TP. Hồ Chí Minh là thành phố “không ngủ” thu hút rất đông khách du lịch. Check ngay cẩm nang du lịch TP. Hồ Chí Minh và chuẩn bị cho hành trình khám phá vùng đất sôi động này nhé!
TP. Hồ Chí Minh luôn là điểm đến lý tưởng cho những người trẻ yêu sự náo nhiệt. Thành phố trẻ trung vài trăm tuổi này có 1 nhịp sống hiện đại, bầu không khí sôi nổi và những con người cởi mở luôn sẵn sàng kéo bạn vào mọi cuộc vui. Cùng Du Lịch Việt Nam mở ngay cẩm nang du lịch TP. Hồ Chí Minh để sẵn sàng cho chuyến đi tới thành phố mang tên Bác nhé!
Ít ai biết rằng, Thành phố Hồ Chí Minh từng là một vùng đất hoang sơ mang tên Bến Nghé, sau này được khai phá và lập phủ Gia Định vào năm 1698. Tên gọi “Sài Gòn” xuất hiện chính thức từ thế kỷ 19 và từng là trung tâm hành chính - thương mại quan trọng dưới thời Pháp thuộc với biệt danh “hòn ngọc Viễn Đông”. Sau ngày đất nước thống nhất, thành phố được đổi tên thành “Thành phố Hồ Chí Minh” để đánh dấu 1 cột mốc thay đổi lớn lao. Nhưng dù tên gọi chính thức đã thay đổi thì với người dân và du khách, cái tên “Sài Gòn” vẫn rất đỗi thân thương.
Hiện nay, TP. Hồ Chí Minh là thành phố đông dân nhất Việt Nam với hơn 4,5 triệu dân nội thành và diện tích hơn 2.000 km², quy tụ hệ thống sân bay quốc tế, cảng biển, tuyến metro hiện đại. Thành phố cũng là “mảnh đất vàng” của những cơ hội với nhịp sống náo nhiệt và sự phát triển chưa bao giờ ngơi nghỉ. Có thể nói vùng đất mang tên Bác luôn chiếm 1 vị thế riêng biệt song hành với thủ đô Hà Nội khi nhắc tới Việt Nam.
Đặt chân đến Sài Gòn, bạn sẽ ngay lập tức cảm nhận được nhịp sống hối hả, hiện đại nhưng không kém phần phóng khoáng. Những tòa nhà chọc trời, khu trung tâm thương mại sang trọng, quán cà phê “chất lừ” nằm san sát bên những khu chợ truyền thống trăm năm tuổi như chợ Bến Thành, chợ Tân Định… chính là minh chứng rõ rệt cho sự giao thoa giữa cũ và mới. Sài Gòn còn là nơi tụ họp của hàng loạt nền ẩm thực từ mọi miền đất nước, tạo nên những con phố ăn uống sầm uất hoạt động đến tận khuya. Đặc biệt, phố đi bộ Nguyễn Huệ và phố Tây Bùi Viện luôn sáng đèn, thu hút người trẻ và du khách với đủ loại hình giải trí về đêm.
Nằm ngay trung tâm Quận 1, Dinh Độc Lập hay còn gọi là Dinh Thống Nhất là điểm đến không thể bỏ qua khi ghé thăm TP. Hồ Chí Minh. Công trình được xây dựng từ năm 1868, nổi bật với kiến trúc 3 tầng chính, 2 tầng hầm, gác lửng và sân thượng trên diện tích 12ha. Nơi đây từng là dinh thự của Thống đốc Pháp, sau đó trở thành dấu ấn lịch sử gắn liền với ngày đất nước thống nhất 30/4/1975.
Dinh mở cửa đón khách với giá vé chỉ từ 10.000 – 65.000 đồng, cho phép bạn khám phá hơn 100 căn phòng mang phong cách khác nhau cùng nhiều tác phẩm nghệ thuật đặc sắc. Chỉ cần 2 tiếng thăm quan dinh, bạn sẽ dễ dàng cảm nhận được bầu không khí trầm mặc của lịch sử hòa quyện cùng nhịp sống sôi động của Sài Gòn hiện đại.
Địa đạo Củ Chi là một trong những điểm đến lịch sử không thể bỏ lỡ trong cẩm nang du lịch TP. Hồ Chí Minh. Cách trung tâm thành phố khoảng 70km, hệ thống đường hầm dài tới 250 km này từng là căn cứ vững chắc của quân Giải phóng trong chiến tranh. Bạn sẽ bất ngờ khi chứng kiến thiết kế thông minh của ông cha ta cùng hệ thống bẫy và cửa ngụy trang đầy đủ, tất cả đều được thực hiện bằng sức người trong những năm kháng chiến. Địa đạo đã trở thành nỗi khiếp sợ của quân đội Mỹ bên cạnh những “cái cây biết nói”.
