Bạn đang muốn du xuân đầu năm? Bạn đang tìm điểm đến vừa có cảnh đẹp vừa có văn hóa phong phú? Du xuân Lạng Sơn chắc chắn sẽ đáp ứng hết mọi yêu cầu này của bạn đấy.
Trung tâm Lạng Sơn cách Hà Nội khoảng 160km, thời gian di chuyển tầm 3 tiếng đồng hồ nhờ tuyến đường cao tốc đẹp, dễ đi. Bạn cứ đi vào cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn là sẽ tới thẳng địa phận Lạng Sơn.
Nếu lo ngại việc đi xe xa, du khách hoàn toàn có thể lựa chọn xe limousine đưa đón và trả khách tận nơi như nhà xe Duy Quang, Quỳnh Thành, nhà xe Hoàng Hà, Vân Hà... với giá từ 250.000 đồng đến 350.000 đồng/người. Xe khách có giá rẻ hơn, từ 120.000 đồng đến 180.000 đồng/người nhưng thời gian đi có thể lâu hơn. Bạn có thể đón xe tại bến Mỹ Đình, Giáp Bát hoặc Gia Lâm.
Du xuân Lạng Sơn từ TPHCM hoặc các tỉnh thành phía Trung, phía Nam, cách di chuyển nhanh nhất vẫn là đi máy bay đến Hà Nội. Sau đó, bạn bắt đầu hành trình tương tự như trên.
Nhìn chung, ở Lạng Sơn chưa có nhiều dịch vụ lưu trú sang trọng hay cao cấp. Các khách sạn 4-5 sao được yêu thích nhất là Sheraton Lạng Sơn hoặc Mường Thanh Luxury. Giá phòng từ 1,2 – 1,4 triệu đồng/đêm. Việc tìm nhà nghỉ, khách sạn trong thành phố cũng thuận tiện hơn và đa dạng hơn so với các huyện khác. Một số khách sạn bình dân gợi ý cho khách du lịch Lạng Sơn là Sojo, Trà Linh, Long Vũ, Đông Phương, A1...
Nếu muốn ở gần điểm du lịch Bắc Sơn hay Hữu Lũng, bạn có thể chọn homestay thân thiện môi trường và giá cũng rất phải chăng như Rừng Xanh, Bình Minh, Thắng Liên (khu vực huyện Hữu Lũng); Cánh Đồng Vàng, nhà sàn Bản Chăng, Thuỷ Tiên (khu vực Bắc Sơn) hoặc Chân Mây, Hoa Quả Sơn, Công Đoàn, Mây (khu vực Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình).... Như vậy, khách du xuân Lạng Sơn cần lên kế hoạch và lựa chọn điểm lưu trú phù hợp với sở thích cũng như lịch trình của mình.
Chắc hẳn ai cũng từng nghe về con phố Kỳ Lừa thông qua câu ca dao nổi tiếng mỗi khi nhắc về Lạng Sơn. Vậy nên ai đến đây cũng đều không khỏi tò mò về con phố này. Trước đây, Kỳ Lừa là con phố trao đổi, mua bán hàng hóa sầm uất của các vùng miền. Các dân tộc bản giáp biên như Cao Lộc, Văn Lãng, Lộc Bình còn mang đồ thổ cẩm, bó hương thắp, mật ong, hoa quả trong vườn nhà tới đây để bày bán. Người trong phố thì có cuốc, xẻng, liềm. Người thì quần áo, xì dầu, đèn pin, giầy dép… tạo nên khung cảnh mua bán nhộn nhịp, vui vẻ.
Ngày nay, phố vẫn tấp nập cùng chợ Kỳ Lừa lớn nhất xứ Lạng. Ở chợ Kỳ Lừa có gần 300 hộ kinh doanh các mặt hàng điện tử, đồ dùng hàng Việt Nam và Trung Quốc, phục vụ khách du xuân Lạng Sơn.
Ngoài ra, ghé thăm chợ Kỳ Lừ, du khách còn được thưởng thức vô số món ăn ngon đặc sản, tinh hoa ẩm thực của Lạng Sơn như lợn quay, khau nhục, vịt quay, phở chua, bánh cao xằng, bánh áp chao, bánh cuốn trứng... Món nào món nấy cũng được chế biến chuẩn vị xứ Lạng và giá cả cực kỳ phù hợp nên bạn không phải lo cháy túi đâu nhé.
Buổi tối các ngày cuối tuần, phố đi bộ Kỳ Lừa còn mang đến cho khách du lịch nhiều trải nghiệm về ẩm thực, nghệ thuật đặc sắc nữa đấy. Lưu ý rằng, bạn nên bảo quan tư trang cá nhân cẩn thận khi thăm quan phố đi bộ.
