Người ta thường biết tới Cao Bằng qua thác Bản Giốc hùng vỹ, suối Lê nin xanh ngọc bích... Ít ai biết rằng xóm Hoài Khao Cao Bằng cũng là một địa chỉ không thể bỏ qua của vùng núi Đông Bắc này. Cùng theo chân Du lịch Việt Nam khám phá địa danh này xem có gì thú vị nhé.
Xóm Hoài Khao ở đâu hay địa chỉ chính xác của xóm Hoài Khao là điều mà nhiều người thắc mắc khi lên lịch cho chuyến đi của mình. Cụ thể, xóm này nằm ở xã Quang Thành, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng.
Hoài Khao là một thung lũng xinh đẹp, nằm ở độ cao gần 1.000 m so với mực nước biển. Từ tháng 10/2020, xóm được huyện chọn làm điểm du lịch cộng đồng, nơi có những hộ dân tham gia vào làm du lịch. Nơi này vẫn còn giữ gìn được các giá trị văn hóa cũng như nếp sống giàu bản sắc dân tộc Dao Tiền.
Như vậy, sau khi biết xóm Hoài Khao ở đâu, còn chần chờ gì nữa mà không rủ ngay hội bạn thân tới đây khám phá thôi nào. Chắc chắn xóm Hoài Khao Cao Bằng không khiến bạn phải thất vọng đâu.
Cách trung tâm TP Hà Nội hơn 250km, thời gian di chuyển tới xóm Hoài Khao tốn từ 5,5-6 tiếng. Bạn đi theo cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên – Chợ Mới – Quốc lộ 3- Quốc lộ 279 là tới. Đường cao tốc đẹp, sau đó đến đường quốc lộ cũng đảm bảo an toàn cho du khách.
Nếu xuất phát từ TP Cao Bằng, khách du lịch đi theo Quốc lộ 34 tầm 1,5 tiếng để tới xóm Hoài Khao. Cách trung tâm huyện Nguyên Bình tầm 16 cây số, bạn có thể dễ dàng tới xóm này từ đây trong vòng 30 phút. Như vậy, du khách vi vu xóm Hoài Khao Cao Bằng bằng bất kỳ phương tiện nào, từ xe máy tới ô tô.
Theo kinh nghiệm của những người đi trước, đường vào xóm Hoài Khao cũng dễ đi, đã trải bê tông láng mịn với khoảng 20 nhánh đường tại các ngõ, xóm dài hơn 1 cây số. Bạn có thể thuê xe máy hoặc xe đạp để thuận tiện cho việc thăm quan.
>>Xem thêm: Điểm dã ngoại ở Cao Bằng xanh mướt, đẹp mê chữ ê kéo dài
Làng du lịch cộng đồng xóm Hoài Khao nằm trong thung lũng, có khí hậu mát mẻ quanh năm. Bao bọc xung quanh là núi đồi, là cánh rừng nguyên sinh nên không khí trong lành, dễ chịu, mang tới cảm giác thư thái, healing cho khách du lịch Cao Bằng.
Tới với xóm Hoài Khao Cao Bằng, bạn sẽ được đắm chìm trong khung cảnh đất trời dịu dàng, bình yên và hoang sơ. Những ngôi nhà nằm nép mình dưới chân núi, phía trước nhà là ruộng nương trải dài, tạo nên một bức tranh bình dị, khác biệt hẳn so với chốn thành thị xô bồ.
Người ta có thể du lịch Hoài Khao vào bất kể thời điểm nào trong năm vì mùa nào cũng đẹp và nên thơ. Trong đó, mùa lúa chín sẽ chiêu đãi bạn một bức tranh đồng quê rực rỡ sắc vàng, hương lúa chín đưa đẩy khắp bản làng, thơm lừng cả xóm núi nhỏ.
