Nằm biệt lập ở đất Gia Hội xưa, thuộc phía Đông của kinh thành Huế Phủ thờ công chúa Ngọc Sơn là một trong những nhà vườn tuyệt đẹp, quanh năm xanh biếc bóng cây với không gian bình yên, nhẹ nhàng mê đắm bao du khách dừng chân.
Nhà vườn ở xứ Huế là một nét đẹp rất riêng mang đến cho người ta cảm giác bình yên và say mê khi dừng chân. Ngoài nhà vườn An Viên hay nhà vườn Xuân Đài đã quá nổi tiếng thì Phủ thờ công chúa Ngọc Sơn cùng là một ngôi nhà vườn rất tiêu biểu của xứ Huế. Du khách dừng chân ở ngôi nhà vườn cổ kính này. hẳn sẽ thấy thật ngỡ ngàng bởi dường như sự ồn ã, náo nhiệt ngoài kia không hề ảnh hưởng đến nơi đây, ngôi nhà vườn nằm an tĩnh và biệt lập, nhuốm màu hoài niệm bình yên khó tả khiến người ta không nỡ rời bước.
>> Xem thêm: Nắm chắc bíp kíp du lịch Thừa Thiên Huế, tự tin khám phá trọn vẹn mảnh đất cố đô
Phủ thờ Công chúa Ngọc Sơn được biết đến là một trong những ngôi nhà vườn trứ danh ở xứ Huế, toạ lạc ở phía Đông Thành Nội tại địa chỉ 31 Nguyễn Chí Thanh, phường Phú Hiệp. Nơi đây thờ tự công chúa Ngọc Sơn, con giá của nhà vua Đồng Khánh. Công Chúa Ngọc Sơn kết hôn cùng Trung quân Đô thống Nguyễn Hữu Tiễn là con trai của Đại thần triều Nguyễn Đông Các đại học sĩ Nguyễn Hữu Thảng.
Sau khi kết hôn cùng phò mã công chúa Ngọc Sinh đã hạ sinh được một bé gái sau đó lâm bạo bệnh và ra đi khi mới chỉ vừa 20 tuổi. Theo nguyện vọng của công chúa thì phò mã đã tục huyền với quận chúa Công Tôn Nữ Thị Trân, cháu gái vua Đồng Khánh. Năm 1921, phò mã Nguyễn Hữu Tiễn đã cho xây dựng một biệt phủ với lối kiến trúc kiểu nhà vườn Huế trên mảnh vườn diện tích 2400m2 để làm nơi thờ tự cho vong linh công chúa Ngọc Sơn. Đây cũng chính là nơi sinh sống của ông và người vợ thứ 2 với 7 người con.
Qua hơn 90 năm, đến nay phủ thờ Công chúa Ngọc Sơn vẫn được các thế hệ hậu nhân của phò mã Nguyễn Hữu Tiễn thờ phụng và gìn giữ, do đó nơi đây vẫn bảo lưu được vẻ đẹp cổ kính như ngày đầu dù đã qua bao thay đổi của thời cuộc. Người thừa tự chính thức của phủ thờ Công chúa Ngọc Sơn hiện nay là cháu nội của phò mã Nguyễn Hữu Tiễn, bà Nguyễn Thị Sương cùng chồng là ông Phan Thuận An vốn là một nhà sử học có hiểu biết rất phong phú về xứ Huế.
Phủ thờ Công chúa Ngọc Sơn có mặt chính hướng về phía Tây và lưng quay ra ngoài đường, khuôn viên của ngôi nhà mang vẻ đẹp đặc trưng của những nhà vườn Huế xưa với hàng chè tàu uốn lượn dẫn lối vào nhà, hàng cau thẳng tắp, đi sâu vào bên trong là tiền án, minh đường, tả long, hữu hổ. Quanh khu vườn nhà được bao bọc bởi luỹ tre xanh, dừa mát, trong vườn có nhiều cây trái và hoa kiểng tươi mới, đầy sức sống.
Một điều khá thú vị ở Phủ thờ Công chúa Ngọc Sơn chính là nơi đây không có cổng tam quan như các phủ thờ khách, lối vào mở ngay phía sau nhà, điểm cuối là khoảng sân rất rộng, phía trước có bể cạn trồng nhiều hoa súng, có hòn non bộ đóng vai trò tiền án của nhà vườn này.
