Banner Movi

Vẻ đẹp của 5 làng nghề truyền thống ở Bình Dương

Thứ sáu, 10/01/2020, 13:30 GMT+7
Với điều kiện địa lý thuận lợi, Bình Dương sớm hình thành nên những làng nghề truyền thống như mây tre đan, sơn mài, gốm, nhang, guốc mộc,… mang đậm đà bản sắc dân tộc.
quảng cáo

Làng nghề mây tre đan

Nền văn hóa nông nghiệp của người Nam Bộ gắn liền với các vật dụng sinh hoạt làm từ mây, tre,… mang nét đẹp bình dị, mộc mạc. Có lẽ vì thế mà ở Bình Dương đã sớm hình thành một làng nghề truyền thống, chuyên sản xuất các sản phẩm đồ gia dụng từ mây và tre nứa. 
 

làng nghề truyền thống
Làng nghề mây tre đan ở Tân Uyên cung cấp ra thị trường đa dạng các sản phẩm làm từ mây tre truyền thống. Ảnh: maihome.vn

Có dịp du lịch Bình Dương và ghé qua thị xã Tân Uyên, bạn sẽ bắt gặp những làng nghề làm mây tre đẹp, công phu và độc đáo. Đa phần những làng làm mây tre đan ở đây đều làm thủ công, mỗi sản phẩm là một tác phẩm nghệ thuật tinh xảo, được làm nên từ đôi tay điệu nghệ đầy kinh nghiệm của những người thợ. 
 

làng nghề truyền thống
Sản phẩm mây tre đan của làng nghề không chỉ phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn được xuất khẩu. Ảnh: tanuyen.binhduong.gov.vn

Sản phẩm mây tre đan ở Tân Uyên rất đa dạng, gồm có thúng, mẹt, quạt, lẵng hoa quả, khay để bàn và cả hoành phi, câu đối,… Với mỗi chủng loại, người Bình Dương đều cố gắng sáng tạo nên nhiều mẫu mã đa dạng, vừa giúp khách hàng có nhiều lựa chọn, vừa phần nào làm tăng giá trị sản phẩm khi tung ra thị trường. 
 

làng nghề truyền thống
Đến làng nghề mây tre đan ở Tân Uyên, bạn có thể chọn mua nhiều sản phẩm gia dụng về sử dụng hoặc làm quà tặng. Ảnh: maytrethanhloc.com

Dù ngày nay, cuộc sống hiện đại với nhiều vật dụng có chất liệu sang trọng, nhưng không vì thế mà sản phẩm mây tre đan ở Tân Uyên thất sủng. Ngược lại, với vẻ đẹp công phu cùng chất liệu bền đẹp, làng nghề truyền thống này vẫn rất “ăn nên làm ra”, lúc nào cũng có khách đến mua hàng. 


Làng nghề sơn mài 

Kể về những làng nghề truyền thống ở Bình Dương mà quên làng sơn mài Tương Bình Hiệp là một thiếu sót lớn. Đây là một làng nghề nằm ở phường Tương Bình Hiệp, thành phố Thủ Dầu Một. Nơi này được xem là cái nôi củ nghề sơn mài vùng Nam Bộ với những sản phẩm đậm chất Á Đông, không chỉ được bán trong nước mà còn được xuất khẩu sang nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới.
 

làng nghề
Làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp là cái nôi của nghệ thuật sơn mài Nam Bộ. Ảnh: sonmaithanhbinhle.com

Làng nghề ở Bình Dương này đã xuất hiện từ giữa thế kỷ 18, ở khu vực Đồng Nai, Tương Bình Hiệp. Thuở sơ khai hình thành, làng nghề chỉ có vài hộ dân làm sơn son, thếp vàng. Song nhiều năm sau, làng nghề ngày càng có nhiều hộ gia đình hơn, phát triển đa dạng các sản phẩm sơn mài, đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ phong phú của thị trường. 

