Núi Thủng Cao Bằng không phải địa danh mới lạ trên bản đồ du lịch vùng Đông Bắc nước ta. Cùng theo chân Du lịch Việt Nam khám phá xem ngọn núi này có gì độc đáo mà thu hút khách thập phương tới vậy nhé.
Núi Thủng Cao Bằng ở đâu hay địa chỉ chính xác của núi Thủng là điều mà nhiều người đang thắc mắc khi lên lịch cho chuyến đi của mình. Cụ thể, núi Thủng cách thành phố Cao Bằng khoảng 50 km nằm trong quần thể hồ Thang Hen của Công viên địa chất UNESCO Non nước Cao Bằng, thuộc xóm Bản Danh, xã Quốc Toản, huyện Trà Lĩnh.
Công viên địa chất Non nước Cao Bằng có dòng sông Quây Sơn hiền hòa, thác Nà Pheo hùng vỹ... và không thể thiếu núi Thủng độc nhất vô nhị. Như vậy, sau khi biết núi Thủng Cao Bằng ở đâu, còn chần chờ gì nữa mà không lập team tới đây khám phá ngay thôi nào. Chắc chắn núi Thủng Cao Bằng sẽ không khiến bạn phải thất vọng đâu.
Cách trung tâm Hà Nội tầm 280km, do đó phương tiện di chuyển thuận tiện nhất để tới núi Thủng vẫn là xe khách. Từ Hà Nội đến Cao Bằng, bạn có thể tham khảo các nhà xe như Khánh Hoàn, 42, Thanh Ly,... với giá vé từ 200.000 – 300.000 đồng/người. Thời gian di chuyển 6-7 tiếng đồng hồ.
Nếu di chuyển bằng ôtô riêng, gia đình bạn đi theo hướng cao tốc Hà Nội – Lạng Sơn – Quốc lộ 4 - Cao Bằng. Cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên cũng giúp bạn tới Cao Bằng khá nhanh, đường đẹp, dễ đi.
Núi Mắt Thần cách trung tâm TP Cao Bằng khoảng 50 cây số. Nhiều bạn trẻ thuê xe máy để tới đây. Giá thuê xe máy khoảng 200.000 đồng/ngày. Theo kinh nghiệm của những người đi trước đường đi khá khó tìm, tuy nhiên, việc phượt trải nghiệm cung đường này đem đến nhiều trải nghiệm thú vị.
Sau quãng đường 20km đưa bạn đến bên dưới chân đèo mang Mã Phục. Con đèo nằm trên Quốc lộ 3 dài khoảng 4km tọa lạc trên độ cao 1.000m so với mực nước biển là nơi mà ai cũng muốn chinh phục khi tới núi Thủng Cao Bằng. Từ chân lên đến đỉnh đèo, bạn đi qua 7 khúc cua tay áo lắt léo.
Để vào sâu trong quần thể hồ Thang Hen, xe máy có thể chạy được tới bãi cỏ còn ô tô sẽ khó đi đoạn đường cuối do dốc và hẹp. Đoạn nối xuống bãi cỏ là đường đất, dễ bị lầy lội nên nếu thấy quá khó đi, có thể để xe đi bộ.
>>Xem thêm: Trùng Khánh Cao Bằng có gì chơi? Khám phá vùng đất hoang sơ Đông Bắc
Núi Thủng còn có tên khác là núi Mắt Thần Cao Bằng, tiếng Tày là Phia Piót, dịch ra mang nghĩa là cái núi bị thủng một lỗ. Tên gọi này xuất phát từ chính hình dáng của núi khi ở giữa núi có một vòng tròn thủng xuyên qua mặt sau, đường kính tới hơn 50m, chẳng khác nào một con mắt đang dõi theo con người, đất trời.
Chính nhờ hình dáng độc nhất vô nhị của núi Mắt Thần Cao Bằng giúp tô điểm cho cảnh quan thiên nhiên nơi đây thêm phần ngoạn mục. Dưới chân núi Thủng Cao Bằng là thung lũng rộng lớ, có hồ và suối nhỏ bao quanh.
Theo kinh nghiệm của nhiều người, cảnh quan của núi Mắt Thần Cao Bằng thay đổi theo mùa. Vào mùa khô, tầm tháng 9 tới tháng 3 âm lịch năm sau, thung lũng được bao phủ một màu xanh mướt với thảm cỏ kéo dài tít tắp. Mùa mưa từ tháng 4 tới tháng 8 âm lịch lại biến không gian núi Mắt Thủng trở nên lãng mạn và thơ mộng với hồ nước lênh láng. Thỉnh thoảng bạn còn có thể thấy người dân địa phương giăng lưới để đánh cá, cảnh tượng vui nhộn và tràn đầy sức sống.
Xung quanh núi Thủng là những ngọn núi nhấp nhô, đủ mọi hình dáng khác, biến cảnh vật càng trở nên hùng vỹ và hoang sơ. Thắng cảnh của ngọn núi này vẫn còn giữ nguyên nét nguyên sơ vốn có, chưa chịu nhiều tác động của con người. Ở đây, bạn sẽ không bị che chắn tầm nhìn bởi những tòa nhà cao tầng, hay bị choáng ngợp bởi âm thanh còi xe inh ỏi mà chỉ có ta với thiên nhiên trù phú mà thôi.
