Ở Hà Nội có làng nghề Lệ Mật gắn bó với nghề bắt, nuôi và chế biến rắn từ rất nhiều năm qua. Một trong những Top điểm đến độc lạ nhất Việt Nam chắc chắn không thể bỏ qua ngôi làng nhỏ này.
Làng Lệ Mật ở đâu hay địa chỉ làng Lệ Mật có lẽ đang là thắc mắc của nhiều người khi lên kế hoạch tới đây. Cụ thể, Lệ Mật là ngôi làng thuộc phường Việt Hưng, Quận Long Biên, TP. Hà Nội. Làng được hình thành từ những năm thế kỷ 9, ngày xưa có tên khác là Trù Mật. Lệ Mật được biết đến với nghề nuôi rắn, từng xuất hiện trên trang báo nổi tiếng Reuters năm 2007 và trên CNN năm 2019.
Năm 2011, làng nghề Lệ Mật đã được TP. Hà Nội công nhận danh hiệu "làng nghề truyền thống". Tháng 12/2023, nơi đây chính thức được công nhận là Điểm Du lịch làng Lệ Mật, kích thích sự phát triển du lịch.
Như vậy, làng Lệ Mật cách không xa trung tâm TP. Hà Nội. Sau khi đã biết làng Lệ Mật ở đâu, còn chần chờ gì nữa mà không lập kèo với hội chị em bạn dì tới đây để thăm quan, khám phá ngay thôi nào.
Theo kinh nghiệm du lịch Hà Nội, làng Lệ Mật cách trung tâm TP. Hà Nội khoảng 7km về phía Đông Bắc. Do đó, việc di chuyển tới đây cũng không khó khăn gì. Nếu xuất phát từ khu vực Hồ Gươm, bạn đi qua cầu Chương Dương, đi hết đường Nguyễn Văn Cừ sau đó rẽ phải vào đường Nguyễn Văn Linh đến phố Việt Hưng là thấy cổng làng.
Tùy theo điểm xuất phát mà bạn sẽ có cung đường di chuyển khác nhau. Làng nghề Lệ Mật nổi tiếng nên hầu như người dân nơi này ai cũng biết. Bạn có thể hỏi người dân xung quanh chỉ đường. Ngoài ra, du khách có thể tra cứu trên ứng dụng google maps dễ dàng.
Nếu chọn đi bằng phương tiện công cộng như xe bus, khách du lịch có thể chọn tuyến xe 11CT, 34, 59 đều có đi qua Việt Hưng, gần với làng Lệ Mật. Trong trường hợp sẽ lạc đường, bạn hoàn toàn có thể bắt xe công cộng, tuy nhiên, nên tính toán khoảng cách trước nhé.
Làng rắn Lệ Mật Hà Nội là một ngôi làng cổ, nhưng không ai nhớ chính xác được thành lập từ năm nào. Người dân ở đây chỉ biết rằng ngôi làng gắn liền với truyền thuyết đặc biệt xa xưa. Tới đây, bạn sẽ được nghe câu chuyện với đầy yếu tố ly kỳ này.
Theo các cụ trong làng nghề Lệ Mật, vào thời vua Lý Thái Tông, có công chúa đang bơi thuyền du ngoạn trên sông Thiên Đức (tức sông Đuống ngày nay) nhưng không may bị đắm thuyền chết đuối, không tìm thấy xác. Vua cha liền trao thưởng cho những ai tìm thấy xác cô nhưng vẫn không người nào tìm ra được.
Một ngày, một chàng thanh niên tên Lệ Mật, họ Hoàng có võ nghệ cao cường, cùng tài bơi lội đã dũng cảm chiến đấu với thủy quái và đưa được ngọc thể của công chúa lên bờ. Vua Lý ban thưởng cho anh chàng nhiều vàng bạc, châu báu, gấm vóc nhưng anh từ chối, chỉ xin vua cho dân nghèo trong làng được sang khai khẩn vùng đất phía Tây kinh thành để làm trang trại.
Vua liền ưng thuận, từ đó, dân làng vượt sông Nhị Hà (sông Hồng ngày nay) sang khai hoang vùng đất mới. Nơi này dần trở nên trù phú, mở rộng trại ấp. Sau khi lập được 13 trại, chàng thanh niên Lệ Mật trờ về ngôi làng cũ.
Theo gương chàng trai tài ba, ngoài việc làm đồng áng, dân chúng làng Lệ Mật ngoài việc còn phát triển thêm cả nghề chăn nuôi, bắt rắn. Đời sống người dân dần khấm khá hơn, tên làng Trù Mật xuất phát từ đó.
Sau khi chàng Lệ Mật mất, để tưởng nhớ chàng, dân làng suy tôn làm Thành Hoàng và lập đình để thờ cúng. Sang đến thế kỷ 17, vì kỵ húy với chúa Trịnh Chù (Trịnh Cương, 1686 - 1729) nên làng được đổi tên thành Lệ Mật. Cái tên làng nghề Lệ Mật theo đến tận ngày nay.
Làng rắn Lệ Mật Hà Nội chủ yếu nuôi rắn hổ ngựa, hổ mang chúa và rắn ráo. Rất nhiều blog du lịch quốc tế đặt nơi này trong "Top điểm đến độc lạ nhất Việt Nam", nhờ đó mà làng nổi tiếng trên cộng đồng du lịch thế giới. Không ai rõ truyền thuyết về chàng trai tài giỏi Lệ Mật chân thực tới đâu, nhưng phải khẳng định rằng làng Lệ Mật đã nuôi rắn để làm dược liệu, rồi làm thuốc, ngâm rượu cũng vài trăm năm qua.
