Banner Movi

Trải nghiệm những nét văn hóa tín ngưỡng độc đáo tại lễ hội vía Bà Chúa Xứ Núi Sam

Thứ ba, 30/05/2023, 13:19 GMT+7

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam được xem là một trong những lễ hội lớn nhất vùng Nam Bộ, thu hút hàng triệu du khách thập phương với rất nhiều hoạt động đặc sắc, hấp dẫn.

quảng cáo

Trong những năm gần đây, An Giang đang trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn tại khu vực miền Tây. Nơi đây hớp hồn du khách bởi khung cảnh thiên nhiên bình yên, nên thơ cùng nền văn hóa đặc sắc. Không chỉ vậy, hằng năm mảnh đất An Giang còn tổ chức rất nhiều lễ hội lớn. Một trong những lễ hội cực kỳ nổi tiếng, đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của An Giang không thể không nói đến đó chính là lễ hội vía Bà Chúa Xứ Núi Sam. Hằng năm cứ vào khoảng tháng 4 âm lịch, hàng triệu du khách từ khắp mọi miền Tổ quốc lại đổ về miếu bà Chúa Xứ để có cơ hội được tham gia lễ hội độc đáo này. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về lịch sử, nguồn gốc cũng như ý nghĩa của lễ hội vía Bà Chúa Xứ nhé.

>> Xem thêm: Cẩm nang du lịch Việt Nam A - Z


1 – Miếu Bà Chúa Xứ ở đâu?

Miếu Bà Chúa Xứ là một địa điểm du lịch tâm linh vô cùng nổi tiếng của khu vực miền Tây, tọa lạc ngay dưới chân dãy núi Sam hùng vỹ, thuộc phường núi Sam, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang. Từ lâu nơi đây đã được xem là một trong những quần thể tâm linh quan trọng bậc nhất khu vực Tây Nam Bộ, thu hút hàng triệu lượt khách du lịch từ khắp mọi miền Tổ quốc ghé tham quan mỗi năm.

 

lễ hội vía Bà Chúa Xứ Núi SamLễ hội vía Bà Chúa Xứ là một lễ hội nổi tiếng của tỉnh An Giang. Ảnh: baomoi

Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam đã có lịch sử từ cách đây hàng trăm năm. Ban đầu nơi đây chỉ được xây dựng bằng gỗ, tre lá đơn sơ, mộc mạc. Năm 1870, người dân trong làng đã góp công sức để xây dựng lại một ngôi chùa bằng gạch khang trang hơn. Đến năm 1972 – 1976, hai kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng và Huỳnh Kim Mảng đã thiết kế và xây dựng lại ngôi chùa quy mô, hoàng tráng như hiện nay. Nhìn từ trên cao, ngôi chùa tựa như một bông qua sen khổng lồ, với những chi tiết trạm trổ cực kỳ tinh xảo, khiến bất cứ ai khi đặt chân đến cũng phải trầm trồ.

 

lễ hội vía Bà Chúa Xứ Núi SamLễ hội thu hút hàng triệu lượt khách từ khắp mọi miền Tổ quốc. Ảnh: vntrip


2 – Nguồn gốc ra đời của lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam

Ẩn chứa phía sau sự ra đời của lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam là những câu chuyện truyền thuyết ly kỳ. Theo tương truyền, vào khoảng những năm 1820 – 1825, khi quân Xiêm chiếm nước ta đã gặp một pho tượng đá khổng lồ ngự trên đỉnh núi Sam. Chúng đã huy động hàng nghìn quân lính nhằm khiêng tượng xuống núi tuy nhiên dù cho bao nhiêu người, cố gắng bấy nhiêu đi chăng nữa thì cũng không thể nhấc được bức tượng lên được. Do quá tức giận một người trong số đó đã làm gãy cánh tay của tượng bà. Ngay sau đó người này đã bị trừng phạt khiến ai nấy đều cảm thấy sợ hãi.

