Hội quán của người Hoa ở TP HCM nổi bật với nét kiến trúc độc đáo cùng giá trị văn hóa, lịch sử lâu đời luôn là điểm đến tham quan du lịch thú vị được nhiều du khách lựa chọn ghé thăm khám phá.
TP. Hồ Chí Minh là một trong những tỉnh thành ở miền Nam còn lưu giữ nhiều công trình hội quán mang đậm dấu ấn văn hóa Trung Hoa độc đáo. Các điểm đến này ngày nay thu hút nhiều du khách thập phương ghé thăm tham quan, chiêm ngưỡng kiến trúc và tìm hiểu nét đặc trưng văn hóa thú vị.
Nếu bạn có dự định ghé thăm tham quan các hội quán của người Hoa ở TP HCM trong thời gian tới thì đừng quên tìm hiểu trước thông tin thú vị liên quan đến những công trình độc đáo này nhé.
Ở Trung Quốc, hội quán được cho là xuất hiện từ thời nhà Minh. Các hội quán này thưở sơ khai hoạt động như một nơi ăn ở tạm thời cho các thí sinh về kinh đô dự thi; những thương nhân là đồng hương đi buôn bán xa nhà có nơi hội họp, bàn chuyện làm ăn và lưu trú.
Do nhiều biến động xảy ra, một bộ phận người Hoa di cư đến Việt Nam và định cư ngày càng tăng. Vốn có truyền thống thương nghiệp, người Hoa thường chọn các nơi sầm uất, thuận lợi làm ăn buôn bán. Tại Sài Gòn, nay là TP. Hồ Chí Minh, khu vực người Hoa tụ hội kinh doanh phát triển nhất là Chợ Lớn.
Tập quán của người Hoa rất coi trọng hoạt động tâm linh, sinh hoạt và gắn kết cộng đồng. Họ sống với nhau trong những đoàn thể dưới hình thức hội quán, hội đồng hương để gặp gỡ và giúp đỡ nhau. Các hội quán của người Hoa ở TP HCM đến nay vẫn hoạt động, không chỉ làm chỗ dựa tinh thần mà còn là điểm đến du lịch, tìm hiểu văn hóa thu hút đông du khách ghé thăm.
Hội quán Ôn Lăng hay chùa bà Ôn Lăng, chùa Quan Âm là một điểm đến du lịch TP. Hồ Chí Minh không còn xa lạ với nhiều du khách. Nơi đây ngày trước là chỗ bàn việc công, thờ thần, tương trợ đồng hương và chỉnh đốn phong tục của người Hoa ở phủ Tuyền Châu, Phúc Kiến, Trung Quốc.
Kiến trúc là điểm nhấn ấn tượng của hội quán của người Hoa ở TP HCM. Công trình được xây dựng trong không gian khuôn viên rộng 1.800m2; thiết kế theo kiểu miếu cổ của Trung Hoa với những chi tiết đặc trưng như bộ khung chịu lực làm bằng gỗ, mái lợp ngói ống, bờ nóc uốn cong, gắn các mô hình bằng gốm…Bên trong hội quán có nhiều bàn thờ và tượng thờ cùng các bức phù điêu gỗ được sơn son thếp vàng vô cùng tinh xảo.
Tại hội quán Ôn Lăng có nhiều phong tục, lễ độc đáo được duy trì như “đánh kẻ tiểu nhân” - người đến lễ bái sẽ dùng giày dép đập vào những hình nhân làm bằng giấy tượng trưng cho kẻ xấu (diễn ra vào ngày 5, 6 tháng 3 dương lịch hàng năm) hay lễ cầu tình duyên – ai đến cầu duyên phải mua thêm cuộn chỉ đỏ, bên trên được cắm kim đã luồn sẵn sợi rồi đặt tại bàn thờ Hoa Phấn phu nhân.
Hội quán Nhị Phủ nghe có vẻ xa lạ nhưng thật ra đây chính là ngôi chùa Ông Bổn – điểm đến du lịch văn hóa quen thuộc tại TP. Hồ Chí Minh. Ngôi chùa được biết đến là nơi thờ cúng của người Hoa tồn tại lâu năm nhất ở Sài thành.