Ngày nay, địa đạo Củ Chi đã trở thành một bảo tàng sống động, nơi bạn có thể trực tiếp chui vào hầm và cảm nhận được phần nào cuộc sống gian khổ nhưng kiên cường của người lính năm xưa. Các đoạn hầm được mở rộng để du khách phương Tây dễ di chuyển nhưng vẫn giữ nguyên không khí chật hẹp và đặc trưng. Tuy nhiên nếu bạn sợ không gian kín thì hãy cân nhắc trước khi thử bởi sự ngột ngạt trong hầm có thể khiến bạn ám ảnh.
Nhắc tới biểu tượng của thành phố và điểm đến nhất định phải có trong mọi cẩm nang du lịch TP. Hồ Chí Minh thì không thể bỏ qua chợ Bến Thành. Chợ Bến Thành là minh chứng cho 1 quá khứ sôi động bậc nhất Sài Gòn, hoạt động từ năm 1914 và nằm ngay giữa trung tâm thành phố. Không chỉ là khu chợ mua sắm sầm uất, nơi đây còn là “chứng nhân” lịch sử chứng kiến bao đổi thay của thành phố hoa lệ.
Bạn sẽ nhận ra chợ Bến Thành ngay lập tức khi nhìn thấy kiến trúc đồng hồ lớn đặc trưng tại cổng chính, cũng là điểm check - in được yêu thích của mọi du khách. Chợ mở cửa cả ngày lẫn đêm, ban ngày bày bán đa dạng các mặt hàng như quần áo, vải vóc, thủ công mỹ nghệ, đồ lưu niệm đến ẩm thực đặc sản. Buổi tối lại là thiên đường ăn uống với những gian hàng bên hông bày bán đủ món ăn đường phố hấp dẫn. Chắc chắn đây sẽ là điểm hẹn tuyệt vời để bạn cảm nhận nhịp sống địa phương đấy.
Nếu như chợ Bến Thành là biểu tượng văn hóa của TP. Hồ Chí Minh thì chợ Tân Định lại đại diện cho quá khứ tấp nập của Sài Gòn. Nằm ngay tại trung tâm quận 1, chợ Tân Định hoạt động từ năm 1926. Với kiến trúc cổng chính độc đáo, sắc hồng bắt mắt, chợ không chỉ là địa điểm mua sắm quen thuộc của người dân mà còn là “check-in spot” yêu thích của nhiều bạn trẻ và du khách nước ngoài. Tại đây, các mặt hàng nổi bật như vải vóc, quần áo may mặc sẵn và phụ kiện thời trang đều có mức giá hợp lý, đa dạng về chất liệu lẫn kiểu dáng.
Một điểm không thể bỏ qua ở chợ Tân Định chính là khu ẩm thực đầy màu sắc và hương vị. Những quầy hàng trong chợ luôn nườm nượp khách bởi các món ăn đặc sản như súp cua, bánh canh cua, bún mắm, trái cây dĩa, và đặc biệt là xôi gà với lớp thịt gà thơm, mềm, được nêm nếm đậm đà. Đến chợ Tân Định, bạn không chỉ được mua sắm thỏa thích mà còn có cơ hội thưởng thức một “bữa tiệc” vị giác đậm chất Sài Gòn xưa.
Chắc hẳn ai cũng từng nghe qua Sài Gòn - chợ Lớn, chợ Bình Tây hay còn gọi là chợ Lớn chính là địa chỉ nổi bật khi nhắc đến cẩm nang du lịch TP. Hồ Chí Minh. Đây là khu chợ tọa lạc tại phố người Hoa, được xây dựng từ năm 1930 với kiến trúc Á Đông ấn tượng. Bạn sẽ thấy đặc trưng của người Hoa tại đây với mái ngói âm dương, các chi tiết uốn lượn kiểu đình chùa và lối thiết kế giúp không khí lưu thông tự nhiên rất thoáng mát.
Ngoài kiến trúc thú vị, chợ Bình Tây còn là trung tâm đầu mối bán sỉ lớn nhất nhì TP. Hồ Chí Minh. Tại đây bạn có thể tìm thấy vô vàn mặt hàng từ thực phẩm khô, gia vị, bánh mứt Tết, đến hàng gia dụng, vải vóc… Giá cả phải chăng, không khí tấp nập cùng với nét văn hóa Hoa đặc trưng khiến nơi đây trở thành điểm dừng chân lý tưởng cho hành trình khám phá Sài Gòn xưa và nay.
Đường sách Nguyễn Văn Bình là một trong những điểm đến thú vị của thành phố, với mục đích cổ vũ văn hóa đọc và tạo không gian mở cho những người yêu sách. Nằm ngay bên hông của Bưu điện Thành phố, con đường này thu hút du khách và người dân với hơn 20 gian hàng từ các nhà xuất bản, các quán cà phê, đến khu vực trưng bày sách cũ. Đây không chỉ là nơi mua sắm và tìm hiểu sách mà còn là không gian thư giãn lý tưởng cho những ai yêu thích không khí yên tĩnh.
