Du lịch Sài Gòn bên cạnh việc tham quan những khung cảnh đẹp, thư giãn với những trò chơi giả trí thì du khách cũng đừng quên thưởng thức những món ăn ngon, món đặc sản của Sài Gòn với những hương vị đặc trưng riêng. Bên cạnh những món đặc sản như : cơm tấm, sủi cảo, bột chiên… thì bánh canh Sài Gòn cũng nổi tiếng không kém. Dưới đây xin giới thiệu với các bạn những món bánh canh tại Sài Gòn nổi tiếng nhất hiện nay.
Cách đây không lâu, cộng đồng mạng bỗng chú ý đến một phiên bản bánh canh Sài Gòn mới – bánh canh cua. Đặc trưng của món ăn này là nước dùng sền sệt hòa quyện với sợi bánh canh, ngọt lịm và đậm đà, khiến thực khách phải thưởng thức đến giọt cuối cùng.
Những tưởng cua biển khi đem đi nấu thì sẽ có vị tanh. Song bánh canh cua lại rất thơm vị cua mà không hề tanh, bởi thịt cua được gỡ riêng và cho vào nấu sau cùng. Cua dùng để nấu là cua biển.
Vì vậy, món ăn này được truyền miệng là có nguồn gốc từ miền Tây vì có cua Cà Mau, hay các tỉnh miền Trung gần biển. Nhưng dù có nguồn gốc từ đâu, bánh canh cua đã trở thành món ăn quen thuộc vào cả bữa chính và bữa phụ khi lưu lạc đến Sài Thành.
Đây cũng là món ăn được nhiều tín đồ mê hải sản, đặc biệt là cua, ưa thích. Vì cua biển cũng có giá khá cao, nhưng khi được biến tấu thành bánh canh cua thì giá bán hợp lý và ngon miệng.
Trong cua biển có khá nhiều canxi và vitamin A cùng các khoáng chất cần thiết. Thịt cua thường ngọt và mùi thơm riêng biệt. Nhờ đó, bánh canh cua cũng có hương vị thơm ngon đặc trưng mà khó có món ăn nào so sánh được.
Nước dùng bánh canh cua được nấu từ xương heo, thêm tôm khô hoặc mực khô để nước dùng ngọt hơn. Thịt cua, huyết heo, sẽ được cho vào sau cùng, tạo độ sánh bằng bột năng, tạo màu bằng dầu điều.
Nhiều nơi cho cả bánh canh vào nấu cùng để bánh luôn mềm, thấm vị và giúp nước dùng có độ sánh mịn hơn. Các món ăn kèm bánh canh cua mới thật đa dạng: trứng cút, tôm sú, thịt nạc heo luộc, chả cá, chả cua. Một số nơi còn có thêm bánh quẩy ăn kèm rất lạ miệng.
Nhờ nước súp sánh mịn, hòa quyện các nguyên liệu mà người ăn khó lòng bỏ sót và phải thường thức đến… miếng cuối cùng. Sợi bánh dai dai thấm vị ngọt thanh, đậm đà từ nước dùng, loáng thoáng thịt cua ngọt lịm, tôm sú sần sật hòa quyện.
Chỉ cần một tô bánh canh đầy ắp vào bữa trưa là đã đủ năng lượng cho buổi chiều làm việc. Món bánh canh cua cũng là món mà nhiều thực khách khi du lịch Sài Gòn lựa chọn vì là món ăn nước, các nguyên liệu mềm, dễ tiêu hóa.
Địa chỉ:
+ Bánh canh cua 14 - Quận 5, TP Hồ Chí Minh
+ Bánh canh cua Trần Khắc Chân - Quận 1, TP Hồ Chí Minh
+ Bánh canh cua Út Lệ - Quận 10, TP Hồ Chí Minh
+ Bánh canh cua mẹ Pu - Quận 3, TP Hồ Chí Minh
+ Bánh canh cua Bà Ba - Quận 5, TP Hồ Chí Minh
+ Bánh canh cua Út Thảo - Quận 6, TP Hồ Chí Minh
Giá bán: 40.000 đồng – 70.000 đồng/phần.
Khi nhắc tới ẩm thực của 3 miền, miền Bắc thường được biết đến với thói quen ăn nhạt và thanh, miền Trung lại thường ăn mặn và cay, còn miền Nam sẽ gắn liền với thói quen ăn ngọt. Vì vậy mà đến cả bánh canh - một món mặn đặc trưng lại được người dân miền Nam biến tấu thành món… chè ngọt kì lạ nhưng siêu ngon.
