Bạn đang tìm ngôi chùa thiêng nổi tiếng ở Hà Nội? Bạn chưa biết du xuân đầu năm ở đâu? Còn chần chờ gì nữa mà không ghé ngay 6 ngôi chùa nổi tiếng này ở Thủ đô để có một khởi đầu năm mới thật ý nghĩa nào.
Địa chỉ: Số 46, Đường Thanh Niên, Quận Tây Hồ, Hà Nội
Tọa lạc trên một hòn đảo ở Hồ Tây, với lịch sử 1.500 năm tuổi, chùa Trấn Quốc được xem là ngôi chùa lâu đời nhất của Hà Nội. Ban đầu, chùa có tên là Khai Quốc, được xây dựng từ thời Tiền Lý năm 541. Lúc bấy giờ, chùa nằm gần bờ con sông Hồng thơ mộng nên khi đê sạt lở năm 1615, chùa được di dời vào phía trong đê Yên Phụ (gò đất Kim Ngưu).
Đến khoảng thế kỷ 17, chúa Trịnh cho đắp đê Cố Ngự (nay là con đường Thanh Niên) để nối với gò Kim Ngưu. Tới đời vua Lê Hy Tông (1681 – 1705), chùa được đổi tên thành chùa Trấn Quốc và sử dụng đến ngày nay.
Nằm trên Hồ Tây thơ mộng, khung cảnh của chùa Trấn Quốc Hà Nội thực sự gây ấn tượng với bất kỳ ai ghé thăm. Đặt chân tới đây, bạn sẽ cảm nhận được hơi thở trong lành từ sông nước, cây cối xung quanh. Khác hẳn với con đường Thanh Niên nhộn nhịp, không gian chùa bình yên và thanh tịnh. Ngôi chùa thiêng nổi tiếng ở Hà Nội này là điểm du lịch tâm linh không thể bỏ qua cho du khách trong và ngoài nước.
Chùa Trấn Quốc Hà Nội thờ các phật A Di Đà, Phật Thích Ca Mâu Ni, Phật Quan Âm Bồ Tát. Đến nay, trong chùa còn giữ nhiều pho tượng Phật có giá trị to lớn, điển hình là 14 tấm bia đá có bia của tiến sĩ Phạm Quý Thích (1760 - 1825) và trạng nguyên Nguyễn Xuân Chính (1587 - 1693). Các văn bia ghi lại đầy đủ những lần cải tạo chùa trong những năm 1624, 1628, 1639, 1815, 1821, 1842.
Trong chùa có cây bồ đề do Tổng thống Ấn Độ Rajendra Prasad vun trồng khi sang thăm Việt Nam năm 1959. Dù trải qua thời gian dài cũng như nhiều đợt trùng tu nhưng chùa Trấn Quốc vẫn giữ được nét đặc trưng của kiến trúc Phật giáo.
Nhắc tới chùa Trấn Quốc Hà Nội không thể bỏ qua vườn tháp nổi tiếng với nhiều tháp cổ từ thế kỷ 18. Trong đó, Bảo tháp lục độ đài sen 11 tầng, cao 15m đứng sừng sững uy nghiêm hàng chục năm qua. Chùa đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia vào năm 1962.
Địa chỉ: Số 73, Phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
Ngôi chùa thiêng nổi tiếng ở Hà Nội khác phải kể tới chùa Quán Sứ. Đây là ngôi chùa thiêng ở Hà Nội, được xây dựng từ thế kỷ 15, đến năm 1980 trở thành trụ sở Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Chùa Quán Sứ có phần cổng chùa đầy ấn tượng, được xem như biểu tượng của chùa.Cổng chùa có 3 tầng mái tỏa rộng từ trên xuống dưới. Phần đỉnh nóc có 3 ngọn tháp, một cách trang trí phổ biến vào cuối thời Nguyễn. Các họa tiết trang trí của chùa đều đã nhuốm màu rêu phong nhưng vẫn toát lên sự tinh tế và sáng tạo.
Bước qua cổng Tam quan, khách du lịch sẽ đến với phần sân rộng chừng 20m, lát gạch. Nơi này thường diễn ra các khóa lễ, hành lễ của các tín đồ Phật tử. Tòa chính điện chùa Quán Sứ - chùa thiêng ở Hà Nội có hình vuông, nằm trên nền đất cao, hành lang ở xung quanh. Điện Phật của chùa Quán Sứ được bài trí khéo léo, thể hiện sự tôn nghiêm, có các pho tượng lớn thếp vàng lộng lẫy.
