Trong số hàng trăm món ngon của Huế mộng mơ thì cơm âm phủ ở Huế lúc nào cũng chễm chệ vị trí đầu bảng. Món ăn danh bất hư truyền này có màu sắc, cách bài trí vô cùng bắt mắt đấy nhé.
Nhắc tới ẩm thực Huế, người ta sẽ nghĩ ngay tới hằng hà sa số những món ngon như bún bò Huế, cơm hến, bánh bột lọc... và tất nhiên không thể thiếu cái tên cơm âm phủ độc đáo. Không cao sang hay cầu kỳ, tỉ mỉ như nhiều món khác, cơm âm phủ chinh phục du khách bởi chính sự mộc mạc, phảng phất sự cổ điển của cung đình xưa.
Vậy tại sao gọi là cơm âm phủ? Đến nay, người dân Huế vẫn lưu truyền câu thơ về món ăn này: “Muốn ăn cơm dĩa trữ tình/Có quán Âm phủ ma rình phía sau". Xung quanh tên gọi cơm âm phủ có khá nhiều điển tích truyền miệng. Từ xa xưa, món cơm này thường bán về đêm, phục vụ công nhân nghèo, làm việc tới tận khuya muộn nên gọi là cơm âm phủ. Lại có người cho rằng, cơm âm phủ ở Huế đã xuất hiện từ thời Minh Mạng, thường hay bán vào rằm tháng 7 - tháng “cô hồn”.
Những người khác lại kể rằng, món này có từ thời Nguyễn. Khi có lần, vua cải trang thành thường dân đi vi hành. Trong lúc đó đã ghé vào nhà một bà lão xin cơm. Dù nghèo khó nhưng bà lão vẫn đãi khách bằng chén cơm trắng với nhiều món ăn dân dã. Trong ánh đèn dầu le lói, vua rất hài lòng, dùng bữa ngon miệng, và đặt tên cho món cơm này là cơm âm phủ.
Sau khi vi hành xong, nhà vua sai người tuyển nhiều đầu bếp tài giỏi về kinh thành để làm lại món đó. Tuy nhiên, chỉ có duy nhất đầu bếp Tống Phước Kỷ thành công theo đúng yêu cầu của vua. Ông được phục vụ vua và món cơm âm phủ dần được nhiều người biết đến.
Tại sao gọi là cơm âm phủ? Cũng có người nói rằng, cơm âm phủ ở Huế thường được các o, các mệ gánh đi bán trong đêm, bên ngọn đèn dầu tờ mờ treo quanh gác. Không gian tối le lói ánh đèn chẳng khác nào chốn âm binh. Ngoài ra, cơm âm phủ cũng được biết đến là cách gọi khác của cơm vét, tức là dồn hết đồ ăn thừa của tiệm cơm để tối đến bán lại cho những lao động nghèo. Dù theo cách lý giải nào, cơm âm phủ cũng là một cái tên thật đặc biệt, thật ấn tượng, khiến ai cũng phải tò mò ngay từ khi nghe danh.
>>Xem thêm: Bật mí các quán ăn ngon gần ga Huế nhất định phải thử
Cơm âm phủ thích hợp cả ăn trưa và ăn tối vì đầy đặn, giúp bạn no nê, nạp đầy năng lượng cho một ngày. Với cơm âm phủ truyền thống, cơm sẽ được đặt ở chính giữa, xung quanh sẽ là các món ăn kèm thêm như thịt nướng, giò lụa, tôm, rau củ, trứng... Điểm nhấn của cơm âm phủ ở Huế chính là ở 7 màu sắc xếp xen kẽ nhau rất đẹp. Cách bài trí món cơm này mang tới sự hài hòa, cân xứng, nhìn thôi đã thấy bắt mắt rồi.
Về cách làm cơm âm phủ Huế, trong món này, cơm là thành phần chính, được chọn lọc kỹ càng, phải là giống gạo thơm, dẻo, gạo ngon. Sau khi vo sạch được đem ngâm trong nước khoảng 2 tiếng rồi hấp lên như đồ xôi. Cách này giúp cơm ăn dẻo, để lâu cũng không bị khô. Cơm chín đơm vào bát rồi úp ra đĩa sao cho đẹp mắt.
Phần thịt nướng phải chọn loại thịt nạc vai tươi nhất, ngon nhất đi thái mỏng rồi ướp gia vị như xả, mắm, muối... Thịt được nướng trên than củi hơi cháy xém, chín vừa, thơm lừng. Thịt ba chỉ luộc thái miếng vừa ăn. Tôm hấp chín rồi bóc vỏ, giã cho tơi ra rồi đem sao vàng làm chà bông. Giò lụa sẽ được cắt thành từng thanh nhỏ. Các nguyên liệu ăn kèm khác như trứng tráng, nem chua,... cũng được thái sợi đẹp, nhỏ, vừa miệng ăn.