Người dân ở Làng du lịch cộng đồng xóm Hoài Khao chủ yếu canh tác lúa hè. Khoảnh khắc bà con nông dân tất tả dưới nương cũng tạo nên một cảnh tượng đẹp hiếm có khó tìm. Màu xanh của hoa lá, cỏ cây đan xen với màu trầm của nhà cửa, những con đường ngõ nhỏ len lỏi khắp nơi..., chỉ cần nghĩ đến thôi cũng đủ khiến ta thư thái như tìm được một nơi chốn bình yên của riêng mình rồi.
Xóm Hoài Khao Cao Bằng cũng là một điểm check in tuyệt vời cho các tín đồ sống ảo. Ở đây không có những tòa nhà cao tầng chọc trời, không có những khu vui chơi hào nhoáng mà thay vào đó có đồng lúa, có núi đồi, có trời xanh mây trắng nắng vàng. Đây hứa hẹn sẽ là background chụp ảnh không lẫn vào đâu được của Hoài Khao.
Chỉ cần chọn đại một góc bất kỳ, bạn cũng sẽ có hàng trăm tấm ảnh sống ảo đẹp mang về khoe Facebook rồi. Những bức hình tại xóm Hoài Khao mang đầy dáng vẻ giản dị, thân thương mà không kém phần hùng vỹ và nên thơ.
Du lịch Hoài Khao Cao Bằng còn là dịp để bạn tìm hiểu về đời sống văn hóa, phong tục của người dân địa phương. Nơi này chủ yếu là nơi sinh sống của người Dao Tiền, họ rất có ý thức trong việc bảo vệ cảnh quan, môi trường.
Rừng cây cổ thụ rộng lớn, nhiều cây to như là minh chứng về việc sống hòa hợp, gần gũi với thiên nhiên của bà con nhân dân. Đặc biệt, trong xóm có cây nhội đơn thân, mọc thẳng tắp, tán cây xòe rộng che phủ cả xung quanh được người dân lập miếu bảo vệ, như một cây thần bảo vệ cuộc sống bình yên của xóm làng. Vào năm 2020, cây nhội này còn được công nhận là Cây di sản Việt Nam. Bởi vậy rất nhiều khách du lịch Hoài Khao Cao Bằng tìm về đây như một cách để trải nghiệm giá trị văn hóa của người Dao Tiền, để đắm mình vào thiên nhiên hoang dã.
Xóm Hoài Khao Cao Bằng có những ngôi nhà cổ làm từ gỗ, lợp mái ngói âm dương độc đáo. Nhà của người Dao Tiền thường có 3-5 gian, kiên cố, chắc chắn, mát vào mùa hè và ấm vào mùa đông. Tới đây du lịch, bạn sẽ được trải nghiệm sinh hoạt trên nhà gỗ, thưởng thức món ăn ngon, nhâm nhi chén rượu cay nồng và trò chuyện với người dân địa phương. Ngoài nhà chính để sinh hoạt, các gia đình còn có kho chứa lương thực khác ở tách biệt với nhà chính, để phòng khi xảy ra hỏa hoạn, kho thóc vẫn được an toàn.
Nét văn hóa khác vẫn còn được lưu giữ ở người Dao Tiền là trang phục truyền thống được làm từ vải chàm, sử dụng sáp ong làm nên những hoa văn rất riêng, không lẫn vào đâu được. Trang phục dân tộc của họ có 6 bộ phận chính là áo khoác ngoài, áo trong, chân váy, có đai lưng, vải bỏ chân và cả khăn quấn đầu.
Hàng năm, cứ vào tầm mùa xuân thì ở hang động Tà Lạt, Sán Vình lại có rất nhiều ong đến làm tổ. Bà con Dao Tiền không phá tổ ong lấy mật mà nuôi ong đến khi lập thu, ong bay đi thì để lại vỏ sáp. Đây là nguyên liệu để phụ nữ Dao Tiền xóm Hoài Khao Cao Bằng nấu thành sáp ong, làm hoa văn cho trang phục truyền thống. Theo phong tục, con gái trước khi gả chồng đều phải biết thêu thùa. Khi lấy chồng, họ dạy lại cho con cháu, cứ từ đời này qua đời khác. Bởi vậy, ngay từ nhỏ, con gái Dao Tiền đã được các mẹ, các bà dạy cách làm quen với may vá từ công đoạn đơn giản tới phức tạp để có thể tự may trang phục trước khi về nhà chồng.
