Thay vì ghi chép vào sổ sách, nghệ thuật dân ca quan họ được lưu truyền từ đời này qua đời khác, thế hệ này sang thế hệ khác qua truyền khẩu. Cứ vậy, đến tận ngày nay, quan họ vẫn là một nét đẹp trong văn hóa sinh hoạt của người dân Bắc Ninh, Bắc Giang.
Dân ca quan họ là một loại hình nghệ thuật nổi tiếng ở Việt Nam từ xa xưa, phổ biến ở vùng châu thổ sông Hồng phía Bắc, trở thành niềm tự hào của người dân Kinh Bắc. Đây vốn là một tỉnh cũ gồm Bắc Giang, Bắc Ninh, một phần Hưng Yên, Lạng Sơn và Hà Nội ngày nay.
Dân ca quan họ được cấu thành bởi nhiều yếu tố là âm nhạc, trang phục, lời ca... tất cả phản ánh cuộc sống muôn màu muôn vẻ của người dân Kinh Bắc xưa. Điểm đặc trưng nhất mà du khách có thể thấy ở quan họ là lối hát giao duyên, đối đáp giữa các liền anh, liền chị trong trang phục gồm có khăn mỏ quạ, áo, thắt lưng... Cả 2 bên sẽ cùng hát chung một giai điệu nhưng lại khác về mặt lời ca cũng như giọng điệu, trong đó dân ca có tới 213 giọng, hơn 400 bài ca.
Một số bài dân ca quan họ nổi tiếng mà chắc hẳn nhiều người đã từng nghe tới là “Người ơi người ở đừng về”, “Mời trầu”, “Giã bạn”… với ca từ sâu lắng, thể hiện trọn vẹn tâm tư, tình cảm của ông cha ta ngày trước.
>>Xem thêm: 5 trải nghiệm nên thử ở Việt Nam siêu độc đáo hút khách du lịch
Khi tìm hiểu về nguồn gốc dân ca quan họ, bạn sẽ càng thêm hiểu và yêu mến hơn làn điệu này. Vùng đất Kinh Bắc vốn có rất nhiều làng nghề và nét văn hóa đa dạng từ lâu đời. Người dân nơi đây cần cù, chịu khó, yêu thương đùm bọc nhau... và đã chuyển hóa thành những lời ca, những làn điệu tha thiết của quan họ.
Nghệ thuật dân ca quan họ phát triển mạnh tại Bắc Ninh và rải rác một vài nơi ở Bắc Giang nên đến nay nhắc tới quan họ người ta thường nghĩ ngay tới Bắc Ninh. Trên mảnh đất Bắc Ninh, Bắc Giang có nhiều dân tộc anh em sinh sống nhưng độc đáo thay quan họ chỉ tồn tại trong cộng đồng dân tộc Kinh.
Không ghi chép sổ sách, quan họ được lưu truyền từ đời này sang đời khác theo hình thức truyền miệng. Cứ như vậy, đến tận hiện nay nên không ai nắm rõ nguồn gốc dân ca quan họ xuất hiện từ bao giờ và như thế nào.
Không ít người cho rằng quan họ bắt nguồn từ nền âm nhạc cung đình khi tách hai chữ “quan” và “họ”. Một số khác lại truyền miệng về sự tích một ông quan nọ khi qua vùng Kinh Bắc đã bị hấp dẫn bởi tiếng hát của các liền anh liền chị mà phải dừng bước (“họ”).
Có ý kiến khác lại đưa ra quan họ để thể hiện quan hệ của một nhóm người yêu thích âm nhạc quan họ xứ Kinh Bắc. Tuy nhiên, các nhận định lý giải trên vẫn chưa được đa số học giả chấp nhận, chưa sát với hình thức, không gian sinh hoạt của loại hình nghệ thuật này. Nguồn gốc dân ca quan họ vẫn là điều mà nhiều du khách thắc mắc nhưng dù xuất xứ ra sao, lối hát đối đáp này vẫn trở thành nét văn hóa biểu tượng của Bắc Ninh và Bắc Giang.
Năm 2009, cùng với ca trù, dân ca quan họ đã được tổ chức UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Hiện nay, trong danh sách bảo tồn, phát triển di sản văn hóa đã thống kế có tất cả 67 làng quan họ, Bắc Giang có 23 làng, Bắc Ninh có 44 làng. Tuy nhiên, tổ chức UNESCO ban đầu chỉ công nhận 49 làng Quan họ.
