Xuôi dòng đồng bằng sông Cửu Long là Tiền Giang màu mỡ với “đặc sản” miệt vườn. Cùng khám phá cẩm nang du lịch Tiền Giang để biết vùng đất này trù phú và xinh đẹp thế nào nhé!
Nếu bạn đã quá quen với các điểm du lịch sầm uất hay thành phố lớn ồn ào, hãy thử xuôi dòng Cửu Long để tìm đến miền sông nước đích thực mang tên Tiền Giang. Với đặc trưng văn hóa của miền Tây, vùng đất này thu hút du khách bởi sự mộc mạc mà trù phú từ cảnh sắc đến con người. Đừng để sự tò mò dừng lại ở đây, cùng Du Lịch Việt Nam khám phá ngay cẩm nang du lịch Tiền Giang để khai phá những điều hấp dẫn tại vùng đất này nhé!
Tiền Giang nằm ở cửa ngõ của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trải dài theo bờ Bắc của sông Tiền và đóng vai trò là điểm kết nối trọng yếu giữa TP.HCM và các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Nhờ vị trí địa lý thuận lợi, nơi đây trở thành trung tâm giao thương nhộn nhịp và là điểm trung chuyển quan trọng trong hành lang kinh tế phía Nam. Với địa hình bằng phẳng, khí hậu nhiệt đới nóng ẩm quanh năm cùng ba vùng sinh thái đặc trưng – nước ngọt phù sa, rừng ngập mặn ven biển và vùng ngập nước Đồng Tháp Mười, Tiền Giang có thể coi là tọa độ được thiên nhiên ưu ái cả về tài nguyên lẫn cảnh quan.
Bên cạnh vị trí đắc địa, Tiền Giang còn mang đến những trải nghiệm mà đôi khi chỉ cần một lần, bạn cũng đã thấy đủ đầy: sáng sớm dạo chợ nổi Cái Bè ngắm thuyền bè tấp nập, trưa ngồi dưới bóng dừa trên cù lao Thới Sơn thưởng thức trái cây miệt vườn, chiều tát mương bắt cá hay ngắm hoàng hôn bên bờ sông gió lộng. Không cần quá cầu kỳ, Tiền Giang chinh phục bằng khách du lịch bằng vẻ đẹp mộc mạc, bình dị và những câu chuyện đời thường. Và có lẽ chính sự giản dị ấy lại là điều khiến cẩm nang du lịch Tiền Giang hấp dẫn đến vậy.
Nằm cách trung tâm TP. Mỹ Tho chỉ khoảng 5km, chùa Vĩnh Tràng là một trong những ngôi chùa cổ kính và độc đáo bậc nhất miền Tây Nam Bộ. Chùa được xây dựng giữa thế kỷ XIX, với sự kết hợp hài hòa giữa phong cách Pháp, La Mã, Khmer, Hoa và Việt, được ghi nhận là ngôi chùa đầu tiên ở Việt Nam sở hữu lối kiến trúc giao thoa Đông – Tây ấn tượng. Trên khuôn viên rộng 20.000 m² là quần thể tượng Phật phong phú, các pho tượng được chạm khắc và thếp vàng tinh xảo. Ấn tượng nhất là tượng Phật Di Lặc cao 20m, nặng 250 tấn trong khuôn viên. Bạn có thể ghé chùa Vĩnh Tràng để chiêm ngưỡng kiến trúc hài hòa và tận hưởng không gian xanh tĩnh lặng giữa lòng Tiền Giang.
Căn nhà cổ của Bạch Công Tử chính là một trong những công trình kiến trúc độc đáo nhất định phải ghé thăm trong cẩm nang du lịch Tiền Giang. Đây là căn nhà của ông Lê Công Phước nổi danh khắp Nam Kỳ. Người ta đặt cho ông cái tên “Bạch công tử” để phân biệt với “Hắc công tử” Trần Tinh Huy (hay còn gọi là công tử Bạc Liêu).