 

lễ hội vía Bà Chúa Xứ Núi SamXung quanh miếu Bà Chúa Xứ có rất nhiều câu chuyện truyền thuyết ly kỳ. Ảnh: baonhandan

Một thời gian sau đó, rất nhiều người dân trong làng khi nằm ngủ đã mơ thấy Bà hiển linh, tự xưng là Bà Chúa Xứ. Trong giấc mơ, Bà đã báo mộng rằng mọi người hãy khiêng tượng xuống núi, lập miếu thờ. Như vậy Bà sẽ bảo vệ dân làng khỏi quân xâm lượng, phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Nghe theo lời báo mộng, toàn bộ dân làng đã tập trung lại để khiêng tượng Bà  xuống núi. Tuy nhiên dù có bao nhiêu thanh niên lực lưỡng cũng không thể xê dịch pho tượng đó. Bông dưng có một cô gái xuất hiện tự xưng là Chúa Xứ Thánh Mẫu nói rằng nếu muốn khiêng được Bà xuống núi phải có 9 cô gái đông trinh. Quả nhiên ngay sau đó 9 cô gái đồng trinh đã khiêng được tượng Bà xuống núi một cách dễ dàng. Từ đó trở đi, người dân địa phương đã xây miếu để thờ Bà Chúa Xứ.

 

lễ hội vía Bà Chúa Xứ Núi SamLễ hội đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh: dulichmientay

Lễ hội vía Bà Chúa Xứ Núi Sam cũng đã có lịch sử từ rất lâu đời. Đây được xem là một trong những lễ hội lớn nhất của An Giang, mang đậm những nét đặc trưng tín ngưỡng của người dân Nam Bộ. Ngày 19 tháng 12 năm 2014, lễ hội Bà Chúa Xứ An Giang đã được bộ Văn Hóa Thể Thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quóc gia. Năm 2016, tổ chức UNESCO cũng đã vinh danh lễ hội là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đây được xem là niềm tự hào vô cùng lớn lao của người dân An Giang nói riêng và của người dân khu vực Nam Bộ nói chung.

 

lễ hội vía Bà Chúa Xứ Núi SamĐến đây bạn còn được chiêm ngưỡng những nét kiến trúc tuyệt đẹp của ngôi chùa. Ảnh: dulichmientay


3 – Lễ hội vía bà Chúa Xứ Núi Sam được tổ chức khi nào?

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam được tổ chức vào khoảng thời gian từ 23/04 đến 27/04 âm lịch hằng năm. Mỗi lần diễn ra lễ hội, lại có hàng triệu du khách từ khắp mọi miền Tổ quốc đổ về vùng Châu Đốc An Giang để có cơ hội tham dự lễ hội, dâng hương lễ bái để cầu mong sức khỏe, bình an. Không chỉ nổi tiếng bởi sự linh thiêng, miếu Bà Chúa Xứ còn sở hữu những nét kiến trúc nguy nga, lộng lẫy, trở thành một điểm check in không thể bỏ lỡ dành cho du khách khi đến với An Giang.

 

lễ hội vía Bà Chúa Xứ Núi SamLễ hội thường được tổ chức vào tháng 4 âm lịch hằng năm. Ảnh: bld


4 – Lễ hội vía Bà Chúa Xứ Núi Sam có gì đặc sắc?

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam thường diễn ra trong khoảng 4 ngày, với hai phần chính gồm phần lễ và phần hội. Trong đó lại được chia thành nhiều nghi lễ nhỏ hơn. Mỗi nghi lễ đều được chuẩn bị công phu, tỉ mỉ, cử hành trong không khí trang trọng.


4.1 – Phần lễ

Phần lễ sẽ bao gồm: lễ rước tượng Bà xuống miếu thờ, Lễ tắm Bà, lễ Thỉnh Sắc ông Thoại Ngọc Hầu, lễ Túc Yết, lễ Xây Chầu, lễ Chánh Tế và lễ Hồi Sắc.

