Banner Chuyến Bay Hồi Hương
Banner Movi

Đến lăng Gia Long Huế ngắm vẻ bình yên và lãng mạn giữa lòng cố đô 

Thứ năm, 05/09/2024, 08:00 GMT+7

Lăng Gia Long Huế không chỉ là lăng mộ của vị vua đầu tiên nhà Nguyễn, mà còn là một điểm đến hấp dẫn với ý nghĩa phong thủy đặc biệt, là minh chứng cho tình cảm sắt son của nhà vua và hoàng hậu khi sinh thời, gắn bó cho đến khi khuất núi. 

quảng cáo

Mặc dù không phải là lăng mộ nổi tiếng hay lộng lẫy bậc nhất ở Huế nhưng lăng Gia Long hay còn được gọi là thiên Thọ lăng vẫn là một trong những lăng mộ ấn tượng với ý nghĩa đặc biệt, là nơi chôn cất vị vua hay lập ra triều Nguyễn. Nằm dưới rừng thông bạt ngàn, với vẻ đẹp vừa cổ kính vừa hoang sơ lăng Gia Long Huế là điểm đến hấp dẫn với du khách, là nơi để tìm hiểu về lịch sử của triều Nguyễn, những câu chuyện bên lề thú vị và tận hưởng khung cảnh thơ mộng tựa tranh vẽ. 

 

lăng Gia Long Huế
Lăng Gia Long Huế là một tong những điểm đến nổi bật trong quần thể các di tích của cố đô Huế. Ảnh: @huyendong_192.

 

Giới thiệu về lăng Gia Long Huế 

Lăng Gia Long nằm ở thôn Định Môn, xã Hương Thọ, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 20km về hướng Tây. Đây là một quần thể lăng mộ bao gồm lăng của vua Gia Long, lăng hai vị hoàng hậu, cùng các thành viên trong hoàng tộc của triều Nguyễn. Lăng được xây dựng từ năm 1814, đến năm 1820 thì hoàn thành. Theo sử sách ghi lại, quần thể lăng vua Gia Long tọa lạc ở một địa thế phong thủy vô cùng đặc biệt. Vùng đất để xây dựng lăng được hai đại thần là Tống Phúc Lương và Phạm Như Đang cùng thầy địa lý Lê Duy Thanh tìm được và cho biết đây là nơi tập trung mọi ảnh hưởng tốt lan tỏa từ những ngọn núi đồi xung quanh. 

 

lăng Gia Long Huế
Lăng Gia Long sở hữu một địa thế phong thuỷ ấn tượng. Ảnh: HOÀNG GIA GROUP

Cụ thể xung quanh quần thể lăng Gia Long Huế có đến 42 ngọn núi, mỗi ngọn đều có tên riêng. Nhà vua cũng đã đích thân đi khảo sát và duyệt vị trí, đồng thời tham gia vào các khâu quy hoạch, chỉ đạo thiết kế và giám sát thi công. 

Theo thời gian, quần thể lăng mộ của vua Gia Long Huế đã bị hư hỏng và mục nát ở nhiều vị trí như lăng Thoại Thánh hay nơi yên nghỉ của Hiếu Khương hoàng hậu, lăng của Thái trưởng công chúa, lăng Thiên Thọ… Năm 2020, trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế chính thức tiến hành tu bổ các công trình kiến trúc thuộc quần thể lăng vua Gia Long với nhiều hạng mục trùng tu. Sau khi hoàn thành trùng tu, quần thể lăng mộ gần như được phục hồi hoàn chỉnh, gia tăng giá trị về cảnh quan, kiến trúc đồng thời trở thành điểm đến hấp dẫn du khách khi đến với thành phố Huế. 

 

lăng Gia Long Huế
Công trình sau trùng tu trở thành điểm dừng chân hấp dẫn trong mắt du khách. Ảnh: @quaang104.