>>Xem thêm: Chinh phục đỉnh Phia Pò Lạng Sơn - nóc nhà của xứ Lạng
Núi Tô Thị nằm ngay trong thành phố Lạng Sơn, thuộc quần thể Khu di tích danh thắng Nhị - Tam Thanh nổi tiếng. Ngọi núi này được xem là biểu tượng cho tình yêu son sắt của người phụ nữ nước nhà.
Núi Tô Thị càng trở nên đặc biệt khi gắn với truyền thuyết dân gian lưu truyền bao đời nay của người dân xứ Lạng. Theo truyền thuyết kể lại, ngày nào nàng Tô Thị cũng bồng con chờ chồng đi đánh trận trở về và cuối cùng đã hóa đá. Bởi vậy, sau 1370 bậc thang rêu phong chinh phục đỉnh Tô Thị, khách du xuân Lạng Sơn sẽ bắt gặp một tảng đá tự nhiên hình khá giống một người phụ nữ đang bồng con trông ngóng về phương xa.
Theo kinh nghiệm của những người đi trước, núi Tô Thị không khó để chinh phục, phù hợp với cả những ai chưa có nhiều kinh nghiệm leo núi trước đó.
Chùa Tam Thanh cũng là một điểm du xuân không thể bỏ qua ở Lạng Sơn. Ngôi chùa nằm trong động đá ngay giữa TP. Lạng Sơn, được xây dựng từ thời Lê. Chùa Tam Thanh Lạng Sơn nằm lưng chừng núi, để tới đây, bạn cần leo qua 30 bậc thang đá.
Hiện tại, chùa Tam Thanh vẫn còn lưu giữ tấm bia cổ “Trùng tu Thanh Thiền động” có từ năm 1677. Bên trên vách động chùa cũng có bài thơ do chính Ngô Thì Sỹ khắc ghi khi còn làm đốc trấn ở Lạng Sơn.
Người ta thường đến chùa Tam Thanh Lạng Sơn để cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, làm ăn phát đạt tới gia đình và bản thân. Du xuân Lạng Sơn, bạn sẽ thấy rất đông khách thập phương kéo tới đây bởi ngôi chùa cổ nổi tiếng linh thiêng. Ngoài ra, bạn còn được dịp thăm quan, khám phá vẻ đẹp kỳ diệu của hang động.
Thành cổ Lạng Sơn là di tích lịch sử cấp Quốc gia, phản ánh lịch sử kiến trúc, quân sự từ thời quân chủ phong kiến ở xứ Lạng. Chưa có tài liệu nào thông tin cụ thể về thời điểm xây dựng thành, có thể từ cuối thế kỷ 13 tới đầu thế kỷ 14.
Trải qua thời gian cũng như biến động lịch sử, dấu tích của thành cổ còn lại hiện nay là hai đoạn thành, cổng Nam và Tây. Tuy không còn nguyên vẹn nhưng giá trị của Thành cổ Lạng Sơn vẫn còn mãi trong thế hệ sau.
Một điểm du xuân Lạng Sơn cực lý tưởng cho những vị khách đang muốn tìm về với thiên nhiên dịp đầu năm là thảo nguyên Đồng Lâm. Với diện tích tích gần 100 hecta, Đồng Lâm thuộc địa phận xã Hữu Liên, huyện Hữu Lũng, được ví như Mông Cổ thu nhỏ của phía Bắc. Nằm giữa những vách núi đá sừng sững, Đồng Lâm có hai mùa là mùa nước cạn và nước ngập, mỗi mùa lại mang sắc thái khác nhau.
Vào mùa xuân, kéo dài đến tháng 4, thảo nguyên Đồng Lâm xanh mướt, thích hợp để vui chơi, cắm trại. Lúc này, những bán đảo xanh lộ ra, xen kẽ với hồ nước trong xanh, thảm cỏ bát ngát, trông vô cùng bắt mắt. Xung quanh thảo nguyên có những hộ chăn ngựa nuôi thả tự do, tạo nên cảnh tượng đầy thân quen như chốn đồng quê gắn liền với tuổi thơ của mỗi người.
Hiện tại, trong khu vực thảo nguyên Đồng Lâm chưa có dịch vụ nào nên du khách cần mang theo đồ ăn, thức uống nếu muốn cắm trại. Khung cảnh thảo nguyên đẹp như một bức tranh cổ tích với núi đồi trùng điệp, bầu trời cao trong trẻo, mặt nước phẳng lặng, không khói bụi, không xe cộ...
Bản Lân Đặt nằm ngay gần thảo nguyên Đồng Lâm nhưng lại được ngăn cách nhau bởi núi non trùng điệp nên tách biệt hẳn so với thế giới bên ngoài. Du xuân Lạng Sơn tới Lân Đặt để khám phá văn hóa, nạp năng lượng cho năm mới.