Tầng cao nhất ở điện đặt tượng Tam thế Phật, kế tiếp là tượng Phật A di đà, hai bên có tượng Quan Thế Âm và Đại Thế Chí. Phía dưới là tượng Phật Thích ca, A-nan-đà và Ca-diếp ở hai bên. Ở gian Quan âm của chùa trưng bày pho tượng Thích Thanh Tứ, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, chế tác tại Thái Lan với kích cỡ như người thật.
>>Xem thêm: Khám phá con phố Hà Nội thú vị nhất thế giới - Phố Quảng An Tây Hồ
Địa chỉ: Khu du lịch quốc gia Hương Sơn, Huyện Mỹ Đức, Hà Nội
Chùa Hương không còn xa lạ với nhiều người khi nhắc tới những ngôi chùa thiêng nổi tiếng ở Hà Nội. Vào dịp đầu năm mới, nơi đây đón tiếp hàng nghìn du khách từ khắp nơi đổ về để du ngoạn và chiêm bái.
Cách trung tâm TP Hà Nội khoảng 60km, bạn sẽ mất khoảng 1 tiếng 15 phút di chuyển bằng ô tô tới chùa Hương. Khoảng cách này có thể đi về trong ngày đều được.
Giá vé thăm quan chùa Hương Hà Nội cụ thể:
+ Giá vé thuyền đò tuyến Hương Tích: 85.000 đồng/người cho 2 lượt
+ Giá vé tuyến Long Vân giá 65.000 đồng/người 2 lượt
+ Giá vé tuyến Tuyết Sơn giá 65.000 đồng/người 2 lượt
+ Giá vé thắng cảnh là 120.000/người/lượt; vé ưu tiên: 60.000/người/lượt (giá vé trên đã có 2.000 đồng bảo hiểm).
+ Giá vé cáp treo khứ hồi: 220.000 đồng/người lớn, 150.000 đồng/trẻ em. Giá vé một lượt: 150.000 đồng/người lớn, 100.000 đồng/trẻ em.
+ Giá vé vận chuyển khách bằng xe điện: 20.000 đồng/người/lượt.
Tới quần thể chùa Hương - ngôi chùa thiêng nổi tiếng ở Hà Nội, khách du lịch sẽ được chiêm ngưỡng cảnh đẹp ở nhiều địa danh. Suối Yến là con đường duy nhất đưa bạn vào Chùa Hương theo đường thủy. Trên hành trình ngồi thuyền lênh đênh trên sông, bạn vừa được ngắm thiên nhiên non nước hùng vỹ, nên thơ vừa được trò chuyện với những người chèo thuyền thân thiện.
Bên trong động Tiên Sơn có hệ thống thạch nhũ hình dạng khác nhau, nào là hình ngà voi trắng, bàn tay Phật, hình trái tim... cho bạn tha hồ ngắm nghía. Trong động không khí mát lành, giúp du khách đánh bay mệt mỏi sau một hành trình dài.
Chùa Thiên Trù trong quần thể chùa Hương Hà Nội có địa thế lưng tựa vào núi huyền bí và hùng vỹ. Ngôi chùa cổ kính có mái ngói gạch phủ rêu phong. Đặc biệt, vào những ngày đầu xuân khi mùa hoa gạo đến, xung quanh chùa càng thêm rực rỡ khi được điểm xuyến thêm sắc đỏ vô cùng bắt mắt.
Ở chùa Hương có lễ hội thường tổ chức vào dịp đầu năm Âm lịch, từ tháng Giêng và kéo dài tới tháng 4 thu hút rất đông du khách. Lễ khai hội Chùa Hương 2025 được khai hội vào ngày 3/2/2025. Trong lễ hội chùa Hương, ngoài phần lễ long trọng còn có phần hội với nhiều trò chơi như bơi thuyền, leo núi, hát chèo... đầy sôi động. Như vậy, hãy lập kèo sớm để cùng gia đình tới đây khám phá, vui chơi nhé.
Địa chỉ: Cạnh quần thể Quảng trường Ba Đình và Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quận Ba Đình, Hà Nội
Trong danh sách ngôi chùa thiêng nổi tiếng ở Hà Nội mà bỏ qua chùa Một Cột thì quả là thiếu sót. Ngôi chùa này được xem như biểu tượng văn hóa của mảnh đất Thăng Long, từng được Tổ chức kỷ lục châu Á vinh danh là Ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất châu Á. Trải qua bao thăng trầm của thời gian và lịch sử, chùa Một Cột vẫn đứng sừng sững, vẫn toát lên khí chất tao nhã giữa lòng Thủ đô.
