Làng bánh tráng cù lao Mây Vĩnh Long có tuổi đời gần 1 thế kỷ là điểm đến tìm hiểu văn hóa truyền thống đặc sắc mà bạn không nên bỏ lỡ trong hành trình khám phá miền Tây.
Miền Tây là mảnh đất sở hữu rất nhiều làng nghề truyền thống như dệt chiếu, dệt thổ cẩm, chằm nón lá, làm bánh tráng, làm tơ lụa, làm bánh phồng…Trong đó, nghề làm bánh tráng với nhiều công đoạn cầu kỳ luôn là một trong những nét đẹp văn hóa lâu đời thu hút nhiều du khách thập phương ghé thăm khám phá.
Nếu bạn có kế hoạch du lịch miền Tây trong tương lai thì nhất định đừng quên ghé thăm làng bánh tráng cù lao Mây Vĩnh Long có tuổi đời gần 100 năm để khám phá nét đẹp truyền thống đặc sắc này nhé.
Miền Tây là mảnh đất nổi tiếng với các làng nghề làm bánh tráng truyền thống nổi tiếng như làng bánh tráng Mỹ Lồng (Bến Tre), làng nghề bánh tráng Thạnh Hưng (Kiên Giang), làng nghề bánh tráng Thuận Hưng (Cần Thơ) và chắc chắn không thể thiếu “cái tên vàng” - làng bánh tráng cù lao Mây đã tồn tại gần 1 thế kỷ ở huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long.
Đã gần 1 thế kỷ từ lúc làng bánh tráng cù lao Mây Vĩnh Long ra đời, đến nay những người con sinh ra và lớn lên tại làng nghề vẫn kiên nhẫn trụ vững bám nghề nhằm bảo tồn nét văn hóa truyền thống đẹp được ông cha gìn giữ qua bao thế hệ. Nơi đây hàng năm vẫn cung cấp cho thị trường hàng trăm, hàng ngàn sản phẩm bánh tráng đa dạng chất lượng. Hương vị thơm ngon khó quên tại làng tráng cù lao Mây được rất nhiều người yêu thích và thôi thúc họ muốn đến trực tiếp tham quan, khám phá nơi sản xuất trong chuyến du lịch miền Tây.
Theo kinh nghiệm du lịch làng bánh tráng cù lao Mây Vĩnh Long, để đến được địa điểm tham quan này, bạn cần đi phà Lục Sĩ Thành để vượt qua sông Trà Ôn. Khi xuống phà, bạn sẽ bắt gặp rất nhiều những chiếc xe chở đầy bánh tráng phân phối đi khắp nơi – đây là dấu hiệu nhận biết đã gần đến làng nghề truyền thống.
Sau khi đến cù lao Mây, bạn có thể thuê xe đạp hoặc xe máy để dễ dàng hơn trong việc di chuyển khám phá làng nghề và các địa điểm du lịch tham quan gần đó.
>>Xem thêm: Cẩm nang du lịch Vĩnh Long siêu chi tiết
Làng bánh tráng cù lao Mây Vĩnh Long được công nhận là làng nghề truyền thống vào năm 2009 nhằm tạo điều kiện để nghề truyền thống này phát triển và duy trì lâu dài. Đến năm 2011, khi hợp tác xã bánh tráng tại địa phương được thành lập, làng nghề bắt đầu nhận được nhiều chính sách hỗ trợ của các ban ngành chuyên môn.
Bánh tráng vùng cù lao Mây có nhiều loại khác nhau, nhưng nổi tiếng nhất là bánh tráng ngọt sữa, bánh tráng ớt, bánh tráng nem, bánh tráng nướng, bánh tráng nhúng…Bánh tráng nơi đây có vị thơm ngon, giòn rụm rất đặc trưng, đặc biệt là bánh tráng nướng còn có thêm vị béo của nước cốt dừa, vị ngọt của đường và vị đậm đà của nhiều loại gia vị. Các loại bánh tráng tại cù lao Mây có thể ăn kèm cùng với thịt nướng, nem nướng, gỏi cuốn…
Làng nghề xác định mục tiêu không chỉ sản xuất ra những sản phẩm chất lượng cao mà còn duy trì và phát huy những giá trị văn hóa lâu đời của địa phương. Ngày nay, nhiều du khách du lịch Vĩnh Long vẫn thường lựa chọn ghé thăm làng nghề để tham quan, tìm hiểu quy trình sản xuất bánh tráng; thưởng thức hương vị đặc sản địa phương cũng như mua bánh về làm quà tặng người thân, bạn bè sau chuyến du lịch.