Khoảng 20 – 30 năm trở về đây, làng rắn Lệ Mật Hà Nội bắt đầu sử dụng rắn để chế biến món ăn và thu hút nhiều du khách ghé thăm hơn nữa. Các món ăn từ rắn đều ngon và bổ dưỡng như thịt rắn xào lăn tươi, da rắn chiên giòn... Thực khách tới các nhà hàng sẽ được chứng kiến công đoạn bắt rắn cực ly kỳ, hấp dẫn. Công đoạn cắt tiết, bẻ ranh rắn lại tương đối rùng rợn, gây bất ngờ với cả những du khách can đảm nhất.
Hiện nay, ở làng Lệ Mật có khoảng 35 hộ gia đình đang nuôi rắn. Ngôi làng được đánh giá là trung tâm buôn rắn lớn nổi tiếng của toàn miền Bắc. Một kilôgam thịt rắn tại làng nghề Lệ Mật có giá thành khoảng 800.000 đồng.
Nhiều du khách tới đây để tìm mua rắn, được giới thiệu có nhiều công dụng tăng cường sinh lực, chữa bệnh xương khớp, mật rắn chữa viêm họng... cũng như thưởng thức các món ăn từ rắn.
Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, thời gian cũng như quá trình đô thị hóa, đến nay làng Lệ Mật vẫn giữ được kiến trúc của ngôi làng cổ cũng như nếp sinh hoạt truyền thống đáng quý. Làng vẫn còn gìn giữ cụm di tích chùa, đình, miếu, giếng cảnh quan đẹp, thích hợp trở thành điểm đến trong tour du lịch văn hóa tâm linh kết hợp với ẩm thực làng nghề địa phương.
Tới với làng nghề Lệ Mật, bạn vừa được thưởng thức món ăn ngon, vừa được trải nghiệm công đoạn bắt rắn thú vị, vừa được hòa mình vào không gian bình dị, thanh tịnh thì còn gì bằng.
>>Xem thêm: Về ngoại thành Hà Nội khám phá làng nghề giầy da Phú Xuyên hơn 100 năm
Để tưởng nhớ công ơn của người thanh niên Lệ Mật, dân làng tổ chức lễ hội hàng nằm với nhiều nghi thức độc đáo. Lễ hội làng Lệ Mật thường diễn ra từ ngày 20 – 23/3 Âm lịch, trong đó, ngày hội chính là ngày 23/3 thu hút đông đảo khách thăm quan.
Lễ hội truyền thống làng Lệ Mật có ba hoạt động chính. Một là rước nước cùng với lễ Đả ngư, hai là diễn diệt Giảo long, mô tả lại truyền thuyết Thánh hoàng Lệ Mật và ba là lễ rước Thập tam trại.
Trước hết, phần lễ tại lễ hội làng Lệ Mật được tổ chức trang trọng, gồm nhiều nghi thức truyền thống như rước nước, dâng hương, nêu cao tinh thần uống nước nhớ nguồn, tri ân công đức của người đi trước, cầu nguyện mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi của dân làng.
Lễ Đả ngư trong hội làng nghề Lệ Mật tức là đánh cá ở đáy giếng bắt nguồn từ sự tích nhiều đời nay về chàng Lệ Mật xả thân cứu xác công chúa nhà Lý. Lễ Đả ngư gửi lời ước nguyện của người dân chài lưới. Ước nguyện ấy được tin rằng sẽ ứng nghiệm vào buổi đêm trước đánh cá, bởi trời thường mưa giúp cá chuyển từ Hồ Tây về với giếng Ngọc.
Trò diễn diệt Giảo Long là điệu múa rắn diễn ra ở sân đình. Con rắn khổng lồ làm từ nan tre lợp vải, biểu tượng cho loài thủy quái đã bị Lệ Mật hạ gục. Múa Giảo long phải huy động tới 50 thanh niên trai tráng tham gia, sẽ có người đóng vai Lệ Mật, thiếu nữ xinh đẹp vai công chúa. Họ sẽ múa trên nền nhạc bát âm, tiếng trống dồn dập, hào hùng. Những nghi thức xung quanh điệu múa bắt rắn luôn được người làng Lệ Mật thực hiện với một lòng thành kính nhất, trở thành tục lệ đẹp gắn liền với tên tuổi Lệ Mật.
Cuối cùng, lễ rước Thập Tam Trại là dịp con cháu trong làng và con cháu đi xa gặp gỡ nhau, ôn lại lịch sử truyền thống xây dựng làng… Vào dịp lễ này, các đoàn của Thập Tam Trại từ phía quận Ba Đình và quận Đống Đa sẽ về đây để dâng hương hoa lễ vật lên Thành hoàng - người có công khai sinh ra vùng đất mình đang định cư.
Sau phần lễ là phần hội làng nghề Lệ Mật với nhiều hoạt động thể thao, văn nghệ, trò chơi dân gian. Không khí vui tươi, sôi động, khiến du khách nào cũng hài lòng.
Cái đẹp, cái hay của lễ hội Lệ Mật không chỉ ở hình thức mà còn bởi nó duy trì những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp trong cuộc sống suốt nhiều năm qua, góp phần vào lịch sử vùng đất nghìn năm văn hiến.
Trên đây là thông tin về làng nghề Lệ Mật cho bạn và gia đình. Theo dõi Du lịch Việt Nam để cập nhật thêm nhiều điểm đến mới cũng như kinh nghiệm vi vu hữu ích trong chuyến đi tiếp theo của mình nhé.
Yến Yến