Theo kinh nghiệm du lịch núi Thủng Cao Bằng, cứ đi dọc theo con đường mòn, bạn còn được dịp hòa mình vào nét độc đáo của người dân tộc Tày trong xóm Bản Danh. Nhìn từ xa, những mái nhà sàn lợp ngói, những bờ rào đá kéo dài nhiều cây số dọc ruộng nương trở thành điểm nhấn hòa hợp trong khung cảnh thiên nhiên. Tại đây, du khách sẽ có cơ hội thưởng thức nhiều đặc sản địa phương như hạt dẻ, xôi trứng kiến, bánh cuốn, gà đồi, bánh khảo, thạch đen,…
Tới núi Thủng Cao Bằng mà không cắm trại thì quả là thiếu sót. Thời gian lý tưởng nhất để cắm trại chính là mùa khô, khi nước rút để lộ ra bãi cỏ xanh tràn đầy nhựa sống. Theo kinh nghiệm du lịch núi Thủng Cao Bằng, bạn có thể dễ dàng chọn một bãi đất phẳng và dựng lều hạ trại. Nếu không tiện mang vác đồ đạc cồng kềnh, du khách vẫn có thể thuê dịch vụ cắm trại gần đó.
Cảm giác ngồi bên những chiếc ghế nhỏ, vừa được ngắm nhìn khung cảnh thiên nhiên, vừa được nhâm nhi tách trà ngon giữa bầu không khí thoáng đãng này mới tuyệt vời làm sao. Chiều xuống, bạn đón hoàng hôn lãng mạn bên người thân, thắp lên những ánh đèn lung linh, rồi cùng nhau nướng BBQ. Tối đến, quây quần bên lửa trại đang cháy rực và nhảy múa, hát cả. Một ngày bình yên trôi qua như vậy.
Cắm trại đang ngày càng được giới trẻ yêu thích bởi mang tới cảm giác sống chậm và bình dị lạ thường. Tới núi Thủng dã ngoại là cơ hội lý tưởng để du khách tìm lại bản ngã của chính mình, tránh xa sự bon chen, tấp nập của phố thị.
Theo kinh nghiệm du lịch núi Thủng Cao Bằng, các hoạt động ngoài trời cũng rất được yêu thích tại đây. Vào mùa nước nổi, hồ Thang Hen đầy ắp nước là nơi để du khách chèo thuyền, chèo SUP, bơi lội, ngâm mình... Lênh đênh trên mặt nước trong xanh, phía dưới có thể nhìn thấy cả đàn cá đang tung tăng bơi lội, chẳng khác nào một kẻ du mục độc hành trong hành trình về với thiên nhiên của chính mình.
Nếu muốn trải nghiệm nhẹ nhàng hơn khi tới núi Thủng Cao Bằng, bạn có thể thử đạp xe khám phá xung quanh cũng rất thú vị đấy. Câu cá cũng là gợi ý không tồi cho những ai đơn giản chỉ muốn ngồi và hít hở không khí trong lành, thỉnh thoảng cá ngoi lên đớp mồi là bạn đã có bữa tối ngon lành rồi.
>>Xem thêm: Cẩm nang du lịch Cao Bằng từ A - Z
Thác Bản Giốc là điểm du lịch nổi tiếng nhất nhì của nơi này. Có thể nói, ai tới Cao Bằng mà bỏ qua thác Bản Giốc thì coi như chưa du lịch Cao Bằng. Nằm ở biên giới Việt – Trung, thác Bản Giốc ở huyện Trùng Khánh cao hơn 60m chia thành nhiều tầng nối tiếp nhau, tạo nên một khung cảnh ngoạn mục chưa từng thấy.
Bao quanh thác là ruộng lúa, rừng cây tạo thành điểm nhấn mềm mại, uyển chuyển cho nơi này. Tới thác Bản Giốc, du khách thường chọn đi thuyền ngắm cảnh thác ở cự ly gần. Giá vé chỉ 50.000 đồng/người, bạn đã có thể khám phá thác trong 15 phút. Con thác kỳ vỹ này chính là background sống ảo hút nghìn like trên Facebook cho du khách.
Cách núi Thủng Cao Bằng tầm 50km là đồi cỏ Ba Quáng, nằm ở vị trí giáp ranh giữa xóm Khum Đin và xóm Bắc Vọng, xã Vinh Quý, huyện Hạ Lang. Từ chân đồi, du khách đi bộ để lên đỉnh đồi cỏ với quãng đường khoảng 700m, hết 10-15 phút.
Vào mùa hạ, cỏ cây xanh mướt mát, đặt chân lên đồi cỏ bạn sẽ thấy đâu đâu cũng là một màu xanh trải dài như vô tận. Từ trên đỉnh đồi cỏ Ba Quáng, cả một không gian núi đồi hiện ra trước mắt, cỏ chạy dài thẳng tắp không có điểm dừng. Thỉnh thoảng trên đồi cỏ cháy, bạn sẽ bắt gặp đàn gia súc được người dân địa phương chăn thả tự do. Cảnh tượng đàn bò đang thong dong gặm cỏ khiến bức tranh thiên nhiên vùng núi Cao Bằng càng trở nên gần gũi, bình yên hơn.
Trên đây là thông tin về núi Thủng Cao Bằng cho bạn và gia đình tham khảo. Theo dõi Du lịch Việt Nam để cập nhật thêm nhiều điểm đến mới cùng kinh nghiệm vi vu hữu ích trong chuyến đi sắp tới của mình nhé.
Yến Yến