Người thiết kế phủ thờ đã rất tinh tế khi tận dụng hoàn hảo các yếu tố thẩm mỹ và cảm quan mỹ thuật tạo nên một không gian vô cùng hợp lý, hòn non bộ đủ để che chắn nhưng không quá cao khiến chủ nhân không thể ngắm nhìn cảnh vật, cũng không quá thấp.
>> Xem thêm: Khám phá tour du lịch Huế HOT nhất hiện nay
Điểm nhấn chính của phủ thờ Công chúa Ngọc Sơn là toà nhà kép với tiền đường ba gian có hàng cột hiên sơn vàng theo kiểu Châu Âu, kiểu kiến trúc rất thịnh ở Huế những năm đầu của thế kỷ XX. Bên trong nhà chính được xây dựng với kiểu kiến trúc nhà rường Huế truyền thống, khu chính đường ba gian hai chái, mát lợp ngói liệt và đắt các chi tiết vôi vữa chủ đề mây hoá long.
Các khung sườn được bố trí đều cân với mỗi 4 hàng cột mỗi chiều, các bộ vì, kèo được chạm trổ rất tinh tế, ở giữa là bức hoành phi khắc chữ Hán lớn, ngoài ra còn có các bức hoành phi nhỏ hơn được trang trí khắp cả ba gian. Khi bước vào bên trong, du khách sẽ cảm thấy vẻ cổ kính, hoài niệm và cũng đầy trang nghiêm, mang màu sắc rất riêng.
Tại đây vẫn còn lưu giữ được những kỷ vật quý giá của phò mã như đồ sứ ký Trung Hoa, huy chương do nhà vua Khải Định tặng, đầu hồ bằng gỗ, bộ xăm hường bằng xương, bộ đồ ăn trầu bằng bạc. Nội thất của phủ thờ này như sập, gụ, bàn ghế, tủ sách, hoành phi, câu đối hay cả ngàn cuốn sách quý... đã có từ rất lâu với dấu vết của năm tháng, nhưng giá trị mỹ thuật không hề thay đổi, khiến cho nơi đây tựa như một bảo tàng nho nhỏ. Từ tòa nhà chính có một hành lang dẫn ra khu nhà phụ, xưa kia đây chính là nơi dành cho người ăn kẻ ở trong nhà, nay đã là không gian để gia đình sinh hoạt.
Phủ thờ công chúa Ngọc Sơn là sự kết hợp rất hài hòa giữa kiến trúc truyền thống của Huế với những vật liệu, hoạ tiết trang trí kiểu Châu Âu. Thêm vào đó yếu tố phong thuỷ và triết lý Á Đông được ứng dụng nhuần nhuyễn mang đến một không gian sống và thờ phụng bình yên nhưng cũng rất độc đáo.
Phủ thờ công chúa Ngọc Sơn không phải là điểm thăm quan miễn phí nên du khách không thể ra vào tự do như các điểm du lịch công cộng. Để thăm quan nơi này, du khách cần đăng ký tour thăm quan. Ngoài ngắm nhìn không gian của phủ thờ thì khi đến đây du khách còn được thưởng thức những món ăn đặc trưng của xứ Huế rất hấp dẫn.
Ngoài phủ thờ công chúa Ngọc Sơn du khách có thể dừng chân thăm quan Phủ thờ Tôn Thất Thuyết hay các ngôi nhà vườn xứ Huế nổi tiếng khác để khám phá thêm nét thú vị trong không gian, kiến trúc cũng như tận hưởng không gian bình yên, sâu lắng của những ngôi nhà cổ nơi kinh thành xưa.
Không chỉ là một nhà vườn cổ kính, phủ thờ công chúa Ngọc Sơn còn là một trong những biểu tượng đặc trưng cho kiến trúc nhà vườn truyền thống của xứ Huế. Đến đây, du khách không chỉ được nhìn ngắm một không gian bình yên, đầy hoài niệm mà còn được tìm hiểu về những câu chuyện lịch sử thú vị, được khám phá “nếp nhà” đặc trưng của người dân xứ Huế để hiểu hơn về những góc khuất sâu kín trong tâm hồn và vẻ đẹp Huế.
>> Xem thêm: Làng cổ Phước Tích - Miền quê bình yên bên dòng Ô Lâu xứ Huế
Hồng Thọ - Dulichvietnam.com.vn