Ngày nay, khi về làng nghề truyền thống Tương Bình Hiệp theo hướng quốc lộ 13 về trạm thu phí Suối Giữa rồi rẽ trái vào đường Hồ Văn Cống, bạn sẽ bắt gặp rất nhiều cửa hàng bán vật phẩm sơn mài như bình hoa, trang ảnh, hộp đựng nữ trang,… Ngoài ra, còn có những đồ vật kích thước lớn như giường, ghế, tủ, bàn,… cũng được gia công tỉ mỉ, đẹp mắt. 
 

làng nghề truyền thống
Các sản phẩm sơn mài ở làng Tương Bình Hiệp rất đa dạng, từ các loại bình hoa, vật dụng hàng ngày cho đến tranh trang trí. Ảnh: langvietonline.vn

Những nghề nhân sơn mài giàu kinh nghiệm nhất ờ làng nghề này cho biết, để có một sản phẩm đẹp theo cách làm truyền thống, người thợ phải làm đến 25 công đoạn khác nhau, gồm hom, sơn lót,… để tạo ra một tác phẩm chỉn chu nhất. Đó là lý do mà sản phẩm của làng nghề đạt đến độ tinh xảo cao, đẹp và sang trọng, dù đó là đồ gia dụng hay vật phẩm trưng bày. 

Không chỉ là một làng nghề ở Bình Dương có tuổi đời trăm năm mà Tương Bình Hiệp còn là nơi mang đến những nghệ nhân tài hoa, điêu luyện như Ngô Từ Sâm, Thái Văn Ngôn, Trần Văn Nam, Trương Văn Cang,… Ngày nay, làng nghề này còn mở nhiều khóa học sơn mài, đào tạo cho bất kỳ ai có nhu cầu muốn học về sơn mài. 
 

làng nghề truyền thống
Ngoài sản xuất kinh doanh các sản phẩm sơn mài, ở Tương Bình Hiệp còn các lớp dạy sơn mài. Ảnh: ivivu.com
 


Làng nghề gốm

Rời làng nghề sơn mài, bạn có thể dành thời gian ghé qua làng nghề truyền thống chuyên làm gốm sứ tại Lái Thiêu. Đây là vùng đất có nguồn đất sét cao lanh chất lượng nên từ cuối thế kỷ 19 đã hình thành nên làng nghề chuyên sản xuất gốm sứ. 
 

làng nghề truyền thống
Làng nghề làm gốm ở Lái Thiêu mang đến những sản phẩm có tính ứng dụng cao và giàu chất thẩm mỹ. Ảnh: baomoi.com

Gốm sứ Lái Thiêu phong phú về chủng loại, màu sắc và họa tiết trang trí, vừa có giá trị về thẩm mỹ, vừa có tính ứng dụng cao. Từ những ngày đầu xuất hiện, sản phẩm gốm của làng nghề ở Bình Dương này đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường gốm miền Nam. Ngày nay, gốm sứ Lái Thiêu đã được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. 
 

làng nghề truyền thống
Gốm Lái Thiêu không chỉ được phục vụ trong nước mà còn được xuất khẩu. Ảnh: gomsu.divashop.vn

Đặc trưng của gốm sứ Lái Thiêu là những sản phẩm mang đậm chất hội họa. Dù là những vật dụng như chén, dĩa,… nhưng mỗi sản phẩm là một tác phẩm nghệ thuật, phảng phất vẻ đẹp rất thơ, rất bay bổng. Ngoài chén, dĩa, ấm trà, ly tách,… làng gồm này còn là nơi cung cấp các sản phẩm như heo đất, chậu, bình,… với kích thước lớn. 
 

làng nghề truyền thống
Gốm sứ Lái Thiêu đa dạng mẫu mã, chủng loại. Ảnh: xevietanh.com

Ngày nay, do ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa, làng nghề truyền thống này dần thu hẹp diện tích. Đã có nhiều gia đình phải bỏ nghề tìm công việc khác có thu nhập khá hơn hoặc về làm cho các nhà máy gốm sứ công nghiệp trong vùng. Tuy nhiên, vẫn có những hộ gia đình quyết bám trụ với nghề sốm sứ mà ông cha để lại, quyết giữ gìn phần nào vẻ đẹp của làng nghề có tuổi đời hàng trăm năm ở đất Bình Dương.  


Làng nghề guốc mộc

Dù ngày nay guốc mộc không còn là một loại giày dép được sử dụng quá phổ biến. Thế nhưng ở Bình Dương vẫn tồn tại những làng nghề truyền thống chuyên sản xuất guốc. Đó là khu vực thị xã Thuận An và thành phố Thủ Dầu Một. Có dịp du lịch Bình Dương và ghé đây, bạn sẽ choáng ngợp trước những cửa hàng bán guốc mộc với đủ sắc màu, kiểu dáng bắt mắt. 
 

làng nghề truyền thống
Dù ngày nay guốc không còn quá phổ biến, nhưng ở Thuận An - Bình Dương vẫn còn làng nghề chuyên sản xuất guốc mộc. Ảnh: baobinhduong.vn

Theo các nghệ nhân làm guốc lâu năm, loại gỗ dùng làm guốc là các loại gỗ có đặc tính nhẹ, xốp và dễ dàng xẻ để tạo hình dáng guốc. Thông thường, gỗ xoài, dừa, mít, thông, trầm hương,… sẽ được ưu tiên sử dụng. Nhìn đôi guốc mộc có vẻ đơn giản, mộc mạc nhưng phải tận mắt chứng kiến quy trình làm guốc, bạn mới hiểu hết được sự tỉ mỉ của sản phẩm này. 