 >> Xem thêm: Khám phá tour du lịch Huế HOT nhất hiện nay 

Khám phá vẻ đẹp và kiến trúc lăng Gia Long 

Vẻ đẹp của quần thể kiến trúc lăng Gia Long Huế được tạo nên bởi vị trí và kiến trúc. Bên cạnh vẻ đẹp của một vùng quần sơn với 42 ngọn núi bao quanh, trong đó có núi Đại Thiên Thọ là lớn nhất, có vai trò như một tiền án của lăng vua. Quần thể các ngọn núi có diện tích rộng hơn 28 km²,  tạo thành một khung cảnh vô cùng hùng tráng chạy từ chân dãy Trường Sơn cho đến bờ Tả Trạch. Xét về tổng thể, lăng Gia Long Huế được chia thành ba khu vực chính, bao gồm khu vực lăng mộ, điện Minh Thành và khu Bi Bình. 
 

Điện Minh Thành

Điện Minh Thành là một trong những điểm tham quan nổi bật trong quần thể lăng vua Gia Long Huế. Điện nằm trên đồi Bạch Sơn, là nơi được sử dụng để thờ vua Gia Long cùng với Thừa Thiên Cao Hoàng Hậu. Kiến trúc của Điện Minh Thành theo kiểu trùng thiềm điệp ốc, mái lợp ngói hoàng lưu ly, bờ quyết được trang trí các họa tiết rồng, cá chép hóa rồng rất nổi bật đây cũng là phong cách trang trí đặc trưng của các công trình kiến trúc triều Nguyễn. Năm 2016, điện được trùng tu và thay ngói mới tuy nhiên vẫn giữ nguyên màu sơn cũ. 

 

lăng Gia Long Huế
Minh Thành Điện ngói vàng và Đông Tây Phối Điện ngói xanh nhìn từ trên cao. Ảnh: Đại-Nam Hội-Quán 大南會館
 
lăng Gia Long Huế
Điện Minh Thành là nơi để thờ vua Gia Long. Ảnh: ST

Ở hai bên điện Minh Thành là các dãy nhà Đông và nhà Tây, mái cũng được lợp ngói lưu ly. Đây là hai dãy nhà được sử dụng để làm nơi nghỉ ngơi cho tổ bảo vệ lăng của vua Gia Long. 

Bên trong chính điện Minh Thành, án thờ của vua Gia Long được đặt ở vị trí chính giữa, phía bên trong đặt long vị ghi thụy hiệu Thế Tổ Cao Hoàng đế và Thừa Thiên Cao hoàng hậu. Án thờ của vua Gia Long được làm từ chất liệu gỗ, có khảm cẩn rất tinh xảo. 

 

lăng Gia Long Huế
Án thờ vua Gia Long trong điện Minh Thành. Ảnh: Journeys in Hue

Trước đây, điện Minh Thành có rất nhiều đồ khí tự như hạc đứng trên lưng rùa, bộ ngũ sự, các món đồ ngự dụng của vua như bàn, giá thau, bút nghiêng… Đặc biệt, vua Minh Mạng cũng cho thờ rất nhiều kỷ vật đã gắn bó với cuộc đời của vua Gia Long như áo giáp, bộ yên cương hay gươm súng. Dù vậy, theo thời gian những cổ vật giá trị ấy đã không còn được lưu lại. 

Vào các ngày rằm hoặc các ngày đầu tháng, du khách hay tổ bảo vệ di tích lăng Gia Long Huế vẫn thường mua trái cây, hoa đến dâng cúng ở án thờ của vua trong điện Minh Thành. 
 

Lăng mộ vua Gia Long và Thừa Thiên Cao Hoàng hậu

Lăng mộ vua Gia Long và Thừa Thiên Cao Hoàng hậu nằm ở đồi Thanh Sơn và đồi bạch Sơn. Ở phía trước của khu lăng mộ là 6 tầng sân thiết kế tiếp nối nhau, ở mỗi tầng đều có ba bậc thềm để lên xuống dễ dàng. Khu vực sân chầu này được lót bằng gạch Bát Tràng, hai bên đều có những hàng tượng đá với các hình thù như voi ngựa hay tượng quan văn, võ được làm từ chất liệu đá sa thạch. 

