Không ít người đã nghe danh “thủ phủ chùa tháp Sóc Trăng” nơi có nhiều ngôi chùa lộng lẫy như cung điện, không kém gì xứ chùa Vàng Thái Lan. Gần đây, giới trẻ nô nức tìm đến Bảo tháp chùa Som Rong để có những bức ảnh check-in đẹp đến ma mị.
Chùa Bôtum Vong Sa Som Rong (Wat Pătum Wôngsa Som Rông), hay còn gọi là chùa Som Rong, tọa lạc tại số 367 đường Tôn Đức Thắng, khóm 2, phường 5, TP. Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng, cách chùa Kh’leang khoảng gần 2 cây số về hướng thị trấn Đại Ngãi.
Chùa Som Rong được đặt tên theo loài cây dại Som Rong có hoa Bôtum sinh sôi phát triển rậm rạp ở vùng đất quanh chùa. Hiện trong khuôn viên chùa vẫn còn 2 cây som rong cổ thụ.
Theo lời trụ trì, chùa đã có trên 600 năm lịch sử. 300 năm trước, chùa dời tới vị trí hiện tại cách nền đất cũ khoảng 1 cây số, đất do các Phật tử cúng dường. Những kiến trúc Khmer tuyệt đẹp của ngôi chùa thu hút du khách thập phương hiện nay mới được hoàn thành trong 10 năm trở lại đây.
Quần thể chùa xây dựng trên tổng diện tích 5 ha gồm chánh điện, sa la, bảo tháp, thư viện và tượng Phật nằm lớn nhất Việt Nam.
Cổng chùa phủ nhũ vàng, trang trí bằng nhiều hình tượng trong văn hóa Khmer như rắn thần Naga, chim thần Krud nửa người nửa chim,... 5 ngọn tháp trên cổng là biểu tượng của núi Tu-di, một ngọn núi thiêng là trung tâm vũ trụ trong quan niệm Phật giáo.
Lối vào chùa trồng nhiều cây sao cổ thụ hàng chục năm tuổi, cao lớn sừng sừng tỏa bóng mát.
Chánh điện là nơi thờ Phật chính, cũng là nơi thiền định, hành tăng sự và làm lễ đại giới đàn của chư tăng đang tu tập tại chùa. 6 hàng trụ nâng đỡ Chánh điện. 3 tầng mái chồng theo kiểu kiến trúc chùa Khmer đặc trưng, mỗi gốc của tầng mái được trang trí hình tượng Rồng.
Phần góc tiếp xúc của mái ngang và cột dọc đắp nổi hình tượng nữ thần Keynor đỡ mái. Trên những vách tường và trần của chánh điện là những bức bích họa mô tả về cuộc đời của Đức Phật Thích Ca.
Bệ thờ trong chánh điện thờ nhiều tượng Đức Phật Thích Ca. Hai tượng Phật Thích Ca bằng gỗ trong tư thế đứng đã được tạc từ gần 300 năm trước.
Bảo tháp đặt ngay lối đi vào chùa, song song với ngôi chánh điện, xây dựng trên diện tích 100 m2, cao 25 m là nơi lưu giữ hơn 400 lọ tro cốt của các vị cố hòa thượng, thượng tọa và trụ trì chùa.
Thay vì màu vàng truyền thống, tháp sơn màu xám trông uy nghi, cổ kính như tạc từ đá nguyên khối. Tháp bốn mặt với bốn lối đi đại diện cho từ, bi, hỷ, xả, chạm khắc nhiều hoa văn Khmer tinh xảo. Lối lên bảo tháp đặt hình tượng rắn thần Naga.
Đây cũng chính là điểm check-in cực hot của chùa Som Rong. Tòa Bảo tháp lên ảnh đẹp lạ kì, tỏa ra không khí tâm linh huyền bí.
Nhiều bạn trẻ lựa chọn khung giờ check-in lúc hoàng hôn, khi ánh nắng cam ngả sang sắc tím huyền ảo mạ lên từng đường nét hoa văn. Nếu bắt trúng được khoảnh khắc đàn bồ câu tung cánh trên đỉnh tháp, bạn sẽ thu được bức ảnh với phông nền đẹp rung động lòng người.
>> Xem thêm: Chi tiết từ A-Z về kinh nghiệm du lịch Sóc Trăng
Nhà sala (có nghĩa là Lễ đường) cũng là Giảng đường và tăng xá của chùa Som Rong khánh thành năm 2017 với diện tích hơn 1 ha, tổng kinh phí gần 16 tỷ. Nhà sala là nơi chuyên dùng để tiếp khách, tổ chức lễ cúng dường, tổ chức các đại lễ truyền thống. Nó là một phần không thể thiếu trong quần thể kiến trúc chùa Khmer truyền thống.