Hội quán Nhị Phủ do người Hoa xây dựng trên đất Đề Ngạn xưa (nay là Chợ Lớn) vào khoảng đầu thế kỷ 18. Nơi đây thờ cúng Ông Bổn, tức Chu Đạt Quan là một viên quan nhà Nguyên (Trung Quốc) được người Phúc Kiến tôn là Bổn Đầu Công – vị thần bảo vệ đất đai và con người.
Hàng năm tại hội quán của người Hoa ở TP HCM này tổ chức rất nhiều lễ hội nhưng quan trọng nhất vẫn là hội rằm tháng Giêng và tháng Tám – ngày sinh và ngày hoá của Ông Bổn. Vào ngày hội, chùa thu hút đông người dân lẫn du khách ghé thăm chiêm bái, tham quan và ngắm nhìn các hiện vật quý như trống chầu, tượng kỳ lân bằng đá…
Đối với những vị khách từng tham gia tour du lịch TP. Hồ Chí Minh chắc hẳn không còn xa lạ với chùa Bà Thiên Hậu nằm ở quận 5. Ngôi chùa còn có một tên gọi khác là hội quán Tuệ Thành.
Cẩm nang du lịch TP. Hồ Chí Minh cho biết, hội quán Tuệ Thành là một trong những nơi thờ cúng lâu đời nhất của cộng đồng người Hoa tại Sài Gòn. Công trình do một nhóm người Hoa gốc Tuệ Thành (tức Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông) di dân sang Việt Nam góp vốn và xây dựng. Quá trình xây dựng, tu bổ diễn ra quá lâu nên thời gian hội quán xuất hiện được ước tính là vào năm 1760.
Hội quán của người Hoa ở TP HCM thờ bà Thiên Hậu - một nhân vật có thật sống ở thời nhà Tống, Trung Quốc. Bà là người có tài năng thiên phú về thiên văn, thường dùng khả năng phi thường của mình để đoán định thời tiết, giúp ngư phủ tránh khỏi tai ương.
Ngôi chùa được biết đến là nơi xin xăm cầu nguyên vô cùng linh ứng nên thường thu hút người dân, du khách khắp nơi đến thắp nhang, đọc văn khấn Bà, ghi lại nguyện ước và treo lên. Ngoài ra, từ 22 đến 24/3 Âm lịch sẽ diễn ra lễ vía Bà Thiên Hậu với nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc như múa rồng, múa lân…nên nếu bạn sắp xếp được thời gian thì đừng quên ghé thăm hội quán để trẩy hội nhé.
Hội quán Phước An hay còn được biết đến với tên gọi là chùa Minh Hương. Đây là công trình được xây dựng muộn hơn so với các hội quán khác nhưng không hề thua kém về mặt giá trị kiến trúc, đặc biệt là nghệ thuật chạm khắc gỗ.
Theo sử sách ghi lại, hội quán của người Hoa ở TP HCM này do nhánh người Minh Hương nguyên quán ở 7 phủ thuộc 3 tỉnh Quảng Đông, Phước Kiến, Triết Giang (Trung quốc) xây dựng trên cơ sở vật chất của hội quán An Hòa từ năm 1865. Đến năm 1902, công trình được xây dựng, tu sửa lại với quy mô như hiện tại.
Hội quán Phước An có khuôn viên rộng gần 1.000 m2 với các công trình chính nằm theo trục dọc, gồm chính điện ở phía Bắc, tiền điện ở phía Nam và trung điện nằm giữa. Vẻ đẹp kiến trúc cổ kính của hội quán thu hút nhiều du khách ghé thăm tham quan, chiêm ngưỡng.
>>Xem thêm: Trải nghiệm bắn súng thật, đạn thật tại trường bắn Củ Chi TP HCM
Các hội quán của người Hoa ở TP HCM là điểm đến tham quan thú vị mà bạn không nên bỏ lỡ trong hành trình khám phá văn hóa Sài thành.
Thu Hằng