Nếu bạn yêu sách, hãy dành thời gian tới đây để hưởng thức những hoạt động thú vị như ra mắt sách, giao lưu tác giả với độc giả, hay tham gia các buổi tọa đàm về văn hóa và sách. Với không gian mở, mát mẻ và thoáng đãng, nơi đây hứa hẹn sẽ mang đến cho bạn những trải nghiệm thư thái trong cẩm nang du lịch TP. Hồ Chí Minh của bạn đấy!
Phố đi bộ Nguyễn Huệ là một trong những địa điểm sôi động và nổi bật nhất của Sài Gòn khi màn đêm buông xuống. Đây là con đường dài được dành riêng cho người đi bộ, với không gian thoáng đãng và những hàng quán, quán cà phê cùng các trung tâm giải trí nhộn nhịp.
Điều đặc biệt ở đây là các nhóm nghệ thuật biểu diễn tự do, từ nhạc sống, múa đến các tiết mục đường phố làm phong phú thêm bầu không khí tươi vui của thành phố. Xung quanh phố đi bộ, bạn cũng sẽ tìm thấy những điểm đến thú vị như Saigon Garden, chung cư café 42 Nguyễn Huệ, các thương hiệu trà sữa nổi tiếng hay Zone 87. Tất cả đều là những địa chỉ nổi tiếng với giới trẻ Sài Gòn mà bạn không thể bỏ qua.
Landmark 81 chính là biểu tượng mới của TP. Hồ Chí Minh và đại diện cho nhịp sống hiện đại, phát triển vượt bậc của thành phố. Đây là tòa nhà cao nhất Việt Nam cũng như Đông Nam Á được mở cửa vào năm 2019, sở hữu thiết kế độc đáo và đài quan sát SkyView từ tầng 79 đến 81 với độ cao 461,3 mét.
Tại đây, bạn sẽ được chiêm ngưỡng toàn cảnh Sài Gòn tuyệt đẹp từ trên cao và hòa mình vào bầu không khí náo nhiệt rực rỡ khi thành phố lên đèn. Hãy nhớ mang theo máy ảnh để lưu lại những khoảnh khắc ấn tượng tại Landmark 81 vì nơi này chính là thiên đường sống ảo với khung cảnh ngoạn mục của thành phố đó!
Khu vực Bùi Viện - Đề Thám - Phạm Ngũ Lão, quận 1 hay còn được gọi là phố Tây của Sài Gòn, là điểm đến không thể thiếu đối với những ai yêu thích không khí sôi động của thành phố. Khu phố này hoạt động chủ yếu từ chiều tối đến rạng sáng hôm sau, tập trung hàng trăm quán cà phê, bar, pub và các hàng ăn uống phục vụ đủ mọi sở thích.
Bạn có thể hòa mình vào dòng người hối hả và tận hưởng những cuộc vui náo nhiệt tại Bùi Viện, đồng thời tận hưởng các tiện ích công cộng miễn phí như nhà vệ sinh, wifi và trạm thông tin du lịch. Điểm đến này chắc chắn sẽ làm phong phú thêm những trải nghiệm về đêm của bạn tại TP. Hồ Chí Minh và giúp bạn hiểu tại sao Sài Gòn lại là “thành phố không ngủ”.
Phố Hoa là có thể coi là điểm đến thú vị nhất với du khách trong cẩm nang du lịch TP. Hồ Chí Minh, bởi đây là con phố này đại diện cho văn hóa và quá khứ của người Sài Gòn với sắc màu riêng biệt. Phố người Hoa trải dài ở các quận 5, 6 và 11, trong đó sôi động và nổi tiếng nhất là quận 5. Đi dọc các con đường như Trần Hưng Đạo, Châu Văn Liêm, Lương Nhữ Học…, bạn sẽ bắt gặp những dãy nhà cổ mang đậm dấu ấn kiến trúc Trung Hoa có tuổi đời gần trăm năm, cùng các hội quán, chùa chiền và nhà hàng đặc trưng. Những món ngon đậm chất người Hoa như vịt quay, phá lấu, mì kéo, dimsum hay cá viên cà ri được chế biến bởi người Hoa chính gốc là điều mà bạn nhất định không nên bỏ lỡ.
Đặc biệt, nếu đến đây vào dịp Trung thu, phố đèn lồng Lương Nhữ Học sẽ khiến bạn choáng ngợp với hàng trăm chiếc đèn rực rỡ sắc màu tỏa sáng trong đêm. Bạn cũng có thể thăm phố Đông y tượng trưng cho nét chấm phá đặc biệt, nơi tập trung hàng loạt tiệm thuốc Bắc lâu đời. Tất cả những đặc điểm này là minh chứng sống động cho một cộng đồng người Hoa gắn bó lâu dài và góp phần không nhỏ vào sự phát triển văn hóa – kinh tế của Sài Gòn.
