Dừng chân và khám phá ngôi tháp Chăm tuyệt đẹp mang tên tháp Chiên Đàn Quảng Nam bạn hẳn sẽ mê mẩn kiến trúc độc đáo, với những họa tiết tinh xảo vô cùng cuốn hút như đưa bạn trở về với thời đại Chăm Pa rực rỡ một thời.
Tháp Chiên Đàn Quảng Nam là một trong những cụm tháp cổ đặc trưng của nền văn hóa Chăm Pa tại xứ Quảng. Với dáng vẻ vừa trang nhã vừa cuốn hút, đây là một trong những tháp Chăm tiêu biểu nhất của phong cách Mỹ Sơn A1 và cũng được biết đến là phong cách đẹp bậc nhất trong nghệ thuật kiến trúc Chăm Pa xưa, tương tự như các ngọn tháp nổi tiếng khác như các Mỹ Sơn hay tháp Khương Mỹ.
Tháp Chiên Đàn còn là một minh chứng tuyệt vời cho nền văn hóa Chăm Pa rực rỡ vẫn luôn tồn tại qua thời gian và trở thành một trong những nhân chứng tuyệt vời, gợi nhớ về nền văn hóa này.
Tháp Chăm Chiên Đàn Quảng Nam nằm ở địa phận của làng Chiên Đàn thuộc xã Tam An, huyện Phú Ninh, điểm du lịch này chỉ cách trung tâm của thành phố Tam Kỳ 3 km. Theo các nhà sử học thì tháp Chiên Đàn Quảng Nam có niên đại từ khoảng cuối thế kỷ IX đến đầu thế kỷ XII, đây là thời kỳ trị vì của vua PuKu Vijaya và nước Chăm Pa đang trong quá trình chuyển kinh đô từ khu vực Quảng Nam về Bình Định .
Tên gọi Chiên Đàn cũng rất đặc biệt, theo nguyên gốc từ tiếng Phạn thì từ Chiên Đàn đọc là “Chandan” mang ý nghĩa là cây lô hội. Ngọn tháp có tên gọi này là do ba ngọn tháp Chàm được đặt song song theo trục Bắc - Nam hướng về phía Đông bao gồm tháp Bắc, tháp Giữa và tháp Nam Tháp. Bên cạnh tên gọi Chiên Đàn thì cũng thác này còn gọi là “Kalan”.
Cùng với đó, tương ứng với mỗi bộ phận hình thành nên ngọn tháp cũng có những tên gọi và ý nghĩa đặc thù. Đế tháp Chiên Đàn sẽ gọi là Bhurloka, đại diện cho thế gian trần tục. Thân tháp được gọi là Bhuwarloka, mang ý nghĩa về tâm linh nơi mà con người sẽ thanh tịnh bản thân, để tiếp xúc với cội nguồn tổ tiên và hướng đến sự kết nối với đấng thần linh. Khu vực mái tháp thì được gọi là Swarloka, chính là biểu trưng cho thế giới thần linh, nơi mà các vị thần sẽ hội tụ chính vì vậy tất cả các tháp Chăm hầu như đều có mặt tiền hướng về hướng Đông.
>> Xem thêm: Tour du lịch Quảng Nam - Hội An trọn gói siêu HOT
Di tích tháp Chiên Đàn Quảng Nam có cấu trúc xếp theo trục Bắc Nam và cửa ra vào ở hướng Đông. Ba ngọn tháp biểu trưng cho ba vị thần trong ấn độ giáo là SIVA, VISHNU, BRAHMA. Ngọn tháp này có kiến trúc theo kiểu truyền thống của tháp Chăm, bao gồm tháp Giữa có quy mô lớn nhất với ba tầng và hai tháp nhỏ ở hai bên. Thiết kế của tháp theo kiểu các tầng trên sẽ bị thu nhỏ dần.
Hiện tại chỉ có tháp Giữa là còn nguyên vẹn với các cạnh dài 9,2m cao hơn 20m, riêng tháp Nam và tháp Bắc thì phần trên đã bị mất, các cạnh chỉ từ 7,6 đến 7,7 m. Ở khu vực tháp Bắc là tháp nhỏ nhất trong cụm tháp Chiên Đàn Quảng Nam, phần đỉnh tháp đã hoàn toàn bị sụp, cửa ra vào cũng bị sụp phần tiền sảnh. Tuy nhiên, vòng uốn trên cửa ra vào hiện vẫn còn tương đối nguyên vẹn. Tháp Giữa cũng là tháp lớn nhất, hiện vẫn còn khá nguyên vẹn, đỉnh tháp còn lại một tầng tiền sảnh và các cửa giả đã bị sụp mất phần chân, tháp Nam có phần mái đã bị sụp hoàn toàn.
