Cùng với dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5, giỗ Tổ Hùng Vương cũng là một ngày trọng đại của nước ta. Trong dịp này, tại Phú Thọ diễn ra lễ hội Đền Hùng thu hút hàng triệu lượt khách tham gia với nhiều hoạt động ý nghĩa, hấp dẫn. Cứ dịp giỗ Tổ Hùng Vương, người dân từ Bắc hay Nam, không quản ngại đường xa đều quy tụ về đây để tưởng nhớ công ơn của người đi trước.
Lễ hội Đền Hùng được tổ chức ngay tại khu di tích Đền Hùng, thuộc xã Hy Cương, TP. Việt Trì, Tỉnh Phú Thọ. Đây là sự kiện trọng đại, hoành tráng với nhiều hoạt động hấp dẫn, đồng thời quảng bá các di sản văn hóa tỉnh Phú Thọ.
Vậy lễ hội Đền Hùng diễn ra vào lúc nào? Hàng năm, lễ hội thường diễn ra từ ngày 1/3 – 10/3 âm lịch, ngày hội chính là ngày 10/3. Năm 2023, lễ hội Đền Hùng kéo dài từ ngày 21-28/4 Dương lịch, tức ngày 2/3 – 10/3 Âm lịch.
Trong khuôn khổ Tuần Văn hóa - Du lịch đất Tổ, hàng chục sự kiện du lịch, văn hóa nhằm tôn vinh các giá trị di sản văn hóa dân tộc được tổ chức, thu hút hàng triệu lượt khách tới thăm quan.
Sau khi biết rõ lễ hội Đền Hùng diễn ra vào lúc nào, hãy chủ động lên kế hoạch về đất Tổ để vui chơi và khám phá những điều thú vị nhé.
Từ ngàn đời nay, “Uống nước nhớ nguồn” vẫn luôn là một giá trị truyền thống được người dân Việt Nam khắc ghi và lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Lễ hội Đền Hùng được tổ chức nhân dịp ngày giỗ Tổ Hùng Vương, như một thông điệp để nhắc nhở con cháu đời sau nhớ về công ơn của các vị vua Hùng trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước.
“Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba”
Dù ở xa xôi hay bất kỳ đâu trên mảnh đất chữ S, cứ đến ngày giỗ Tổ, người người lại kéo nhau về Phú Thọ để tham dự lễ hội văn hóa này. Từ năm 2007, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đã được công nhận là quốc lễ của nước ta. Đến năm 2012, lễ hội Đền Hùng được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể. Đây là niềm tự hào của người dân Phú Thọ nói riêng và Việt Nam nói chung.
>>Xem thêm: Đồi chè Long Cốc – nơi chốn lãng mạn ở Phú Thọ cho các bạn trẻ
Khu di tích Đền Hùng cách trung tâm TP Việt Trì 7km và cách Thủ đô Hà Nội khoảng 88km, thời gian di chuyển tầm 1 giờ 40 phút theo đường bộ. Cung đường đẹp nhất và được nhiều người lựa chọn nhất để tới Đền Hùng là hướng cao tốc Nội Bài –Lào Cai, đến nút giao Phù Đổng rẽ trái đi tiếp khoảng 9km nữa sẽ tới.
Ngoài ra, du khách còn có thể bắt xe khách, xe limousine đưa đón tận nơi để tới Đền Hùng. Một số nhà xe uy tín gợi ý cho khách du lịch là Hưng Thành, Trường An, Thủy Chính, Trường Sơn... Giá vé dao động từ 100.000 – 200.000 đồng/người tùy xe.
Bạn còn có thể tới Phú Thọ bằng đường tàu hỏa. Du khách xuống ở ga Việt Trì sau đó bắt xe bus hoặc xe taxi tới Đền Hùng, cách 80km. Theo kinh nghiệm đi Phú Thọ, cách di chuyển này phù hợp với những người rủng rỉnh thời gian vì khá lâu.
Các du khách từ TP Hồ Chí Minh hay Đà Nẵng, Cần Thơ... bay tới Hà Nội, sau đó tiếp tục hành trình như trên. Tốt nhất, bạn nên đến Hà Nội vào hôm trước, sau đó tiến hành di chuyển về Phú Thọ vào sáng sớm hôm sau để có thời gian nghỉ ngơi.
Lễ hội Đền Hùng gồm có 2 phần chính là phần lễ và phần hội. Hãy cùng Du lịch Việt Nam tìm hiểu chi tiết về những nét độc đáo trong lễ hội dưới đây nhé.
Phần lễ trong lễ hội Đền Hùng được tổ chức trang trọng, thành kính với sự tham gia của các đại biểu Chính phủ, Đảng, tỉnh thành. Nghi thức dâng hương, lễ vật tới Tổ Mẫu Âu Cơ và vua Hùng cùng các vị danh tướng được chuẩn bị rất thịnh soạn, chỉn chu.
Lễ vật thường gồm 1 lợn, 1 dê, 1 bò, bánh chưng, bánh dày, xôi nhiều màu sắc trong tiếng nhạc trống đồng cổ đầy hào khí. Khi tiếng trống bắt đầu vang lên, các chức sắc bắt đầu tế lễ, rồi đến các vị bô lão của làng xã sở tại và sau đó là du khách thập phương, người dân vào tế lễ trong các đền thờ.