 

lăng Gia Long Huế
Bửu-Thành và Lăng mộ vua Gia Long và Thừa Thiên Cao Hoàng hậu. Ảnh: Đại-Nam Hội-Quán 大南會館

Thi hài của vua Gia Long và Hoàng hậu được an táng ở hai ngôi mộ nằm cạnh nhau được làm bằng đá Thanh. Một điều rất đặc biệt là mộ của vua Gia Long và thừa thiên Cao Hoàng hậu có kích thước giống nhau, kiểu dáng cũng tương đồng chỉ nằm cách nhau 24 cm với cách bài trí theo nguyên tắc “nam tả nữ hữu”. 

Ở mỗi ngôi mộ đều có hương án được làm từ chất liệu đá Thanh theo kiểu sập trổ chân quỳ. Mộ vua và hoàng hậu đều sử dụng chung một bức bình phong và xung quanh được bao bọc bởi hai vòng thành. Mộ của vua và hoàng hậu có hình thức rất giản đơn, không chạm trổ hoa văn, không sơn son thiếp vàng mà chỉ có hình dáng vô cùng giản dị, khác biệt hoàn toàn so với các lăng mộ của những vị vua khác. 

 

 Lăng Gia Long Huế
Hai ngôi mộ làm bằng đá Thanh đặt song song . Ảnh: Vnexfress

Một điều rất thú vị ở mộ vua Gia Long và Thừa Thiên Cao Hoàng hậu đó chính là nếu như đúng từ phía sau khi nhìn đến nơi tiếp giáp giữa nóc của hai ngôi mộ, du khách có thể nhìn thấy đỉnh núi Đại Thiên Thọ nằm ngay chính giữa chuẩn xác đến từng ly. Đây cũng là một nét phong thủy rất đặc biệt khiến cho lăng Gia Long Huế trở thành một trong những lăng mộ có phong cách kiến trúc và phong thủy đặc biệt bậc nhất tại Việt Nam hiện tại. 

 

 Lăng Gia Long Huế
Hai ngôi mộ chỉ cách nhau 24cm. Ảnh: khamphahue

Khu vực phía bên ngoài của hai ngôi mộ là hệ thống tường thành với cổng bằng đồng, đây là nơi dẫn lối vào nơi yên nghỉ của nhà vua và hoàng hậu và thông thường chỉ mở vào các dịp lễ Tết hoặc các ngày giỗ để hậu nhân dọn dẹp, sửa sang và lễ cúng 
 

Bi Đình 

Bi Đình là một trong những công trình kiến trúc thường thấy ở các lăng mộ của vua triều Nguyễn. Ở lăng Gia Long Huế thì Bi Đình nằm ở ngay bên trái của mộ vua. Thiết kế của Bi Đình theo dạng cổ lâu với hai tầng mái tọa lạc ở trên đồi Thanh Sơn, phía bên trong Bi Đình có một tấm bia làm bằng đá Thanh được chạm trổ rất tinh xảo có tên gọi là “Thánh Đức thần công”. Đây là tấm bia đá được vua Minh Mạng dựng lên, nhằm ca ngợi công lao của vua Gia Long. Mặc dù đã trải qua gần 200 năm nhưng những chi tiết chạm khắc hay hoa văn tinh tế trên tấm bia này vẫn còn rất rõ nét. 

 

 Lăng Gia Long Huế
Bi Đình trong nằm gần lăng mộ vua Gia Long. Ảnh: Journeys in Hue
 
 Lăng Gia Long Huế
Tấm bia đá vua Minh Mạng cho khắc ca ngơi công lao vua cha. Ảnh: @mrkenn0910

 

Lăng Thiên Thọ Hữu và Điện Gia Thành

Lăng Thiên Thọ Hữu và Điện Gia Thành cũng là một trong những hạng mục rất quan trọng của quần thể lăng Gia Long Huế. Đây chính là nơi để chôn cất và cũng là điện thờ của Thuận Thiên Cao Hoàng hậu, là người vợ thứ hai của vua Gia Long, đồng thời cũng là mẹ đẻ của vua Minh Mạng. 

Phía trước lăng Thiên Thọ Hữu có một hồ sen rất đẹp, thơ mộng tạo nên một khung cảnh ấn tượng. Ở bên phải mộ của Thuận Thiên Cao Hoàng Hậu chính là Điện Gia Thành, đây cũng là nơi để thờ hoàng hậu với nét kiến trúc tương tự như điện Minh Thành. Điều nhiều người ưa thích khi đến với Điện Gia Thành chính là cảnh quan ở đây rất đẹp và hài hòa so với tổng thể kiến trúc và vẻ đẹp của quần thể lăng Gia Long Huế. 

