Hoa gạo gắn liền với làng quê Bắc Bộ bởi gần như nơi nào cũng có một cây, thường ở đầu làng hoặc chơ vơ giữa đồng. Cứ mỗi độ tháng 3 về, chùa Thầy Hà Nội lại như khoác lên mình một vẻ đẹp vừa thanh tịnh lại vừa lãng mạn. Hoa gạo nở như ngầm báo hiệu những đợt rét cuối cùng của mùa đông sẽ qua và một mùa hè sắp đến.
"Bao giờ cho đến tháng ba
Hoa gạo rụng xuống bà già cất chăn"
Cây gạo còn có tên gọi khác là mộc miên, hồng miên hay pơ lang. Đây là loài cây ở vùng nhiệt đới với thân cây cao và thẳng, lá rụng vào mùa đông. Hoa gạo màu đỏ với 5 cánh hoa mọc vào mùa xuân trước khi cây ra lá non. Quả nhỏ chứa các sợi tương tự như sợi bông.
Thân cây có gai để ngăn cản sự tấn công của động vật nhưng gỗ của nó lại mềm. Loài cây này có lẽ có nguồn gốc ở Ấn Độ nhưng hiện nay nó được trồng rộng rãi ở các bang của Malaysia, Indonesia, miền nam Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan và Việt Nam.
Các sợi bông của nó cũng được dùng như là vật thay thế cho sợi bông của cây bông. Hoa của nó được dùng trong một số loại trà thuốc của người Trung Quốc.
Hoa gạo có sự tích ra đời buồn và lãng mạn. Truyền thuyết dân gian kể rằng ngày xưa có đôi uyên ương chuẩn bị hôn lễ thì gặp mưa to lũ lớn, cuốn trôi hết lễ vật của họ nhà trai. Chàng bèn lên trời khiếu nại, chẳng dè Ngọc Hoàng giữ lại làm thần mưa nhằm điều tiết lượng mưa, nàng ở lại dưới trần ngày đêm vò võ trông đợi.
Một ngày tháng 3, Ngọc Hoàng thương xót cho nàng một điều ước, nàng xin được biến thành một loài cây có rễ bám thật sâu vào lòng đất, thân to, vươn lên trời cao để nàng có thể nhìn thấy chàng, đặc biệt cây có hoa đỏ tươi năm cánh là hình ảnh của kỷ vật hẹn thề chàng trao tặng. Điều ước toại nguyện, từ đó hằng năm, vào tháng 3 hoa gạo trổ hoa đỏ thắm thôn làng.
Hoa gạo không chỉ là loài hoa đẹp mà còn có công dụng chữa bệnh rất tốt. Theo Đông y, nhiều bộ phận của cây hoa gạo được sử dụng làm thuốc như hoa gạo, vỏ cây, rễ.
Chùa Thầy nằm dưới chân một dải núi đá vôi hình vòng cung nổi lên giữa vùng đồng bằng xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội. Từ lâu, chùa đã nổi tiếng không chỉ ở truyền thuyết kỳ ảo, linh thiêng xung quanh cuộc đời thiền sư Từ Đạo Hạnh, mà còn bởi vẻ đẹp của kiến trúc, non nước hữu tình, cảnh trí như chốn bồng lai.
Chùa Thầy tọa lạc ở xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội. Ảnh: vnexpress
Ngôi chùa này gắn liền với vị thiền sư Từ Đạo Hạnh, người có công lớn trong việc dạy học, chữa bệnh cho dân và sáng lập ra bộ môn múa rối nước.
Chùa Thầy Hà Nội là một quần thể kiến trúc gồm: Chùa Hạ, chùa Trung, chùa Thượng, gác Chuông, gác Trống, chùa Cao, chùa Một Mái, chùa Long Đẩu, đền Thượng, đền Quán Thánh, đền Văn Xương, quán Hoàng Xá…
Chùa Hạ là nơi lễ bái của các tăng ni phật tử và là nơi giảng đạo của các nhà sư, còn chùa Trung là nơi thờ Tam Bảo. Lớn nhất, to nhất là chùa Thượng - nơi đặt ba pho tượng chuyển kiếp của thiền sư Từ Đạo Hạnh. Ở chính giữa là ngôi bảo điện đồ sộ được trang hoàng rất nguy nga. Phía trên đặt hòm sắc linh triều tôn phong của thiền sư.