Do từng có thời gian du học Pháp nên ông Phước xây nhà theo phong cách châu Âu cổ điển, kết hợp vật liệu truyền thống như gạch đinh, gỗ, đá, với mặt tiền rộng, cột vuông cao và hệ thống cửa sổ đón sáng tự nhiên. Dù trải qua nhiều biến động và mất mát cổ vật, ngôi nhà cổ hiện vẫn rất đáng được thăm quan chiêm ngưỡng, thu hút nhiều khách thăm quan tới tìm hiểu về 1 phần lịch sử hào hoa của đất Tiền Giang xưa.
Lăng Hoàng Gia là một di tích lịch sử đặc biệt, rộng khoảng 3.000 m² gắn liền với dòng họ Phạm Đăng – trong đó nổi bật là ông Phạm Đăng Hưng, thân sinh của Hoàng thái hậu Từ Dũ và ông ngoại vua Tự Đức. Lăng được xây dựng vào năm 1826 theo lối kiến trúc lăng tẩm triều Nguyễn. Kề bên là từ đường mang phong cách cung đình Huế với kiến trúc ba gian hai chái, cột gỗ lớn và các chi tiết sơn son thếp vàng tinh xảo. Hiện nay, Lăng Hoàng Gia không chỉ là nơi thờ tự mà còn là điểm đến văn hóa nổi bật trong cẩm nang du lịch Tiền Giang.
Tọa lạc tại huyện Tân Phước, Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác là điểm đến tâm linh yên bình Với diện tích hơn 50 ha. Kiến trúc nơi đây mang đậm tinh thần Trúc Lâm Yên Tử, nổi bật với tượng Phật Thích Ca cao 4,5m, nặng 30 tấn cùng không gian hài hòa giữa thiên nhiên và con người. Không chỉ là nơi lý tưởng để tĩnh tâm và cầu nguyện, thiền viện còn thu hút giới trẻ đến check-in trong khung cảnh cổ kính, nhẹ nhàng và đầy cảm hứng.
Di tích lịch sử Rạch Gầm – Xoài Mút đánh dấu chiến thắng lừng lẫy của nghĩa quân Tây Sơn trước quân Xiêm vào năm 1785. Nằm bên dòng sông Tiền hiền hòa, khu di tích này sẽ đưa bạn về quá khứ nơi 1 trong những trận thủy chiến lớn nhất lịch sử Việt Nam diễn ra. Trong không gian trầm mặc mà oai hùng, rất nhiều hiện vật và mô hình đã tái hiện sinh động từng bước tiến công quả cảm của cha ông ta. Chắc hẳn sau chuyến ghé thăm Rạch Gầm - Xoài Mút, bạn sẽ càng thêm tự hào và biết ơn nền độc lập hiện tại.
Nhắc đến cẩm nang du lịch Tiền Giang thì không thể bỏ qua những vườn trái cây rộng lớn và màu mỡ, và nổi tiếng nhất phải kể đến vườn Vĩnh Kim. Nơi đây không chỉ thu hút du khách bởi sự đa dạng và trù phú của các loại trái cây theo mùa mà còn bởi trải nghiệm “miệt vườn” đầy thú vị. Bạn có thể dạo bước dưới những tán cây sum suê, tận mắt quan sát cách người nông dân chăm sóc từng luống cây, rồi tự tay hái trái và thưởng thức ngay tại chỗ.
Đây chính xác là 1 trải nghiệm mới mẻ và đầy hấp dẫn với những vị khách phương xa. Vừa được tận hưởng không gian xanh, vừa được thưởng thức trái cây ngọt lành lại có thêm kỷ niệm du lịch miền Tây thì còn gì bằng?
