Banner Movi
Nhật Bản

Tinh hoa nghệ thuật trà đạo trong văn hóa Nhật Bản

Thứ ba, 16/04/2019, 16:26 GMT+7
Trà đạo được xem là một nét tinh hoa của văn hóa Nhật Bản. Cho đến ngày hôm nay, đây vẫn được xem là một nét đẹp được trân trọng và giữ gìn. 
 
Khi người ta đặt mình trong vị trí của một người thưởng thức trà, bạn sẽ hiểu được những tinh túy ẩn sau trong từng chén trà, trong cả cách pha, cách thưởng thức. Trà, đó không chỉ là một loại nước, đó còn là một thú vui tinh thần mà ở đó, uống trà là một nghệ thuật, người thưởng trà là một nghệ sĩ. 
 

Lịch sử nghệ thuật trà đạo Nhật Bản
 

Từ khoảng cuối thế kỷ XII, nghệ thuật trà đạo ở Nhật Bản đã rất phát triển. Theo sử sách ghi lại, thời đó, có một vị cao tăng đi du học từ Trung Quốc về đã mang về loại bột trà xanh matcha. Ban đầu, matcha được sử dụng với chức năng chữa bệnh thôi, nhưng dần dà về sau, loại thuốc này được sử dụng như một thức uống xa xỉ cho giai cấp thượng lưu thưởng thức. 
 
Nghệ thuật trà đạo đã phát triển ở Nhật Bản vào khoảng cuối thế kỷ XII
 
Người Nhật từ xưa vốn coi trọng nét nghệ thuật trong việc ăn uống, thưởng thức các loại thực phẩm. Và đối với trà cũng vậy. Một số quy tắc trong các buổi tiệc trà được quy định nghiêm ngặt với giới võ sĩ Samurai. Đây là giai cấp thống trị của xã hội Nhật Bản lúc bấy giờ. Đến cuối thời Edo, nghệ thuật trà đạo là đặc quyền mà chỉ nam giới mới được thưởng thức. Và phải đến đầu thời Meiji thì nghệ thuật trà đạo mới chấp nhận việc được quyền thưởng thức của phụ nữ. Từ đó, nghệ thuật uống trà trở nên bình dân hơn, phổ biến trong cộng đồng, khiến nó trở thành một thú vui tinh thần đặc biệt, hấp dẫn người Nhật Bản. 
 
Nghệ thuật trà đạo được quy định bởi nhiều nguyên tắc của giới võ sĩ Samurai
 
Nghệ thuật uống trà không chỉ là cách thưởng trà, đó còn là nơi để nhiều người có thể chuyện trò với nhau, tâm tình với nhau. Nhờ đó mà cuộc sống trở nên nhẹ nhàng hơn, thư thái hơn rất nhiều. 
 

Hòa – Kính – Thanh – Tịch
 

Khi một công việc, một hoạt động hằng ngày trở thành một nét nghệ thuật độc đáo, hẳn có nhiều yếu tố trong đó tạo thành. Nghệ thuật trà đạo cũng vậy. Có bốn nguyên tắc cơ bản trong trà đạo, đó là Hòa – Kính – Thanh – Tịch. Người thưởng trà luôn biết được những nguyên tắc này trước khi chuẩn bị ngồi vào bàn trà. Bởi uống trà, từ khi nó xuất hiện đã là nghệ thuật của giới thượng lưu. 
 
Có 4 nguyên tắc trong nghệ thuật trà đạo: Hòa - Kính - Thanh - Tịnh
 
Hòa có nghĩa là sự hài hòa giữa con người với thiên nhiên, với vạn vật. Đó cũng có thể là sự giao hòa giữa người thưởng trà đối với tách trà, với các dụng cụ pha trà và cả những người xung quanh. Khi đạt được chữ hòa, nghĩa là không mâu thuẫn, xung đột mới có thể ngồi thưởng trà đúng nghĩa và đáp ứng được yêu cầu của môn nghệ thuật này. 
 