Để làm được một mẻ bánh canh ngon, bột gạo phải được chọn cẩn thận, là loại thơm và dẻo nhất. Sau đó được trộn chung với một ít bột năng theo tỉ lệ 10:1. Hỗn hợp bột phải được khuấy với nước sôi cho đến khi hoà quyện lại thành một khối dẻo, trắng phau. Một ít muối sẽ được thêm vào để làm dịu vị ngọt của nước đường xuống.
Sau khi được tỉ mỉ cắt thành từng sợi nhỏ và đem luộc chín, bột bánh canh sẽ được nấu lại trong nước đường phèn cùng với gừng sợi và lá dứa để tạo mùi thơm. Trong lúc đó, dừa nạo sẽ được vắt lấy cốt rồi nấu lên cùng với lá dứa và một ít muối. Để đảm bảo độ sệt và béo của nước dừa thì không nên cho thêm nước hoặc bột năng vào.
Bánh canh ngọt thường được ăn như một món chè vặt, múc ra chén ăn nóng kèm nước cốt dừa và một ít mè rang. Mùi thơm của lá dứa, vị ngọt thanh nước đường phèn, sự ấm nồng của gừng sợi, vị béo của nước dừa cùng sợi bánh canh dai sần sật chính là sự hoà quyện hoàn hảo và đầy ngọt ngào.
Địa chỉ: khu ẩm thực chợ Tân Định hoặc có một gánh hàng rong ở bên hông chợ.
Giá bán: 6.000 đồng – 10.000 đồng/ chén.
Ngoài bánh canh cua và bánh canh ngọt kể trên thì danh sách bánh canh Sài Gòn còn có thêm một món mới đó là bánh canh tôm nước cốt dừa.
Đây là một đặc sản của các tỉnh miền Tây Nam bộ, nhưng ở Sài Gòn chỉ có lác đác vài quán bán món ăn này. Bánh canh tôm nước cốt dừa có thành phần và cách nấu đơn giản hơn so với các loại bánh canh khác. Thành phần chính của món ăn này là tôm và nước cốt dừa.
Tôm tươi được người bán mua về, lột vỏ, bỏ chỉ đen và dùng dao đập dẹp. Sau khi làm xong, bắt chảo dầu nóng, cho tôm vào cùng một ít gia vị, đảo đều đến khi tôm vừa chín thì tắt bếp. Khi chế biến món ăn này, người bán cho sợi bánh làm từ bột gạo vào đun sôi, khi gần chín cho tôm đã làm sẵn vào, sau đó cho nước cốt dừa vào và nêm gia vị cho vừa ăn.
Bát bánh canh tôm nước cốt dừa đầy màu sắc với màu trắng của sợi bánh canh, màu trắng đục hơi sệt của nước dùng, màu hồng của tôm điểm xuyết sắc xanh của hành lá trông thật bắt mắt và hấp dẫn. Cái hay của người bán là mặc dù được nấu chung với nước cốt dừa, có vị béo nhưng lại không gây cảm giác ngấy cho người ăn. Ăn một thìa bánh canh nước cốt dừa, cảm nhận cái vị ngọt của tôm, cái vị béo cùng hương thơm thoang thoảng của nước cốt dừa.
Địa chỉ: 459B Hai Bà Trưng, phường 8, quận 3, TP Hồ Chí Minh.
Giá bán: 40.000 đồng/ tô.
Bánh canh hẹ - một món ăn nổi tiếng của các tỉnh miền Trung và nó được xem là đặc sản Phú Yên cũng đã xuất hiện trong menu những món bánh canh Sài Gòn nổi tiếng.
Điểm nhấn quan trọng nhất trong món ăn này chắc chắn là lá hẹ. Màu xanh của lá hẹ bao trùm lên tô bánh canh, nhìn qua thôi sẽ tưởng như bạn ăn cả tô hẹ vậy. Điều này sẽ khiến 'team' ghét hành hẹ chắc chắn phải chạy dài.
Tuy vậy, bánh canh hẹ hấp dẫn du khách bởi hương vị đậm đà và ngon miệng, trong một tô bánh canh hẹ gồm có chả cá, bánh canh làm từ bột gạo và trứng cút. Nghe có vẻ đơn giản nhưng lại yêu cầu người làm phải cực kì cẩn thận và tỉ mỉ. Sợi bánh được làm từ bột gạo và so với sợi bánh canh thông thường thì bánh canh hẹ sẽ nhỏ hơn. Sợi bánh có độ mềm dẻo nhất định để khi nấu không bị gãy vụn mà vẫn đảm bảo được độ dai và không bị bở.
Chả cá ở đây ngon ngọt tự nhiên bởi người nơi đây mang thịt cá tươi đem đi giã nhuyễn, hấp chín rồi mới chiên. Đặc biệt phần tinh tuý của món ăn này chính là phần nước dùng. Họ ninh nước dùng bằng cá, hương vị ngọt thanh đậm đà và không hề gây ngán như vị béo ngậy của nước dùng xương ống. Điều tạo nên điểm đặc biệt cho món ăn này đó chính là hương vị nồng đượm của hẹ.
