Ngoài Lăng Bác, Hồ Gươm, Cột cờ Hà Nội... cũng là một địa danh nhất định phải ghé thăm khi tới Thủ đô. Cùng theo chân Du lịch Việt Nam khám phá xem công trình này có gì thú vị để cùng chị em bạn dì thăm quan nào.
Cột cờ Hà Nội ở đâu hay vị trí chính xác của cột cờ là điều mà nhiều người băn khoăn khi chuẩn bị lên lịch tới đây. Cụ thể, Cột cờ Hà Nội còn được gọi là Kỳ đài, nằm ở số 28A, đường Điện Biên Phủ, quận Ba Đình, TP Hà Nội. Đây là công trình còn trường tồn gần như nguyên vẹn với thời gian, thuộc quần thể di tích Hoàng thành Thăng Long.
Như vậy, sau khi biết Cột cờ Hà Nội ở đâu, còn chần chờ gì nữa mà không lập team với bạn bè tới đây check in ngày thôi nào. Chắc chắn công trình này sẽ cho bạn hàng trăm bức ảnh đẹp mang về đấy.
Nằm ở vị trí trung tâm thành phố, bạn có thể tới Cột cờ Hà Nội bằng bất kỳ phương tiện nào. Nếu xuất phát từ Hồ Gươm, du khách di chuyển tầm 2km theo đường Tràng Thi vào Điện Biên Phủ cứ đi thẳng là tới. Đường đi đẹp, dễ tìm nhưng vào giờ cao điểm sẽ hơi tắc.
Nếu xuất phát từ Lăng Bác, bạn đi vào đường Hoàng Văn Thụ qua Hoàng Diệu là tới cột cờ. Khoảng cách gần nên nhiều du khách kết hợp thăm quan Lăng Bác và cột cờ. Từ Hoàng thành Thăng Long, bạn có thể tới Cột cờ Hà Nội cũng ngay gần.
Ngoài việc chủ động đi phương tiện cá nhân, khách du lịch cũng có thể trải nghiệm đi xích lô, đoạn đường này khá đẹp, thích hợp để vừa đi vừa ngắm cảnh. Các tuyến xe bus chạy qua cột cờ như 02, 09ACT, 22A, 32, 34, 50, E07, E09 cho du khách tham khảo.
>>Xem thêm: Địa điểm check in 30/4 ở Hà Nội: Đi một lúc, hàng trăm ảnh đẹp mang về
Giá vé thăm quan Cột cờ Hà Nội cũng là điều mà nhiều du khách thắc mắc khi đang lên kế hoạch cho chuyến đi của mình. Cụ thể, giá vé thăm quan từ 100.000 đồng/người. Khung giờ mở cửa tham quan là từ 8h-17h các ngày trong tuần. Giá vé này áp dụng chung cho du khách Việt Nam và nước ngoài.
Theo kinh nghiệm thăm quan Cột cờ Hà Nội, tới đây bạn sẽ được tìm hiểu và hiểu rõ hơn lịch sử công trình. Kỳ đài Hà Nội được xây dựng từ năm 1805 và hoàn thành vào năm 1812 thuộc Niên hiệu Vua Gia Long. Cột cờ được xem như chứng tích về một thời oanh liệt của Thăng Long - Hà Nội.
Theo kinh nghiệm thăm quan Cột cờ Hà Nội, đây là một trong những công trình quý báu còn sót lại gần như nguyên vẹn thuộc khu vực Thành cổ Hà Nội, may mắn đã thoát khỏi sự phá hủy của bom đạn trong giai đoạn năm 1894- 1897.
Cách đây hơn 70 năm, vào ngày 10/10/1954, Ủy ban Quân chính thành phố và Đại đoàn Quân Tiên phong - Sư đoàn 308 mở cuộc hành quân tiến vào Thủ đô trong niềm hân hoan của hàng vạn người dân. Sau 9 năm trường kỳ kháng chiến, đoàn quân chiến thắng của ta đã trở về. Thủ đô sạch bóng quân thù từ đây, Hà Nội bước sang trang sử mới. Lá quốc kỳ một lần nữa tung bay trên Cột cờ Hà Nội trong ngày Thủ đô được giải phóng.
Theo kinh nghiệm thăm quan Cột cờ Hà Nội, vào đúng 15h ngày 10/10/1954, lễ chào cờ lịch sử bắt đầu. Cả hàng vạn người dân Hà Nội dồn về đây để đón chờ giây phút lịch sử. Ánh nắng của mùa thu bừng lên rực rỡ, Thủ đô ngày đó như một ngày hội, ai nấy cũng náo nức bước ra đường, hết sức tưng bừng náo nhiệt.
Trong nền nhạc Tiến quân ca dưới sự chỉ huy của nhạc trường – đồng chí Đinh Ngọc Liên, mọi người ngẩng cao đầu hướng mắt nhìn lên lá cờ đỏ sao vàng đang bay phấp phới trên đỉnh cột cờ.
Khi tiếng nhạc vừa dứt, Chủ tịch Ủy ban quân chính Tp. Hà Nội - Thiếu tướng Vương Thừa Vũ - bước ra đọc rõ lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô. Ai nấy cũng lắng nghe lời Bác, xúc động khôn nguôi, nước mắt rưng rưng cảm động trong giây phút thiêng liêng, huy hoàng của một Thủ đô kiên cường.