Kính có nghĩa là kính trọng đối với người khác, với cuộc sống, với thiên nhiên và cả đối với các dụng cụ pha trà. Người thưởng trà chăm chút cho từng chén tách, cho cả chiếc bàn ngồi thưởng trà, từng giọt nước được mang đi pha trà. Từng giọt trà khi được đưa lên miệng thưởng thức cũng mang chút gì đó sự tôn kính của người thưởng trà trong đó. 
 
Hòa có nghĩa là sự hòa hợp giữa con người với thiên nhiên
 
Thanh có nghĩa là thanh thản, yên tĩnh, thanh tịnh. Chữ “thanh” trong thưởng trà thể hiện một tâm hồn trong sạch, yên bình và nhẹ nhõm. Người thưởng trà phải giữ được sự thanh tịnh thì mới thưởng thức được vị ngon của chén trà, mới có thể tâm tình và trút lòng mình vào từng chén tách. Đó là ý nghĩa lớn lao của chữ “Thanh” trong nghệ thuật trà đạo. 
 
Thanh có nghĩa là thanh tịnh, thanh thản
 
“Tịch” có nghĩa là sự vắng lặng mang đến cho con người cảm giác thanh tao, vắng lặng, yên bình. Thưởng trà không thể được tổ chức ở nơi ồn ào, có quá nhiều âm thanh và sánh sáng. Thưởng trà phải có sự giao hòa giữa con người với thiên nhiên, phải tạo được không khí yên bình và vắng lặng, khi đó mới có thể xóa hết những bộn bề, những bon chen của cuộc sống mà đắm mình vào từng hương vị, từng câu chuyện của người thưởng trà. 
 
Tịch có nghĩa là mang đến cho con người cảm giác thanh tịch, vắng lặng


Ý nghĩa của nghệ thuật trà đạo
 

Từ một loại thuốc trở thành trà, từ công việc uống trà đến trà đạo là cả một quá trình không ngừng cải thiện của người Nhật Bản. Từ đó, biến một công việc trần tục, dân dã bên ngoài trở thành một nghệ thuật sống của chính dân tộc mình. 
 
Trà vốn dĩ là một loại thức uống có lợi cho sức khỏe. Khi được nâng lên thành một nét nghệ thuật, nó trở nên đặc biệt hơn. Không những mang lại giá trị cho thể chất mà còn giúp cải thiện tinh thần của người thưởng trà trong đó. 
 
Nghệ thuật trà đạo mang lại nhiều giá trị tinh thần cho người thưởng thức
 
Trong cuộc sống với công việc nặng nề, quá nhiều những mệt mỏi, lo toan, người ta cần hơn cả những giây phút thanh tịnh, rũ sạch hết những lo âu thường nhật để cân bằng lại cuộc sống. Nghệ thuật trà đạo không chỉ là câu chuyện của những tiên nhân ngày trước, đó là liều thuốc cần thiết cho những người hiện đại. Qua nghệ thuật trà đạo, người ta có thể làm sạch tâm hồn, tu tâm dưỡng tính theo đúng tinh thần của nhà Phật. 
 
Qua nghệ thuật trà đạo, con người có thể tu tâm dưỡng tính
 
Dành một khoảng thời gian đủ dài để thưởng trà, người ta sẽ dễ cân bằng lại cuộc sống, hiểu được những giá trị vốn có, những gì cần nỗ lực và những gì cần buông. Đó cũng là nghệ thuật độc đáo của cuộc sống.
 
Hiểu được những nguyên tắc cơ bản của nghệ thuật trà đạo, bạn sẽ thấy được những điều tuyệt vời xung quanh cuộc sống này. Hãy một lần thử tìm đến với nghệ thuật trà đạo, để học cách cảm nhận, nâng niu và sống trọn vẹn hơn. 
Nguyễn Hằng
Theo Báo Du lịch