Địa chỉ: Bánh canh hẹ Cô Mai – 54 Hoa Sứ, Phường 7, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh.
Giá bán: 35.000 đồng/phần.
Bánh canh mực cũng đã góp phần tạo nên sự đa dạng cho bánh canh Sài Gòn. Bánh canh mực gây ấn tượng với thực khách với nước dùng hơi sệt, có màu vàng nhạt, cọng bánh trong veo được đặt làm riêng và những miếng mực một nắng trắng, dày cho cảm giác dai mềm.
Người không quen nhìn có vẻ lạ, thậm chí không hài lòng nhưng khi nhấp nháp, sẽ cảm thấy vị ngọt của thịt, vị cay của hành tím, vị béo ngậy của cua đưa đẩy cùng những vân trứng mềm mại tạo nên món nước dùng hơi sệt với độ mặn, ngọt, béo vừa phải.
Ngoài những yếu tố trên, nước chấm đi kèm của món ăn này cũng mang đến cảm giác thích thú không kém, bởi nó không được chế biến từ nước mắm mà gia giảm các loại nguyên liệu như muối, ớt, chanh, đường theo tỷ lệ nhất định tạo nên món chấm chua, cay, mặn, ngọt khá lạ.
Song nếu chấm những lát mực trắng non, tươi ngọt lại thấy chúng hòa hợp tuyệt đối, ăn rất đã miệng. Nếu ăn hết phần mực trong tô mà vẫn thòm thèm, bạn có thể kêu thêm chén mực ăn riêng.
Địa chỉ: quán 3K - đường Đinh Công Tráng, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh.
Bánh canh bò viên là món ăn bình dân, thường được dùng như một món ăn giữa buổi hoặc ăn khuya. thuần túy chỉ là phối hợp giữa cái thơm, dai của bò viên hòa cùng với vị ngọt của nước lèo nhưng bánh canh bò viên lại tạo nên sự lôi cuốn khó cưỡng đối với những người đã trót mê món bò viên.
Để chế biến được món ăn này, đầu tiên phải kể đến chất lượng của bánh canh. Bánh được làm từ loại gạo Neang Nhen, có mùi thơm đặc biệt. Đây là loại gạo nổi tiếng của vùng Bảy Núi và được xay ra làm bánh theo công thức gia truyền, chế biến qua nhiều công đoạn. Gạo sau khi ngâm nước qua đêm, được xay nhuyễn rồi vắt cho ráo nước. Sau đó người ta nhồi bột, cán, cắt mỏng tạo nên sợi bánh nhỏ trắng phau mềm, dai.
Nước dùng để chế biến bánh canh cũng phải ninh từ xương heo, kết hợp cùng với xương gà, một chút tôm khô, cá... tạo nên một hương vị riêng, ngọt đậm đà, là sự pha trộn của rất nhiều nguyên liệu. Đây chính là bí quyết tạo nên hương vị riêng của món ăn.
Bò viên, chân giò heo phải hầm cho đến khi thịt mềm, sau đó nêm các loại gia vị theo công thức cho vừa ăn.
Khi có khách, tô bánh canh được dọn ra với những sợi bánh mềm mượt, bò viên được cắt làm đôi lộ bên trong một màu đỏ hồng rất hấp dẫn. Điểm lên trên bánh canh một vài miếng giò heo vừa gắp, thêm chút hành lá, mùi, hành phi mỡ thơm lừng rồi chế nước lèo ngập bánh.
Cho miếng bò viên vào miệng, thịt vừa dòn dai, thơm ngọt đậm đà của bò sơn cước. Húp muỗng nước súp nóng, mồ hôi tuôn ra, bao nhiêu mệt nhọc bụi đường tan biến, cảm nhận tô bánh canh ngọt ngào, lan toả trong khoang miệng.
Địa chỉ: Nằm cuối đường Nguyễn Văn Nguyễn, Phường Tân Định, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh.
Giá bán: 30.000 đồng/ tô.
Bánh canh là một phần không thể thiếu trong các món ẩm thực Sài Gòn. Đến đất ăn chơi này, bạn nhất định phải thưởng thức bánh canh Sài Gòn tại top địa điểm ăn uống Sài Gòn trứ danh trên một lần. Chắc chắn sẽ không làm bạn phải thất vọng đâu!
Xem thêm: 5 Ku Farm Sài Gòn: Nông trại xanh mát giữa lòng thành phố đô hội |
Hồng Ánh
(Theo Báo Thể Thao Việt Nam)