Trong lễ hội Đền Hùng không thể thiếu nghi lễ hát Xoan – một loại hình dân ca gắn liền với Phú Thọ và nghi lễ rước kiệu. Tiếng hát, tiếng nhạc, tiếng trống vang lên trong lễ hội đền Hùng khiến du khách càng thêm rạo rực, củng cố hào khí dân tộc, một lòng đoàn kết và nhớ về cội nguồn.
Sau phần lễ sẽ đến phần hội của lễ hội Đền Hùng. Phần hội diễn ra đông vui, nhộn nhịp xung quanh khu vực núi Hùng. Các hoạt động văn nghệ, các trò chơi dân gian như rước kiệu, thi nấu bánh chưng, đấu vật, thi thổi cơm, hát xoan, kịch nói, hội chợ... thu hút rất đông người đến xem.
Không chỉ vậy, du khách còn có cơ hội hiểu hơn về phong tục tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của người dân thông quan các tư liệu, ấn phẩm hiện vô cùng sinh động, chân thực.
Phần hội của lễ hội Đền Hùng cũng mang đến cho các lữ khách phương xa những màn trình diễn nghệ thuật độc đáo bằng các màn múa lân, sư, rồng, các điệu hát xoan, các điệu múa rối nước, trình diễn trang phục áo dài...
Nếu bạn là người thích sự náo nhiệt thì chắc chắn không thể bỏ qua những cuộc thi như gói bánh chưng, thi giã bánh giầy, hội trại, bơi lội, bóng đá... Được hòa mình trong không khí sôi động tại đất Tổ thì còn gì bằng.
Đặc biệt, trong phần thi rước kiệu, cỗ kiệu đội nào đoạt giải nhất sang năm sẽ được thay mặt rước lên đền Thượng cử hành quốc lễ. Đây chính là niềm vinh dự, niềm tự hào lớn lao của cả làng bởi họ cho rằng mình và gia đình sẽ được các vua Hùng phù hộ nhiều may mắn, an vui cả năm.
+ Khi tham gia lễ hội Đền Hùng, du khách có thể chuẩn bị lễ vật để dâng lên vua Hùng. Ngoài bánh chưng, bánh giầy, bạn có thể dâng xôi, gà, hoa quả tươi, thịt dê...
+ Về trang phục, du khách chọn quần áo lịch sự, không nên mặc trang phục quá ngắn hay hở hang khi tham gia lễ hội. Bạn cũng không nên chụp hình bên trong các đền thờ.
+ Do lễ hội rất đông, bạn cần chú ý bảo vệ tư trang cá nhân, tránh tình trạng trộm cắp tài sản, ảnh hưởng tới chuyến đi.
+ Tham gia lễ hội, khách du lịch đừng bỏ qua việc thưởng thức các món ăn dân dã, hấp dẫn, đặc sản của Phú Thọ như thịt chua Thanh Sơn, bánh sắn, bánh làng Dòng, bánh tai...
Ngoài các đền chùa trong khu di tích Đền Hùng, khách du lịch Phú Thọ có thể tranh thủ chuyến đi này ghé thăm những điểm đến nổi tiếng khác ở vùng đất Tổ dưới đây.
Được biết đến là chốn bồng lai tiên cảnh dưới trần gian, đồi chè Long Cốc làm mê đắm du khách nhờ sự trong trẻo, thuần khiết. Tọa lạc ở xóm Măng 1, xã Long Cốc, huyện Tân Sơn, đồi chè Long Cốc rộng tới 600ha, là một trong những đồi chè đẹp bậc nhất nước ta.
Ngay từ khi đặt chân tới, du khách sẽ phải choáng ngợp trước khung cảnh xanh biếc một màu, đâu đâu cũng là chè, bạt ngàn như không có điểm dừng. Nếu đi từ sáng sớm, đồi chè Long Cốc như được khoác lên mình một lớp áo mỏng manh, mờ ảo, càng lung linh hơn. Cũng nhờ vẻ đẹp huyền ảo này mà đồi chè Long Cốc ở Phú Thọ thu hút rất nhiều nhiếp ảnh gia.
Vườn Quốc gia Xuân Sơn nằm trên tam giác giữa ranh giới của Phú Thọ, Hòa Bình và Sơn La. Nơi này gây ấn tượng bởi vẻ đẹp hoang sơ, hệ thống động thực vật phong phú, đa dạng. Nếu yêu thích thiên nhiên, khám phá những điều mới mẻ, vườn Quốc gia Xuân Sơn chính là điểm đến trên cả tuyệt vời cho bạn.
Trong khuôn viên vườn quốc gia, du khách sẽ được thăm bản làng nhỏ như bản Cói, bản Dù, bản Lạng, các hang động huyền bí như hang Na, hang Thổ Thần.. cùng hệ thống sông suối nước chảy quanh năm. Đến nay, nười dân ở đây vẫn lưu giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống đặc trưng của dân tộc mình, đây là cơ hội để bạn có thể tìm hiểu về đời sống văn hóa của dân tộc Dao, dân tộc Mường.
Trên đây là cẩm nang tham dự lễ hội Đền Hùng cho du khách từ A – Z. Theo dõi Du lịch Việt Nam để cập nhật thêm nhiều điểm đến mới cùng kinh nghiệm vi vu hữu ích cho chuyến đi tiếp theo của mình nhé.
Yến Yến
Theo Báo Thể Thao Việt Nam