Tương truyền, chùa Một Cột được xây dựng theo giấc mơ của nhà vua Lý Thái Tông (1028-1054). Vua mơ thấy Quan Thế Âm Bồ Tát trên một đài sen, sau đó còn mời vua ngự cùng. Vua kể giấc mơ lại với nhà sư Thiền Tuệ va được khuyên xây chùa với cột đá, tòa sen như đã thấy trong giấc mơ. Ngôi chùa được đặt tên là Diên Hựu.
Tới đời vua Lý Nhân Tông, chùa Một Cột được mở rộng đẹp hơn, đưuọc xây thêm hồ Liên Hoa Đài, hồ Bích Trì và bảo tháp. Năm 1954, Chùa Một Cột bị phá hủy do chiến tranh sau đó đã được trùng tu dựa trên bản vẽ lưu lại từ thời nhà Nguyễn. Đến năm 1955 thì hoàn thành. Từ đó, Chùa Một Cột liên tục được bảo tồn như một di sản của nước nhà.
Chùa Một Cột - ngôi chùa thiêng nổi tiếng ở Hà Nội này là công trình thể hiện sự tinh tế, sáng tạo của hội họa, kiến trúc cũng như điêu khắc. Để lên được chính điện, khách du lịch Hà Nội sẽ bước qua 13 bậc thang rộng khoảng 1,4m. Điểm nhấn khác của Chùa Một Cột là cây bồ đề cổ thụ xum xuê được đem về từ Ấn Độ, do Tổng thống Rajendra Prasad tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân chuyến thăm năm 1958.
Tới chùa Một Cột dịp đầu xuân, ai cũng mang theo một tấm lòng thành kính, mong cầu một năm mới mạnh khỏe, may mắn. Cảnh quan, cây cối, không khí xung quanh chùa cũng giúp tâm hồn ta thêm thư thái, nhẹ nhõm.
Địa chỉ: Thôn Thụy Khuê, Xã Sài Sơn, Huyện Quốc Oai, Hà Nội
Chùa Thầy (Thiên Phúc Tự) là ngôi chùa có lịch sử hơn 1000 năm, được nhiều người yêu thích ghé thăm trong dịp năm mới. Nằm ngay núi Phật Tích, chùa Thầy là một quần thể di tích và danh thắng độc đáo. Ba tòa Tiền đường - Điện Phật - Điện Thánh trong chùa được xếp thành chữ Tam tạo nên sự đồ sộ, hào hùng. Chùa còn có quần thể hang động kỳ thú, cho bạn thăm quan cả ngày không biết chán.
Chùa Thầy nằm ở ngoại thành Hà Nội mang dáng vẻ cổ kính theo thời gian, khác hẳn với vẻ hiện đại của trung tâm thành phố. Ghé thăm chùa Thầy, du khách như lạc về một vùng quê yên ả, thanh bình. Đặc biệt, vào mùa xuân, người ta kéo nhau về chùa Thầy - ngôi chùa thiêng nổi tiếng ở Hà Nội rất đông để tham dự lễ hội đầu năm.
Ngôi chùa lâu đời này còn được biết đến với những cây hoa gạo đẹp mê hồn, cứ đến tầm tháng 3 là ra hoa đỏ rực cả một khoảng trời. Hoa gạo nở bên hồ nước, in bóng xuống mặt hồ, thỉnh thoảng lại có những bông hoa rụng xuống tạo nên cảnh sắc rất đỗi nên thơ, lãng mạn.
>>Xem thêm: Cẩm nang du lịch Hà Nội từ A-Z
Trong chuyến du xuân đầu năm tại các ngôi chùa, bạn bỏ túi một số kinh nghiệm hữu ích dưới đây:
+ Tới chùa, du khách nên diện trang phục lịch sự, kín đáo, không mặc váy, quần quá ngắn hay hở hang
+ Không được xả rác ra khuôn viên chùa, không tự ý hái hoa bẻ cành hay chạm khắc vào chùa, các hang động... xung quanh chùa
+ Nhiều ngôi chùa có quy định riêng về việc mang đồ ăn thức uống, bạn cần tìm hiểu trước để tránh các tình huống phát sinh
+ Nhiều chùa tổ chức lễ hội đầu xuân, bạn nên xem trước thời gian nếu muốn tham dự. Ngoài ra, các lễ hội sẽ khá đông người nên bạn cần bảo vệ tư trang, tài sản cá nhân của mình.
Trên đây là thông tin về ngôi chùa thiêng nổi tiếng ở Hà Nội cho bạn và gia đình tham khảo. Theo dõi Du lịch Việt Nam để cập nhật thêm nhiều điểm đến mới cùng kinh nghiệm vi vu hữu ích trong chuyến đi sắp tới của mình nhé.
Yến Yến