Trên trang phục, họ thêu hình muông thú, cây cỏ, hình người theo tín ngưỡng văn hóa. Cũng bởi vậy trang phục của người Dao Tiền có nét thú vị, độc đáo riêng. Nếu tới xóm Hoài Khao vào tháng 6-7 âm lịch, khách du lịch sẽ được xem lễ cúng thờ ong khoái của bà con. Lễ này được lưu truyền từ đời này qua đời khác, trở thành giá trị văn hóa không thể thiếu trong đời sống người dân.
Để tạo điểm nhấn cho trang phục, bà con Dao Tiền còn đeo trang sức làm bằng bạc. Mỗi người có bộ vòng bạc riêng, mỗi bộ nặng 1kg bạc, có 7 chiếc vòng kích thước to nhỏ khác nhau. Vào những dịp lễ hội, xóm Hoài Khao Cao Bằng lại nô nức người dân diện trang phục dân tộc với bộ trang sức rực rỡ, tạo không khí vui tươi cho cả bản làng.
>>Xem thêm: Cẩm nang du lịch Cao Bằng từ A-Z
Rừng trúc Nguyên Bình nằm ở xóm Bản Phường, xã Thành Công, ngay gần quốc lộ nên rất dễ tìm. Đường vào cũng rộng rãi, dễ đi, ô tô đều vào được tận nơi. Rừng trúc có diện tích trên 30ha, trong đó 20ha là diện tích trúc, 10ha diện tích vầu, độ cao trên 1.000m so với mực nước biển. Tọa lạc trong con xóm nhỏ bình yên, rừng trúc như tô điểm thêm vẻ đẹp bình dị, huyền bí cho khung cảnh nơi đây.
Dọc con đường từ thị trấn Nguyên Bình vào, bạn sẽ bị choáng ngợp bởi một màu xanh bạt ngàn của hàng trăm, hàng nghìn cây trúc sào cao vút. Trúc mọc men theo bờ suối, vươn lên sườn đồi, đâm thẳng cao hút hướng lên phía bầu trời như tượng trưng cho sức sống mãnh liệt của con người địa phương. Rừng trúc Nguyên Bình cách không xa xóm Hoài Khao Cao Bằng, rất đáng để bạn trải nghiệm.
Vườn Quốc gia Phia Oắc Phia Đén được ví như Đà Lạt của Cao Bằng nhờ diện tích rộng lớn, khí hậu mát mẻ, dễ chịu quanh năm. Vườn có tổng diện tích hơn 10.500 ha, trải dài trên địa bàn 5 xã của huyện Nguyên Bình, có nhiệm vụ bảo tồn sự đa dạng sinh học và hệ sinh thái đặc trưng.
Có thể nói, Phia Oắc Phia Đén là viên ngọc quý của nước ta bởi hệ sinh thái đa dạng với 496 loài động vật có xương sống, hàng nghìn loài động vật không xương và côn trùng. Bản thân núi Phia Oắc là kho tàng siêu khổng lồ về các loại thuốc quý như lan kim tuyến, thất diệp nhất chi hoa, sâm núi...
Không chỉ vậy, chẳng hề kém cạnh Tà Xùa, Phia Oắc cao 1.931 m cũng là nơi lý tưởng để săn mây. Mây cứ bồng bềnh, tầng tầng lớp lớp cuộn trào với nhau như đang nhảy mứa trước mặt bạn
Trên đây là thông tin về xóm Hoài Khao Cao Bằng cho bạn và gia đình tham khảo. Theo dõi Du lịch Việt Nam để cập nhật thêm nhiều điểm đến mới cùng kinh nghiệm vi vu hữu ích trong chuyến đi sắp tới của mình nhé.
Yến Yến