Nếu muốn tìm hiểu sâu về loại hình độc đáo này, khách du lịch Bắc Ninh có thể ghé các làng quan họ ở huyện Yên Phong, Từ Sơn, Tiên Du. Ở Bắc Giang, làng quan họ ở huyện Việt Yên, Yên Dũng, Hiệp Hòa. Có thể thấy rằng, các làng quan họ từ xa xưa đều ở địa phận giáp ranh Bắc Ninh – Bắc Giang gắn với con sông Cầu hiền hòa.
Với nghệ thuật dân ca quan họ, trang phục cũng là một yếu tố quan trọng tạo nên nét đặc trưng của nó. Trang phục quan họ không phô trương mà hướng tới sự thanh nhã, trang trọng nhưng không kém phần thân quen.
Các liền anh sẽ mặc áo dài, áo the, dưới mặc quần trắng, đội khăn xếp đen, đi giầy Gia Đình, tay cầm thêm ô Lục Soạn. Còn liền chị mặc áo dài ba lớp, trong đó lớp ngoài là áo the mỏng phủ lên sắc đỏ sắc xanh của lớp bên trong tạo nên sự nổi bật hài hòa. Dưới thắt lưng được cột thành nơ trước bụng.
Một phụ kiện không thể thiếu nữa của liền chị là khăn vấn làm bằng nhung, khăn đen mỏ quạ đội đầu, buộc một cách khéo léo thành hình như búp hoa sen. Trên tay cầm thêm chiếc nón ba tầm to tròn. Tất cả tạo nên một văn hóa trang phục truyền thống của dân ca quan họ xứ Kinh Bắc.
Chất liệu làm nên trang phục thanh tạo của quan họ chủ yếu bằng lụa Hà Đông, bằng vải the, vải Lĩnh hoặc sa tanh. Ngay từ chiếc khăn vấn đầu cũng thể hiện sự khéo léo của ông cha ta khi khoe ra khuôn mặt trái xoăn của liền chị, còn với liền anh, khăn xếp theo quy luật âm dương, tạo nên khuôn mặt thanh tú ấn tượng.
So với trước đây, trang phục quan họ ngày nay được cải tiến rõ ràng cả về chất liệu và tính thẩm mỹ. Khổ vải rộng nên không còn phải may chắp 4 mảnh như xưa, giúp trang phục thanh thoát, mềm mại hơn.
Dân ca quan họ có nhịp điệu vừa phải, chủ yếu sử dụng loại nhịp 2/4 hoặc 4/4. Tiết tấu bình ổn, không nhanh, sóng sánh, trữ tình, ít có trường hợp đảo phách hay chấm dậy. Phần lớn nghệ thuật dân ca quan họ dùng quãng đơn, nhiều nhất là quãng 3 thứ và quãng 4.
Các bài dân ca quan họ có phần chuyển giọng qua lại rất tự nhiên, nhẹ nhàng, chủ yếu chuyển qua bậc II, nhưng vẫn xuất hiện những bài chuyển qua bậc IV. Một điểm dễ nhận biết trong quan họ chính là chất liệu thi ca của truyện nôm, ca dao, tục ngữ... được đưa nhiều vào lời bài hát nên khi nghe ta sẽ thấy thân thuộc, sâu sắc.
Theo kinh nghiệm đi Bắc Ninh, hát quan họ có rất nhiều hình thức như hát thờ, hát mừng, hát đối đáp, hát hội, hát canh... trong đó hình thức hát thờ, hát đối đáp quan họ là những hình thức hát chính, phổ biến nhất.
Hát đối đáp trong quan họ có thể là đối đáp nam – nữ, đối lời, đối giọng, hát đối giữa đôi nam – đôi nữ... có luật lệ và lề lối riêng.
Hát đối nam – nữ trong dân ca quan họ Bắc Ninh thì nữ sẽ hát trước sau đó nam đối lại, cứ thế kéo dài hết cả canh hát. Khi đối, bên nữ có làn điệu thế nào thì bên nam cũng phải đối giọng theo làn điệu đó. Về phần lời đối cũng phải chú ý, đối một cách khéo léo. Khi đối cả giọng và lời thì mới được gọi là màn hái đối đáp nam – nữ hoàn chỉnh. Nhìn chung, hát đối đáp quan họ đòi hỏi sự sáng tạo và nâng cao về vốn thơ ca, âm nhạc, kỹ năng của người nghệ sĩ.