Tổng quan kiến trúc của cả ba ngôi tháp đều có hình dạng tương đối giống nhau với phần thân của tháp cao, các tầng trên có tỉ lệ thấp dần, nhưng luôn cân đối hài hòa. Ở các khối dọc của các cột ốp nhô ra có những đường nét vẽ trang trí rất trang nhã và kín đáo. Khu vực chân của tháp Chiên Đàn hoàn toàn không có các hoa văn trang trí, nhưng các tụ ốp tường hay các đường G dọc theo chân tháp đều được làm rất tỉ mỉ và tạo cho tháp có vẻ cao và đồ sộ hơn. Ở mỗi tháp đều có một cửa ra vào, ba cửa giả và ở phía trên có vòm uốn cong nhọn, tạo thành hình lá đề, giữa vòng cuốn sẽ có một bức phù điêu cũng có hình dạng lá.
Ở các đường diềm mái của tháp bằng sa thạch được chạm mặt Kala. Phong cách kiến trúc được thể hiện ở tháp Chiên Đàn Quảng Nam, là một trong những phong cách đẹp nhất hiện tại của kiến trúc tháp Chăm cổ tính đến thời điểm hiện tại.
Tháp Chiên Đàn Quảng Nam đã trải qua nhiều đợt khai quật và theo các nhà nghiên cứu thì hiện tại ở Việt Nam chưa có cụm 3 tháp nào lại có số lượng hiện vật đa dạng như ở tháp này. Vào năm 1989, các nhà khảo cổ đã tìm thấy một mô típ trang trí chân tường của tháp với hàng trăm các tác phẩm điêu khắc là các tượng nhạc công apsara, động vật, đài thờ nam thần nữ thần…. Đến năm 1997, người ta lại tiếp tục khai quật được tấm bia đá được mài phẳng, trên đó có khắc các ký tự cổ Sanskrit có gốc tích từ Ấn Độ.
Nổi bật phải kể đến hai bàn thờ chạm nổi với hình hoa sen có đường kính rất lớn, được đặt ở trên phần đế rời mắt của bàn thờ, chạm hai tầng hoa sen ở giữa là gương sen lớn với những hạt sen tròn. Tại khu vực tháp Nam của tháp Chiên Đàn người ta đã tìm thấy tấm lá nhỉ với hình nữ thần UMA 6 tay với hai tay được chắp trên đầu và bốn tay dùng để cầm các vật khí như cung, tên, đinh ba, vòng. Tại tháp Chiên Đàn Quảng Nam còn có xuất hiện nhiều tượng động vật rất đặc trưng cho văn hóa Chăm như voi, sư tử, ngỗng thần Hamsa, rắn Naga, chim thần Garuda… Các phụ nữ ở tháp Chiên Đàn được tạc tượng với các động tác múa phỏng theo vũ nữ ở đền thờ Trà Kiệu.
Bên cạnh cụm ba tháp chính thì ở xung quanh khu vực tháp Chiên Đàn Quảng Nam còn phát hiện được rất nhiều nền móng, có thể là dấu tích của những công trình trước đây nhưng đã bị sụp đổ. Từ đó có thể thấy rằng quy mô của khu đền tháp này ở thời kỳ đỉnh cao nhất vô cùng rộng lớn và hoành tráng. Mặc dù đến thời điểm hiện tại tháp Chiên Đàn Quảng Nam không còn nguyên hình dáng ban đầu, nhưng với những dấu tích xưa còn sót lại thì đây vẫn là một trong những di sản kiến trúc vô cùng nổi bật và cũng ẩn chứa những điều huyền bí khiến hậu thế phải tò mò.
Tháp Chiên Đàn cũng là nơi có số lượng các hiện vật được điêu khắc bằng sa thạch nhiều nhất trong nhóm các tháp Chăm nổi bật của Quảng Nam là Chiên Đàn, Khương Mỹ và Bằng An và hầu hết phong cách điêu khắc được xếp vào phong cách Chánh Lộ. Đồng thời cũng có những tác phẩm điêu khắc thể hiện sự tiếp nối của phong cách Trà Kiệu hoặc thể hiện sự chuyển tiếp của phong cách Chánh Lộ sang phong cách Tháp Mẫm.
Đến với tháp Chiên Đàn Quảng Nam bạn sẽ được ngắm nhìn vết tích còn sót lại của một quần thể tháp Chăm hoành tráng, đây là cánh cửa giúp bạn tìm hiểu sâu hơn về thế giới kỳ bí của văn hóa Chăm Pa xưa tại xứ Quảng. Sự thể hiện của những đường nét kiến trúc và chi tiết chạm trổ vô cùng tinh xảo, ấn tượng của tháp Chiên Đàn thể hiện những thông tin vô cùng thú vị về truyền thống văn hóa cũng như không gian lịch sử của người Chăm Pa xưa. Chính vì vậy, nếu như có cơ hội đến với thành phố Tam Kỳ Quảng Nam, bạn nhất định đừng bỏ lỡ cơ hội đến với quần thể tháp Chiên Đàn để chiêm ngưỡng tận mắt vẻ đẹp tinh hoa của quần thể kiến trúc tháp Chăm bí ẩn này.
>> Xem thêm: Làng cổ Lộc Yên Quảng Nam điểm đến yên bình ở vùng núi xứ Tiên
Hồng Thọ - dulichvietnam.com.vn