Banner Movi
Banner Chuyến Bay Hồi Hương
Quảng Trị

Làng cổ Bích La – Làng ‘địa linh’ với phiên chợ đình độc đáo duy nhất trong năm

Chủ nhật, 26/01/2020, 14:14 GMT+7

Ghé thăm làng cổ Bích La đầu năm, bạn không chỉ được khám phá mảnh đất địa linh nổi tiếng của Quảng Trị mà còn có cơ hội tham dự lễ hội văn hóa truyền thống cùng phiên chợ đình đặc sắc.

test

Đến Quảng Trị, có một ngôi làng trên trăm năm tuổi khiến du khách thích thú bởi nét văn hóa độc đáo – làng cổ Bích La. Đây không chỉ là nơi sinh ra nhiều nhân kiệt của nước Việt mà còn lưu trữ các giá trị truyền thống đặc sắc của lịch sử và văn hóa.


Làng cổ Bích La – ngôi làng với những giá trị đặc sắc tồn tại qua 5 thế kỷ

Du lịch Quảng Trị những ngày đầu năm, thật đáng tiếc nếu bạn không ghé thăm ngôi làng cổ nổi tiếng Bích La. Tọa lạc tại xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, Quảng Trị, Bích La có tuổi thọ trên 500 năm. Ngôi làng được xây dựng từ những năm 1527 của thế kỷ 16. Dù đã trải qua bao thăng trầm, phong ba của thời gian, nơi đây vẫn luôn mang trong mình những giá trị khó có thể phai mờ trên từng nếp nhà rêu phong.
 

Làng cổ Bích La Ngôi làngcổ trên 500 năm tuổi ở Quảng Trị. Ảnh: Gody.vn

Về Quảng Trị, chỉ cần ngược dòng sông Thạch Hãn, đi qua một quãng đồng là bạn sẽ đến được làng cổ Bích La. Địa thế của làng phong thủy hữu tình, ở đó có sông chảy qua và núi non hùng vĩ bao bọc.

Làng được bao quanh bởi các kênh nhỏ nước chảy quanh năm cùng với dòng sông tỏa ra 9 nhánh uốn lượn như rồng. Chính vì điều này, nhiều bậc cao niên cho rằng đây là mảnh đất “địa linh” với long mạch giúp dân muôn đời hưng thịnh, phát triển. 
 

Làng cổ Bích La Ngôi làng với nhiều giá trị văn hóa đặc sắc. Ảnh: Lữ hành Việt Nam

Làng Bích La Quảng Trị được hình thành do các đợt di cư của bà con miền Bắc vào Nam, từ thời chúa Nguyễn. Nơi đây không chỉ là nơi chôn nhau cắt rốn của nhiều hiền tài và nhân kiệt mà trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ và Pháp, làng cũng là căn cứ cách mạng quan trọng trong chiến thắng ở Thành cổ Quảng Trị.
 

Làng cổ Bích La Hình ảnh làng quê quen thuộc vào mùa lễ hội. Ảnh: Vntrip.vn

Trải qua đau thương và tàn phá, làng không lụi tàn mà ngược lại, mảnh đất ấy vẫn luôn “giữ mình”, phát huy truyền thống quý báu của Quảng Trị anh hùng. Người dân nơi đây từ từ xây dựng lại làng, khôi phục từ miền quê nghèo thành làng với cuộc sống ấm no, gia đình thịnh vượng. Cũng qua những năm tháng lịch sử hào hùng ấy, làng Bích La lưu trữ trong mình những giá trị truyền thống ý nghĩa đặc sắc.
 

Làng cổ Bích La Làng có nhiều bia, miếu thờ. Ảnh: langbichladong.wordpress.com

Đặc biệt trong làng cổ Bích La còn có ngôi đình điển hình mang tính văn hóa đặc sắc – nơi diễn ra các buổi hội họp và thờ cúng quan trọng của làng. Trước đình là hồ nước – nơi an ngự của thần Kim Quy, xung quanh có miếu thờ của những bậc tên tuổi có công trong làng cũng như từ đường của các dòng họ,...
 

Làng cổ Bích La Văn hóa truyền thống của làng được gìn giữ qua nhiều thế hệ. Ảnh: Báo Quảng Trị

Không chỉ vậy, một trong những điều không thể bỏ qua tạo thành biểu tượng văn hóa của làng chính là con người. Người dân nơi này từ trẻ nhỏ đã được dạy về những giá trị truyền thống ý nghĩa của cha ông để lại. Đây không chỉ là cách gia tăng sự hiểu biết mà còn giúp lưu giữ, phát huy các giá trị văn hóa qua các thế hệ.


Ngôi làng cổ sản sinh ra nhiều bậc hiền tài của nước Việt

Không chỉ là làng văn hóa, làng cổ Bích La còn được biết đến là cái nôi sản sinh ra nhiều bậc hiền tài có chức tước và hàm vị cao ở nước Việt. Trong suốt chiều dài lịch sử, từ triều Lê đến triều Nguyễn, làng luôn có những người con được  vinh dang bảng vàng.
 

Làng cổ Bích La Nhà Bí thư Lê Duẩn ở Bích La - Triệu Phong. Ảnh: Trường chính trị Lê Duẩn

Nổi bật nhất trong số đó phải kể đến Bí thư Lê Duẩn và danh họa Lê Bá Đảng. Và còn rất nhiều danh nhân có công trạng với đất nước và nổi tiếng xuất phát từ ngôi làng cổ Quảng Trị này. Ngày nay cũng nhiều con cháu từ làng đỗ đại học lớn, có những người mang hàm vị Tiến sĩ làm rạng xanh xóm làng, quê hương.
 