 

 Lăng Gia Long Huế
Lăng Thiên Thọ Hữu và Điện Gia Thành nhìn từ trên cao. Ảnh: Hue of Hue

Ngoài những hạng mục kiến trúc trên, lăng vua Gia Long còn có nhiều hạng mục khác như lăng Hoàng Cô, lăng Thoại Thánh hay hệ thống lối đi bằng đá, thành ở quanh hồ… 
 

Lăng Gia Long và câu chuyện về tình yêu bất tử 

Bên cạnh vẻ đẹp và kiến trúc đặc biệt của lăng Gia Long Huế thì gắn liền với công trình kiến trúc này còn là câu chuyện tình yêu đẹp của ông và vị hoàng hậu đầu tiên của mình. Vua Gia Long sinh năm 1762, tên huý là Nguyễn Phúc Ánh, ông cũng là người sáng lập triều đại nhà Nguyễn (1802 – 1820). Sinh thời trong khi đất nước đã bị chia cắt làm hai đàng, cuộc đời của vua Gia Long trải qua nhiều phong ba bão táp với hơn 25 năm ròng rã gian khổ đánh trận. 

Đến năm 18002 khi đánh bại Tây Sơn thì vua Gia Long đã lên ngôi hoàng đế và chính thức sáng lập ra nhà Nguyễn, sử dụng quốc hiệu Việt Nam, đồng thời cũng kết thúc hàng thế kỷ nội chiến của đất nước. Đây là một trong những bước ngoặt lịch sử rất quan trọng gắn liền với cuộc đời của vị vua đầu tiên triều Nguyễn . Vua Gia Long tại vị 18 năm và lâm bệnh qua đời vào năm 1820 lúc ông 59 tuổi. Nhắc đến vua Gia Long người ta sẽ nhớ đến một võ tướng một vị vua mạnh mẽ, uy nghiêm. Tuy nhiên ít người biết rằng trong cuộc đời của nhà vua đã có một mối tình rất chung thủy và nghĩa tình với người vợ nguyên phối là Thừa Thiên Cao Hoàng Hậu. 

 

 Lăng Gia Long Huế
Đến lăng vua Gia Long du khách còn được tìm hiểu về câu chuyện tình yêu cảm động. Ảnh: Journeys in Hue

Thừa Thiên Cao Hoàng hậu tức Bà Tống Phúc Thị Lan là con gái của Quý Quốc công Tống Phúc Khuông, nổi tiếng là một người con gái xinh đẹp lễ độ và biết lễ nghĩa. Bà vào cung vào năm 18 tuổi ,sau đó được phong là Nguyên Phi và đồng hành cùng nhà vua qua nhiều thăng trầm của thời cuộc. Năm 1802, vua lên ngôi thì một năm sau đó, tức năm 1803 nguyên phi Tống Phúc Thị Lan đã được phong làm hoàng hậu. 

Dù hậu cung có cả trăng phi tần, nhưng nhà vua chỉ lập hâu cho duy nhất một mình bà. Dù vậy năm 1814, Hoàng hậu qua đời ở tuổi 53, vua Gia Long rất đau lòng, để tang bà 1 năm theo đúng lễ và quyết định xây dựng lăng mộ phỏng lễ hợp táng của người xưa để sau này băng hà sẽ được an táng bên cạnh bà. Đây là một trong những điều khiến người đời phải cảm động về tình cảm sắc son của vua và hoàng hậu. Sinh thời bà đã cùng đồng hành với vua qua sinh tử và những ngày tháng khó khăn nhất, chính vì vậy sau khi bà mất đi nhà vua vẫn muốn được ở bên bà lúc tạ thế. Cũng chính vì thế mà lăng Gia Long Huế có ý nghĩa đặc biệt so với các lăng vua triều Nguyễn khác.