Dành cho những ai quan tâm tới lịch sử và có 1 tình yêu nước nồng nàn, bảo tàng chứng tích chiến tranh sẽ khiến tình yêu của bạn càng thêm sâu đậm. Nằm tại quận 3, bảo tàng gây ấn tượng mạnh với du khách quốc tế, thậm chí từng lọt top 99 điểm đến hút khách nhất thế giới. Thành lập năm 1975, bảo tàng trưng bày hơn 20.000 tài liệu, hiện vật và phim ảnh liên quan đến các cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Các khu trưng bày gồm có vũ khí ngoài trời, phòng giam thời chiến, ảnh hưởng của chất độc da cam và những sự thật lịch sử. Với nguồn tài nguyên chất lượng như vậy, mức giá vé vào cửa chỉ 40.000 đồng/người quả thực là rất rẻ để bạn hiểu thêm về đất nước mình.
Ẩn mình giữa lòng quận 1 náo nhiệt, Bảo tàng Biệt động Sài Gòn là một “địa chỉ đỏ” dành cho những ai yêu thích khám phá lịch sử qua những câu chuyện chân thật và đầy cảm xúc. Tọa lạc tại tầng hai của một ngôi nhà nhỏ trên đường Trần Quang Khải, nơi từng là cơ sở hoạt động bí mật của lực lượng biệt động Sài Gòn do ông Trần Văn Lai (tức Năm Lai) phụ trách, bảo tàng này như một cánh cổng thời gian đưa bạn trở về những năm tháng chiến đấu âm thầm nhưng kiên cường.
Không gian bảo tàng tuy chỉ rộng hơn 100 m² nhưng lại chứa đựng cả một phần ký ức hào hùng của Sài Gòn xưa. Hơn 100 hiện vật được trưng bày một cách chân thực từ vật dụng sinh hoạt đến vũ khí, cùng những bộ phim ngắn về cuộc sống và chiến công của lực lượng biệt động hứa hẹn sẽ khiến bạn không khỏi xúc động và thán phục. Điều đặc biệt là lối bài trí vẫn giữ nguyên như thuở ban đầu, mang lại cảm giác chân thật đến bất ngờ. Bảo tàng mở cửa từ 7h đến 22h hằng ngày, hoàn toàn miễn phí nên đừng ngần ngại ghé qua để hiểu thêm về một mảnh ký ức gan dạ giữa lòng thành phố hiện đại nhé!
Nếu bạn muốn bắt đầu hành trình khám phá Sài Gòn từ những trang sử đầu tiên thì Bảo tàng lịch sử TP. Hồ Chí Minh chính là điểm dừng chân lý tưởng. Tọa lạc tại số 2 Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1, ngay bên cạnh Thảo Cầm Viên, bảo tàng cổ kính có tuổi đời trăm năm này mang tới cho bạn cảm giác mới lạ và gần gũi cùng 1 lúc. Đó là bởi công trình có kiến trúc pha trộn Đông Tây, với tháp bát giác sơn vàng, ngói ốp đỏ cam, hành lang rộng đón gió, đi cùng những ô cửa cao thoáng giúp chống lại cái oi bức của khí hậu phương Nam.
Bên trong bảo tàng là cả một kho báu lịch sử với hơn 36.000 hiện vật, tái hiện sinh động hành trình phát triển của dân tộc Việt Nam từ thời nguyên thủy đến năm 1945. Ngoài ra, du khách còn có thể khám phá các nền văn hóa cổ như Óc Eo, Champa và Khmer qua những hiện vật quý hiếm đầy tính nghệ thuật. Với vé tham quan chỉ 30.000 đồng và khung giờ mở cửa từ sáng đến chiều, đây chắc chắn là một nơi “đáng đồng tiền bát gạo” để bạn hiểu hơn về cội nguồn Việt Nam và cả về hành trình phát triển của thành phố mang tên Bác.
Giống như mọi thành phố lớn khác, TP. Hồ Chí Minh có bưu điện trung tâm từ lâu đời. Đây là 1 công trình kiến trúc cổ kính có từ cuối thế kỷ 19 mang đậm dấu ấn Pháp tọa lạc tại Công trường Paris, quận 1. Đây là bưu điện lớn nhất Việt Nam và vẫn còn hoạt động cho đến nay.
Với mái vòm cao, trần nhà đắp nổi chân dung thần Mercury – biểu tượng của giao tiếp, công trình này sẽ khiến bạn liên tưởng đến ga tàu Orsay ở Paris. Càng tuyệt hơn khi công trình nằm đối diện Nhà thờ Đức Bà, tạo nên một cụm kiến trúc Pháp tuyệt đẹp giữa lòng thành phố.
Nằm ngay giữa trung tâm quận 1, Nhà thờ Đức Bà không chỉ là một công trình tôn giáo mà còn là trái tim của Sài Gòn hoa lệ suốt hơn một thế kỷ qua. Được khởi công từ năm 1877 và hoàn thành vào năm 1880, nhà thờ do kiến trúc sư người Pháp J. Bourard thiết kế mang đậm phong cách Roman pha chút Gothic cổ điển. Từ mái ngói đỏ rực đến hai tháp chuông cao vút, từng chi tiết đều toát lên vẻ đẹp thanh thoát, trang nghiêm mà ai đi ngang qua cũng phải ngước nhìn.
