này có bánh đa Quỳnh Côi sợi nhỏ, giòn dai. Cá làm canh có thể là cá quả, cá rô đồng, cá trăm đen đều được. Cá được lọc bỏ xương một cách khéo léo rồi nướng than hoa cho có màu vàng sẫm bắt mắt.
Nước dùng là thứ quyết định phần lớn đến thành bại của món cánh cá Quỳnh Côi. Nước dùng làm từ cá, thêm gia vị đậm đà. Món này thu hút bởi chính những nguyên liệu dân dã, vị ngọt tự nhiên của cá, của nước lèo, vị tươi mát của rau thơm. Canh cá dùng để ăn sáng, ăn trưa đều hết nước chấm.
Trên đây là thông tin về bánh cáy Thái Bình cho bạn và gia đình tham khảo. Theo dõi Du lịch Việt Nam để cập nhật thêm nhiều món ăn ngon cùng kinh nghiệm du lịch hữu ích trong chuyến đi sắp tới của mình nhé.
Yến Yến