Lối dẫn vào sala trang trí hình tượng M’ko (một con quái thú trông giống con cá) nhả Rồng. M’ko là hóa thân từ một sợi tóc của nữ thần sông Hằng, nó hung hăng nuốt chửng vạn vật cho tới khi bị thần Siva thu phục, buộc M’ko phải nhả những thứ nó đã nuốt.
Tại các công trình tôn giáo của người Khmer rất thường gặp hình ảnh M’ko nhả các con vật, đặc biệt là nhả Rồng. Trong văn hóa Khmer, hình ảnh này là biểu tượng của sự sung túc, thịnh vượng.
Thư viện chùa Som Rong chính là sala cũ. Hiện ở đây cất giữ hơn 1500 cuốn sách phục vụ nhu cầu học tập tri thức của sư sãi, học sinh, bà con Phật tử và dân chúng địa phương.
Nhà khách hay còn được gọi là nhà đa năng chùa Som Rong vừa là nhà ăn, vừa là nhà khách, cung cấp nơi nghỉ ngơi qua đêm cho bà con Phật tử cả ngày thường lẫn dịp lễ hội nườm nượp khách thập phương. Mỗi mùa Lễ hội Oóc Om Bóc, nhiều đội tham gia hội đua ghe ngo - môn thể thao vua của miền sông nước Nam Bộ - cũng nghỉ tại đây.
Trong khuôn viên chùa có Tượng Phật Thích Ca nhập Niết Bàn uy nghiêm mà du khách có thể nhìn thấy từ xa, ởi bức tượng này có kích thước khổng lồ dài 63 mét, cao 22,5 mét, nặng 490 tấn, đặt trên cao khoảng 28 mét so với mặt đất.
Tượng mới hoàn thành năm nay, tạo nên vẻ đẹp hài hòa với toàn thể kiến trúc chùa Som Rong, trở thành một điểm nhấn du lịch tâm linh Sóc Trăng thu hút du khách thập phương.
Chùa là nơi trang nghiêm thờ Phật, có nhiều sư sãi đang tu tập, vì vậy các bạn diện quần áo đẹp tới check-in nên lựa chọn những bộ xinh mà vẫn lịch sự, kín đáo.
Khuôn viên chùa có nhiều tượng con vật như voi, rắn,… Nếu đi cùng các em nhỏ, bạn hãy nhắc nhở các em không được leo trèo vì đây là những biểu tượng linh thiêng của đồng bào Khmer.
Chợ nổi Ngã Năm ở thị xã Ngã Năm, cách TP. Sóc Trăng khoảng 60 km. Nhiều du khách dậy từ 4-5 giờ sáng để đi chợ nổi trải nghiệm cuộc sống nơi sông nước miền Tây. Chợ họp từ 4-5 giờ sáng, đông nhất lúc 6-7 giờ với hàng trăm ghe thuyền huyên náo. Vào dịp Tết, từ sau 23 tháng Chạp, chợ hầu như họp cả ngày.
Cồn Mỹ Phước có diện tích 1020 ha, là vườn cây trái đa dạng và rộng lớn nhất tỉnh Sóc Trăng. Ở đây trồng đủ loại trái cây miền Nam thơm ngon như chôm chôm, sầu riêng, măng cụt, xoài, nhãn,... Ngoài vườn cây, trại nuôi ong lấy mật cũng là điểm đến hấp dẫn du khách.
Cồn Mỹ Phước hút khách nhất dịp Tết Đoan ngọ, mùa cây trái sai trĩu quả.
Chùa Dơi hay chùa Mã Tộc, chùa Mahatup tọa lạc tại đường Văn Ngọc Chính, phường 3, thành phố Sóc Trăng. Một điểm nhấn đặc biệt của chùa Dơi chính là kì cảnh bầy dơi treo mình trên khắp các tán cây trong khuôn viên chùa. Đây cũng là một điểm đến ở Sóc Trăng thu hút giới trẻ tới check in.
Cùng với các ngôi chùa Khmer ở Sóc Trăng như chùa Dơi, chùa Kh’leang , chùa Chrôi Tưm Chắs,... chùa Som Rong gắn liền với đời sống sinh hoạt của người dân địa phương, là nơi lưu giữ văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer.
Có dịp du lịch Sóc Trăng, đừng quên ghé chùa Som Rong chụp choẹt vài bức ảnh đẹp xịn như du lịch nước ngoài và thả mình khám phá không gian văn hóa độc đáo của đồng bào Khmer bạn nhé!
Rơm
(Theo Báo Thể Thao Việt Nam)