Bước vào bên trong, bạn sẽ thấy không gian thánh đường rộng lớn với chiều dài 93 mét, chiều rộng đến 35 mét, có thể chứa tới 1.200 người. Dù hiện nay nhà thờ đang trong quá trình trùng tu nhưng mặt tiền vẫn là một background sống ảo "huyền thoại" không thể thiếu trong hành trình khám phá Sài Gòn. Đặc biệt, bốn con đường giao nhau trước nhà thờ trùng hợp tạo thành hình thánh giá rất thú vị. Nếu có thời gian, bạn hãy ghé thăm nơi đây vào buổi sáng tinh khôi hay chiều hoàng hôn để cảm nhận rõ vẻ đẹp vừa thiêng liêng, vừa nên thơ giữa lòng thành phố năng động này nhé!
Thêm 1 địa chỉ mang đậm kiến trúc Pháp sang trọng và cổ kính tại quận 1 mà bạn có thể kết hợp thăm quan trong cẩm nang du lịch TP. Hồ Chí minh. Nhà hát thành phố được khánh thành năm 1900, thiết kế bởi kiến trúc sư Eugène Feret với mục đích là nơi giải trí cho tầng lớp thượng lưu và quan chức Pháp tại Sài Gòn lúc bấy giờ. Bởi vậy không bất ngờ khi các chi tiết trong nhà hát đều được truyền cảm hứng bởi những công trình đình đám tại Paris lúc bấy giờ, điển hình là nhà hát nổi tiếng Petit Palais. Đặc biệt, nhà hát là công trình duy nhất ở thành phố được lợp bằng dòng ngói Ardoise.
Nếu bạn chỉ có 1 ngày để du lịch thì trong cẩm nang du lịch TP. Hồ Chí Minh sẽ không thể thiếu bến cảng Nhà Rồng - điểm đến mang đậm dấu ấn lịch sử và lòng tự hào dân tộc. Tọa lạc tại số 1 Nguyễn Tất Thành, quận 4, Bến Nhà Rồng là nơi vào ngày 5/6/1911, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành đã rời đất nước trên con tàu Amiral Latouche Tréville để bắt đầu hành trình tìm đường cứu nước. Chính khoảnh khắc lịch sử ấy đã biến nơi đây thành một biểu tượng thiêng liêng, ghi dấu bước chân đầu tiên trên con đường dẫn đến độc lập dân tộc.
Giữa lòng thành phố hiện đại sôi động, bến cảng với lối kiến trúc Pháp cổ kính nổi bật bởi mái ngói đỏ và hình rồng chầu mặt trời vẫn sừng sững, trầm mặc như một chứng nhân của thời gian. Đến đây, bạn không chỉ được lắng nghe những câu chuyện lịch sử hào hùng mà còn có thể thỏa sức “check-in” sống ảo bên khung cảnh đầy chất hoài cổ. Nếu bạn yêu lịch sử, mê những công trình kiến trúc xưa cũ và muốn ghi lại một dấu ấn đặc biệt trong hành trình khám phá Sài Gòn thì hãy thử khám phá Bến Nhà Rồng xem sao nhé!
Kết thúc hành trình khám phá những điểm đến mang tính văn hóa, lịch sử, đã đến lúc bạn “đổi gió” một chút với không khí vui nhộn, trẻ trung tại khu du lịch Suối Tiên. Tọa lạc tại số 120 Xa Lộ Hà Nội, phường Tân Phú, quận 9, Suối Tiên là một tổ hợp giải trí quy mô lớn mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Ngay khi bước vào cổng, bạn sẽ bị choáng ngợp bởi cảnh quan hoành tráng, nổi bật là dòng suối uốn lượn dài tới 2.000m như một dải lụa trong xanh vắt ngang khuôn viên. Bao quanh đó là 4 khu hoạt cảnh đại diện cho Tứ linh: Long Lân Quy Phụng, gắn liền với triết lý ngũ hành Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ – vừa kỳ ảo, vừa đậm chất tâm linh Á Đông.
Nhưng Suối Tiên không chỉ dừng lại ở đó. Nơi đây còn là thiên đường giải trí đúng nghĩa với hơn 150 công trình vui chơi đẳng cấp quốc tế. Bạn có thể thử những trò chơi cảm giác mạnh, khu công viên nước, rạp chiếu phim 4D, đến các khu lễ hội, sân khấu văn hóa dân gian và các hoạt động biểu diễn sôi động quanh năm.