Trong dân ca quan họ Bắc Ninh, nghi lễ hát thờ quan họ cũng là một hình thức hát phổ biến quan trọng, được thể hiện chủ yếu ở trong đình, đền vào ngày hội để mong cầu mưa thuận gió hòa, làm ăn may mắn, mùa màng bội thu cũng như ca ngợi công ơn của thành hoàng làng, các vị thánh được thờ trong đình, chùa, đền.
Khi các quan họ có cả nam, nữ đến hội làng để hát vui thì mỗi nhóm phải sắm sửa trầu cau, hoa quả để làm lễ. Họ sẽ được các vị bô lão trong làng tiếp đón nồng hậu, trang trọng sau đó đặt lễ cúng thánh trong tiếng trống uy nghi, vang dội.
Các nhóm quan họ sẽ ca một đôi bài để chúc thánh, chúc dân, cũng như cầu mong vị thần chứng giám cho tình bạn của hai làng Quan họ, để họ được vui chơi, đi lại, hát quan họ danh chính. Khi đã thực hiện nghi lễ hát thờ quan họ rồi các nhóm quan họ đều được dân làng yêu quý và bảo trợ. Như vậy, trong quan họ gọi đó là hát lễ thờ.
Theo các nhà nghiên cứu, nghệ thuật dân ca quan họ truyền thống chỉ tồn tại ở 49 làng xứ Kinh Bắc với quy định ngặt nghèo cùng lời ca dân dã, mộc mạc. Quan họ truyền thống sẽ không có nhạc đệm, thường được hát vào dịp lễ hội đầu năm ở các làng quê giữa các liền anh liền chị.
Người dân Kinh Bắc xưa thường gọi là “chơi quan họ” và một số bài ca vẫn còn được biết đến nhiều đến tận ngày nay như Cây gạo, Hừ La, La rằng, Ban kim lan, Tình tang, Cái ả, Mời nước mời trầu...
Quan họ mới sẽ được gọi là “hát quan họ” chủ yếu biểu diễn trên sân khấu, phục vụ lễ hội, khách du lịch, lễ Tết... Đối tượng người nghe cũng không chỉ giới hạn trong khuôn khổ làng xã mà còn vươn ra tầm thế giới. Nhiều bài quan họ mới cải biên quan họ truyền thống, tạo nên âm điệu phù hợp với thị hiếu người nghe hiện nay. Ấy vậy mà dù là quan họ cũ hay mới cũng đều là kinh nghiệm đúc kết qua hàng chục, hàng trăm năm.
Dù cuộc sống đang đô thị hóa, sân khấu truyền thống cũng mai một nhiều nhưng về với miền đất quan họ Bắc Ninh, Bắc Giang, bạn vẫn sẽ thấy bến nước, gốc đa, mái đình ẩn chứa cả tinh thần quan họ. Dù thời gian có trôi đi bao lâu, bao xa đi chăng nữa, câu quan họ vẫn được truyền từ đời này sang đời khác với sức sống bền bỉ, ấn tượng, thu hút khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế.
Hằng năm, vào dịp xuân, người dân Bắc Ninh đều trở về quê hương để trẩy hội và nghe hát quan họ. Trai gái làng quan hệ nô nức rủ nhau ca hát, từng cặp từng cặp tại sân đình, sân đền, ở ven sông Cầu...
Trong đó, lễ hội Lim Bắc Ninh có phần lễ trang nghiêm, phần họi với nhiều trò chơi dân gian là nơi thể hiện văn hóa quan họ đặc sắc nhất. Các liền anh liền chị hát từ cửa đình, dưới thuyền đến trên sân khấu... Tới đây, bạn sẽ có dịp tìm hiểu sâu sắc nhất về loại hình nghệ thuật này.
Trên đây là thông tin về nghệ thuật dân ca quan họ cho những ai đang muốn tìm hiểu về xứ Kinh Bắc. Theo dõi Du lịch Việt Nam để cập nhật thêm nhiều điểm đến mới cùng những nét văn hóa độc đáo cho hành trình vi vu tiếp theo của mình nhé.
Yến Yến
Theo Báo Thể Thao Việt Nam