Miệt vườn Cái Bè là một trong những vựa trái cây lớn nhất Tiền Giang, thu hút du khách với vô vàn loại trái cây thơm ngon như quýt Cái Bè, sầu riêng tứ quý, bưởi da xanh, vú sữa lò rèn, chôm chôm… Những trải nghiệm ở Cái Bè cũng rất hấp dẫn khi bạn có thể tận tay hái trái và thưởng thức tại chỗ, du ngoạn miền Tây sông nước trong không gian rợp bóng cây xanh. Không cần nhiều thời gian, bạn chỉ cần dành ra 1 buổi chiều nắng đẹp để thêm điểm nhấn cho chuyến du lịch Tiền Giang tại miệt vườn Cái Bè nên đừng ngại thử nhé!
Chợ nổi Cái Bè đã quá nổi tiếng trong cẩm nang du lịch Tiền Giang. Được hình thành từ thế kỷ XVIII, khu chợ này nằm ngay ngã ba sông, giáp ranh 3 tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long và Bến Tre. Từ 2h đến 8h sáng, chợ tấp nập ghe thuyền mua bán trái cây, nông sản, hải sản và đủ loại hàng hóa gia dụng. Bạn có thể thuê xuồng ba lá để len lỏi giữa chợ và cảm nhận nhịp sống miền sông nước, thưởng thức trái cây tươi, nhâm nhi ly cà phê giữa sông và mua những món đặc sản như quýt đường, kẹo dừa hay xà bông dừa về làm quà.
Cầu Mỹ Thuận là cây cầu dây văng đầu tiên bắc qua sông Mê Kông tại Việt Nam, nối liền hai tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long. Đây không chỉ là công trình giao thông trọng điểm với sự hỗ trợ từ chính phủ Úc mà còn là biểu tượng hiện đại gắn liền với hình ảnh miền Tây sông nước. Cầu mang thiết kế ấn tượng, vững chãi và trở nên lung linh hơn bao giờ hết khi về đêm, ánh đèn phản chiếu xuống mặt nước tạo nên khung cảnh tuyệt đẹp. Nếu bạn đang tìm một địa điểm check-in vừa hiện đại, vừa gợi nhiều cảm xúc khi đến Tiền Giang thì đừng bỏ lỡ cơ hội dạo bước trên cầu Mỹ Thuận nhé!
Làng cổ Đông Hòa Hiệp thuộc huyện Cái Bè là một trong bốn làng nhà cổ nổi tiếng nhất Việt Nam mà bạn không thể bỏ lỡ khi du lịch Tiền Giang. Cách TP Mỹ Tho khoảng 46 km, ngôi làng này ẩn mình trong những vườn cây trái xanh mướt, xung quanh là những căn nhà cổ có tuổi đời từ 80 đến hơn 200 năm. Những ngôi nhà mang đậm phong cách nhà vườn Nam Bộ, kết hợp hài hòa giữa kiến trúc phương Đông và phương Tây, thêm nội thất cổ xưa tinh xảo thể hiện nếp sống phong lưu của người xưa. Ghé làng cổ, bạn có thể thong thả tản bộ dưới tán cây xanh hoặc ngồi thuyền len lỏi qua những con rạch nhỏ là đủ tận hưởng nét đẹp xưa cũ đầy mê hoặc.
Nhà thờ Cái Bè là điểm nhấn kiến trúc ấn tượng giữa lòng thị trấn Cái Bè, không chỉ là nơi sinh hoạt tôn giáo mà còn là điểm đến thu hút du khách. Nhà thờ mang phong cách kiến trúc La Mã cổ đại pha lẫn Roman, nổi bật với tháp chuông cao vút được xem là cao nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long. Nằm ngay vị trí thuận lợi gần sông, từ đây bạn có thể phóng tầm mắt ra chợ nổi Cái Bè và tận hưởng sự giao thoa hài hòa giữa tôn giáo và đời sống sông nước.
