Nam Định nổi tiếng là vùng đất có nhiều làng nghề truyền thống, là nơi để du khách tìm hiểu về những nét đẹp xa xưa và văn hóa của người dân Việt Nam. Làng Báo Đáp Nam Định cũng vậy, đã tồn tại từ rất lâu và lưu giữ nhiều giá trị tốt đẹp, rất đáng để bạn khám phá.
Làng Báo Đáp còn có tên khác là làng Hóp, thuộc xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. So với những làng quê khác ở Bắc Bộ chuyên làm nông, trồng lúa, trồng ngô thì tại đây, buôn bán lại trở thành nghề chính của làng này.
Làng Báo Đáp nổi tiếng từ lâu là thủ phủ làm đèn ông sao truyền thống lớn bậc nhất miền Bắc, chuyên phục vụ cho các tỉnh thành lân cận mỗi dịp Rằm tháng 8. Có thể nói rằng, hầu hết những chiếc đèn ông sao đang bán ở phố Hàng Mã (Hà Nội) vào dịp Trung thu đều được làm ở một làng quê Báo Đáp này từ bao đời nay.
Theo kinh nghiệm đi làng Báo Đáp Nam Định, do khoảng cách gần với TP Nam Định, chỉ cách tầm 9km nên việc di chuyển tới đây không hề khó khăn. Từ trung tâm thành phố, khách du lịch đi qua cầu Đò Quan theo hướng Quốc lộ 21A, sau đó rẽ trái vào đường Vũ Hữu Lợi cứ đi thẳng tiếp là tới. Thời gian di chuyển chỉ khoảng 20 phút và bạn hoàn toàn có thể tra cứu đường đi trên google maps hoặc hỏi người dân địa phương.
Nếu xuất phát từ TP Hà Nội, theo kinh nghiệm đi làng Báo Đáp Nam Định, du khách đi lối cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, cao tốc Hà Nội – Ninh Bình tới trạm thu phí Liêm Tuyền thì rẽ trái vào đường Hà Huy Tập cứ men theo Quốc lộ 21B là tới được địa phận của TP Nam Định. Để tới được làng Báo Đáp, bạn tiếp tục hành trình khoảng 9km như trên là đến. Đường đẹp, dễ đi nhưng du khách cần chú ý biển báo tốc độ và xi nhan để tránh gặp rắc rối.
Trong trường hợp đi xe khách, vé xe khách chỉ từ 60.000 đồng/người để đến trung tâm TP Nam Định, sau đó bạn bắt xe ôm hoặc taxi tới làng Báo Đáp Nam Định. Tùy theo sở thích và nhu cầu, bạn lựa chọn phương tiện cho phù hợp.
Ở làng Báo Đáp, không khí Tết Trung thu về sớm hơn mọi nơi. Cứ ghé thăm ngôi làng nhỏ này từ tháng 7 âm lịch, bạn cũng đã có thể cảm nhận được không khí hối hả, tất bật làm đèn ông sao cho mùa vụ Trung thu. Đúng là như vậy, nơi này là làng làm đèn ông sao Báo Đáp – thủ phủ đèn ông sao truyền thống lớn nhất miền Bắc nước ta.
Cả làng có 7 thôn khoảng 1.000 hộ thì có tới 300 hộ làm nghề này và chẳng ai biết nghề đã có từ bao giờ, chỉ biết được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác từ rất lâu rồi. Có những gia đình đã có 3 đời làm nghề làm đèn ông sao. Hàng năm, Báo Đáp cho ra trên dưới 1,5 triệu cây đèn sau đó bán đi khắp miền Nam, Bắc.
Ngay từ đầu làng, mỗi ngày có hàng chục chiếc xe ô tô tải cứ ra vào tấp nập để chuyển đèn đi về các tỉnh. Từ ngõ vào tới sân của các gia đình, bạn sẽ chứng kiến cảnh ngập luồng, nilon, nứa, dây tua rua đủ màu sắc dùng để làm đèn.
Một điều rất thú vị khi tới làng Báo Đáp là hầu hết người trong làng, không chỉ người lớn mà cả trẻ em, người cao tuổi, ai cũng có thể làm đèn. Tất cả các vật liệu làm đèn ông sao đều được mỗi nhà chuẩn bị rất sớm, từ vài tháng trước để kịp bán khi Trung thu.
Thậm chí, ngay từ sau Tết Nguyên đán hàng năm, người dân làng làm đèn ông sao Báo Đáp đã rục rịch mua tre nứa, thân đay từ tận Thanh Hóa về để chuẩn bị tạo nên được những chiếc đèn ông sao đạt tiêu chuẩn nhất.
Tại đây, đèn ông sao được làm hoàn toàn thủ công, từ chính những đôi tay khéo léo và tâm huyết của người dân làng nghề. Thoạt nhìn tưởng đơn giản nhưng để chế tạo thành những chiếc đèn chắc chắn thì lại yêu cầu những kỹ thuật riêng. Điều này được đúc kết ở làng Báo Đáp từ đời này qua đời khác.
Chẳng hạn như muốn có một khung đèn chắc chắn, đảm bảo độ dẻo dai khi uốn mà vẫn nhẹ, để trẻ em có thể cầm rước thì họ phải ngâm tre nứa rất lâu, thân đay làm cán đèn sẽ được đem phơi nhiều nắng...