Mỗi đôi guốc thường trải qua nhiều công đoạn như cưa xẻ gỗ, mài thô, định dạng đôi guốc, mài bóng, phun sơn trang trí, đóng đế, lắp quai mới hoàn tất. Đặc biệt, guốc ở làng nghề truyền thống này có rất nhiều loại, từ guốc sơn, guốc vẽ cho đến guốc khắc. Mỗi loại đều được thực hiện tinh xảo, tỉ mỉ với vẻ ngoài bắt mắt. 
 

làng nghề truyền thống
Guốc mộc được sản xuất với đa dạng mẫu mã, phù hợp với nhiều độ tuổi người sử dụng. Ảnh: dulichbinhduong.org.vn

Trải qua nhiều thăng trầm của thời gian cùng nhu cầu ngày càng ít đi của thị trường, làng nghề ở Bình Dương này dần dần vắng bóng. Nhiều hộ gia đình bắt đầu tìm hướng đi mới. Nhưng cũng còn nhiều hộ vẫn kiên định làm nghề, ngày ngày tỉ mẩn sản xuất nên những đôi guốc đẹp, phục vụ nhu cầu sử dụng của những người yêu guốc mộc. 


Làng nghề nhang

Cùng với làng nghề sơn mài, gốm sứ, mây tre đan, guốc mộc, làng nghề nhang ở Bình Dương góp phần tạo nên vẻ đẹp đặc trưng của một làng nghề truyền thống lâu đời. Ở Dĩ An hiện nay có khoảng hơn 50 hộ gia đình gắn bó với công việc làm nhang thủ công. 
 

làng nghề truyền thống
Ở Bình Dương hiện tại có hơn 50 hộ gia đình giữ gìn nghề làm nhang truyền thống. Ảnh: baomoi.com

Nhìn sơ qua những nén nhang trông có vẻ đơn giản. Thế nhưng khi đến làng nhang và trực tiếp nhìn người thợ làm nhang, bạn mới hiểu rằng để làm nên một cây nhang cần rất nhiều công đoạn và công sức. Để những nén nhang có mùi thơm tự nhiên, người làm nhang phải kéo léo pha trộn giữa bột cây keo, bột áo, bột thơm và mạt cưa với tỷ lệ phù hợp nhất. Đặc biệt, khâu trộn bột phải thật đều tay để đạt độ dẻo phù hợp. 
 

làng nghề truyền thống
Nhang ở Bình Dương có mùi thơm đặc trưng, được xuất khẩu sang nhiều nước như Đài Loan, Ấn Độ,... Ảnh: yeubinhduong.com

Nhờ giữ trọn công thức làm nhang truyền thống với mùi hương đặc trưng mà chất lượng sản phẩm ở làng nhang Dĩ An vang xa khắp mọi nơi. Sản phẩm nhang ở làng nghề không chỉ phục vụ cho nhu cầu của người dân trong nước, mà còn được xuất khẩu các các nước khác như Đài Loan Ấn Độ, Singapore, Malaysia,… Vì thế mà người dân ở làng nghề tuy có lao động vất vả nhưng cuộc sống vẫn ấm no, ổn định. 
 

làng nghề truyền thống
Quy trình làm nhang trải qua rất nhiều công đoạn khác nhau. Ảnh: nongthonviet.com.vn

Bình Dương là một trong những mảnh đất hội tụ đầy đủ giữa điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng,… để hình thành và phát triển những làng nghề truyền thống. Nếu có dịp du lịch Bình Dương, bạn có thể dành thời gian ghé thăm những làng nghề làm gồm sứ, mây tre đan, sơn mài, guốc mộc và nhang để tham quan và mua các vật phẩm được làm công phu, tinh xảo nhất vùng đất này. 

Ngọc Anh (tổng hợp) - dulichvietnam.com.vn 

Theo Báo Thể Thao Việt Nam
quảng cáo
Chia sẻ:
close
icom
Bình luận
Ý kiến bạn đọc (0)