Nhà thờ Chánh Tòa Tiền Giang tiếp tục là điểm đến đáng chú ý trong cẩm nang du lịch Tiền Giang. Được xây dựng từ năm 1906, nhà thờ là 1 trong những kiến trúc tâm linh công giáo đầu tiên tại Mỹ Tho, nổi bật với kiến trúc mang đậm phong cách Hy Lạp cổ đại. Với những hàng cột lớn, mái vòm uy nghi và lối thiết kế cân xứng, nơi đây mang đến cho du khách cảm giác trang nghiêm nhưng vẫn gần gũi. Nếu có dịp ghé Tiền Giang, đừng quên dừng chân tại nhà thờ Chánh Tòa để chiêm ngưỡng vẻ đẹp kiến trúc đặc sắc và cảm nhận sự tĩnh lặng giữa lòng thành phố nhé!
Tọa lạc tại xã Tân Đông, huyện Gò Công Đông, đình Tân Đông hay còn gọi là đình Gò Táo là một điểm dừng chân mang đậm dấu ấn thời gian trong cẩm nang du lịch Tiền Giang. Được xây dựng từ thời vua Minh Mạng, ngôi đình mang đậm nét kiến trúc đình chùa triều Nguyễn với các họa tiết, hoa văn khắc nổi tinh xảo. Điểm độc đáo khiến đình Tân Đông trở nên nổi tiếng là hai cây bồ đề lớn mọc xuyên qua tường, rễ ôm trọn 5 cửa đình tạo nên khung cảnh vừa lạ mắt vừa huyền bí, được rất nhiều đoàn làm phim chọn làm bối cảnh.
Cù lao Thới Sơn còn gọi là Cồn Lân, nằm trên dòng sông Tiền cách trung tâm TP Mỹ Tho không xa, hứa hẹn sẽ cho bạn trải nghiệm miệt vườn đậm chất miền Tây. Bạn sẽ được đi thuyền len lỏi giữa những con rạch rợp bóng dừa nước, hái và thưởng thức trái cây theo mùa ngay tại vườn. Ngoài ra, bạn có thể thử các hoạt động như cưỡi xe ngựa, tham quan vườn ong, uống trà mật ong, hay tham gia trò chơi dân gian như lội mương bắt cá.
Cẩm nang du lịch Tiền Giang của bạn sẽ dài thêm nếu bổ sung cù lao Tân Phong vào hành trình. Nơi đây nổi bật với không gian miệt vườn xanh mát, trái cây sum suê và bầu không khí trong lành. Du khách có thể tham gia nhiều hoạt động thú vị như chèo thuyền, tắm sông, thưởng thức đặc sản địa phương hay hòa mình vào những trò chơi dân gian vui nhộn. Với khung cảnh thanh bình và trải nghiệm gần gũi thiên nhiên, Cù lao Tân Phong hứa hẹn mang đến một ngày khám phá Tiền Giang thật trọn vẹn.
Nếu bạn ghé Tiền Giang vào những ngày nóng, hãy dành thời gian “giải nhiệt” tại biển Tân Thành chỉ cách TP Gò Công khoảng 15km. Trên đường đi, bạn sẽ được chiêm ngưỡng hàng so đũa xanh mát hai bên. Bãi biển cũng nổi tiếng với nghề nuôi nghêu và nhiều quán ăn mái lá phục vụ hải sản tươi ngon. Một điểm nhấn đặc biệt là cây cầu bê tông dài gần 300 m vươn ra biển như con đường dẫn đến chân trời, cho bạn những bức ảnh chất lượng. Tại đây, bạn cũng có thể đăng ký cào nghêu để trải nghiệm đời sống ngư dân thú vị.