Làng cổ Bích La Dòng họ vang danh khắp cả nước ở làng Bích La. Ảnh: Họ Lê Bá - Làng Bích La

Những thăng trầm lịch sử với bao biến thiên nhưng Bích La vẫn như xưa, luôn giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống để hun đúc nên những con người anh tài. Một mảnh đất giàu truyền thống văn hóa trở thành điểm tham quan hấp dẫn mà bất cứ ai một lần du lịch Quảng Trị nhớ mãi không quên.

Khám phá phiên chợ độc đáo cùng lễ hội ý nghĩa nơi làng cổ Bích La

Hàng năm cứ vào đêm mùng 2, rạng sáng mùng 3 Tết âm lịch, không chỉ dân làng Bích La và các vùng lân cận mà du khách thâp phương đều đổ về tham gia phiên chợ đình đặc biệt mỗi năm chỉ họp một lần này.
 

Làng cổ Bích La Nghi lễ dâng hương ở lễ đình Bích La. Ảnh: Quang Tri Travel

Theo truyền thuyết, có một năm hồ nước trước đình làng bỗng dưng đục, rùa vàng không xuất hiện dẫn đến năm đó mùa màng thất bát, thiên tai hoành hành, lụt to bão lớn. Sau đó cứ đến canh tư (3 giờ sáng ngày mồng 3 tết Nguyên Đán) dân làng tập trung về quanh hồ mở Hội… khấn cầu rùa vàng nổi bơi lội trên mặt hồ ban phát cho dân làng điềm may trong năm. Nhờ vậy, rùa vàng nổi, năm đó làng gặp mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, phát tài, phát lộc, yên vui, hạnh phúc. Cứ vậy, chẳng ai bảo ai, đến sáng mồng 3 tết cuộc gặp đầu năm trở thành ngày trẫy hội và hình thành nên phiên chợ đình Bích La - phiên chợ duy nhất trong năm.
 

Làng cổ Bích La Người dân tập trung xem rùa thần nổi ở hồ trước đình làng. Ảnh: Lữ hành Việt Nam

Khi tiếng kẻng sang canh báo hiệu một ngày mới bắt đầu, tại đình làng các bậc cao niên tiến hành nghi thức dâng hương cảm tạ trời đất và công lao của các bậc tiền nhân. Sau đó mọi người rủ nhau đến phiên chợ đình tấp nập. 
 

Làng cổ Bích La Chợ đông vui nhộn nhịp, ai cũng muốn mua về một chút lộc đầu năm. Ảnh: vietnamplus.vn

Khoảng 2 giờ sáng ngày 3, khắp đường thôn ngõ xóm lại đèn đuốc bập bùng với đoàn người râm ran, nô nức đến đình làng trẩy hội và tham gia phiên chợ. Hàng hóa chủ yếu là sản vật làng làm ra như  rau, hoa, quả, gạo, nếp, cá, gà, vịt… Và đặc biệt một mặt hàng không thể thiếu đó là những con gà nặn bằng đất phơi khô, quét màu gắn vào một ống tre vát nhọn, rồi dát vào một mẩu lá cọ để làm lưỡi gà hay còn gọi là “tò he”.  Chính những con gà đất này giúp lễ hội chợ đình Bích La trở thành “ngày hội văn hoá cổ truyền của vùng đồng bằng Triệu Phong Quảng Trị”. 
 

Làng cổ Bích La Chợ mang đến nét văn hóa độc đáo thu hút đông đảo người tham gia. Ảnh: Báo giao thông

Không nổi tiếng như nhiều phiên chợ khác, song chợ đình của người dân làng cổ Bích La mang đến một nét văn hóa độc đáo không thể bỏ qua dịp Tết khi đến Quảng Bình. Được mở ra đúng ngày năm mới, đây là dịp mọi người hòa mình vào không khí linh thiêng, ấm cúng, cùng gặp gỡ và trò chuyện cùng bạn bè.
 

Làng cổ Bích La Chợ còn là nơi gặp gỡ của mọi người. Ảnh: Baodautu.vn

Chợ đình Bích La còn được ví như chợ giao duyên, hẹn ước, tâm tình bởi đây là nơi mọi người gặp gỡ và cùng nhau trẩy hội. Đặc biệt có nhiều đôi phải lòng và nên duyên từ phiên chợ đầu năm độc đáo này. Có lẽ vì vậy mà phiên chợ đình luôn rất đông những nam thanh, nữ tú náo nức chờ phiên chợ để hẹn non, thề biển, dựng xây tổ ấm gia đình.
 

Làng cổ Bích La Đến chợ đình Bích La du khách còn được xin chữ mang về. Ảnh: Dân trí

Có một điều nếu bạn ghé chợ đình làng cổ Bích La cần lưu ý là chợ tan rất sớm. Khi trời chưa rõ mặt người, nơi con đường làng rộn rã tiếng gà đất (tò he) của con trẻ “gáy râm ran” là khi chợ đã tan. Kết thúc chợ là lúc mọi người tiếp tục dự các phần Lễ - Hội của làng như: lễ cúng Thần linh; tham gia các hội bình thơ, hội bài chòi, thổi gà đất, hội cờ chòi, đập om đất, kéo co, chơi đu, hò đối đáp… 

Đầu năm ghé làng cổ Bích La, đi hội khai xuân chợ đình, bạn vừa được khám phá văn hóa, kiến trúc của ngôi làng cổ, vừa có cơ hội tham gia phong tục đặc sắc. Tin rằng đây sẽ là trải nghiệm ý nghĩa và khó quên trong chuyến du lịch Quảng Trị.

Thanh Huyền

Theo Báo Thể Thao Việt Nam
quảng cáo
close
icom
Bình luận
Ý kiến bạn đọc