Lễ rước tượng Bà xuống miếu thờ sẽ diễn ra vào khoảng đêm 22, rạng sáng ngày 23 táng 4. Đến sáng ngày 24/4 sẽ cử hành nghi lễ Tắm Bà. Thực hiện nghi lễ này là 9 cô gái đồng trinh, được diễn ra rất kín đáo. Sau khi tắm xong, bộ trang phục cũ của Bà sẽ được cắt thành từng miếng nhỏ để phân phát cho du khách tham dự lễ hội. Họ xem những miếng trang phục này giống như những lá bùa sẽ đem đến cho mọi người sức khỏe, bình an.

 

lễ hội vía Bà Chúa Xứ Núi SamPhần lễ được cử hành trang nghiêm, long trọng. Ảnh: chinhphu

Một trong những nghi lễ hết sức quan trọng trong lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam đó là lễ thỉnh sắc ông Thoại Ngọc Hầu cùng 2 vị phu nhân. Nghi lễ này sẽ được diễn ra vào khoảng 15h ngày 24/4 và được thực hiện bởi những bô lão trong làng cùng ban quản trị miếu.

 

lễ hội vía Bà Chúa Xứ Núi SamMỗi nghi lễ đều ẩn chứa những ý nghĩa đặc biệt. Ảnh: baocantho

Lễ Túc Yết và lễ Xây Chầu được diễn ra vào đêm 25 rạng sáng 26 tháng 4 nhằm cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, người dân mạnh khỏe. Khi thực hiện nghi lễ, người ta sẽ dâng lên Bà một con heo sống, một đĩa huyết đỏ tươi, một mâm trái cây, một mâm trầu cau và một đĩa gạo muối. Lễ Chánh Tế và lễ Hồi Sắc được tổ chức vào ngày 27 tháng 4 và cũng là những nghi lễ kết thúc lễ hội.


4.2 – Phần hội

Việc được Bộ Văn Hóa Thể Thao và Du Lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia là điều kiện giúp lễ hội vía Bà Chúa Xứ Núi Sam được tổ chức ngày càng quy mô, hoành tráng hơn. Ngoài những phần nghi lễ long trọng, trong những năm gần đây lễ hội còn diễn ra với rất nhiều hoạt động đặc sắc, mang đậm những nét văn hóa của các dân tộc Kinh, Chăm, Hoa, Khmer,… Tại lễ hội, bạn sẽ được trải nghiệm rất nhiều hoạt động vui chơi, giải trí thú vị như: kéo co, cờ tướng, chọi gà, cờ người,…

 

lễ hội vía Bà Chúa Xứ Núi SamPhần hội diễn ra với rất nhiều hoạt động đặc sắc. Ảnh: 123tadi


5 – Một vài điều bạn cần lưu ý khi tam dự lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam

  • Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam thu hút rất đông du khách thập phương. Trong quá trình tham gia lễ hội, bạn cần để phòng trộm cắp, móc túi.
  • Du khách có thể dân lễ lên miếu thờ tuy nhiên không nên mang theo nhang đèn để đảm bảo an toàn cháy nổ.
  • Không được nhận lộc từ bất kỳ ai tự ý nhét vào tay để tránh bị mất tiền oan.

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam được xem là một trong những lễ hội đặc sắc nhất khu vực đồng bằng Sông Cửu Long. Hy vọng rằng qua đó bạn đã hiểu hơn về nguồn gốc, ý nghĩa của lễ hội và có được những trải nghiệm thú vị trong chuyến du lịch miền Tây sắp tới. Đừng quên theo dõi những tin tức du lịch An Giang mới nhất của chúng tôi nhé.

>> Xem thêm: Khám phá Miếu Bà Chúa Xứ An Giang – Quần thể tâm linh đẹp bậc nhất miền Tây sông nước

Quỳnh Nguyễn

Theo Báo Thể Thao Việt Nam

quảng cáo
Chia sẻ:
close
icom
Bình luận
Ý kiến bạn đọc (0)