Trại rắn Đồng Tâm là 1 điểm đến mới lạ chắc chắn sẽ cho cẩm nang du lịch Tiền Giang của bạn thêm màu sắc mới. Ttọa lạc tại xã Bình Đức, huyện Châu Thành, Đồng Tâm là trại nuôi và bảo tồn rắn lớn nhất Nam Bộ với diện tích 30ha. Nơi đây nuôi hơn cả ngàn cá thể rắn được phân chia theo từng khu vực nhằm đảm bảo an toàn cho du khách. Không chỉ được tận mắt chiêm ngưỡng nhiều loài rắn độc, bạn còn có thể tìm hiểu về quy trình chăm sóc, rượu rắn và các chế phẩm đặc biệt từ rắn.
Bạn nghĩ sao về việc du lịch cánh đồng khóm tại Tiền Giang? Đây hứa hẹn sẽ là trải nghiệm mới dành cho những ai yêu không gian yên bình và cuộc sống miền quê Nam Bộ. Tân Phước được mệnh danh là “thủ phủ khóm” của Tiền Giang với hơn 11.600 ha trồng khóm. Nơi đây không chỉ cung cấp loại trái cây đặc sản có hương vị ngọt thanh nổi tiếng khắp cả nước mà còn là phông nền tuyệt đẹp cho các tín đồ sống ảo. Đến mùa thu hoạch, bạn sẽ bắt gặp khung cảnh người dân tất bật phân loại, thu mua khóm dọc các tuyến lộ lớn. Đừng quên thưởng thức khóm chín ngay tại vườn để cảm nhận trọn vẹn vị ngọt của vùng đất này nhé!
Tiền Giang là điểm đến lý tưởng cho những ai muốn “trốn phố” để tận hưởng vẻ đẹp miền Tây sông nước. Với địa hình bằng phẳng, khí hậu nhiệt đới gió mùa, nắng ấm quanh năm và nhiệt độ trung bình khoảng 28°C, nơi đây luôn chào đón du khách bằng bầu không khí dễ chịu. Cẩm nang du lịch Tiền Giang lưu ý bạn mùa mưa tại đây sẽ kéo dài từ tháng 5 đến tháng 11, còn mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau.
Nếu bạn muốn trải nghiệm Tiền Giang trọn vẹn nhất thì nên chọn mùa trái cây. Từ tháng 2 đến tháng 9 âm lịch là lúc các vườn miệt vườn vào vụ: tháng 2 có vú sữa ở Vĩnh Kim, tháng 3-4 là xoài Cái Bè, tháng 5-7 có sầu riêng và chôm chôm, tháng 8-9 là mùa nhãn ngọt lịm ở Cồn Phụng. Cuối năm, khi Tết đến gần, làng hoa Tân Mỹ Chánh rực rỡ sắc màu, cùng những ruộng dưa hấu đỏ mọng ở Gò Công cũng sẽ cho bạn những ý tưởng du lịch mới. Nhìn chung, dù bạn thích chèo xuồng, ăn trái cây tại vườn hay đơn giản chỉ muốn dạo bước giữa đồng khóm xanh rì ở Tân Phước, Tiền Giang luôn có cách khiến chuyến đi 1 ngày của bạn trở nên đáng nhớ.
Hủ tiếu Mỹ Tho có thể coi là món đặc sản nổi bật trong cẩm nang du lịch Tiền Giang, sánh ngay với độ nổi tiếng của hủ tiếu Nam Vang. Điều làm nên sự đặc biệt của hủ tiếu Mỹ Tho chính là sợi nhỏ, dai và khô, được làm từ gạo Gò Cát. Nước dùng hủ tiếu được nấu từ xương ống, tôm khô, mực nướng và thịt bằm, đun nhỏ lửa để tạo nên vị ngọt thanh và màu vàng nhạt đặc trưng. Khi chế biến, đầu bếp chỉ cần trụng nhanh sợi hủ tiếu, thêm giá, hẹ, thịt, tôm và ít tóp mỡ, hành phi là hoàn thiện. Bạn có thể thưởng thức hủ tiếu Mỹ Tho khô với nước tương trộn khô hoặc ăn với nước lèo thơm ngọt, cách ăn nào cũng đủ khiến bạn mê đắm.
