Phủ Chủ tịch không còn xa lạ gì với những ai đang muốn du lịch Hà Nội. Cùng theo chân Du lịch Việt Nam với kinh nghiệm thăm quan Phủ Chủ tịch dưới đây để chuẩn bị hành trang cho chuyến đi sắp tới của mình nào.
Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, Bộ Chính trị quyết định bảo vệ, giữ nguyên trạng nơi ở và làm việc của Bác tại Phủ Chủ tịch, nơi này trở thành khu di tích lịch sử về Chủ tịch Hồ Chí Minh và được gọi là Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch.
Nằm trong không gian của Cụm di tích lịch sử văn hóa Ba Đình, Khu di tích Phủ Chủ tịch tọa lạc giữa trung tâm Thủ đô. Để thuận tiện tìm đường, bạn có thể tìm theo địa chỉ đường Ngọc Hà, phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, TP.Hà Nội. Khu di tích lưu giữ nhiều hiện vật cũng như tư liệu quý báu cùng những câu chuyện có thật, phản ánh cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm Bác từng sống tại đây.
Theo kinh nghiệm thăm quan Phủ Chủ tịch, bạn có thể di chuyển tới di tích này một cách thuận lợi và nhanh chóng bằng bất kỳ phương tiện nào. Bạn có thể đi ô tô, xe máy, hoặc trải nghiệm xích lô để tới Phủ Chủ tịch cũng rất thú vị. Ngoài ra, nếu đi xe bus, khách du lịch Hà Nội tham khảo tuyến xe bus 09, 22, 23, 45, 50... đều đi qua khu di tích.
7 điểm đỗ xe phục vụ du khách vào thăm Khu di tích Phủ Chủ tịch tại Phủ Chủ tịch như sau:
+ Khuôn viên Bảo tàng Hồ Chí Minh
+ Khuôn viên Công viên Bách Thảo
+ Bãi đỗ xe tại dốc Ngọc Hà
+ Khuôn viên Hoàng thành Thăng Long
+ Bãi đỗ xe trên đường Yên Phụ, Nghi Tàm
+ Khuôn viên Sân vận động Quần Ngựa
+ Bãi đỗ xe trên đường Văn Cao
Giờ mở cửa Khu di tích Phủ Chủ tịch cũng là điều mà nhiều người thắc mắc khi đang lên kế hoạch cho chuyến đi của mình. Cụ thể, theo kinh nghiệm thăm quan Phủ Chủ tịch, khu di tích mở cửa đón khách từ 7h30 – 11h30 sáng và 13h30 – 16h30 chiều các ngày, trừ thứ Hai và thứ Sáu.
Như vậy, giờ mở cửa Khu di tích Phủ Chủ tịch rất thuận tiện cho các bạn lên kế hoạch vi vu phù hợp với thời gian cá nhân. Tuy nhiên, vào ngày cuối tuần, khu di tích sẽ khá đông nên nếu không muốn bị đông đúc, tốt nhất bạn nên đi trong tuần.
Về giá vé, mọi công dân Việt Nam ghé thăm Phủ Chủ tịch đều được miễn phí. Du khách nước ngoài sẽ phải mua vé thăm quan là 40.000 đồng/người.
>>Xem thêm: Kinh nghiệm thăm Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh chi tiết A-Z
Quần thể Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch có diện tích rộng 14,7 ha, gồm các di tích như Phủ Chủ tịch, nhà sàn, nhà 54, nhà 67, Hầm H66, Phòng họp Bộ Chính trị, các cây di tích Bác đem về trồng hoặc được gửi tặng và Bác trực tiếp chăm sóc... Theo kinh nghiệm thăm quan Phủ Chủ tịch, tất cả di tích, hiện vật của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn được bảo tồn nguyên vẹn như lúc Người sinh thời Người.
Phủ Chủ tịch từng là nơi làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên cương vị người lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam suốt từ năm 1954 đến 1969. Phủ Chủ tịch do kiến trúc sư người Pháp gốc Đức thiết kế, có phong cách Pháp cổ, với tông màu vàng nổi bật, cửa sổ mái vòm màu xanh.
Toàn bộ toà nhà có hơn 30 phòng và mỗi phòng được trang trí phong cách riêng. Công trình nằm uy nghi, sừng sững gần với Lăng Bác, tạo nên một tổng thể kiến trúc hoành tráng. Hiện nay, Phủ Chủ tịch là nơi làm việc của Chủ tịch nước và Phó Chủ tịch nước; là nơi diễn ra những hoạt động quan trọng của Đảng và Nhà nước ta.
Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch còn có di tích Nhà 54, nơi Bác Hồ đã sống và làm việc từ năm 1954 – 1958. Vì vậy, ngôi nhà được gọi là Nhà 54. Sau đó, Người chuyển sang ở nhà sàn xây dựng trong khu vườn Phủ Chủ tịch nhưng hàng ngày vẫn trở về Nhà 54 để dùng cơm và khám sức khoẻ.
Nhà 54 có 3 phòng, là phòng làm việc, tiếp khách, phòng ăn và phòng ngủ. Trong phòng ngủ có đồ dùng sinh hoạt của Bác như bao người dân bình thường khác với bộ bàn ghế để đọc sách, chiếc giường nhỏ, chiếc tủ đựng quần áo. Đồ dùng sinh hoạt với tài liệu sách báo mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc, quà lưu niệm bạn bè quốc tế tặng vẫn còn được giữ nguyên như lúc Bác còn ở đây.
Theo kinh nghiệm thăm quan Phủ Chủ tịch, căn phòng Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì họp Bộ Chính trị và tiếp khách ở chính giữa tầng 1 của ngôi nhà có 2 tầng trong Khu Phủ Chủ tịch.
Chính tại căn phòng này, nhiều phiên họp của Bộ Chính trị trong giai đoạn 1954-1969 bàn về chiến lược xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, thực hiện đấu tranh giải phóng miền Nam được diễn ra. Đặc biệt, ngày 28/12/1967, tại căn phòng này, Bộ Chính trị đã đưa ra một quyết định bước ngoặt đối với cách mạng miền Nam, đó là quyết định Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu thân năm 1968.
Có thể thấy, căn phòng Chủ tịch Hồ Chí Minh họp với Bộ Chính trị và tiếp khách là di tích quan trọng trong quần thể Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, một nơi đang chờ bạn ghé thăm.
Khu di tích Phủ Chủ tịch gồm những gì? Hồi đầu năm 2025, ba chiếc xe ô tô được sử dụng để phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1954-1969 đã được công nhận bảo vật quốc gia. Đó là ba chiếc ô tô: Zit (ZIS), Pobeda, Peugeot 404.
Trong đó, xe Pobeda được Người sử dụng nhiều nhất; xe ZIS do Đảng Cộng sản Liên Xô tặng, dùng để đón tiếp một số đoàn khách quốc tế. Xe Peugeot 404 của đồng bào Việt Kiều ở Tân Đảo biếu Bác, được dùng nhiều trong thời gian sức khỏe của Bác đã yếu, gầm xe thấp giúp Bác di chuyển lên xuống dễ dàng hơn.
Khu di tích Phủ Chủ tịch gồm những gì? Kinh nghiệm thăm quan Phủ Chủ tịch của những người đi trước rằng, Nhà bếp A được sử dụng từ năm 1955 – 1969, sau khi Bác Hồ về ở tại Phủ Chủ tịch.
Nhà bếp A có diện tích 90m2, tường gạch vàng, có bệ nấu, bồn rửa, tủ lưới, cửa sổ rộng, thoáng mát. Hàng ngày, đồ ăn sẽ được nấu tại bếp này và mang sang phòng ăn Nhà 54 để Bác và Thủ tướng Phạm Văn Đồng dùng bữa. Bếp này được gọi là bếp A vì sau đó, từ tháng 7/1969, việc nấu ăn cho Chủ tịch Hồ Chí Minh được chuyển sang căn bếp phía sau nhà sàn gỗ và nơi đó được gọi là bếp B.
Khu di tích Phủ Chủ tịch gồm những gì? Khi vào thăm Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, không chỉ tìm hiểu về ngôi nhà 54, nơi Bác Hồ từng ở mà du khách còn được ngắm nhìn đàn cá đủ sắc màu ngoi lên đớp mồi tại ao cá Bác Hồ.
Sau khi về làm việc ở nhà sàn, Bác Hồ đã gợi ý mọi người cải tạo ao nước tù thành ao thả cá để làm môi trường thêm trong lành. Ao cá rộng 3.200 m2, nuôi nhiều loại cá như rô phi, mè, trôi, cá trăm...
Sau giờ làm việc chiều, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường ra cầu ao cho cá ăn. Cá được nuôi khéo nên rất mau lớn, đặc biệt, cá rô phi cho sản lượng lớn góp phần cải thiện bữa ăn. Ghé thăm Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, bạn sẽ được ngắm nhìn ao cá, tận hưởng không gian mát mẻ, thoáng đãng nơi đây.