Theo chia sẻ của người đầu bếp, cách làm cơm âm phủ Huế phải chú ý trong cách trình bày. Các nguyên liệu ăn kèm xếp xen kẽ tạo thành 7 màu sắc. Trên cùng bạn rắc tôm cháy, có thể trang trí thêm rau thơm cho đẹp và trông hấp dẫn hơn nếu muốn.
Một thành phẩm cực cần thiết trong cơm âm phủ ở Huế là nước mắm chua ngọt dùng để dưới lên cơm khi thưởng thức. Bạn pha hoặc đun sôi tỷ lệ mắm – đường – giấm/cốt chanh – nước lọc là 1:1:1:4. Người đầu bếp đều phải nêm nếm lại cho vừa miệng, cuối cùng thêm ớt, tỏi băm nhuyễn vào cho dậy vị và đẹp mắt hơn.
Cơm âm phủ Huế là nhất thiết phải có đủ cơm trắng, đạm thái chỉ, rau xanh. Thành phần tùy ý theo đầu bếp. Khi trình bày, chủ quán có thể để khách tự trộn hoặc trộn sẵn nếu muốn. Khi ăn, bạn rưới nước mắm lên, hương vị khiến ai cũng phải xao xuyến. Đó là sự kết hợp giữa vị chua, vị ngọt lẫn vị mặn của các loại topping.
Dù chỉ là sự kết hợp giữa các nguyên liệu dân dã nhưng cơm âm phủ lại khiến nhiều thực khách, kể cả những vị khách khó tính nhất bởi cách tỉ mỉ, tinh tế trong trình bày, chẳng khác nào một món ăn cao lương mỹ vị trong cung đình Huế trước đây. Sự tổng hòa về hương vị, về màu sắc mang lại hương vị khó lẫn cho thực khách. Trung bình một suất cơm âm phủ có giá 40.000 đồng.
Hiện tại, nhiều hàng quán có thay đổi về thành phần món cơm âm phủ ở Huế theo khẩu vị tùy từng khách nhưng chung quy vẫn phải đảm bảo 7 sắc màu biểu tượng cho 7 bước chân đầu tiên của Đức Phật.
>>Xem thêm: Cẩm nang du lịch Huế từ A-Z
- Cơm âm phủ: Số 51 Phố Nguyễn Thái Học, TP Huế
- Cơm âm phủ Dì Thu: 37 Đường Sơn La Phu Tử, Phường Tây Lộc, TP. Huế
- Quán cơm 54: Số Phố 54 Phan Chu Trinh, TP. Huế
- Quán cơm Âm Phủ ABC: Số 48 Đường Ngô Quyền, TP. Huế
Ngoài cơm âm phủ ở Huế, bún bò cũng là đặc sản nhất định phải thử khi du lịch Huế. Nhiều tờ báo quốc tế từng bình chọn bún bò Huế là một trong những món ăn ngon nổi tiếng của thế giới. Bởi vậy, ghé thăm thành phố mộng mơ này mà bỏ qua việc thưởng thức bún bò Huế chính gốc thì quả là thiếu sót.
Nước dùng của bún bò Huế khác biệt so với các loại nước dùng khác mà khó nơi nào sánh được. Nước dùng kết hợp tinh tế, hài hòa giữa nước xương, mắm ruốc, sả tươi, ớt đỏ... Bún bò Huế có khá nhiều topping bên trong như thịt chân giò heo béo ngọt, tiết, chả cua, thịt bò... Đặc biệt, phần nhìn của món này cực kỳ kích thích khi có màu đỏ rực rỡ, vị cay nhẹ mùi sả, mùi mắm ruốc... mới tuyệt hảo làm sao. Tới Huế, bạn có thể thưởng thức bún bò tại bún bò Mỹ Tâm, bún bò Mệ Kéo, Quán bún bò huế Ông Vọng – O Phụng...
Trước đây, cơm hến là món ăn cho người dân nghèo sau đó trở thành đặc sản dâng vua. Món này đã có niên đại hơn 200 năm. Để làm cơm hến, người ta trộn cơm nguội với hến xào cùng các gia vị và rau thơm như nước mắm, tóp mỡ, lạc rang, ớt bột, da heo phơi khô, khế, xoài chua... rưới thêm nước luộc hến lên trên.
Khi ăn, thực khách sẽ thấy vị chát chát, tê tê của các loại gia vị hòa quyện với vị ngọt của thịt hến, của cơm, tạo nên một ấn tượng khó quên. Giá một phần cơm hến chỉ khoảng 20.000 đồng, phù hợp với mọi đối tượng.
Trên đây là thông tin về cơm âm phủ ở Huế cho bạn và gia đình tham khảo. Theo dõi Du lịch Việt Nam để cập nhật thêm nhiều điểm đến mới cùng kinh nghiệm vi vu hữu ích trong chuyến đi sắp tới của mình nhé.
Yến Yến