GỢI Ý TOUR DU LỊCH HÀ NỘI KHUYẾN MÃI
>> Du Lịch Tam Đảo - Tây Thiên 1 Ngày giá từ 490.000đ >> Du Lịch Nam Định - Đền Trần - Phủ Giầy - Cổ Lễ 1 Ngày - Du Xuân Đầu Năm giá từ 590.000đ |
Cách trung tâm Hà Nội khoảng trên dưới 20km, tùy vị trí địa điểm xuất phát nên theo kinh nghiệm đi chùa Thầy thì các bạn có thể sử dụng phương tiện cá nhân để di chuyển tới chùa Thầy.
- Nếu đi ô tô, các bạn sử dụng tuyến đường Đại lộ Thăng Long (CT08) tới nút giao Sài Sơn thì rẽ ra khỏi cao tốc, đi về phía bên phải khoảng 3km nữa sẽ thấy các thông tin chỉ dẫn phân làn phương tiện vào nơi gửi xe.
- Nếu đi bằng phương tiện xe máy, các bạn đi men theo đường gom Đại lộ Thăng Long (trên Đại lộ Thăng Long cấm xe máy, các bạn lưu ý không đi vào để đảm bảo an toàn), từ ngã 4 Big C - Trần Duy Hưng đến điểm rẽ vào Chùa Thầy khoảng 15km.
- Nếu muốn du lịch chùa Thầy bằng phương tiện công cộng, các bạn có thể sử dụng xe buýt. Hiện từ trung tâm Hà Nội các bạn có thể tới cửa chùa Thầy bằng tuyến buýt CNG01 có lộ trình Bến xe Mỹ Đình - Bến xe Sơn Tây, xe sẽ dừng ngay cổng vào của khu di tích Chùa Thầy.
Tháng 3 về, những cây gạo trước sân của ngôi chùa Thầy cổ kính gần 1.000 tuổi lại rực nở như tô điểm thêm cho ngôi chùa này thêm phần tôn nghiêm mà ít nơi nào có được.
Toàn cảnh sân chùa, hồ nước, Thủy Đình và những cây hoa gạo nhìn từ trên núi Sài Sơn. Tương truyền, chùa được xây dựng trên thế đất hình rồng, quay mặt về hướng Nam. Phía trước chùa, bên trái là ngọn Long Đẩu, lưng chùa và bên phải dựa vào núi Sài Sơn.
Nhành hoa gạo sà xuống trước thủy đình trên hồ. Đây là kiến trúc biểu tượng của chùa Thầy. Thủy Đình cổ kính, rêu phong, được ví là viên ngọc giữa miệng rồng. Vào những ngày lễ hội, nơi này trở thành sân khấu của các nghệ sĩ múa rối nước.
Trong mùa hoa gạo ở chùa Thầy, cây rụng hết lá, chỉ có những bông hoa đỏ rực trên cành, nổi bật trên nền xanh của núi. Cây gạo tại đây được cho là đặc biệt hơn bởi có cành hoa rủ xuống.
Ngoài chùa Thầy, cây hoa gạo được trồng nhiều ở công viên, hè phố, làng quê và những công trình tâm linh như đền, chùa tại các địa phương khác gần Hà Nội như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Giang...
Nếu bạn đang muốn tìm một chốn bình yên để cho tâm hồn được thanh tịnh và an yên thì ghé thăm Quốc Oai ngắm hoa gạo nở ở chùa Thầy là một lựa chọn lý tưởng. Du lịch Hà Nội, đừng bỏ qua cơ hội khám phá điểm đến tâm linh này để có thêm nhiều trải nghiệm thú vị.
Xem thêm: "Gom góp hồi ức ấu thơ" với sắc đỏ hoa gạo cùng những mùa hoa tháng 3 trên đất Việt |
Hương Dương