Đến nay, Cột cờ Hà Nội đã trải qua hơn 200 năm tồn tại. Sau tất cả, công trình này vẫn vững chãi, là nhân chứng lịch sử quan trọng, ghi dấu lại thời khắc thiêng liêng của dân tộc ta. Đây không chỉ là nơi treo cờ mà còn đóng vai trò quan trọng trong công cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Hình ảnh của Cột cờ Hà Nội đã được in trên đồng tiền phát hành lần đầu tiên của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Kỳ đài Hà Nội đã được công nhận là Di tích quốc gia vào năm 1989, là một trong 5 di tích nằm trên trục chính tâm của Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long Hà Nội. Bất kỳ ai khi tới với Thủ đô cũng đều không thể bỏ qua nơi đây.
Tới công trình hàng trăm năm tuổi của đất Thăng Long, chắc chắn sẽ là background lý tưởng cho bạn sống ảo. Cột cờ bên ngoài đã nhuốm màu rêu phong, đứng hiên ngang dưới bầu trời trong xanh của Thủ đô. Bên trên là lá cờ đỏ sao vàng tung bay lồng lộng. Bạn chỉ cần đừng bên Cột cờ Hà Nội, bức ảnh cũng đủ như lời nói đầy tự hào về một biểu tượng của Thủ đô. Trang phục lý tưởng nhất để check in bên cột cờ là những bộ váy nhẹ nhàng, lịch sự hoặc áo dài.
Không chỉ bên ngoài, chắc hẳn, bên trong Cột cờ Hà Nội cũng là điều khiến nhiều người tò mò. Kỳ đài cao 33m, nếu tính cả cột thép treo cờ thì cao hơn 40m. Cột cờ có trang trí hoa văn tinh xảo, gồm 3 phần chính là vọng lâu, thân cột và chân đế. Phần chân để nhỏ dần lại tạo thế vững chãi. Thân cột có lỗ thoáng để lấy ánh sáng và không khí tự nhiên.
Trong thân bên trong Cột cờ Hà Nội có cầu thang 54 bậc xoáy ốc để đưa khách du lịch Hà Nội lên tới đỉnh. Phần đỉnh cột cờ tạo thành một lầu hình bát giác, có 8 cửa sổ ứng với 8 cạnh, tạo tầm nhìn thoáng đãng ra toàn cảnh thành phố.
Phần mái vọng lâu giống như nón đội, làm bằng bê tông cốt thép, lợp ngói. Giữa đỉnh mái có cột sắt và ròng rọc để treo cờ. Dưới thời nhà Nguyễn, cờ vàng của triều đình sẽ được treo trên đỉnh trong các dịp lễ, Tết. Cột cờ này còn là nơi vua xem duyệt quân ngũ, đấu võ. Ngày nay, bạn có thể lên đỉnh Cột cờ Hà Nội và chiêm ngưỡng các di tích xung quanh như cửa Đoan Môn, Quảng trường Ba Đình, Lăng Bác, và Bảo tàng Hồ Chí Minh...
>>Xem thêm: Cẩm nang du lịch Hà Nội từ A-Z
Địa chỉ: 28A Điện Biên Phủ, Phường Điện Biên, Quận Ba Đình, TP. Hà Nội
Công viên Lê Nin ban đầu tên là Vườn hoa Robin, được Thực dân Pháp xây dựng từ những năm 1894 - 1897. Sau Cách mạng tháng 8, nơi đây chuyển tên thành vườn hoa Chi Lăng, đến năm 2003, chính thức đổi tên thành công viên Lê Nin.
Với tổng diện tích 17.183m2, công viên Lê Nin rộng lớn, xanh mát với hàng sấu cổ thụ trăm tuổi, tỏa bóng mát cả xung quanh. Điểm đặc biệt của công viên này là bức tượng bằng đồng của nhà cách mạng vĩ đại người Nga Vladimir Ilyich Lenin cao 5,2m, đặt trên bệ đá hoa cương, hướng mặt ra phía đường Điện Biên Phủ.
Phía Nam công viên còn một đình tám mái trăm tuổi cổ kính, tạo vẻ lâu đời cho khuôn viên. Tuy chưa rõ xuất xứ của kiến trúc này nhưng góc này chính là một địa điểm lý tưởng để người dân thư giãn trò chuyện. Với vị trí nằm ngay đối diện Cột cờ Hà Nội, công viên Lê Nin cho bạn đi dạo, vui chơi, chụp ảnh vào bất kỳ thời điểm nào.
Địa chỉ: Số 2 Đường Hùng Vương, Phường Điện Biên, Quận Ba Đình, TP. Hà Nội
Cách cột cờ không xa là Lăng Bác – nơi đặt thi hài của vị lãnh tụ vĩ đại Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nằm giữa Quảng trường Ba Đình rộng lớn, Lăng Bác trở thành một điểm ghé thăm không thể bỏ qua của bất kỳ khách du lịch trong và ngoài nước nào.
Theo kinh nghiệm thăm Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, hành trình vào viếng Bác sẽ bắt đầu từ cổng vào Bảo tàng Hồ Chí Minh ở phố Ngọc Hà. Bạn cần xếp hàng đi thành hàng, theo sự hướng dẫn của nhân viên. Tiếp đến, khách du lịch Hà Nội sẽ đi qua cổng an ninh, tiến tới Quảng trường Ba Đình, rồi đi vào trong lăng. Lưu ý rằng, trong Lăng Bác, bạn cần đi theo hướng dẫn của nhân viên, không được quay phim chụp ảnh hay nán lại quá lâu. Vào viếng Bác, cảm xúc thật bồi hồi khó tả thành lời. Chỉ khi được trực tiếp viếng Bác, du khách mới cảm nhận hết được sự xúc động ấy.
Trên đây là thông tin về Cột cờ Hà Nội cho bạn và gia đình tham khảo. Theo dõi Du lịch Việt Nam để cập nhật thêm nhiều điểm đến mới cùng kinh nghiệm vi vu hữu ích trong chuyến đi sắp tới của mình nhé.
Yến Yến