>> Xem thêm: Kinh nghiệm cắm trại đồi Thiên An Huế tận hưởng 1001 trải nghiệm thú vị

Kinh nghiệm du lịch lăng Gia Long Huế 


Thời điểm đến lăng Gia Long lý tưởng 

Du khách có thể thăm quan lăng Gia Long Huế và bất kỳ thời điểm nào trong năm, tuy nhiên đẹp nhất là từ tháng 1 đến tháng 5 bởi lúc này thời tiết ở Huế rất khô ráo, không nắng gắt hay mưa nhiều mà tương đối mát mẻ. Đây cũng là thời điểm diễn ra rất nhiều lễ hội đặc sắc ở thành phố Huế. 

Theo kinh nghiệm của dân địa phương thì du khách nên đến thăm lăng Gia Long Huế vào buổi chiều, đây là thời khắc tuyệt vời để du khách có thể chiêm ngưỡng khung cảnh hoàng hôn đẹp như tranh vẽ, ngắm nhìn những tia nắng cuối ngày soi xuống bóng thông bên mặt hồ, đây cũng là thời điểm mà vẻ đẹp của lăng trở nên ấn tượng nhất vừa mang nét hùng tráng kỳ vĩ lại vừa mang vẻ bình yên tĩnh lặng. 

 

 Lăng Gia Long Huế
Thời điểm đẹp nhất để đến lăng là buổi chiều. Ảnh: ST

 

Hướng dẫn đường đi đến lăng Gia Long

Nếu như trước đây để đến lăng Gia Long Huế thì chỉ có thể di chuyển bằng đường thủy xuôi theo dòng sông Hương, qua chùa Thiên Mụ, điện Hòn Chén thì hiện tại có thể di chuyển đến lăng bằng hai cách khác nhau. Theo đó, du khách có thể đi qua cầu phao được người dân địa phương bắc qua sông Tả Trạch hoặc di chuyển trên đường lớn đi qua cầu Tuần, qua lăng Minh Mạng và cầu Hữu Trạch. 

 
Giá vé tham quan Thiên Thọ lăng

Lăng Gia Long Huế là điểm tham quan có thu phí thuộc quần thể các công trình kiến trúc của cố đô Huế. Hiện tại mức giá vé áp dụng với du khách Việt là 50.000đ/ khách và khách quốc tế là 100.000đ/khách, trẻ em sẽ được miễn phí vé vào cửa. Lăng sẽ mở cửa từ 7:00 đến 17:30 hàng ngày từ thứ hai đến thứ sáu. 


Lưu ý khi thăm quan 

Lăng Gia Long Huế là một công trình kiến trúc có giá trị lịch sử, tâm linh đặc biệt, là nơi n nghỉ của vị vua sáng lập nên nhà Nguyễn và Hoàng hậu. Chính vì vậy, khi ghé thăm du khách hãy lưu ý diện trang phục kín đáo và phù hợp. Trong quá trình tham quan không nên gây mất trật tự, xả rác hoặc tổ chức ăn uống tự phát. Du khách cũng nên tuân thủ các quy định tại quần thể lăng như không tác động lên các hiện vật hay không sờ vào vẽ bậy trên các hiện vật. 

Nếu du lịch vào mùa hè, du khách nên mang theo mũ, nón và nước uống để sử dụng trong quá trình tham quan bởi quần thể lăng Gia Long Huế có diện tích tương đối rộng và có nhiều khu vực để tham quan. 

 

 Lăng Gia Long Huế

Lăng Gia Long Huế được xem như một bức tranh tuyệt vời, có sự phối trí hoàn hảo giữa thiên nhiên và kiến trúc, trong đó khung cảnh thiên nhiên chính là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên vẻ đẹp đặc trưng của cảnh quan nơi đây. Ghé thăm lăng vua Gia Long, du khách sẽ được thả mình trong một không gian vô cùng yên tĩnh nhưng lại rất thơ mộng, dạo quanh các công trình kiến trúc và tìm hiểu về cuộc đời đầy thăng trầm hay câu chuyện tình yêu đặc biệt của của vua Gia Long. Đây sẽ là một hành trình trải nghiệm rất đáng giá đối với những du khách ưa thích khám phá lịch sử triều Nguyễn. 

Hồng Thọ - dulichvietnam.com.vn

quảng cáo
Chia sẻ:
close
icom
Bình luận
Ý kiến bạn đọc (0)