Thêm 1 điểm đến quen thuộc với tuổi thơ của những bạn trẻ TP. Hồ Chí Minh mang tên Đầm Sen. Công viên nước này là thiên đường giải trí mùa hè giữa lòng Sài Gòn, tọa lạc trong khuôn viên khu du lịch Đầm Sen với không gian rộng lớn và hệ thống cây xanh phủ khắp, tạo nên một “ốc đảo” thật sự giữa thành phố náo nhiệt. Ngay khi bước vào, bạn sẽ cảm nhận được không khí mát mẻ dễ chịu như đang ở giữa một khu rừng nhiệt đới thực thụ, cực kỳ lý tưởng cho những ngày nắng nóng.
Điểm nhấn của công viên là hơn 36 trò chơi dưới nước hiện đại trải đều trên diện tích lên đến 3.000m². Từ dòng sông lười nhẹ nhàng, hồ tạo sóng “sóng sánh” như biển thật đến các máng trượt uốn lượn đầy thách thức – Công viên nước Đầm Sen có đầy đủ cấp độ từ nhẹ nhàng thư giãn đến cảm giác mạnh “thót tim”, đáp ứng mọi sở thích của người lớn lẫn trẻ nhỏ.
TP. Hồ Chí Minh nổi tiếng với những công trình sầm uất và tụ điểm vui chơi nhưng vẫn không thiếu chốn thanh tịnh để bạn thả lỏng thư giãn. Chùa Ngọc Hoàng chính là điểm dừng chân cuối trong hành trình du lịch của bạn. Trước đây chùa có tên gọi là Phước Hải, được xây dựng từ đầu thế kỷ 20 bởi 1 người Hoa. Ngay khi đặt chân đến, bạn sẽ cảm nhận được một không gian tĩnh lặng, trầm mặc, hoàn toàn khác biệt với sự nhộn nhịp bên ngoài. Kiến trúc chùa chủ yếu được xây bằng gạch nung, các mái ngói âm dương và chi tiết trang trí công phu, sắc nét từ tượng Phật đến tranh thờ đều toát lên vẻ linh thiêng, huyền bí.
Không chỉ là điểm tham quan lý tưởng cho những ai yêu thích văn hóa và tín ngưỡng Á Đông, chùa Ngọc Hoàng còn nổi tiếng là nơi cầu con, cầu duyên rất linh thiêng, được nhiều người dân và du khách tin tưởng tìm đến. Bạn sẽ thấy rất nhiều người thành tâm tới cầu nguyện, vãn cảnh, nhưng vẫn giữ được vẻ thanh tịnh và hương khói nhẹ nhàng.
Thời tiết TP.HCM thuộc nhiệt đới gió mùa cận xích đạo nên bạn có thể cảm nhận sự ấm áp, dễ chịu quanh năm. Đây cũng chính là một ưu điểm lớn khiến thành phố này trở thành điểm đến lý tưởng cho du khách bốn phương.
Bạn sẽ cảm nhận hai mùa rõ rệt tại TP. Hồ Chí Minh: mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11 và mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4. Mùa khô trời xanh, nắng nhẹ, không khí khá dễ chịu, rất thích hợp để khám phá các địa danh ngoài trời. Trong khi đó, mùa mưa dù có những cơn mưa rào bất chợt nhưng cũng không làm gián đoạn quá lâu hành trình khám phá, đặc biệt là khi bạn đã thủ sẵn một chiếc ô hoặc áo mưa mỏng trong balo.
Nhiệt độ trung bình vào khoảng 27°C, có thể lên hơn 40°C vào những ngày hè nhưng không quá gay gắt như miền Bắc nhờ độ ẩm ổn định và gió chiều mát mẻ. Chính vì vậy, du lịch Sài Gòn không có “mùa thấp điểm”, bạn có thể yên tâm lên kế hoạch ghé thăm bất cứ lúc nào trong năm.
TP. Hồ Chí Minh năng động là nơi tập trung của nền ẩm thực đa dạng và phù hợp với rất nhiều khẩu vị. Không dễ để bạn tìm được món ăn ngon nhất tại đây, khi mà chỉ cần bước ra đường là có vô số hàng quán mời gọi. Dưới đây là 1 số món ngon tiêu biểu trong cẩm nang du lịch TP. Hồ Chí Minh mà bạn có thể tham khảo trong lần đầu ghé chơi:
Nếu bạn chỉ có thể chọn một món ăn để cảm nhận “hương vị Sài Gòn” thật trọn vẹn, thì cơm tấm chắc chắn là cái tên xứng đáng nhất. Đây là món ăn mà dù sáng sớm tinh mơ, giữa trưa oi ả hay tối muộn thì người Sài Gòn vẫn luôn sẵn sàng ngồi xuống thưởng thức. Món ăn này đơn giản chỉ là những hạt gạo tấm vỡ nấu chín, kết hợp cùng miếng sườn nướng vàng ươm thơm phức, chả trứng béo ngậy, bì heo trộn thính, chan thêm mỡ hành bóng mượt và nước mắm pha ngọt. Đừng quên thêm chút đồ chua để cân bằng hương vị theo đúng cách ăn của người Sài Gòn nhé!