Ngoài ra, với công đoạn dán giấy bóng kính màu đỏ lên khung đèn, người ta sẽ dùng bột gạo nấu theo công thức riêng để dán, vừa đảm bảo độ bền chắc vừa an toàn cho người sử dụng. Để đèn được chắc, khỏe, ngay cả việc buộc các mối bằng dây kẽm của người dân làng Báo Đáp Nam Định cũng phải thật đều tay và khít.
Một chiếc đèn ông sao đạt chuẩn là hình sao 5 cánh phải đều, giấy bóng dán căng đẹp mắt, không bị trùng, bị trũng đoạn nào, trọng lượng đèn cũng đủ nhẹ để trẻ em có thể thoải mái vui chơi đêm Trung thu.
Tùy theo thị trường mà sản lượng làm đèn cũng khác nhau. Có những năm nhu cầu cao, người dân Báo Đáp làm không xuể. Nếu hộ nào bắt đầu từ tháng Giêng thì có thể xuất ra hàng chục nghìn đèn các loại. Gia đình nào gần Tết Trung thu mới làm thì sẽ xuất ra ít hơn nhưng cũng lên tới vài nghìn đèn.
Đèn ông sao tại làng Báo Đáp có đủ mọi kích cỡ khác nhau, thông thường sẽ là đường kính 30cm, 50cm, có những chiếc lên tới 1m hoặc siêu to khổng lồ đặt theo nhu cầu riêng của khách. Với những thợ nghề đã thành thạo việc làm đèn, trung bình mỗi ngày có thể tạo ra hơn 100 chiếc đèn ông sao cỡ nhỏ với giá khoảng 8.000 đồng/chiếc hoặc 30-40 chiếc đèn loại to.
Ngày nay, khi các làng nghề truyền thống đang dần mai một nhưng người dân làng Báo Đáp vẫn luôn cố gắng lưu truyền tới đời sau bởi đây là một nét văn hóa đẹp. Họ cho rằng sau một thời gian chạy theo đồ chơi Trung Quốc, đồ chơi điện tử, người dân đang ngày càng quay trở lại các giá trị truyền thống, ngày càng yêu mến hơn những chiếc đèn ông sao rực rỡ, những chiếc mặt nạ giấy bồi tỉ mỉ...
Bạn có thể ghé thăm làng Báo Đáp bất kể thời điểm nào, nhưng thích hợp nhất vẫn là thời điểm gần Trung thu, khoảng từ cuối tháng 7 âm lịch để cảm nhận trọn vẹn không khí tấp nập, nhộn nhịp, đầy màu sắc ở đây.
Không chỉ nức tiếng với nghề làm đèn ông sao dịp Rằm tháng 8, Báo Đáp còn làm hoa lụa phục vụ thị trường trong nước. Bên cạnh việc sản xuất những mẫu hoa truyền thống như hoa hồng, cúc, sen, đào, mai… thợ nghề ở đây còn trau dồi, học hỏi và tạo ra rất nhiều mẫu hoa mới được yêu thích, nào là phong lan, hoa ly, tới cẩm tú cầu, cúc họa mi, phi yến...
>>Xem thêm: Nhà thờ đổ Nam Định - vẻ đẹp hoang sơ in dấu thời gian
Theo kinh nghiệm đi Nam Định, làng nghề ở Nam Định không thiếu, trong chuyến ghé thăm vùng đất tươi đẹp này, bạn đừng quên khám phá các làng nghề nổi tiếng không kém làng nghề Báo Đáp Nam Định dưới đây.
Làng Tống Xá nằm ở trung tâm huyện Ý Yên, có tiếng là làng đúc đồng truyền thống đã tồn tại từ 1000 năm trước. Trước đây, làng chỉ chuyên đúc những mặt hàng đơn giản để làm đồ thờ cúng, đỉnh đồng hay lư hương nhưng ngày nay, lại ngày càng đa dạng hóa sản phẩm. Người dân trong làng có thể tạo nên những bức tượng Phật, đồ thờ, đồ phong thủy, doanh nhân... và đưa đi khắp cả nước.
Một số công trình đúc đồng tiêu biểu của làng Tống Xá phải kể đến Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ nặng 220 tấn trong đợt kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ hay tượng Vua Lý Thái Tổ nặng 45 tấn trong dịp kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội...
Làng Cổ Chất thuộc xã Phương Định, huyện Trực Ninh cũng là một làng nghề ở Nam Định nổi tiếng bấy lâu nay với nghề ươm tơ dệt lụa từ vài trăm năm trước. Ngay từ khi biết cắp sách tới trường, trẻ em Cổ Chất đã biết việc hái dâu, chọn kén, đến lúc trưởng thành thì được ông bà truyền dạy ươm tơ. Cứ thế, từ đời này qua đười khác, người dân Cổ Chất vẫn bền bỉ với nghề nuôi tằm, dệt tơ.
Để tri ân công đức của tổ nghề, ngày 6 tháng 3 âm lịch hàng năm, làng Cổ Chất sẽ tổ chức lễ hội với nhiều trò chơi dân gian để gửi gắm ước mong về một mùa tơ vàng, cuộc sống an khang, bình yên.
Dịp Trung thu ghé làng Báo Đáp Nam Định để khám phá thủ phủ làm đèn ông sao, bạn sẽ có nhiều trải nghiệm bất ngờ. Theo dõi Du lịch Việt Nam để cập nhật thêm nhiều điểm đến mới cùng kinh nghiệm vi vu hữu ích cho chuyến đi sắp tới của mình nhé.
Yến Yến
Theo Báo Thể Thao Việt Nam