Lân Đặt là bản người Dao, không có điện, internet, không chợ búa... Tất cả mọi thứ đều tự cung tự cấp. Cách duy nhất để vào được làng trekking vượt qua ngọn núi cao trước mắt. So với những ngọn núi khác của xứ Lạng, quãng đường núi vào Lân Đặt có phần dốc hơn, gồ ghề, nguy hiểm hơn. Nếu khởi hành vào những ngày thời tiết không ủng hộ, mưa trơn trượt, du khách có thể mất tới 2 tiếng mới vào đến được bản.
Người dân làng Lân Đặt đôn hậu, không quên thiết đãi du khách phương xa với rau tự trồng, gà tự nuôi... chế biến theo phong cách địa phương nên cực ngon và lạ miệng.
Địa chỉ: Xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn, Lạng Sơn
Một địa điểm cực lý tưởng cho khách du lịch thích sống ảo khi du xuân Lạng Sơn là thung lũng hoa Bắc Sơn. Với giá vé chỉ 50.000 đồng/người, bạn đã có thể thoải mái “tác nghiệp” ở đây. Mùa xuân, muôn hoa đua nở ở Bắc Sơn, do đó, thung lũng hoa cũng thu hút rất đông du khách tới để thăm quan, chụp ảnh.
Thung lũng hoa Bắc Sơn khiến ta như lạc vào một xứ sở thần tiên nào đó khi quanh năm có hoa nở rực rỡ, khi thì hoa cải vàng, khi thì hoa tam giác mạch, lúc lại cánh bướm khoe sắc, rồi hoa đào, hoa mận... Đứng giữa cánh đồng hoa, chỉ cần thả lỏng cơ thể, hít hà hương thơm của hoa, của đất trời, cũng đủ khiến ta sảng khoái vô cùng.
Bao bọc lấy thung lũng hoa là núi đá trùng điệp, cây cối xanh tốt nên thời tiết lúc nào cũng dễ chịu. Tới thung lũng hoa Bắc Sơn, du khách vừa cảm nhận được sự thơ mộng của hoa cỏ, vừa cảm nhận được nét hùng vỹ của núi rừng.
Du xuân Lạng Sơn là cơ hội lý tưởng để bạn hòa mình vào không khí lễ hội dịp đầu năm. Lạng Sơn là vùng đất với đa dạng các lễ hội truyền thống, gắn với phong tục, tập quán, tín ngưỡng lâu đời của đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Dao…
Nhiều lễ hội được duy trì tổ chức đều đặn hàng năm, thu hút hàng nghìn du khách mọi miền tham gia như: Lễ hội chùa Bắc Nga (15 tháng Giêng); Lễ hội Đền Mẫu Đồng Đăng (10 tháng Giêng); lễ hội Lồng tồng xã Quỳnh Sơn (Bắc Sơn); lễ hội Báo Slao xã Quốc Khánh (Tràng Định), lễ hội Trò Ngô xã Thịên Kỵ (Hữu Lũng)...
Trong đó, Lễ hội đền Kỳ Cùng Tả Phủ là lễ hội có quy mô lớn, tổ chức từ 22-27 tháng Giêng, để tri ân công đức của Quan lớn Tuần tranh và Tả đô đốc Hán quận công Thân Công Tài có công dẹp giặc, gìn giữ sự bình yên cho người dân, mở mang phố Kỳ Lừa, nâng cao đời sống nhân dân xứ Lạng.
Ngày 27 tháng Giêng là ngày chính hội, đông vui và nhộn nhịp nhất. Trong Lễ hội đền Kỳ Cùng Tả Phủ có hội tranh đầu pháo. Theo quan niệm dân gian, ai tranh được đầu pháo thì gia đình gặp nhiều may mắn, làm ăn phát tài. Du xuân Lạng Sơn được tham gia lễ hội, tìm hiểu thêm về văn hóa địa phương thì còn gì bằng.
Lạng Sơn có rất nhiều món ăn ngon mang hương vị địa phương mà bạn nhất định phải thử. Chẳng hạn như vịt quay mắc mật, rượu Mẫu Sơn, , phở vịt quay, lợn quay, bánh cuốn trứng, khau nhục, khoai môn tẩm bột rán, rau bò khai xào cao khô, cải ngồng luộc, nem nướng, khâu nhục, bánh ngải...
+ Khi tới chợ Tân Thanh, Đông Kinh, Đồng Đăng... bạn cần cẩn thận bảo vệ để tránh bị móc túi, mất đồ đạc.
+ Các mặt hàng tại chợ đa phần là hàng Trung Quốc, bởi vậy, bạn nên cân nhắc và mặc cả trước khi mua
+ Bạn có thể mua măng ớt, bánh Cao Sằng, xúc xích hun khói, bánh bí đỏ, lạp xưởng, bánh lạc, rau cải... về làm quà sau chuyến đi
Trên đây là bí kíp du xuân Lạng Sơn cho bạn và gia đình tham khảo. Theo dõi Du lịch Việt Nam để cập nhật thêm nhiều điểm đến mới cùng kinh nghiệm vi vu hữu ích trong chuyến đi sắp tới của mình nhé.
Yến Yến