Bún gỏi già nổi bật với nước dùng hầm từ xương heo, tôm và thịt ba rọi, mang vị ngọt đậm đà. Điểm đặc biệt của món ăn này là sự kết hợp với me, tạo nên hương vị chua ngọt độc đáo. Bún được ăn kèm với tôm tươi, thịt ba rọi, da heo, huyết, rau muống, hoa chuối bào và hẹ. Nước chấm làm từ mắm cá linh nguyên chất mang đến một vị thơm ngon, đậm đà, khiến thực khách mê mẩn ngay từ lần đầu thưởng thức.
Chuối quết dừa là món ăn hấp dẫn với sự kết hợp giữa chuối mềm ngọt và nước dừa béo ngậy. Những sợi dừa bào thơm lừng càng làm tăng thêm hương vị đặc trưng, khiến ai đã một lần thưởng thức đều nhớ mãi không quên. Mỗi miếng chuối ngấm đều nước dừa, tạo nên một cảm giác mềm mịn và ngọt thanh trong miệng. Vị dừa tươi, thơm lừng kết hợp với chuối là sự kết hợp hợp lý bất ngờ, khiến món ăn này trở thành một phần không thể thiếu trong các bữa tiệc hoặc dịp đặc biệt.
Ghé Gò Công mà không thưởng thức món bánh vá thì quả thật là một thiếu sót. Những chiếc bánh vá giòn rụm, vàng ruộm, ăn kèm với rau tươi mát và nước chấm chua ngọt hấp dẫn. Mỗi miếng bánh khi đưa vào miệng mang lại cảm giác giòn tan, kết hợp với vị chua ngọt từ nước chấm khiến bạn ăn lần đầu lại muốn thưởng thức lần 2. Hãy lưu ngay món ngon này vào cẩm nang du lịch Tiền Giang để chuẩn bị cho chuyến đi sắp tới nhé!
Chả nướng chợ Gạo rất phổ biến trong các dịp lễ tết và giỗ chạp của người Tiền Giang với hương vị miền Tây đặc trưng. Cách làm đơn giản chỉ là trứng được trộn với thịt nạc, cho vào nồi gang đã lót lá chuối sau đó được nấu trên bếp than cho đến khi mặt chả khô, không còn dính. Khi ăn, chả được thưởng thức cùng rau sống và nước mắm pha, ăn cùng cơm nóng là đủ tròn vị cho 1 bữa cơm miền Tây ngon miệng.
Cháo cá lóc rau đắng là món ăn quen thuộc mà người Tiền Giang nào cũng đã từng ăn. Sự khác biệt của món cháo này so với những nơi khác là vị ngọt tự nhiên từ cá lóc hòa quyện cùng nước cháo thơm ngon. Khi ăn cùng rau đắng, tuy có chút vị nhẫn nhẹ nhưng lại tạo nên sự cân bằng, khiến vị ngọt của cháo càng thêm đậm đà, để lại dư vị dễ chịu trong miệng.
Ốc gạo Tân Phong với vị ngọt tự nhiên và thịt mềm đã trở thành món ăn được yêu thích của người dân Tiền Giang và du khách. Món ốc gạo luộc đơn giản nhưng khi chấm cùng nước mắm chua cay, kết hợp với vị sả, ớt, tạo nên một hương vị đặc biệt không thể cưỡng lại. Thường vào tháng 5 âm lịch, ốc gạo sẽ đạt size lớn nhất, thịt dày, không có trứng, là lúc ngon nhất để thưởng thức. Bên cạnh cách chế biến luộc, ốc gạo còn có thể được xào tỏi ớt, trộn gỏi hay tiềm thuốc Bắc, mỗi cách đều mang lại những hương vị khác nhau nhưng đều hấp dẫn khó quên.