Theo kinh nghiệm thăm quan Phủ Chủ tịch, nhà sàn là nơi Bác đã sống và làm việc suốt 11 năm cuối đời, từ năm 1958 tới 1969. Ngôi nhà sàn giản dị, mộc mạc, có 2 tầng làm từ gỗ dổi, trước nhà có vườn hoa nhỏ. Nhà sàn Bác ở có bóng cây che mát, rèm cửa tránh nắng mưa, thu hút ánh sáng tự nhiên. Nhà sàn vừa là di sản về kiến trúc, vừa là di sản về văn hóa, chứa đựng những giá trị tinh thần lớn lao với cả thế hệ ngày nay.
11 năm ở nhà sàn, Bác Hồ luôn giữ nề nếp, lối sống đúng giờ, khoa học và ngăn nắp. Hiện nay, gần 250 tài liệu hiện vật ở nhà sàn của Bác vẫn được bảo quản chu đáo. Ai tới thăm khu di tích hay Lăng Bác cũng đều ghé qua nhà sàn để thăm quan, để hiểu rõ hơn về cuộc sống cũng của vị lãnh tụ vĩ đại.
Nhà 67 được xây dựng vào năm 1967, phía sau nhà sàn để đảm bảo an toàn cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngôi nhà được làm bằng bê tông cốt thép vững chãi, kiên cố, chống được bom hạng nhẹ.
Tuy nhiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh không nhận ngôi nhà cho riêng mình mà sử dụng Nhà 67 làm nơi họp Bộ Chính trị bàn những vấn đề hệ trọng của đất nước. Tại đây, nhiều tài liệu quan trọng đã được Bác viết, điển hình là cuốn “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” nhân dịp kỷ niệm 39 năm Ngày thành lập Đảng... Người cũng từng tiếp đón nhiều đoàn khách lớn trong và ngoài nước tại Nhà 67.
Ngoài những di tích kể trên, còn có Phòng trưng bày các dụng cụ y tế được sử dụng để chữa bệnh cho Bác Hồ trong thời gian từ tháng 8/1969 đến 9/1969. Từ ngày 24/8/1969, Bác lâm bệnh nặng, căn phòng này là nơi bác sĩ họp hội, đưa ra phác đồ điều trị.
Đường Xoài dài hơn 200m, trồng rất nhiều cây xoài cổ thụ hai bên. Bác thường tập thể tục và đi bộ sau giờ làm việc trên con đường này. Đường xoài ghi dấu nhiều kỷ niệm cảm động giữa Người với đồng bào và chiến sĩ miền Nam.
Theo kinh nghiệm thăm quan Phủ Chủ tịch, vườn cây trong Khu Di tích Phủ Chủ tịch tạo thành một hệ sinh thái phong phú. Vườn có khoảng 1.922 cây; từ cây thân gỗ tới cây thân bụi, thân thảo, cây trong nước và cây có nguồn gốc nước ngoài, có nhiều cây cao lớn tuổi đời hàng trăm năm. Vườn cây mang ý nghĩa văn hóa, lịch sử, gắn với tình hữu tình với bạn bè quốc tế, chứa đựng nhiều kỷ niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Giàn hoa Phủ Chủ tịch ở cuối đường Xoài rộng chừng 100 mét vuông, như một phòng tiếp khách đặc biệt trong những ngày đẹp trời. Bạn chớ bỏ qua khu vực này khi tới thăm Phủ Chủ tịch.
>>Xem thêm: Cẩm nang du lịch Hà Nội từ A-Z
+ Du khách vào thăm Khu di tích Phủ Chủ tịch cần có thái độ tôn nghiêm, ăn mặc chỉnh tề, lịch sự
+ Trước khi vào, du khách cần gửi hành lý, chỉ được mang theo những vật dụng cần thiết
+ Du khách chú ý thời gian mở cửa đón khách để tránh mất công
+ Khách du lịch đừng quên viếng Bác trong lăng, thăm Quảng trường Ba Đình rộng lớn, Bảo tàng Hồ Chí Minh, thắp hương tại Chùa Một Cột gần đó
Trên đây là kinh nghiệm thăm quan Phủ Chủ tịch cho bạn và gia đình tham khảo. Theo dõi Du lịch Việt Nam để cập nhật thêm nhiều điểm đến mới cùng kinh nghiệm vi vu hữu ích trong chuyến đi sắp tới của mình nhé.
Yến Yến