Ốc ở đâu cũng có nhưng ốc Sài Gòn lại là 1 kiểu văn hóa mà bạn nhất định không thể bỏ qua khi nhắc tới cẩm nang du lịch TP. Hồ Chí Minh. Dù không phải thành phố biển nhưng người Sài Gòn lại có niềm đam mê đặc biệt với ốc. Món ăn không chỉ để “ăn chơi” mà còn là cái cớ để mọi người tụ tập, chuyện trò rôm rả sau một ngày dài.
Chẳng cần sang trọng cầu kỳ, chỉ một gánh ốc nhỏ bên lề đường, vài chiếc bàn ghế nhựa thấp thấp, thế mà khi món ốc xào sa tế cay nồng, sò nướng mỡ hành thơm lừng, hột vịt lộn xào me chua ngọt được bưng ra thì ai cũng phải xuýt xoa. Cái thú của ăn ốc Sài Gòn không chỉ nằm ở vị ngon mà còn ở cái không khí rôm rả, ấm cúng, thân quen mà nó mang lại. Bạn có thể thử trải nghiệm cẩm nang du lịch TP. Hồ Chí Minh bằng cách dừng chân ở 1 quán ốc bất kỳ và thưởng thức sự ồn ào vui vẻ của thành phố này nhé!
Bánh mì Sài Gòn là 1 món ăn vừa nhanh gọn lại vừa “gây nghiện”, không mới lạ nhưng nhất định phải thử khi đặt chân đến thành phố này. Bánh mì Sài Gòn khác biệt với bánh mì Hà Nội ở phần nhân đầy đặn và sốt bơ, ớt tươi, ổ bánh mì dày đẫy đà khiến bạn no căng sau khi thưởng thức.
Không chỉ dừng lại ở bánh mì thịt nguội truyền thống, ẩm thực đường phố Sài Gòn còn khiến bạn choáng ngợp với muôn vàn biến tấu hấp dẫn: nào là bánh mì chả cá, thịt nướng, bánh mì heo quay giòn rụm, bánh mì xíu mại đậm đà,...
Hủ tiếu chính xác là món nước quốc dân trong cẩm nang du lịch TP. Hồ Chí Minh khiến ai thử một lần cũng dễ dàng ghiền ngay tắp lự. Điều đặc biệt của món ăn này là sự đa dạng đến mức… không biết chọn món nào trước: từ hủ tiếu xương đậm đà, hủ tiếu bò kho mềm thơm, đến hủ tiếu Nam Vang kiểu Campuchia “lai” vị Việt, hay hủ tiếu mực, hủ tiếu sa tế cay nồng kích thích vị giác.
Mỗi tô hủ tiếu là một cuộc hội tụ đầy ngẫu hứng của sợi bánh trắng mềm, nước dùng trong veo mà đậm vị, ăn kèm rau sống, tóp mỡ, hành phi, đôi khi thêm chút nước mắm tỏi ớt, khiến hương vị càng thêm tròn trịa. Chỉ với 1 tô hủ tiếu, bạn đã có thể cảm nhận được “hương vị” cuộc sống đời thường của người dân TP. Hồ Chí Minh - giản dị, hào sảng và không ngại thay đổi.
Chắc hẳn bạn đã quen thuộc với món Phở “quốc hồn quốc túy”, nhưng phở Sài Gòn lại là 1 phiên bản biến tấu khác biệt hoàn toàn với phở Bắc. Bởi nếu tô phở Hà Nội thanh, ngọt từ xương, ít gia vị thì phở phiên bản Nam Bộ đậm đà hơn, nhiều màu sắc hơn và phần topping cũng đa dạng bất ngờ. Khác biệt nữa chính là đĩa rau sống đầy đặn với húng quế, giá, ngò gai… Một số quán còn cho thêm tương đen, tương ớt để bạn tự pha nước chấm theo khẩu vị riêng - đây là nét cởi mở trong văn hóa ẩm thực Sài Gòn.
Bún mắm hay lẩu mắm đều là món ăn miền Tây rất nổi tiếng tại TP. Hồ Chí Minh. “Linh hồn” của món ăn này chính là nước dùng nấu từ mắm cá linh, mắm cá sặc, đi kèm với bún, tôm, mực, cá, thịt heo quay và rau sống tươi xanh. Lẩu mắm thì mang đến một trải nghiệm ăn uống đầy đủ và đậm đà hơn, khi bạn có thể tự nhúng cá, tôm, mực, cà tím, rau đắng, bông súng… trong nồi nước lẩu nóng hổi và thơm nức mùi mắm. Không phải ai cũng “phải lòng” món ăn này từ lần đầu tiên bởi mùi mắm khá nồng, nhưng 1 khi đã quen là bạn sẽ “nghiện” hương vị đậm đà này đấy!