Sam biển Gò Công có thể chế biến thành nhiều món như xào miếng, xào chua ngọt hay nướng. Thịt sam biển ngọt, thơm, ăn vào khiến bạn phải xuýt xoa về hương vị biển cả thú vị. Tuy nhiên, món này có một lưu ý đặc biệt là nên ăn cả cặp sam, vì ăn một con có thể gây đau bụng hoặc dị ứng.
Nếu có dịp ăn cùng người Tiền Giang 1 bữa cơm nhà, bạn sẽ phát hiện món mắm tôm chà Gò Công trong mâm cơm của họ. Đây là đặc sản nổi tiếng được chế biến từ tôm đất tươi, tỏi và ớt chín cây. Quá trình làm mắm tôm chà khá công phu, khi mắm được ủ kỹ rồi đem ra chà để loại bỏ xác tôm, chỉ còn lại phần nước mắm trong thơm ngon. Mắm tôm chà thường được ăn cùng cơm nóng, kèm vài lát thịt luộc và rau sống thôi cũng đủ khiến người thưởng thức lưu luyến.
Vú sữa Lò Rèn Tiền Giang được mệnh danh là "nữ hoàng" của trái cây Tây Nam Bộ, và cũng là một trong những đặc sản nổi bật của vùng đất Vĩnh Kim. Quả vú sữa to tròn, mọng nước và ngọt thơm, với vỏ xanh bóng mịn, khi chín chuyển sang màu tím tía hoặc nâu tía ánh lục. Thịt quả mềm mại, có vị ngọt thanh, sữa quả tràn trề khiến ai ăn cũng phải mê mẩn. Vú sữa Lò Rèn không chỉ được ưa chuộng trong nước mà còn xuất khẩu ra nhiều quốc gia. Mùa vú sữa kéo dài từ tháng 9 đến tháng 4 năm sau, trong đó, tháng 11 và 12 là thời điểm quả chín rộ nên nếu may mắn đến đúng thời điểm này thì bạn sẽ được thưởng thức món vú sữa ngon ngọt nhất.
Tiền Giang được mệnh danh là “vương quốc” của hoa quả nên không lạ khi món sầu riêng đặc trưng miền tây luôn nằm trong danh sách những món nhất định phải thử. Trong đó sầu riêng Ngũ Hiệp được săn đón nhất bởi giá trị dinh dưỡng cao. Trồng chủ yếu tại xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy, sầu riêng nơi đây đã được cấp chứng nhận sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP, được bảo hộ nhãn hiệu tập thể. Quả sầu riêng Ngũ Hiệp có vỏ mỏng, hạt lép, cơm vàng óng, thịt dày, ráo với vị béo ngọt, thơm lừng. Sầu riêng ở đây cho trái quanh năm, nhưng từ tháng 4 đến tháng 6, quả sẽ chín rộ và đạt chất lượng tuyệt hảo.
Cẩm nang du lịch Tiền Giang không thiếu những món đặc sản “đậm đà” đặc trưng của miền đất màu mỡ này. Nếu di chuyển ngắn, bạn có thể ưu tiên những thức quả tươi như vú sữa Lò Rèn, xoài cát Hòa Lộc, sầu riêng Phụng Hiệp, nhãn nhị quý hay mận hồng đào Trung Lương. Nếu bạn muốn tìm quà tặng thân thuộc cho gia đình, bạn bè thì mắm tôm chà Gò Công, lạp xưởng Gò Công, nem Ông Mập, mứt dừa và những món đồ lưu niệm làm từ tre, dừa cũng là lựa chọn tuyệt vời đậm chất miền Tây.
Tiền Giang là vùng đất trù phú và dễ thương từ cảnh vật tới con người và đồ ăn. Hy vọng với cẩm nang du lịch Tiền Giang phía trên, bạn sẽ có những trải nghiệm tuyệt vời tại miền sông nước này nhé!
Linh Meo