Người dân sinh sống ở làng bánh tráng cù lao Mây Vĩnh Long cho biết, hầu hết các công đoạn làm bánh tráng đều theo phương pháp thủ công, từ khâu chọn gạo, xay bột, ép bột, tẻ bột/bồng bột…đến tráng và phơi bánh.
Gạo thường được ngâm từ trưa hôm nay đến sáng hôm sau. Sau khi bột được vớt ra, người làm tiến hành đãi gạo, xay thành bột, lược bỏ phần bột chưa xay nhuyễn; tùy từng nơi, có người sẽ bồng bột (dùng vật nặng ép phần nước trong bột) hoặc tẻ bột. Công đoạn bồng bột/tẻ bột giúp bánh tráng có độ dai, mềm nhất định.
Sau khi bồng bột xong, tùy vào loại bánh mà bột sẽ được phối hợp cùng các loại gia vị như muối, dừa, mè, sữa, ớt, đường mía, chuối, thanh long…Việc pha trộn nguyên liệu cũng cần phải có bí quyết thì khi phơi bánh mới đạt được độ dẻo mong muốn.
Bột bánh sau khi pha sẽ được tráng thật tròn, thật mỏng trên một chiếc nồi căng vải và làm chín bằng hơi nước. Khi bánh chín, người làm nhẹ nhàng dỡ bánh ra khỏi miếng vải và đặt lên vỉ, sau đó mang ra sào đặt ngoài sân hay vỉa hè để phơi. Mỗi loại bánh có thời gian phơi dao động từ 2 - 4 tiếng.
Thông thường, nếu người dân bắt đầu làm bánh từ 3h sáng thì đến tầm 5h sáng sẽ có những mẻ bánh đầu tiên. Tùy vào thời tiết, mỗi ngày một gia đình có thể làm được từ 300 - 500 bánh. Vào dịp Tết, thời gian tráng bánh sẽ nhiều hơn, số lượng bánh cũng tăng để phục vụ nhu cầu của khách hàng.
Theo cẩm nang du lịch làng bánh tráng cù lao Mây Vĩnh Long, những vị khách đến với làng nghề sẽ có cơ hội được trải nghiệm tráng bánh, phơi bánh như một người làm bánh tráng truyền thống thực thụ.
Du khách muốn tham gia hoạt động thú vị này nên đến làng bánh tráng cù lao Mây Vĩnh Long vào 5h – 12h hàng ngày để kịp thực hiện các công đoạn tráng bánh, dỡ bánh, phơi bánh, kiểm tra độ phơi nắng...Vào buổi chiều, các lò thường sẽ tạm dừng hoạt động nên bạn khó có thể tham gia trải nghiệm.
Bên cạnh tham quan làng nghề, du khách khi đến cù lao Mây còn được trải nghiệm khám phá rất nhiều hoạt động thú vị như hái trái cây, đạp xe, bơi xuồng...Chi phí chuyến đi khám phá cù lao Mây và làng nghề bánh tráng cù lao Mây dao động từ 400.000 - 600.000 VND/người.
>>Xem thêm: Dạo một vòng ngắm nhìn kiến trúc nhà cổ Cai Cường Vĩnh Long – Công trình cổ đẹp nhất tại cù lao An Bình
Nếu có kế hoạch du lịch miền Tây trong năm nay, đừng quên thêm làng bánh tráng cù lao Mây Vĩnh Long vào list “must go” để có cơ hội tìm hiểu, khám phá nét văn hóa truyền thống đặc sắc được gìn giữ gần 100 năm bạn nhé.
Thu Hằng