Khi nhắc đến Củ Chi, người ta không chỉ nghĩ đến địa đạo mà còn nhớ ngay đến những quán bò tơ đông khách từ sáng đến tối. Nếu bạn đang lên kế hoạch khám phá ẩm thực trong cẩm nang du lịch TP. Hồ Chí Minh, hãy dành một bữa để “lạc trôi” về Củ Chi và thưởng thức bò tơ trong không gian mộc mạc, dân dã đúng chất miền quê Nam Bộ.
Khác với thịt bò thông thường, bò tơ là bò non, thịt mềm, ngọt và ít mỡ nên khi chế biến lên có hương vị rất riêng. Từ bò tơ, người ta có thể làm ra đủ món hấp dẫn như bò nướng mộc, bò hấp cuốn bánh tráng, gỏi bò, lẩu bò… nhưng ngon và nổi tiếng nhất vẫn là bò tơ nướng than hồng chấm cùng chao hoặc mắm nêm pha chuẩn vị.
Bánh canh là một trong những món ăn được người Sài Gòn yêu thích không kém gì hủ tiếu hay phở. Tô bánh canh nóng hổi với sợi bánh dai mềm, chả cá, chả cua đậm đà hòa quyện trong nước dùng ngọt thanh. Với người Sài Gòn, bánh canh có nhiều biến tấu phong phú: bánh canh cua, bánh canh giò heo, bánh canh chả cá, bánh canh tôm, thậm chí có cả bánh canh vịt. Mỗi loại mang một nét riêng nhưng điểm chung là dễ ăn, đậm đà và thơm ngon khó cưỡng.
Bột chiên là món ăn vặt thú vị và mới lạ khi bạn tìm hiểu về cẩm nang du lịch TP. Hồ Chí Minh. Nhưng với người dân thành phố này thì bột chiên lại vô cùng quen thuộc, gợi nhớ cả một bầu trời tuổi thơ của bao thế hệ. Món ăn này gắn liền với hình ảnh những chiếc xe đẩy nghi ngút khói, mùi thơm nức mũi bốc lên từ chiếc chảo gang to trên lửa riu riu hấp dẫn từ cái nhìn đầu tiên.
Bột chiên có nguyên liệu đơn giản từ bột gạo (hoặc bột năng pha gạo) hấp chín, cắt miếng vuông rồi chiên giòn đều các mặt. Khi bột đã vàng ươm, giòn rụm bên ngoài mà vẫn mềm dẻo bên trong, người bán sẽ đập thêm trứng gà hoặc trứng vịt vào chảo, đảo sơ cho trứng áo đều từng miếng bột. Ăn kèm là đu đủ bào sợi giòn giòn, hành lá thơm lừng, và tất nhiên không thể thiếu nước tương pha mặn ngọt chua cay rất thú vị. Nếu có dịp ăn món ăn này, hãy thêm chút tương ớt và thưởng thức ngay dĩa bột chiên giòn tan nhé!
Tré trộn là một trong những món ăn vặt “gây nghiện” của giới trẻ TP. Hồ Chí Minh. Món ăn tuy có nguồn gốc từ miền Trung nhưng khi vào đến Sài Gòn đã được biến tấu để hợp khẩu vị hơn, trở thành một phần không thể thiếu trong bản đồ ẩm thực đường phố. Một phần tré trộn thường có tré làm từ tai heo, da heo, thịt heo ủ lên men, trộn cùng xoài xanh bào sợi, rau răm, đậu phộng rang, nước tắc và một ít tương ớt cay nồng. Tất cả hòa quyện lại tạo nên vị chua cay mặn ngọt và giòn rôm rốp cực kỳ bắt miệng.
Là thành phố “đầu tàu” kinh tế và văn hóa nên TP. Hồ Chí Minh có rất nhiều lựa chọn quà tặng cho bạn thỏa sức mua sắm. Nhưng nếu có thể thì cẩm nang du lịch TP. Hồ Chí Minh khuyên bạn nên chọn những món đặc sản nổi bật tại đây như bánh pía sầu riêng hay bánh tráng. Còn nếu bạn đã quá quen thuộc với 2 món ăn này thì có thể chuyển sang bánh tét lá cẩm, trà Phúc Long cũng rất đặc trưng với người Sài Gòn.
Nếu có dịp ghé các chợ truyền thống lâu đời, các thực phẩm khô như khô cá dứa, khô cá lóc, nai hay bò 1 nắng cũng là quà tặng dân dã thú vị mà bạn có thể tham khảo. Ngoài ra thì các loại hạt như hạt sen, hạt é, mủ trôm… sẽ thích hợp để bạn mua số lượng lớn về làm quà cho những người thân thiết ở nhiều độ tuổi.
TP. Hồ Chí Minh sôi động và cởi mở luôn chào đón khách du lịch tới khám phá. Vậy nên nếu bạn có ý định di chuyển tới 1 thành phố thú vị sắp tới thì có thể cân nhắc tới những thông tin trong cẩm nang du lịch TP. Hồ Chí Minh nhé!
Linh Meo